Bộ Trưởng Bộ Y tế: Ngăn cản sự lộng quyền của bút phê, mới đây một Bộ đã phải ban hành văn bản để chấn chỉnh, đủ thấy quyền lực nghiêng nước nghiêng thành của bút phê và của các tin nhắn riêng tư, thân tình gửi "bộ trưởng, thứ trưởng".
Vận động là phương thức tồn tại của vật chất. Triết học đã nói vậy. Nhưng đôi khi vận động đơn thuần chưa đủ mà để theo kịp thời đại, chúng ta còn phải chạy.
Nhằm rèn luyện cơ thể, chúng ta có môn chạy bộ. Vật lộn mưu sinh, những người phụ nữ buôn thúng bán bưng xưa vẫn được miêu tả bằng từ "chạy chợ". Vô trách nhiệm với hậu quả của việc mình làm, chúng ta có từ chạy làng. Xã hội phát triển, ngày nay còn có hàng loạt thứ "chạy" nhọc nhằn khác: chạy việc, chạy chức, chạy trường và… chạy bút phê.
Ngôn ngữ đời thường phong phú là vậy, nhưng dạo qua một số trang từ điển online, hoàn toàn không thể trích xuất ra chỗ nào nêu lên định nghĩa về một từ tương đối nhạy cảm và thoạt nghe qua đã thấy binh lực đầy mình là từ "bút phê".
Bút phê, hiểu nôm na là dùng bút… phê vào một cái gì đấy. Nhưng phê kia cũng có ba bảy đường. Ở cấp độ đơn giản, thì phê kính gửi, kính chuyển…trong các văn bản chỉ đạo hành chính.
Ở cấp độ nâng cao, thì sếp phê để nhắn nhủ cấp dưới lưu tâm, giải quyết, giúp đỡ, tạo điều kiện... cho ai đó thân tình.
Ngắn gọn, thậm chí cụt ngủn vậy thôi nhưng xin đừng vội xem thường. Bởi để có được vài từ bút phê quý giá đó, phải chuẩn bị chạy khởi động từ rất xa rồi.
Lần đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải ra văn bản lên tiếng về hiện tượng một số người đến hoặc gọi điện thoại đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT và xưng là người thân, quen của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Văn bản do Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường ký được gửi tới các cơ quan tham mưu giúp việc của Bộ trưởng Đinh La Thăng, các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, các Sở Giao thông Vận tải trên cả nước. “Thời gian gần đây, một số người đến hoặc gọi điện thoại đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, các Sở GTVT để liên hệ công tác, làm việc và xưng danh là người thân, quen của đồng chí Bộ trưởng GTVT” - văn bản nêu rõ. (Theo Dân trí) |
Đây là quá trình chạy tiếp sức mà nếu không có sức thì miễn tiếp. Và ở cấp độ đặc biệt, ai đó còn được phê “tâm thư” hẳn vào một tờ giấy trắng. Lần này là marathon đó, dù chặng đường không phải đơn thuần chỉ là chặng dài 42,195km. Nhưng kết quả thì mỹ mãn, chẳng khác lời truyền khẩu “các chú làm thế nào thì làm”. Cấp dưới cứ thế mà hiểu là phải tạo điều kiện giúp đỡ hoặc xử lý ngay trong dạng ưu tiên.
Có câu, danh có chính thì ngôn mới thuận. Sục sạo trong luật và các văn bản dưới luật, thật khó tìm ra ở đâu quy định công chức và quan chức được giải quyết công việc bằng bút phê. Nếu cần thiết, tùy theo chức vụ, có thể ban hành các hình thức văn bản như quyết định, chỉ thị, công văn…
Nhưng chính danh với bút phê là một khái niệm vô cùng xa xỉ, thậm chí hão huyền. Oan trái là nó cũng chẳng cần tới những điều cao siêu đó, chẳng cần quy định vào trong luật, mà vẫn tồn tại và biểu dương sức mạnh ít ai địch nổi.
Từ bệnh viện nhân ái tới trường học hiền hòa cho đến chốn kinh doanh hiểm ác, cứ có bút phê trong tay là như có cảnh sát dẹp đường. CSGT, các anh chỉ mới dẹp đường và điều tiết giao thông, bút phê còn tả xung hữu đột dọn dẹp mọi chướng ngại vật như mãnh tướng giữa trận tiền.
Có nó, đi viện chẳng lo xếp hàng chờ khám mà vẫn được chăm sóc nâng niu. Có nó, chẳng cần phải thức đêm lấy số hay đạp đổ cổng trường thì con vẫn ung dung vào lớp học. Có nó, các công đoạn thủ tục dù loằng ngoằng đến mấy vẫn được tiến hành rất mượt mà.
Có bút phê thì mọi thủ tục, nguyên tắc, thậm chí rào cản pháp lý đều rạp mình, chỉ có nó và người cầm nó trong tay là băng băng tiến. Cứ chiểu theo tinh thần AQ, chẳng phải bút phê đã giúp nắn thẳng lại những đường cong mềm mại mà người ta cố tình tạo ra đó sao!
Chính vì siêu phàm như vậy, vượt ra ngoài nhiều khuôn khổ nên để có bút phê, người ta không thể đi bình thường mà phải chạy. Từ đó mà sinh ra chạy bút phê.
Để ngăn cản sự lộng quyền của bút phê, mới đây một Bộ đã phải ban hành văn bản để chấn chỉnh, đủ thấy quyền lực nghiêng nước nghiêng thành của bút phê và của các tin nhắn riêng tư, thân tình gửi "bộ trưởng, thứ trưởng".
Chợt nghĩ, mới đây thôi, có vị PGS.TS đề xuất nên luật hóa chạy chức chạy quyền. Soi vào chuyện bút phê, chẳng có nhẽ ai đó cũng sẽ sắp sửa kiến nghị luật hóa bút phê và chạy bút phê? Vì phàm cái gì mà luật không điều chỉnh thì ngoài thị trường lại rất chi rôm rả và sôi động.
Thực ra, không thể cứng nhắc cấm đoán bút phê, nhưng phải quy định rõ trường hợp nào không được dùng bút phê. Có những việc, những lĩnh vực đã phân cấp, phân quyền rất rõ, hà cớ phải viện đến bút phê thì việc mới hanh thông. Thiết nghĩ, nếu để đảm bảo quyền lợi cho người dân, DN, tạo thuận lợi trong giải quyết công việc, thì nên hướng tới cải cách thủ tục, sao cho rõ ràng minh bạch. Có như vậy mới mong chấm dứt câu chuyện bộ nọ bộ kia phải ra văn bản chấn chỉnh bút phê, hay thanh minh trước công luận về thực - hư, thật giả của những kẻ mạo danh "người nhà Bộ trưởng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét