Bộ Trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến: Dượng gọi điện hỏi dì Út chiều nay nấu canh gì, Út trả lời rồi không quên “dạ” một tiếng trước khi tắt điện thoại. Ở với nhau gần hai chục năm, con cái đã lớn hết, mà dì đối với dượng trước sau vẫn một dạ hai thưa. Còn dượng vẫn trìu mến “Út ơi!” như ngày trước. Tiếng “dạ, thưa” hẳn là “câu thần chú” giúp dì và dượng vững tâm đi bên cạnh người mình đã trao lời thề.
Đám giỗ nội, mọi người quây quần bên mâm, dượng gắp thức ăn hết lượt cho cả nhà rồi mới ăn. Dượng còn tỉ mẩn lựa xương và mấy cọng hành mà dì không thích ra để dì ăn ngon miệng. Các dì ai cũng nói Út sướng, mấy đứa cháu gái thì ước mai mốt lấy được chồng như dượng, bảnh bao và cưng vợ. Út cười hiền: “Sướng khổ một phần là do mình. Hồi đó dượng học trên lớp Út nên Út phải trọng. Còn giờ muốn mấy đứa nhỏ kính ba thì Út phải làm gương”.
Có lẽ, với cuộc hôn nhân nào cũng vậy, sau ngần ấy năm, tình yêu đã nhường chỗ cho thứ tình cảm sâu lắng, bình yên hơn, đó chính là tình thương. Tình thương không có những phút giây lãng mạn hay ánh mắt nồng cháy, mà đó là lòng khoan dung, sự chở che, mang đến cảm giác tin tưởng, an toàn dù có cách xa. Mười mấy năm lấy dượng, dì chẳng hề đổi thay, vẫn giản dị, mộc mạc, thỉnh thoảng đi tiệc thì thoa chút má hồng, son môi.
Dượng nói hồi đó nhờ dáng chân chất của Út mà dượng thương. Dì giản dị nhưng vẫn quan tâm chỉ bảo mấy đứa cháu trong nhà phải biết làm đẹp. Đi nắng nhớ mặc áo khoác, đứa nào bị mụn thì dì hỏi chỗ nào bán kem tốt mua về đưa cho xài. Dượng nói hồi đó thấy cách Út đối đãi với cha mẹ, anh chị, dượng chắc chắn sau này dì sẽ là mẹ của con dượng. Những suy nghĩ tốt đẹp về nhau trở thành sợi tơ gắn kết gia đình nhỏ bé của dì dù dượng thường đi làm xa, chỉ về nhà vào cuối tuần.
Nhà rộng mà vắng người, Út hay rủ mấy đứa cháu qua chơi, mỗi lần như vậy Út đều kể, hồi xưa ở quê không có nhiều sự lựa chọn, nên Út thấy dượng tử tế, là người mình trông cậy được thì xin ông bà gả luôn. Còn bây giờ cháu của Út có môi trường thoải mái hơn nên chọn hoài không xong. Út chọn một người và “đầu tư” hết lòng, chỗ nào không ổn thì Út coi lại, sửa được thì sửa, không được thì nhờ ông bà, các dì; khó xử quá thì hai vợ chồng cùng ngồi lại nói chuyện, còn không thì chấp nhận như một phần cuộc hôn nhân. “Cái chén, đôi đũa còn có lúc gãy, lúc bể huống chi con người”.
Út thấy mấy đứa cháu học hành tấn tới, dự định là thạc sĩ, giảng viên, Út mừng không hết nhưng vẫn căn dặn: “Ở ngoài đường có là kỹ sư, bác sĩ thì về nhà vẫn phải quét cái nhà, nấu nồi canh. Cái đó không ai thay mình làm cho chồng con mình được”. Mấy đứa cháu trề môi: “Thời buổi này bình đẳng rồi Út ơi”. Út ân cần: “Bình đẳng khác với rạch ròi, sòng phẳng. Mà là biết nhường nhịn, đỡ đần nhau, cũng như cái cây cho con người bóng mát, quả ngọt thì con người tưới nước, bón phân cho cây”.
Một lần cả nhà cùng đi chơi xa, dượng lên sau vì bận họp. Cả buổi chiều dì không ăn gì, đứng trước khách sạn chờ dượng đến tối mịt. Mọi người lo dì đói mà dì cười khì khì vì quen đợi cơm dượng rồi. Đi làm về dượng vào nhà mà không thấy dì là “Út ơi!” liền. Út vừa “dạ” vừa xuống nhà. Hai đứa nhỏ thấy vậy thành quen. Dù có phòng riêng nhưng ba về nhà vẫn ra chào đàng hoàng rồi mới trở vô.
Cả nhà ai cũng tấm tắc Út và dượng hiền lành, tử tế nên hai đứa nhỏ ngoan, đến nhà ai cũng chào từng người rồi hỏi thăm rôm rả. Chưa thấy mặt mà nghe “dạ, thưa” là biết gia đình dì Út tới. Nhờ tiếng “dạ” của dì mà dượng và hai đứa nhỏ trên kính dưới nhường, ít khi nào bất hòa, như lời Út: “Cái gì tốt thì mình giữ, cái nào chưa tốt thì mình sửa, bấy nhiêu thôi chứ Út đâu có biết gì nhiều”.
(Theo Võ Hoàng Kim/Phunuonline)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét