Hùng Tâm - 150128
"Hồ Sơ Người Việt"
Ngân hàng Thụy Sĩ, ECB, Bầu cử Hy Lạp và Khủng bố
* Thế giới Hồi giáo *
Đúng một tuần sau khi Tổng thống Barack Obama đọc Thông điệp Liên bang và ngợi ca sự phục hồi của kinh tế Hoa Kỳ, hôm Thứ Ba 27, thị trường cổ phiếu Mỹ bỗng rớt giá nặng. Các nhật báo đưa lý do lên tựa đề bản tin tài chánh: thị trường hoài nghi tình hình kinh tế! Thế là thế nào?
Nếu là tuần báo chuyên nghiệp thì người ta có thể mổ xẻ kỹ hơn nhiều sự thật sâu xa bên dưới các con số biểu kiến và nhất thời. Thí dụ như tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng lợi tức quá bẽ bàng của giới lao động hay thành phần trung lưu. Hoặc bất công xã hội tại Mỹ đang mở rộng vì giới tiết kiệm cò con bị móc túi với phân lời trái phiếu quá thấp. Nếu là nguyệt san, người ta có thể đào sâu hơn nhiều chuyển động cả kinh tế lẫn chính trị như vậy để không chụp lại một tấm hình mà trình bày một phim tài liệu. May ra thì người đọc có thể thấy được toàn cảnh.
Với tinh thần "làm phim", trên một cột báo hàng tuần, Hồ Sơ Người-Việt xin trở lại đề tài Âu Châu, rất hãn hữu khi vừa nhắc đến chuyện này vào tuần trước ("QE, ECB và Chủ nghĩa Quốc gia Âu châu - Khủng hoảng kinh tế có thể làm Liên Âu tan rã?").
Vì Sao Nói Về Âu Châu?
Lý do của chuyện đặc biệt này có thể kể ra rất nhiều, từ gần đến xa:
1) Vì quyền lợi sinh tử của mình mà một xứ văn minh, giàu có và trung lập ở giữa tâm điểm Âu Châu là Thụy Sĩ đã lấy một quyết định tài chánh có tính cách thách thức và bất lợi cho cả khối Liên hiệp Âu châu gồm 28 nước vây quanh. Và làm Âu châu rúng động.
2) Sau nhiều năm lần lữa vì thiếu thống nhất về chánh sách, Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB đành lấy một quyết định tài chánh và chính trị là sẽ bơm ra hơn một ngàn tỷ Euro trong 18 tháng tới - và có khi còn bơm thêm, lâu hơn – để cứu nguy khối Euro của 19 nước.
3) Ba ngày sau, cử tri của một quốc gia lâm nguy nặng nhất khối Euro là Hy Lạp đã bầu ra một chính quyền mới, với sứ mệnh phủ nhận giá trị của các kế hoạch cứu nguy từ sáu năm qua mà đòi thương thuyết lại, làm cả Âu Châu đều hốt hoảng.
4) Trong khi đó, biên vực miền Đông của Âu Châu là Ukraine bỗng nháng lửa vì các cuộc giao tranh quanh thành phố Mariupol giữa quân đội của chính quyền hợp pháp tại Kyiv và các nhóm phiến quân ly khai người Nga do Liên bang Nga yểm trợ. Chữ Ukraine có nghĩa là "biên vực"!
5) Giữa biến động kinh tế (Euro) và quân sự (Ukraine), lại có mối nguy sinh tử của nạn khủng bố từ nhiều hệ phái tôn giáo và lực lượng võ trang khác nhau. Họ cùng theo đuổi một mục tiêu là đánh gục Âu Châu từ bên trong để xây dựng một thế giới Hồi giáo.
Trước thời sự dồn dập như vậy trong có ba tuần, từ vụ Charlie Hebdo tại Paris hôm mùng bảy đến chuyện Hy Lạp tuần nay, báo chí chỉ có thể nháng lên từng bản tin cấp thời, theo hướng này hướng khác – thí dụ là bảo thủ như tờ The Times tại Anh, Figaro của Pháp, hay thiên tả như Guardian của Anh hoặc Le Monde tại Pháp - làm chúng ta khó thấy ra toàn cảnh.
Và sẽ lại bị bất ngờ nữa.
Toàn Cảnh Âu Châu Là Gì?
Tùy vị trí và giác độ, người Việt nhớ đến những tiếp xúc đầu tiên của nước Nam với Âu Châu là qua các thương nhân Hoà Lan hay giáo sĩ Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16, trước khi Đà Nẵng bị quân Pháp nã đạn vào một năm Mùi 1859, rồi bị trôi vào ách thực dân. Những "tiếp xúc" ấy làm nước ta hoàn toàn thay đổi. Dân ta đấu tranh vì chủ quyền, dùng chữ "quốc ngữ", ước mơ cách mạng, rồi hy sinh vì dân chủ, v.v... - theo những quy ước hay phương pháp mình học được từ Âu Châu.
Ra khỏi bản tin của nhật trình và vượt khỏi tầm nhìn vào Châu Á, ta nhớ lại là từ khi Columbus người Âu khám phá "Tân Thế Giới" năm 1492 đến ngày Liên bang Xô viết tan rã cuối năm 1991, trong 500 năm thế giới đã sinh sống và còn chém giết vì những gì xảy ra tại Âu Châu. Nổi bật là trận Đại chiến 1914-1918, sau được gọi lại là Thế chiến I vì còn có Thế chiến II (1939-1945) cũng bắt nguồn từ Âu Châu. Nước ta đang lãnh di sản 1945 đó, sau những tư tưởng hồ đồ của một trí thức Âu châu là Karl Marx!
Nếu chịu khó, ta còn có thể biết thêm về Âu Châu như sau:
Âu Châu là vùng bán đảo và quần đảo ở phía Tây của đại lục địa Âu Á. Phía Bắc, sau các nước Bắc Âu là lên tới Bắc Cực. Phía Đông là một phần tư Âu hoá nhất của nước Nga. Giới hạn miền Nam là Địa Trung Hải. Bên trong Âu Châu lại có nhiều dị biệt và cách trở, nguyên do của cả ngàn năm xung đột để tiến tới sự hình thành của các quốc gia. Đó là về địa dư.
Theo tôn giáo và văn hóa Thiên Chúa Giáo, Âu Châu có hơn ngàn năm tiếp xúc, chinh chiến, hợp tác rồi khuất phục thế giới Hồi giáo.
Cánh tả Âu Châu, và Hoa Kỳ, thường mang mặc cảm mà cho là Âu Châu và Công giáo đã "gieo gió" khi gây hấn với Hồi giáo từ chuyện Thập Tự chinh rồi khuất phục thế giới Hồi giáo từ đầu Thế kỷ 20 khi Thế chiến I kết thúc. Vì vậy, ngày nay Âu Châu mới "gặt bão" là bị khủng bố Hồi giáo. Sự thật nó rắc rối hơn vậy: Âu Châu quả là có tội mà cũng có công với thế giới.
Nếu nhìn xa hơn cánh tả, và phải như vậy, thì ta nhớ là các sắc tộc theo Hồi giáo đã chiếm đóng một khu vực rộng lớn ở miền Nam Âu Châu từ Thế kỷ 8. Năm 732, nếu Charles Martel, ông nội của Charlemagne, không chặn làn sóng Hồi giáo từ nặng Pyrénées đổ xuống vùng đất sau này là nước Pháp thì có khi... dân Paris ngày nay đã theo đạo Hồi.
Sự thật thì Hồi giáo từng chinh phục một lãnh thổ rộng lớn, từ Maroc xuống Tây Phi, từ Bắc Phi qua Đông Phi, từ Trung Đông đến Trung Á, Nam Á và cả Đông Nam Á (Chiêm Thành ngày xưa, hay các quốc gia hiện đại hơn như, Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, v.v....) Chính thế giới Hồi giáo ấy đã đóng chốt Âu Châu vào năm 1453, khi Constantinople của Thiên Chúa Giáo rơi vào tay Đế quốc Ottoman theo Hồi giáo. Và gây phản ứng dội ngược là phong trào Phục Hưng Renaissance. Từ đó mới có cách mạng văn hóa, tôn giáo rồi chính trị bên trong Âu Châu.
Phản ứng kia còn "toàn cầu" hơn vậy. Bị Hồi giáo phong toả và không thể Đông tiến quá Địa Trung Hải để tới Ấn Độ hay Trung Hoa nên Âu Châu phải tìm ngả khác.
Trước tiên, hai nước Công giáo trong bán đảo Iberia (từng bị Hồi giáo chinh phục) và tiếp cận với thế giới Hồi giáo ở ngay Bắc Phi, là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, bèn dong buồm thám hiểm. Cả hai đều thực tin là có Thiên Chúa độ trì trong nỗ lực lớn lao và mới mẻ này.
Bồ Đào Nha men theo Phi Châu, vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam Châu Phi mà tìm đến Ấn Độ Dương, xuống gần tới Úc và lên tới... Đài Loan. Mỗi chuyến hải hành là một cải tiến kỹ thuật hàng hải. Chữ quốc ngữ của ta mang nhiều ký hiệu Bồ Đào Nha cũng vì lẽ đó.
Khó cạnh tranh với Bồ Đào Nha đã ra khơi từ trước, Tây Ban Nha yểm trợ Columbus đi tìm Ấn Độ bằng hướng Tây, khám phá ra Mỹ Châu nên gọi lầm dân bản địa là Indians. Từ đó, thiên hạ mới có chữ "Mỹ châu La tinh". Chuyện ấy, sau này trở thành lịch sử.
Vì thế, "toàn cảnh" từ 500 năm trước cho thấy một tương quan khác giữa Âu Châu theo Thiên Chúa giáo với Thế giới Hồi giáo. Cái khác là ngày nay, dân Âu Châu mất dần đức tin tôn giáo nên ngẩn ngơ về tinh thần tín ngưỡng đến độ cuồng tín và hiếu sát của các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Đây là lúc ta trở về "Nội cảnh" của Âu Châu.
Nội Cảnh Âu Châu Là Gì?
Địa dư Âu Châu có hai đặc tính đầy mâu thuẫn là trống trải với bên ngoài và hiểm trở ở bên trong.
Trống trải như nước Đức vì không có sông ngòi hay núi rừng bảo vệ trước sức ép từ miền Tây của Pháp hay từ miền Đông của Nga. Trống trải như khi nhìn ra Địa Trung Hải, một cái ao nhỏ của thế giới "toàn cầu hóa". Hãy tưởng tượng là nếu thuyền nhân của ta mà chỉ phải vượt Địa Trung Hải để tìm tự do thì có lẽ đã làm Âu Châu đổi khác! Chuyện ấy làm ta suy nghĩ lại về vấn đề di dân và an ninh Âu Châu.
Hiểm trở bên trong là vì núi non hay sông ngòi chia cắt địa dư Âu Châu thành từng khu vực biệt lập chứ không "núi liền núi sông liền sông" như Hoa Kỳ. Sự biệt lập tự nhiên của hình thể khiến từng sắc dân có thể bảo tồn căn cước hay bản sắc riêng và sự hình thành của "quốc gia" đòi hỏi sự hội nhập của nhiều cái "riêng" thành cái "chung". Trong thực tế của người dân bình thường, chữ hội nhập ấy cũng có nghĩa là chiến tranh và những đổi thay ranh giới, vài chục năm lại có một lần. Khi chủ nghĩa quốc gia càng là chân lý phổ cập thì chiến tranh càng hung bạo.
Các trận chiến thời Napoléon từ cuối Thế kỷ 18 qua đầu Thế kỷ 19 là điển hình nóng bỏng nhất. Đại đế Napoléon là bậc anh hùng làm nên nước Pháp hiện đại nhưng cũng khiến Âu Châu và Pháp cùng xuất huyết. Dân Tây có thể nghĩ đến ông như một Charlemagne, dân Nga coi ông ta là Hitler, dân Đức hay Đông Âu thì nghĩ đến Staline!
Sau cả ngàn năm chinh phạt vì đủ loại lý do hay chính nghĩa bên trong Âu Châu như vậy, cao điểm của sự hội nhập hay thống nhất là sự hình thành của "quốc gia" Đức: ba lần tấn công nước Pháp vào các năm 1870, 1914 hay 1939. Hai lần cuối là hai trận Thế chiến tàn khốc nhất của thế kỷ 20. Cái giá mà Âu Châu phải trả mỗi lần đó là chừng 100 triệu người chết.
Vì vậy mà nước Đức mới bị cưa đôi và chỉ thống nhất với sự tan rã của một Đế quốc Âu châu là Liên bang Xô viết, khi Âu Châu đã đi vào tàn tạ.
Người dân Âu Châu không thể không thấy ra những phũ phàng lịch sử như vậy, cho nên từ 70 năm nay (1945) hay từ khi Liên Xô sụp đổ (1991) đã cố xây dựng một quy ước sống chung cho hoà bình và thịnh vượng. Hoà bình là Liên hiệp Âu châu, và Thịnh vượng là Khối Euro.
Quy ước đó đang chậm rãi phá sản trước mắt chúng ta.
Gần gũi và được tường thuật hàng ngày là sự thịnh vượng ấy bị đe dọa với vụ khủng hoảng Euro - và phản ứng dễ hiểu mà đáng sợ là sự hồi sinh của chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Tương lai có khi là quá khứ của nạn ngăn sông cấm chợ với tầm vông dáo mác?
Chẳng vì vậy mà các nước Âu Châu sẽ giao chiến với nhau. Liên Âu không có lực lượng công an thuế vụ vào Quốc hội hay bộ Tài chánh Hy Lạp kiểm soát việc chi tiêu của xứ này. Vả lại, hòa bình là ước mơ chung.
Nhưng hòa bình bị đe dọa khi Liên bang Nga đã tấn công Ukraine, uy hiếp ba nước Cộng hoà Âu châu trên vùng biển Baltic và đóng chốt tại vùng biển Caspian. Hòa bình càng bị đe dọa với làn sóng Hồi giáo đã thẩm thấu vào xã hội Âu Châu, như những tế bào ung thư đến hồi phá tác....
Trong khi đó, Âu Châu lại hết muốn đẻ con, dân số cứ lão hóa dần. Và co cụm dần.
_____________________________
Kết luận ở đây là gì?
Nếu chỉ nghĩ đến quyền lợi ngắn hạn và có khả năng tài chánh thì nên... đầu tư theo hướng suy sụp của đồng Euro.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét