Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150511
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Vài bài học thê lương từ Việt Nam
* Rừng nhiệt đới - và một phóng viên chiến trường? *
Một ngẫu nhiên khiến cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc vào thời gian gần trùng hợp với Đệ nhị Thế chiến, 30 năm trước đó: 30 Tháng Tư năm 1975 và mùng tám Tháng Năm năm 1945. Một thảm kịch cho người Việt là 30 năm ấy cũng là thời gian chinh chiến tại Việt Nam.
Một tuần sau khi người Việt tưởng niệm biến cố 75 thì thế giới nhắc đến biến cố kia, là khi Thế chiến II kết thúc. Với nhiều sử gia hay học giả, Thế chiến II còn gợi nhớ tới Thế chiến I, từ 1914 đến 1919, là khi cục diện Âu Châu hoàn toàn thay đổi với sự xuất hiện của Liên bang Xô viết và việc phân chia lãnh thổ của Đế quốc Ottoman. Nói đến hai Thế chiến và khu vực tiếp cận của Âu Châu với nước Nga và với Trung Đông cũng là đề tài thời sự ngày nay, với vụ Ukraine tại Đông Âu và sự xuất hiện của tổ chức khủng bố Hồi giáo ISIL, đang tung hoành trên mảnh đất xưa của Đế quốc Ottoman.
Nhưng, nhìn từ bên ngoài, bài này vẫn viết về cuộc chiến Việt Nam…. Hơi ngoan cố nhưng cần thiết!
*
Trong Thế chiến I, Hoa Kỳ nhập cuộc khá trễ và mặt trận miền Tây của Âu Châu, giữa các nước Tây Âu với Đức Quốc xã và Đế quốc Hung-Áo trong phe Trục không có nhiều thay đổi lớn. Mặt trận miền Đông giữa Liên Xô với hai nước của phe Trục mới có nhiều đổi thay, và để lại nhiều xương máu. Trận địa khi ấy bao trùm lên vùng đất sau này là lãnh thổ Ba Lan và Ukraine. Đấy là thời sự.
Còn về chuyện Việt Nam, từ giác độ có điều chỉnh của Ngũ Giác Đài kể từ năm 1998, thì nước Mỹ can dự vào cuộc chiến Việt Nam từ ngày mùng một Tháng 11 năm 1955 và chấm dứt vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trong một khoảng thời gian là 19 năm, năm tháng, bốn tuần và một ngày. Đây là một lối tính máy móc, rất Mỹ, và có thể giải thích lý do thất bại. Chỉ vì người ta không nhìn đến phía bên kia, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc của Mao Trạch Đông đã can dự vào Việt Nam sớm hơn vậy, chưa kể đến vai trò tích cực của Trung Quốc trong trận Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève năm 1954.
Chuyện thứ hai, Hoa Kỳ chính thức đưa các đơn vị tác chiến vào miền Nam Việt Nam từ ngày 26 Tháng Ba năm 1965 và sau khi đạt thắng lợi cho “danh dự” – trong ngoặc kép – với Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh vào đầu năm 1973 thì Mỹ không còn đơn vị tác chiến nào ở tại chỗ. Nghĩa là vỏn vẹn có tám năm trong ba chục năm chinh chiến triền miên của người Việt.
Giữa khoảng thời gian đằng đẵng ấy, có hai lần địa danh Genève xuất hiện.
Lần đầu là Hiệp định Genève vào ngay 20 Tháng Bảy năm 1954 chia đôi đất nước qua lằn ranh Bến Hải. Lần thứ nhì là Hiệp định Genève Trung lập hóa nước Lào ký kết ngày 23 Tháng Bảy năm 1962. Cục diện thắng bại tại Việt Nam thật ra đã ngã ngũ vào thời điểm 1962 đó và nền Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ một phần cũng vì Chính quyền Ngô Đình Diệm không đồng ý với giải pháp trung lập hóa nước Lào.
Vì đã có một hậu phương lớn là khối Cộng sản Xô viết và Trung Quốc, Bắc Việt Cộng sản lại có thêm một hậu cứ chuyển quân vào Nam qua lãnh thổ Lào. Sau này họ mới sử dụng lãnh thổ và hải cảng của Cambốt để hoàn tất trận địa chiến khi Mỹ đã tháo chạy bằng cách Việt hóa một cuộc chiến mà họ đã dại dột Mỹ hóa.
Hoa Kỳ đổ quân mà thật ra đánh vào chính nghĩa của miền Nam, lại đánh chỉ cầu hòa với địch và nhường mọi lợi thế cho đối phương. Kể cả lợi thế nói phét là “Đường mòn Hồ Chí Minh”, như một sáng kiến tuyệt vời của họ Hồ.
Cho đến lúc cuối, sau khi đã ký Hiệp định Paris, Hà Nội vẫn chối rằng mình không gửi quân vào Nam, tất cả chỉ là sự nổi dậy của lực lượng cách mạng yêu nước ở trong Nam, của “Mặt trận Giải phóng Miền Nam”, được thành lập tại Hà Nội từ Tháng 12 năm 1960. Ngày nay, họ mới xác nhận công lao và tô vẽ cho con đường chiến thắng ấy bằng “Xa lộ Trường Sơn”.
*
Thật ra, khi nháo nhào đổ quân vào Việt Nam, giới quân sự hay tình báo Hoa Kỳ đã có thể học hỏi kinh nghiệm của Pháp trong trận Điện Biên Phủ, nơi tiếp cận với Trung Quốc và Lào.
Coi thường bài học của Pháp thì giới học giả Mỹ cũng có thể tìm hiểu địa dư và lịch sử Việt Nam với những “thượng đạo”, con đường trên núi, đã được nhiều thế hệ sử dụng, để bung ra Bắc hay tiến vào Nam. Hai kinh nghiệm chói lọi nhất là trong 10 kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi, từ 1417 đến 1427, và trong 10 năm Nội chiến giữa Tây Sơn ở Quy Nhơn với Nguyễn Ánh tại Gia Định, từ 1771 đến 1802. Ngoài ra, còn có không ít trường hợp mà Đại Việt dùng lãnh thổ Lào, Lâm Ấp và Chân Lạp sau này để giải quyết nhu cầu chinh chiến bên trong.
Cho nên, việc vận dụng địa dư hình thể không là một sáng kiến của Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Phải chi mà có người Việt chỉ ra cho các học giả Mỹ cuốn tiểu thuyết của một nhà giáo đã từng tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nguyễn Triệu Luật (1903-1946). Trong cuốn Bà Chúa Chè (thứ phi Đặng Thị Huệ của Chúa Trịnh Sâm), tác giả vẽ lại cuộc đối thoại về thượng đạo giữa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm và lão tướng là Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc khi Chúa Trịnh muốn từ Bắc Hà đưa quân vào đánh Phú Xuân của Đàng Trong. Như sau:
Chúa cười:
- Ta mở Thượng Đạo theo lối Qui Hợp, Trần Ma Than cho quân đi đánh về phía Tây, theo lối Thiên Nhận Sơn và dùng thượng lưu Linh Giang thì sợ gì sông Gianh cùng luỹ Trường Dục?
- Lão thần rõ lắm. Thượng Đạo là nơi đức Lê Thái Tổ khởi nghĩa rồi được thiên hạ. Thượng Đạo đã lâu không dùng đến, bây giờ nếu dùng cũng hơi phiền...
- Khanh định nói rằng Thượng Đạo lấp rồi à? Lấp thì mở ra.
- Thần biết rõ lắm. Mở Thượng Đạo hoặc bạt luỹ Trường Dục, hai việc ấy cũng dễ. Chỉ e một điều...
Tới đó, Việp Quận ngập ngừng không muốn nói nốt. Chúa Tĩnh Đô hỏi tiếp:
- Chỉ e gì? Khanh e gì?
Việp Quận lúc đó mới nói giằn từng tiếng, giọng nghiêm mà buồn:
- Mình mở lối vào, thì tức là mở lối cho người ta ra. Thần chỉ e một ngày kia, họ lại do lối ấy mà ra...
Chữ “nghiêm mà buồn” của Nguyễn Triệu Lâu quả là có ý nghĩa tiên tri! Vì quả nhiên là sau này, Tây Sơn từ Đàng Trong cũng bất thần ra Bắc qua ngả đó.
Khi tham gia cuộc chiến, Hoa Kỳ không thể không biết về những ngả xâm nhập này, nhất là từ sau Hiệp định Genève 62.
Nhưng oanh tạc một đường mòn giữa rừng già nhiệt đới vốn là điều không dễ, Hoa Kỳ còn tự làm khó khi quyết định không được tấn công quá hai trăm thước ở hai bên đường để khỏi gây thiệt hại dân sự. Và đoạn nào đã bị dập thì có bốn tháng ngưng bắn: khỏi bị không tập lại trong vòng bốn tháng.
Để đối phương có cơ hội tu bổ và tái sử dụng như một xa lộ thênh thang, một kỳ quan thế giới về sự khờ khạo rất khó hiểu của Hoa Kỳ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét