Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

NHÌN LẠI MỘT NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 158/2005/ND-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH

Ngày 27/12/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2005/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 01/4/2006) thay thế cho Nghị định 83/1998/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Qua hơn 1 năm thực hiện đã được được một số kết quả bước đầu. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước ổn đinh và đi vào nề nếp. Cơ sở vật chất bước đầu được cải thiện. Người dân đã nhận thức tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sữa chữa, thêm, bớt. Tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch. Không còn tình trạng "sinh không khai, tử không báo" như trước đây.

Cán bộ hộ tịch cấp xã đã xác định được tầm quan trọng của công tác này nên đã tuân thủ trình tự, thủ tục của Nghị định. Nghiệp vụ được nâng cao nên thụ lý giải quyết nhanh chóng, hướng dẫn rõ ràng cho dân nên không có khiếu nại về hộ tịch.

Kết quả một năm thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch của thành phố Đồng Hới thể hiện qua số liệu cụ thể sau: UBND thành phố đã thực hiện cấp lại bản chính giấy khai sinh cho144 trường hợp; Thay đổi CCHT cho116 trường hợp. UBND xã, phường: đăng ký khai sinh 2852 ­­trường hợp; kết hôn: 990 tr­­ường hợp; Đăng ký tử: 560 trư­­ờng hợp. Đăng ký lại: 8 trường hợp và thay đổi cải chính hộ tịch: 156  tr­ường hợp.

So với Nghị định 83/CP thì Nghị định 158 đã tháo gỡ những vướng mắc trên thực tế mà Nghị định 83 chưa giải quyết được. Đó là: đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc phù hợp với tinh thần cải cách hành chính, thuận tiện cho người dân.

Để thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, trước hết phải làm cho cán bộ và nhân dân hiểu biết về mục đích, ý nghĩa của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; quyền và nghĩa vụ công dân về đăng ký hộ tịch... Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch có vai trò và ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với công tác hộ tịch. Vì thế trước ngày Nghị định có hiệu lực phòng Tư pháp thành phố Đồng Hới đã tham m­ưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố tổ chức hội nghị triển khai và tổ chức lớp tập huấn cho lãnh đạo UBND, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch cấp xã, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân trên địa bàn thành phố.

Nghị định 158 có nhiều điểm mới, đặc biệt việc phân cấp cho UBND các xã, phường  thực hiện việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân dưới 14 tuổi. UBND cấp huyện thực hiện việc cấp bản chính giấy khai sinh và thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân từ 14 tuổi trở lên.  Đây là việc mới, lần đầu thực hiện lại chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi thực hiện còn gặp phải vướng mắc:

Nhiều tr­ường hợp cải chính họ tên, chữ đệm và các nội dung khác trong Giấy khai sinh là để hợp pháp hóa hồ sơ hiện tại do công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trước đây còn lỏng lẻo, do người dân chưa hiểu biết quy định pháp luật về hộ tịch. Không thụ lý giải quyết thì công dân rất khó khăn trong việc phải thay đổi tất cả các loại giấy tờ tuỳ thân. Nếu cho phép cải chính thì không đảm bảo nguyên tắc của Nghị định 158/ 2005/ NĐ-CP: “ Mọi giấy tờ đều phải phù hợp giấy khai sinh”.

.           Sổ đăng ký hộ tịch hiện đang lưu trữ ghi chép không đầy đủ, rõ ràng, thiếu nhiều nội dung như: mục phần khai về cha mẹ trong sổ đăng ký khai sinh có đơn vị chỉ ghi về cha hoặc mẹ; cấp giấy khai sinh không ghi số, quyển số hoặc cấp bản chính nhưng không vào sổ hộ tịch. Số gốc và bản chính giấy khai sinh  không trùng nhau...

Việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân có nhiều nơi tạm trú khác nhau còn gặp nhiều khó khăn do không đủ điều kiện, thời gian để xác minh.

Nghị định 158/ 2005/ NĐ-CP chưa quy định cụ thể như:  Được cấp lại mấy lần bản chính Giấy khai sinh, nội dung xác nhận thay đổi, cải chính hộ tịch...

Về trách nhiệm phối hợp trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến hộ tịch tại khoản 2 Điều 99 chỉ mới quy định Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp mà bỏ sót Bộ Giáo dục-Đào tạo trong khi trên thực tế việc điều chỉnh văn bằng, chứng chỉ cho phù hợp với giấy tờ hộ tịch là rất lớn. Do quy chế quản lý văn bằng chỉ cấp một lần nên khi có sai sót hoặc cần đính chính thì chưa được thụ lý giải quyết do chưa có văn bản hướng dẫn của ngành. Khó khăn cho công dân trong trường hợp có sai lệch giữa văn bằng, chứng chỉ với giấy tờ hộ tịch.

Việc đăng ký lại việc sinh theo quy định tại Đ 46 NĐ: chỉ giải quyết trong trường hợp sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được. Về thủ tục: trong trường hợp xuất trình được bản sao khai sinh hợp lệ thì không cần phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký khai sinh trước đây. Như vậy, nếu công dân xin đăng ký lại tại nơi thường trú hiện tại để đảm bảo đúng nguyên tắc quy định tại Đ 46 NĐ thì cán bộ tư pháp phải trực tiếp đi xác minh hoặc gửi công văn đề nghị xác minh sẽ không đảm bảo về thời gian và kinh phí thực hiện. Bên cạnh những vướng mắc thì công tác đăng ký, quản lý hộ tịch công gặp phải một số khó khăn:

Khó khăn về con người thực hiện nhiệm vụ: Cán bộ t­­ư pháp ngoài nhiệm vụ đăng ký hộ tịch còn phải thực hiện chứng thực theo Nghị định 79/2007/ NĐ-CP trong khi hầu hết chỉ có 1 cán bộ t­ư pháp, đặc biệt có đơn vị Bắc Lý thành phố Đồng Hới có trên 13.000 dân vẵn chỉ có 01 cán bộ tư pháp trong khi Nghị định quy định trên 10.000 dân bố trí 02 cán bộ.

Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc: phòng còn chật hẹp, thiếu bàn, ghế, máy vi tính nên ch­ưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân và còn ảnh hưởng đến chất lượng công tác này.

Về thời hạn giải quyết: Việc cấp bản sao hộ tịch quy định phải thực hiện trong ngày nhưng trên thực tế không đáp ứng được do điều kiện công tác của lãnh đạo địa phương. Mặt khác việc cấp bản chính giấy khai sinh từ Sổ lư­u đăng ký hộ tịch còn khó khăn do nhận chuyển giao Sổ l­ưu hộ tịch  từ Sở Tư­ pháp chỉ có từ năm 1995 đến nay, vì vậy đối với  nhu cầu cấp lại bản chính Giấy khai sinh từ năm 1995 trở về tr­ước thì phải mất nhiều thời gian xác minh, yêu cầu UBND cấp xã cung cấp thông tin và xác nhận mới cấp đư­ợc bản chính. Sổ l­ưu đăng ký hộ tịch ở một số đơn vị  từ năm1965 đến 1980 do l­ưu trữ không cẩn thận, bảo quản  không tốt nên hiện nay nhiều sổ rách nát, nhiều trang không sử dụng đ­ược nên nhiều trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu cấp giấy tờ hộ tịch cho công dân.

Về kinh phí phục vụ cho công tác đăng ký quản lý hộ tịch: Do chưa có quy định về đầu tư kinh phí cho công tác này nên lứng túng khi thực hiện. Các địa phương chưa cấp kinh phí ban đầu cho việc mua sổ, biểu mẫu hộ tịch nên còn luẩn quẩn trong việc nhận và thanh toán biều mẫu (Sở nợ nhà xuất bản, Phòng nợ Sở và UBND cấp xã nợ phòng). Nhận trước và thanh toán sau để kịp thời phục vụ, khi có tiền thu lệ phí biểu mẫu thì mới thanh toán do vậy cán bộ tư pháp phải mở sổ  theo dõi việc nhận và thanh toán biều mẫu, mất nhiều thời gian trong khi cả cán bộ phòng và cán bộ tư pháp cơ sở không có nghiệp vụ kế toán...

 Trước yêu cầu cần thiết của việc xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, nâng cao tính  chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ tư pháp và đẩy mạnh hiệu quả công tác hộ tịch; Trước những khó khăn, vướng mắc qua hơn một năm thực hiện Nghị định 158 xin mạnh dạn đề xuất, kiến nghị:

Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP và kịp thời ban hành công văn hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tế của địa phương trong quá trình thực hiện.

Chỉ đạo các địa phương  bổ sung biên chế, bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm công tác tư pháp.

 Hàng năm có kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã. Tổ chức tọa đàm tại cơ sở, lắng nghe ý kiến cơ sở để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

            Phối hợp với các Bộ có liên quan ban hành Thông tư liên tịch để giải quyết các trường hợp liên quan đến hộ tịch ( phối hợp thực hiện việc điều chỉnh hồ sơ công dân theo Giấy khai sinh đối với những trường hợp không thuộc phạm vi cải chính hộ tịch) như Bộ Công an, Bộ nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Tài chính để công tác này được thực hiện thống nhất, chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc./.

Hoàng Hồng

 HTTP://WWW. MOJ.GOV.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét