Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Bầu Cử Tại Anh Quốc



Hùng Tâm - Người-Việt - 150507
"Hồ Sơ Người-Việt"

Và sự rạn nứt rồi suy sụp của Âu Châu

 * Ngai trống vàng son lợt sắc rồi *


Ngày Thứ Năm mùng bảy này, Anh quốc sẽ có bầu cử. Như trong mọi quốc gia dân chủ, bầu cử là biến cố lớn, mà chỉ có hậu quả dăm ba năm cho đến một cuộc bầu cử khác. Nhưng lần này, bầu cử tại Anh sẽ có những hậu quả sâu xa và rộng lớn hơn, vì vậy mới đáng cho Hồ Sơ Người-Việt tìm hiểu và trình bày….



Tiến trình Bầu cử

Từ năm năm nay, Vương quốc Anh thống nhất United Kingdom mới lại có một cuộc bầu cử và lần này có khi chúng ta sẽ… thiếu chữ để trình bày sự việc cho có ngọn ngành.

Lần trước, vào năm 2010, thì lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II vào năm 1945, cuộc bầu cử đã dẫn đến hình thái “chính phủ liên hiệp” giữa đảng Bảo Thủ Conservative Party, hay Tory, và đảng Tự Do Dân Chủ Liberal Democrats thuộc xu hướng trung hữu. Lần này, tình trạng gọi là liên hiệp ấy lại trở thành rắc rối hơn. Vì vậy, xin nhớ lại vài chi tiết:

Thứ nhất là qua thể chế Đại nghị, Parlementarism, cử tri không trực tiếp bầu ra người lãnh đạo chính phủ là Thủ tướng. Tại 650 ngàn địa phương, cử tri Anh đi bầu ra sáu vạn ứng viên và mỗi ứng viên sẽ đề cử người làm Dân biểu tại Hạ viện. Các dân biểu này mới chọn ra người sẽ làm Thủ tướng để lập chính phủ. Người cầm đầu chính đảng có nhiều dân biểu nhất sẽ giữ vai trò Thủ tướng và tìm nhân sự thành lập Nội các (Chính phủ).

Thứ hai, trong cuộc bầu cử lần này, đương kim Thủ tướng David Cameron là người lãnh đạo đảng Bảo Thủ có nhiều hy vọng tồn tại vì đảng Bảo Thủ có thể được nghiều ghế dân biểu nhất. Nhưng vẫn chưa đủ đa số hơn 50% của một Hạ viện có 650 dân biểu – tức là phải chiếm được 326 ghế. Vì thế, đảng Bảo Thủ phải liên kết với bên ngoài để có đa số. Việc liên kết ấy là đàm phán và mặc cả để trễ nhất là 20 ngày sau sẽ trình lên Quốc trưởng là Nữ hoàng Elizabeth II một danh sách Nội các để bà công bố cho cả nước qua một thông điệp chính thức.

Thứ ba, trong cuộc bầu cử này, vấn đề chính không là mức bội chi ngân sách quá lớn hay tình trạng èo uột của kinh tế quốc dân, dù sao vẫn là khá nhất Âu Châu. Cả năm chính đảng là Bảo Thủ, Lao Động, Tự Do Dân Chủ, đảng Quốc gia Scottish (SNP) và đảng UKIP (United Kingdom Independence Party), đều đồng ý là nên tiết giảm khả năng vay mượn của Nhà nước, tức là hạn chế dần bội chi ngân sách. Vì thế bất cứ chính phủ liên hiệp nào cũng có thể đề nghị giảm chi, với khác biệt nhỏ là mức bội chi cao hay thấp.

Nhưng kỳ này, người ta chờ đợi là đảng Bảo Thủ có thể đề nghị trưng cầu dân ý để quyết định xem là nước Anh có còn muốn ở trong Liên hiệp Âu châu không. Bên cạnh, có chủ trương hoài nghi và chống hội nhập vào Liên Âu, đảng UKIP theo xu hướng quốc gia cực hữu sẽ là bài toán mới. Sau cùng, người ta cũng chờ đợi xem đảng Quốc gia Scottish SNP có còn muốn xứ Scotland ở lại trong Vương quốc Anh Thống nhất UK hay không.

Chúng ta có thể thấy ra chuyện hợp-tan của nước Anh.

Thứ tư và nếu nhìn từ giác độ của Liên Âu cùng Hoa Kỳ thì sau cuộc bầu cử, nước Anh có còn là một đồng minh hay đối tác chiến lược không? Cụ thể là nước Anh có còn chia sẻ gánh nặng chung của Liên Âu hay có cùng Hoa Kỳ và Minh ước NATO đảm đương các chiến dịch quân sự không?

Vì những đặc tính ấy, cuộc bầu cử mới đáng quan tâm theo dõi. Bài này được soạn thảo tiếp theo một hồ sơ trước, trình bày vào đầu Tháng Chín năm ngoái, dưới tiêu đề: “Vương Quốc Anh Thống Nhất Hết Thống Nhất? - Một khi xứ Scotland quyết định ly khai khỏi Vương quốc Anh”.


British và England


Nếu truyền thông Việt ngữ của chúng ta có hiểu thì vẫn thiếu chữ diễn tả một sự thể phức tạp.

Về chính trị, nước Anh như ta vẫn gọi có lẽ là từ chữ England phiên âm qua Hán-Việt, là sự kết hợp từ lịch sử của hai khu vực địa dư và bốn thực thể chính trị: 1) Great Britain (hải đảo lớn nhất, bên trong có ba quốc gia là England, Scotland, Wales) với 2) Northern Ireland là góc Đông Bắc của đảo Ireland. Với dân số hơn 64 triệu, Vương quốc Anh là cường quốc Âu Châu, xưa kia là Đế quốc từng cai trị một phần ba thế giới. Ngày nay, ngay trong đảo Great Britain, xứ Scotland (tên Hán Việt xa xưa là Tô Cách Lan) bỗng đòi ly khai để thành quốc gia độc lập với dân số hơn năm triệu. Lý do ban đầu của Scotland có thể là vì tính toán kinh tế nhỏ nhoi, nhưng hậu quả sẽ vượt qua chính trị, trở thành nguy cơ phân hóa.

Từ lịch sử, sau khi ký Hiệp ước Thống nhất năm 1707, ba vương quốc nhỏ là England, Scotland và Wales đã nhập làm một. Nhưng bên trong, một số dân tại Scotland (gọi là Scots) vẫn ấm ức rằng mình bị vương quốc England sát nhập. Tới cuối thể kỷ 20, vào năm 1999, giới dân cử Scotland tranh đấu để Quốc hội của Vương quốc Thống nhất UK tại điện Westminster trong thủ đô London phải cho Scotland một quy chế đặc biệt là Quốc hội Scotland tại điện Holyrood trong thủ phủ Edinburgh được có một số thẩm quyền địa phương.

Điều nhỏ nhặt ấy chưa đáng quan tâm vì nước Anh và cả thế giới đang có nhiều chấn động mới sau khi Liên Xô tan rã....

Đầu năm 2011, một chính đảng Scotland là đảng SNP ra tranh cử tại địa phương với chủ trương là tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định về quyền độc lập. Chuyện bất ngờ là đảng này lại thắng lớn trong Quốc hội Scotland. Nguyên do sâu xa là nhiều người Scotland không mấy hài lòng về quyền lợi kinh tế của họ và đòi hỏi nhiều hơn.

Một cách cụ thể, họ nghĩ là dân Scotland phải có phần hơn với tài nguyên năng lượng, là dầu thô tại Bắc Hải North Sea và khí đốt trong hải phận Scotland, sẽ quản lý việc khai thác hữu hiệu hơn. Và nhờ đó lập ra một qũy an sinh cho dân cư được hưởng sau này, tương tự như quỹ phúc lợi của xứ Norway, Na Uy.

Khái niệm về chủ quyền ("dân Scotland phải có thẩm quyền về đời sống của mình") trở thành điều hấp dẫn trong khi lãnh đạo của nhiều chính đảng khác tại Scotland và cả Vương quốc UK lại coi thường. Khi ấy, Chính quyền liên hiệp của Thủ tướng David Cameron của đảng Bảo thủ với đảng Tự do và đảng Lao động Anh còn tiến hành chánh sách cải cách nhằm giảm bội chi ngân sách và phúc lợi xã hội để phục hồi kinh tế. Chi tiết ít ai để ý là ngân sách địa phương của Scotland bị thâm hụt nặng vì nguồn thu về năng lượng giám sút mà công chi lại tăng.

Sự xoay chuyển trái chiều, giữa yêu cầu chấn chỉnh của cả Vương quốc UK với đòi hỏi cục bộ của Scotland, đã đào sâu dị biệt về nhận thức và khiến trào lưu ly khai tại Scotland có thêm lực đẩy và gần đây thì đến 45% dân Scots muốn ly khai. Trong lần bầu cử này, đảng SNP có thể chỉ được 12% số phiếu, không nhiều, nhưng lại có số ghế Dân biểu cao hơn thực lực vì cách phân bố ghế dân biểu rất rắc rối của Anh.

Vì thế, ta sẽ có cuộc tranh luận rằng British (của Great Britan) hay English (của England), cái nào mới là hình dung từ chính xác cho nước Anh thật!

Đã vậy, ta lại còn chuyện kia, là vị trí nước Anh (UK hay chỉ còn là England) trong Liên Âu.

Đảng UKIP phản ảnh một trào lưu đáng ngại tại Anh quốc và nhiều nước Âu Châu khác: hoài nghi giá trị của hội nhập và không muốn là thành viên Liên Âu nữa. Trong cuộc bầu cử kỳ này, đảng quốc gia cực hữu UKIP không có hy vọng chiếm đủ ghế Dân biểu để đặt lại vấn đề, nhưng sẽ làm suy yếu thế lực của đảng Bảo Thủ và Thủ tướng Cameron. Một số cử tri Tories có thể bất mãn mà chạy qua đảng UKIP! Khi ấy, Chính phủ liên hiệp của ông Cameron càng khó giải quyết bài toán SNP của dân Scots!


Viễn ảnh Trường kỳ của Âu châu


Một cách rất sơ lược, Hồ Sơ Người-Việt vừa nhắc đến ba bài toán từ dễ đến khó của nước Anh: 1) kinh tế và nạn bội chi ngân sách; 2) kinh tế và sự thống nhất của UK, có hay không có xứ Scotland; và 3) kinh tế và chính trị, UK có còn ở trong Liên Âu hay không? Ba bài toán ấy của Anh cũng phản ảnh ba bài toán của Âu Châu.

Nhìn trong lịch sử thì xứ England có một chiến lược xin tạm gọi là “ăn trùm” hay mượn sức.

England mượn sức của các nước trong hải đảo như Scotland, Wales và miền Bắc đảo Ireland để có một vương quốc thống nhất hầu không cường quốc Âu Châu nào có thể chi phối khu vực thống trị của mình. Từ đó ta mới có Great Britain và chiến lược British (ấn bản toàn cầu của chiến lược England). Nhờ đế quốc thống nhất và mạnh nhất Âu Châu, nước Anh mở rộng đó mới chinh phục được một phần ba thế giới, kể cả xứ Hoa Kỳ ngày nay hay nhiều nước Á Phi khác.

Chinh phục có nghĩa là quân sự, để khống chế bán đảo Âu Châu (là vùng Tây Âu) rồi Bắc Đại Tây Dương (Hoa Kỳ, Canada) và các vùng xa xôi khác tại Á Châu, Trung Đông và Phi Châu. Chinh phục cũng có nghĩa là kinh tế để làm giàu cho một đế quốc nhỏ bé mà có quyền lợi toàn cầu. Kết quả là đỉnh cao giữa hai Thế chiến I và II.

Đỉnh cao ấy bắt đầu suy sụp dần sau Thế chiến II và dẫn tới việc triệt thoái khỏi Nam Á (Ấn Độ và Pakistan) rồi Đông Nam Á, rồi phía Đông của Kênh đào Suez… Đế quốc Anh nhường đại dương cho Hoa Kỳ rồi chỉ còn là một cường quốc kinh tế hạng nhì.

Ngày nay, tình trạng co cụm ấy tiếp tục với việc Great Britain bị rút ruột và có thể mất Scotland, rồi xa dần các quyết định của Liên Âu. Và Liên Âu cũng đang đi vào tiến trình đó.


---

Kết luận ở đây là gì?

Cuộc bầu cử tuần này tại Anh quốc không chỉ báo hiệu những đổi thay trong một Đế quốc đã từng thống trị một khu vực không hề thấy mặt trời lặn.

Nó báo hiệu ngày tàn của Âu Châu sau khi gây ảnh hưởng toàn cầu trong năm thế kỷ, từ 1492 đến 1991. Âu Châu sẽ tàn lụi dần và an phận là một anh hùng về già.

Trong việc thay bậc đổi ngôi ấy, những xứ nào sẽ lên thay thế?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét