Gia Minh & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 150506
"Diễn đàn Kinh tế "
Làm sao tháo gỡ một xu hướng thủ cựu có nhiều quyền lực?
Trong chuyến thăm viếng Hoa Kỳ tuần qua của Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã mất phân nửa thời gian tại tiểu bang California và thung lũng Silicon Valley để tìm hiểu về phương cách cải tiến năng suất cho nền kinh tế ở nhà. Tuy nhiên, việc cải tiến ấy phải bắt đầu ngay tại Nhật Bản và từ hệ thống nông nghiệp cùng nhiều quyền lợi cấu kết và đấy là lãnh vực gây trở ngại cho việc đàm phán về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái bình dương. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu hồ sơ này qua phần trao đổi do Gia Minh thực hiện cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Gia Minh: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Thủ tướng Shinzo Abe vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ sau ba ngày tiếp xúc với doanh giới và các trung tâm công nghệ cao cấp tại California. Truyền thông Hoa Kỳ cho rằng tại đây ông Abe muốn tìm những sáng kiến cải tiến năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Nhật. Nhưng họ cũng chú ý đến nhiều trở ngại ông Abe đang gặp trong cơ cấu xã hội Nhật Bản, một trong các trở ngại đó là thế lực rất mạnh của khu vực nông nghiệp Nhật Bản. Vì chuyện đó, xin ông trình bày cho thính gỉa của chúng ta một sắc thái rất đặc biệt của nước Nhật.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về bối cảnh, kinh tế Nhật đã sa sút trong hơn hai chục năm qua vì nhiều yếu tố, kể cả nạn lão hóa dân số trong một xã hội xơ cứng. Sau khi tái đắc cử cuối năm 2012 và còn thắng lớn trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành kế hoạch cải cách rộng lớn về kinh tế xã hội, thường được gọi là “kinh tế của ông Abe” hay “Abenomics”. Kế hoạch ấy gồm có ba bước táo bạo, được gọi là “ba mũi tên” của Abe. Đó là thứ nhất, kích thích kinh tế bằng biện pháp ngân sách; thứ hai là để ngân hàng trung ương ào ạt bơm tiền qua biện pháp nâng mức lưu hoạt có định lượng và thật ra còn định phẩm nữa khi ào ạt mua trái phiếu.
- Hai chương trình ấy tương đối thành công và phần nào cải thiện được nền kinh tế nên mới tạo cái trớn để ông Abe tung ra mũi tên thứ ba, là cải cách cơ cấu từ căn bản nhằm khuyến khích đầu tư, tăng sức cạnh tranh nhờ năng suất, nâng mức tham gia vào thị trường lao động, kể cả phụ nữ. Đấy mới là chương trình khó khăn nhất vì gặp cản trở từ nhiều thế lực kinh tế, xã hội và chính trị. Khi quyết định tham gia Hiệp ước Xuyên Thái bình dương TPP, ông Abe cũng mong rằng lợi ích và cả sự cam kết của Nhật với các nền kinh tế khác sẽ giúp ông vượt qua những chướng ngại này.
- Từ bối cảnh ấy, chúng ta mới hiểu ra tầm quan trọng của Hiệp định TPP khi Nhật phải giải phóng khu vực nông nghiệp, cho nhập khẩu nông sản và lương thực, và đụng vào quyền lợi của các thế lực chính trị cấu kết với nông gia để bảo vệ khu vực canh nông của họ.
Nước Nhật khá tiên tiến thật ra có khu vực nông nghiệp lạc hậu và sa sút từ hơn hai chục năm qua. Nông nghiệp Nhật chỉ đóng góp có 1% vào tổng sản lượng, sử dụng lực lao động bị lão hóa với tuổi thọ bình quân tại nông thôn là 66 tuổi, mà hơn 70% nông gia lại chỉ canh tác bán thời - Nguyễn-Xuân Nghĩa
Gia Minh: Trước khi phân tích thế lực chính trị của nông nghiệp Nhật Bản, xin đề nghị ông tóm lược khái quát thực trạng của canh nông tại nước Nhật, như một hậu quả của chế độ bảo vệ đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nước Nhật khá tiên tiến thật ra có khu vực nông nghiệp lạc hậu và sa sút từ hơn hai chục năm qua. Nông nghiệp Nhật chỉ đóng góp có 1% vào tổng sản lượng, sử dụng lực lao động bị lão hóa với tuổi thọ bình quân tại nông thôn là 66 tuổi, mà hơn 70% nông gia lại chỉ canh tác bán thời chứ không toàn thời, với năng suất thấp trên các nông trại nhỏ, có diện tích trung bình khoảng hai mẫu tây thôi. Nhưng thành phần này lại có thế lực chính trị rất mạnh, nhất là trong đảng Tự do Dân chủ, thường gọi tắt là đảng LDP, là đảng cầm quyền khá lâu từ sau Thế chiến II.
- Nhờ thế lực đó, họ bảo vệ năm ngành sản xuất là gạo, mì, bò gà, sữa và đường bằng hàng rào quan thuế rất cao. Như thuế quan về gạo Nhật lên tới 778%, là loại cao nhất thế giới, và dân Nhật gặp cảnh “gạo châu củi quế” trong nghĩa đen để nâng đỡ nông gia cao niên ở nhà. Chẳng những vậy, các thế lực chính trị hậu thuẫn nông gia còn trợ cấp việc không trồng lúa và để nhiều thửa ruộng trống nhằm bảo vệ lợi tức của nông dân nhờ giá cao.
Gia Minh: Trong hoàn cảnh đó, nếu Nhật gia nhập Hiệp ước TPP và phải hạ hàng rào quan thuế để nhập khẩu lương thực rẻ hơn, thí dụ như gạo từ Hoa Kỳ hay Việt Nam, thì người dân có thêm lợi tức để tiêu dùng vào việc khác, nhưng giới nông gia vẫn bị thiệt và thế lực chính trị của họ mới chống đối. Thưa ông, họ đã xây dựng thế lực ấy ra sao để có nhiều ảnh hưởng như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, nhỏ và yếu nhất là hệ thống thư lại trong Bộ Nông Lâm Ngư Nghiệp. Thành phần này cấu kết với doanh gia và chính trị để có thể cản trở hay trì hoãn chính sách của các Tổng bộ trưởng chỉ cầm quyền trong từng giai đoạn ngắn hạn. Đây là hiện tượng khá phổ biến trong và ngoài lĩnh vực canh nông. Nhưng Nhật Bản còn có thế lực nông nghiệp mạnh hơn tất cả các nước dân chủ Âu-Mỹ, có lẽ cũng mạnh như các tập đoàn kinh tế nhà nước của các nước độc tài như Trung Quốc hay Việt Nam.
- Mạng lưới vận động của họ là một hệ thống phức tạp được xây dựng từ dưới lên, từ hợp tác xã tại địa phương lên tới cấp quận huyện. Trên cùng là một tổ chức có tên là “Toàn quốc Nông nghiệp Hiệp đồng Tổ hợp Trung ương hội”, gọi tắt là “Toàn Trung” hay Zenchu theo tiếng Nhật. Hội viên ở dưới có gần 10 triệu người, tức là khoảng 10% của những người ở tuổi đi bầu. Bên trong, có gần năm triệu là hội viên chính thức và hơn bốn triệu là "hội viên hợp tác", tức là những người không sinh sống bằng nghề nông. Mười triệu người đó lập ra gần 700 hợp tác xã dưới cơ sở và từng bước liên kết với nhau đến thượng tầng là tổ chức Toàn Trung hay Zenchu mình vừa nói.
Gia Minh: Thưa ông, dù có 10 triệu hội viên thì họ chưa thể là một lực lượng khả dĩ khuynh đảo được chính trường của một quốc gia dân chủ như nước Nhật. Thế lực của họ mạnh đến mức nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ dưới cơ sở thì họ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực sinh hoạt ở nông thôn và qua đó thì có thể khuyến khích người dân trong bầu cử và thường thì bầu cho giới dân cử của đảng Tự do Dân chủ, ít ra là cho đến những năm gần đây. Nhưng ngoài bộ máy Zenchu rất có thực lực trên thượng tầng, thế lực nông gia Nhật còn ba tổ chức đáng gọi là kinh tài với nhiều phương tiện có khả năng tác động vào kinh tế.
- Đó là “Nông nghiệp Trung ương khố” hay Ngân hàng Norinchukin, với tài sản 840 tỷ đô la gồm hơn 400 tỷ là tích sản đầu tư. Là ngân hàng lập ra từ năm 1928 để tài trợ các hợp tác xã, tổ chức này là tập đoàn đầu tư loại lớn của Nhật với 300 nhân viên tốt nghiệp Cao học từ những trường có uy tín nhất và có thể tung tiền vận động các giải pháp chính trị có lợi. Tổ chức thứ hai là tập đoàn bảo hiểm lập ra từ 1951, tên là “Toàn quốc Cộng tế Nông nghiệp Hiệp đồng Tổ hợp Vận hợp hội”, thường được gọi tắt là Cộng Tế hay ZENKYOREN, nổi tiếng là lấy tiền bảo phí rất thấp. Như mọi doanh nghiệp bảo hiểm, ZENKYOREN cũng là cơ sở đầu tư có ảnh hưởng trong kinh tế.
- Tổ chức thứ ba là Toàn Nông hay ZEN-NOH, từ tên thật là “Toàn quốc Nông nghiệp Hiệp đồng Tổ hợp Vận động hội”. Đấy là doanh nghiệp phụ trách tiếp thị phân phối, tiếp liệu và nhập khẩu thuộc loại lớn nhất thế giới các mặt hàng cho canh nông, như thực phẩm cho gia súc hay phân bón. Ngoài việc phân phối đến 70% các loại phân bón hóa học tại Nhật, tổ chức ZEN-NOH còn sản xuất ra nhiều loại nông cơ, nông cụ, nhất là máy cầy máy kéo.
Cho tới nay thì thế lực nông nghiệp Nhật vẫn còn muốn chống hiệp ước TPP nhưng có ảnh hưởng yếu dần trước sự xoay chuyển của cả xã hội Nhật. Về dài là trong năm năm tới, các nông trại của Nhật sẽ thoát dần khỏi sự can thiệp của trung ương ở trên để khai thác thêm đất canh tác và áp dụng kỹ thuật hiện đại hơn - Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Với phương tiện dồi dào và hệ thống vận động tỏa tộng, tổ chức Zenchu ở trên có vai trò tư vấn cho Bộ Nông Lâm Ngư Nghiệp về chính sách. Ở dưới thì các cơ sở đưa tiền và người đi tranh cử cho các ứng cử viên ủng hộ chủ trương của họ, đa số là đảng viên đảng Tự do Dân chủ, hoặc chống lại các ứng viên có quan điểm bất lợi cho họ. Nhìn lại thì nếu thế lực công nghiệp và tài chính cấu kết trong hệ thống Keiretsu nổi tiếng của Nhật Bản đang chuyển hướng và thiên về giải pháp tự do thương mại để cạnh tranh trên trường quốc tế qua Hiệp ước TPP thì thế lực nông nghiệp lại muốn cưỡng chống.
Gia Minh: Khi thấy ra cả hệ thống tổ chức rộng lớn bao trùm lên nhiều lĩnh vực rộng lớn như vậy thì làm sao Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe của đảng Tự do Dân chủ có thể vượt qua lực cản của họ để cải tổ cơ chế kinh tế xã hội?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy mới là vấn đề rất đáng theo dõi. Cách nay đúng một năm, Hội đồng Cải cách Cơ chế trong Nội các của Thủ tướng Abe đề nghị nhiều biện pháp tuần tự trong đạo luật về Hợp tác xã Nông nghiệp để giảm trừ ảnh hưởng và tiền tài của thế lực nông nghiệp. Đề nghị thứ nhất là bỏ quy chế đặc biệt của tổ chức Toàn Trung hay Zenchu để trở thành một công ty bất vụ lợi thông thường. Đề nghị thứ hai là bãi bỏ quy chế hợp tác xã của tổ chức Toàn Nông hay ZEN-NOH để thành một công ty cổ phần sẽ bị thuế suất nặng hơn. Đề nghị thứ ba là ra luật lệ ngăn cấm những ai ở ngoài lĩnh vực canh nông được sinh hoạt trong các tổ chức vận động nông nghiệp. Tất nhiên, tổ chức Toàn Trung Zenchu đã mở chiến dịch trong Chính quyền và Hạ viện Nhật để đòi trì hoãn và cho họ có quyền chuyển hướng vào thời điểm mà họ thấy là thuận tiện.
- Trong cả năm, nhiều trận đánh phức tạp ấy dẫn đến sự thỏa hiệp giữa đôi bên trong dự luật về Hợp tác xã Nông nghiệp. Các thế lực nông nghiệp đồng ý là Zenchu sẽ thành công ty bất vụ lợi từ năm 2018 và bị đánh thuế như mọi công ty khác. Zenchu cũng hết được tự tiện trưng thu các ngân khoản miễn thuế từ các hợp tác xã và từ các mạng lưới vận động vào bộ Nông ngư nghiệp. Sổ sách các hợp tác xã ở dưới có thể bị giám sát bởi mọi kế toán viên hữu thệ. Và tổ chức NEN-NOH sẽ là một công ty cổ phần bị đóng thuế và mất độc quyền định giá các sản phẩm mua bán.
- Ngược lại, Chính quyền Abe tạm chấp nhận cho tổ chức Zenchu vẫn kiểm soát hai trung tâm kinh tài giàu nhất là Ngân hàng Norinchukin và tập đoàn bảo hiểm Zenkyoren và gia hạn năm năm cho việc cắt đứt quan hệ giữa những người không phải là nông gia với thế lực nông nghiệp. Sự thỏa hiệp ấy có nghĩa là trong năm năm tới, thế lực nông nghiệp của Nhật vẫn còn rất mạnh và sẽ còn tác động vào chính sách kinh tế Nhật Bản.
Gia Minh: Tổng kết lại hồ sơ rắc rối này thì liệu Nhật Bản có thể tiến tới một hệ thống nông nghiệp hiện đại hơn và trước mắt thì có thể tham gia Hiệp ước TPP không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cho tới nay thì thế lực nông nghiệp Nhật vẫn còn muốn chống hiệp ước TPP nhưng có ảnh hưởng yếu dần trước sự xoay chuyển của cả xã hội Nhật. Về dài là trong năm năm tới, các nông trại của Nhật sẽ thoát dần khỏi sự can thiệp của trung ương ở trên để khai thác thêm đất canh tác và áp dụng kỹ thuật hiện đại hơn. Sau đó thì người ta mới có thể nói đến chuyện cạnh tranh. Từ nay đến đó thì chính trường Nhật vẫn bị các thế lực nông nghiệp chi phối trong một nỗ lực chuyển hướng khá chậm rãi.
Gia Minh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét