Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2007

SỞ HỮU TRÍ TUỆ: Bảo hộ về mặt pháp lý, quản lý và thương mại hoá


Vai trò và vị trí của đất nước trong cộng đồng quốc tế, mức sống của người dân và sự bảo đảm về an ninh quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào quy mô áp dụng tri thức và công nghệ mới. Nền kinh tế của các nước công nghiệp phát triển, nơi mà 80-95% mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có được là nhờ vận dụng tri thức mới, hiện hữu trong kỹ thuật và công nghệ, đều mang đặc tính đổi mới. Việc bảo hộ về mặt pháp lý các giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến cho phép các công ty ở những nước này chiếm được vị trí độc quyền trên thị trường tiêu thụ một sản phẩm nào đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Nhà nước giữ vai trò chính trong việc xây dựng và thực thi luật bảo vệ sở hữu trí tuệ (quản lí các quá trình bảo hộ về pháp lý, đưa các đối tượng sở hữu trí tuệ vào lĩnh vực kinh tế, bảo đảm sự bảo hộ về quyền và các lợi ích hợp pháp của các tác giả, các tổ chức, các nhà đầu tư và của đất nước).

Tổng lượng hàng hoá buôn bán thế giới hàng năm tăng 12% là nhờ được phép của các khách thể sở hữu trí tuệ, trong khi đó tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp thế giới không vượt quá 2,5-3% mỗi năm. Trên thị trường các sản phẩm chứa hàm lượng khoa học của thế giới, tỷ trọng của Nga chỉ chiếm 0,3-0,5% (Nga lại có một tiềm lực khoa học kỹ thuật đáng kể - và không phải vô lý mà 12% số lượng các nhà khoa học trên thế giới là người Nga), trong khi Mỹ chiếm 36%, Nhật Bản chiếm 30%, Trung Quốc là 6%. Để có được công nghệ mới, các doanh nghiệp của Nga chỉ phải chi 18,3% tổng chi phí cho hoạt động đổi mới. Trong số đó, tiền chi để có được quyền áp dụng hạng mục sở hữu trí tuệ là 10,5%. Trong tổng kinh phí chi cho hoạt động đổi mới thì phần lớn là từ kinh phí riêng của các xí nghiệp: 82,3%, đầu tư nước ngoài chiếm 5,3%, kinh phí từ ngân sách Liên bang là 2,8%, từ ngân sách của các vùng chủ thể Liên bang Nga là 1,3%, và từ các Quỹ ngoài ngân sách là 2,7%.

Có ý nghĩa mang tính nguyên tắc là việc thông qua các văn bản pháp qui nhằm thể chế hoá các vấn đề xác định quyền hạn của Nhà nước đối với các kết quả của hoạt động khoa học-kỹ thuật, các điều kiện và trình tự chuyển giao các quyền này. Khi giải quyết các vấn đề như vậy cần xuất phát từ quan điểm sau:

Cần thiết phải phân chia các kết quả của một công trình nghiên cứu chế thử thành hai nhóm:

- Nhóm các tài liệu tổng kết, tức là những kết quả mà người thực hiện cam kết phải đạt được theo đúng với Bản giao nhiệm vụ kỹ thuật và những quyền ứng dụng các kết quả đó theo bản hợp đồng (thoả thuận) phù hợp với Bộ luật dân sự của Cộng hoà Liên bang Nga.

- Nhóm các kết quả của hoạt động trí tuệ (trong đó có cả các chi phí bổ sung) về hình thức không bao hàm trong bản Giao nhiệm vụ kỹ thuật, nhưng khi thể hiện các kết quả này ở dưới hình thức thích ứng và thực hiện một số thủ tục nhất định thì có thể đạt được sự bảo hộ về pháp lý giống như một đối tượng sở hữu công nghiệp, một bản quyền tác giả hay một bí mật thương mại.

Việc phân chia các quyền đối với các kết quả trên cần được điều chỉnh theo bản Dự thảo nghị định của Chính phủ Liên bang Nga đang được chuẩn bị “Về trật tự phân chia quyền sử dụng các kết quả đạt được của một công trình nghiên cứu chế thử, có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách liên bang”. Trong bản dự thảo nghị định này có bổ sung thêm những điểm còn thiếu trong cơ sở các văn bản pháp qui hiện hành và cũng chi tiết hoá trình tự hoạt động của các cơ quan quyền lực liên bang khi phân chia các quyền đối với các kết quả của một công trình nghiên cứu chế thử, kể cả việc ứng dụng các kết quả này khi đưa vào áp dụng dân sự.

Dự án các văn bản pháp qui chuẩn nêu trên đã được các bộ và các cơ quan soạn thảo và chuẩn bị trình lên Chính phủ Liên bang trong quý 1 năm 2004.

Theo Định hướng cơ bản trong chính sách quốc gia về việc đưa các kết quả hoạt động khoa học-kỹ thuật vào lĩnh vực kinh tế (Chỉ thị của Chính phủ Liên bang Nga ngày 30/11/2001, số 1607-r), Nhà nước phải đóng vai trò của người thực quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ (có ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm khả năng quốc phòng và an ninh, ngừng lưu hành hoặc hạn chế lưu hành), cũng như quyền đối với những kết quả mà Nhà nước đã chấp nhận đưa chúng đến giai đoạn sản xuất công nghiệp và sử dụng.

Lôgic của nghị định này hình thành dựa theo mô hình tự do, góp phần làm tăng thêm số lượng việc làm và tăng thu được thuế nhờ tạo ra các sản phẩm mới có sức cạnh tranh.

Thừa nhận quyền của Nhà nước không chỉ được xem xét về mặt trách nhiệm sử dụng các kết quả, mà còn có ý nghĩa cam kết bổ sung về tài chính từ nguồn ngân sách. Theo các số liệu của cơ quan cấp bằng sáng chế Nga, có khoảng 10% chi phí cho một công trình nghiên cứu chế thử là dành cho việc đảm bảo sự bảo hộ về mặt pháp lý cho các kết quả của công trình đó. Như vậy, khi thừa nhận quyền của Nhà nước thì cũng phải nhận đưa khoản chi phí này vào ngân sách.

Trong giới khoa học, giới lãnh đạo các xí nghiệp hàng đầu, đang hình thành dần dần sự nhận thức về vai trò và vị trí của sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế thị trường. Với nước Nga, đã xuất hiện một khu vực kinh tế mới, trong đó tri thức và công nghệ không phải là hàng hoá, mà là quyền về sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, đã xác định vị thế lập pháp về quyền của Nhà nước đối với sở hữu trí tuệ, được thể hiện trong những sửa đổi đã được thông qua trong Luật Bản quyền của Liên bang Nga (có hiệu lực từ tháng 3 năm 2003), với thực chất như sau:

- Giải quyết các vấn đề phân chia quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện trong khuôn khổ một bản hợp đồng (thoả thuận) Nhà nước.

- Xác nhận quyền của người thực hiện công việc, nếu trong hợp đồng Nhà nước không xác định quyền đó thuộc Liên bang Nga thì cơ quan đặt hàng Nhà nước sẽ có tư cách của Liên bang Nga.

- Khẳng định quyền của người thực hiện, Liên bang Nga có quyền sử dụng miễn phí tài sản trí tuệ phục vụ nhu cầu Nhà nước liên bang.

- Vấn đề bảo hộ về pháp lý đối với những phát minh bí mật sẽ được giải quyết sau khi đưa vào những sửa đổi và bổ sung trong điều luật nêu trên, luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2004.

Luật về bí mật thương mại có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật. Trong thực tiễn thế giới, phương thức bảo hộ về pháp lý như giữ kín “bí mật sản xuất” hay “know-how” trước các đối thủ cạnh tranh là phổ biến hơn cả. Trong nhiều trường hợp, điều này tạo cho các công ty giành được ưu thế cho mình trên thị trường hàng hoá trong nhiều năm, chỉ với chi phí ít nhất.

Một dự án luật tương ứng, đã được Hạ viện Nga (Duma quốc gia) thông qua, nhưng lại bị Thượng viện bác bỏ, đang được gửi đến Hội đồng hiệp thương. Dự án luật này điều chỉnh các vấn đề bảo hộ pháp lý cho các bí mật thương mại, xác định thông tin nào có thể được bảo hộ trong chế độ này, xác định quyền hạn và trách nhiệm của người sở hữu bí mật thương mại, quyền và trách nhiệm của các nhân viên, của các bên ký ước, của các cơ quan quyền lực và của các chủ thể quan hệ pháp lý khác.

Sự thiếu vắng một điều luật như vậy sẽ làm nảy sinh không ít vấn đề từ việc rò rỉ thông tin riêng cho đến việc lý giải không nhất quán về các vấn đề cân nhắc quyền bí mật thương mại trong hệ thống tổ hợp tài sản của các tổ chức khoa học. Bộ luật thuế của Liên bang Nga vừa được thông qua đã xem xét đến việc thu thuế đối với việc sử dụng bí mật thương mại; trong chính những văn bản mới đây nhất thì trên bình diện sổ sách kế toán, các đối tượng này đã không hiện diện như một tài sản có phi vật chất của các doanh nghiệp.

Không thể tạo ra một thị trường sở hữu trí tuệ mà lại không giải quyết những vấn đề như: phản ánh các chi phí liên quan đến sở hữu trí tuệ trong cấu trúc giá thành sản phẩm (trong đó có cả sản phẩm khoa học-kỹ thuật); đưa vào những thay đổi trong trình tự khấu hao và đánh giá giá trị các hạng mục sở hữu trí tuệ khi gộp chúng vào thành phần tài sản phi vật chất trong các giai đoạn khác nhau thuộc chu kỳ sống của sản phẩm, cũng như khi đưa chúng vào vốn pháp định của cấu trúc mới; xác định các nguyên tắc đánh thuế đối với các hoạt động kinh doanh có liên quan đến sở hữu trí tuệ (nhất thiết phải chuyển trọng tâm gánh nặng thuế từ lĩnh vực khoa học và công nghệ sang lĩnh vực lưu thông hàng hoá, tức là về nơi bán các sản phẩm vật chất trên nền công nghệ mang hàm lượng khoa học).

Không thể hình thành được ở Nga một môi trường đổi mới thuận lợi mà lại không tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng tương xứng. Một trong những thành phần cơ bản của nó là các văn phòng chuyển giao công nghệ, hoạt động trong từng cơ quan quyền lực của Liên bang, giữ vai trò là người đặt hàng cấp quốc gia đối với các công trình nghiên cứu chế thử. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, mặc dù thị trường đóng vai trò quan trọng nhất trong việc kích thích hoạt động đổi mới, chọn lọc ra các sản phẩm đổi mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội; nhưng bản thân thị trường lại không đủ khả năng đảm bảo sự phát triển năng động và đồng bộ hệ thống đổi mới. Cần phải có sự điều tiết của Nhà nước, trong đó Nhà nước thực thi các biện pháp cụ thể hỗ trợ và kích thích quá trình đổi mới ở chính những giai đoạn mà thị trường không đủ sức kích thích.

Hỗ trợ về mặt tài chính cho quá trình thương mại hoá công nghệ trong nước được thực hiện theo nhiều kênh khác nhau. Chẳng hạn, Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, Quỹ phát triển công nghệ của Nga, Quỹ nghiên cứu cơ bản của Nga hiện đang hoạt động rất tích cực. Các Quỹ này cùng các chương trình của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ như “Khoa học - công nghệ - sản xuất - thị trường”, “Những bước tiếp theo đến thị trường” đã nhận về phần mình những rủi ro đầu tư tài chính cho công nghệ trong các giai đoạn ban đầu. Đã có những linh hoạt trong lĩnh vực đầu tư tài chính mạo hiểm...

Trung tâm Khoa học-kỹ thuật quốc tế đã hoạt động ở Nga được hơn 10 năm. Trung tâm này đã hỗ trợ tài chính cho hơn 1800 dự án khoa học-kỹ thuật (khoảng 500 triệu USD). Các sáng lập viên của Trung tâm là các Chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Chính phủ các nước EU và Nga, dự kiến rằng tới năm 2003, nguồn tài chính của Trung tâm sẽ thực hiện bằng kinh phí thu được từ việc thương mại hoá các công nghệ mà các nhà khoa học quân sự Nga tạo ra. Song cho tới nay việc này vẫn hoàn toàn chưa giải quyết được.

Với sự tham gia của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ, tại 11 vùng trong nước đã hình thành khoảng 50 trung tâm đổi mới-công nghệ, trong khuôn khổ của các trung tâm này, có hơn 1000 doanh nghiệp nhỏ hoạt động, sử dụng kết cấu hạ tầng của các trung tâm phục vụ cho sự phát triển của mình. Nếu cách đây 5 năm, trên thực tế các doanh nghiệp nhỏ đã không quan tâm đến các vấn đề về áp dụng sở hữu trí tuệ, thì hiện nay có tới hơn một nửa trong số đó đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực này: các ý tưởng khoa học tiên tiến đối với họ là cần thiết để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đầu những năm 1990 được đánh dấu bởi hiện tượng các doanh nghiệp lớn giải thể các phòng quản lý sáng chế của mình. Ngày nay các phòng đó đang hồi sinh mạnh mẽ, trở lại nguyên hình một văn phòng chuyển giao công nghệ.

Điểm khác biệt căn bản giữa sở hữu trí tuệ và các dạng sở hữu khác là tính không thể tách rời nó khỏi tác giả. Việc hình thành sở hữu trí tuệ (ví dụ các phát minh hay nêu rõ các “know- how” trong hệ thống các tài liệu kỹ thuật) thường không được dự kiến trước, trực tiếp từ bản Giao nhiệm vụ kỹ thuật cho thực hiện công trình nghiên cứu chế thử. Nó thể hiện ý định tốt đẹp của người thực hiện, tính “trung thực” của họ trong mối quan hệ với bên đặt hàng, chia sẻ sở hữu trí tuệ khi thực hiện công việc trong khuôn khổ hợp đồng nhà nước. Tuy nhiên, thiếu sở hữu trí tuệ thì trong điều kiện hiện nay, các kết quả thu được từ công trình nghiên cứu chế thử không phản ánh được lợi ích kinh tế.

Khi không có một hệ thống thực sự kích thích lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần thì không thể đảm bảo cho các tác giả ham mê sáng tạo ra các tri thức mới, là sản phẩm trí tuệ, tức là sở hữu hay tài sản trí tuệ. Nếu đạt được sự cân bằng các quyền lợi chỉ của Nhà nước, các tổ chức, các nhà triển khai và của các nhà đầu tư mà quên đi các tác giả thì sẽ không thể có tài sản trí tuệ.

Để quản lý vấn đề tặng thưởng xứng đáng cho các tác giả và bảo vệ quyền lợi của họ, Bộ Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ Nga cùng phối hợp với các cơ quan thực thi quyền lực hữu quan của Liên bang đang nghiên cứu soạn thảo những kiến nghị về các vấn đề trên, đồng thời đệ trình những kiến nghị đó lên Chính phủ Liên bang Nga vào nửa đầu năm 2004.

source: Intellektua'naja sobstvennost': pravovaja zachshita, upravlenie, kommercializacija / Jurii Fomichev //Chelovek i trud.- 2004.- No 3.- st.85-87

============================================

Hiền Ly dịch

TẠP CHÍ THÔNG TIN KHOA HỌC XÃ HỘI SỐ 3/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét