“Người cùng huyết thống 3 đời như: Cùng hàng, con cô, con chú, con bác, con dì mới được phép mang thai hộ”.
Luật Hôn nhân - Gia đình (sửa đổi) có hiệu lực gần 2 tuần. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng có nhu cầu vẫn phải chờ do chưa có văn bản hướng dẫn.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Thưa ông, Luật Hôn nhân – Gia đình (sửa đổi) đã cho phép 3 cơ sở tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật mang thai hộ nhưng hiện 3 bệnh viện này vẫn chưa bắt tay thực hiện. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Các bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn.
Năm 2015, Bộ Y tế chỉ cho phép 3 đơn vị đại diện cho 3 vùng miền được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm: BV Phụ sản Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế và BV Từ Dũ.
Vậy, ông đánh giá thế nào về vai trò mang thai hộ đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn? Điều kiện được phép mang thai hộ là gì, thưa ông?
Đây là quy định mang tính nhân đạo giúp người khác có 1 đứa con, bảo đảm duy trì hạnh phúc cho các cặp vợ chồng.
Quy định có ý nghĩa đối với những cặp vợ chồng không thể mang thai. Ví dụ: Người vợ bệnh tật phải cắt bỏ tử cung hoặc bệnh lý, không được phép mang thai trong khi 2 buồng trứng vẫn bình thường, người chồng có tinh trùng khỏe. Trường hợp này, hai vợ chồng chỉ có thể có con bằng di truyền của chính họ thông qua kỹ thuật mang thai hộ.
Lợi ích khác từ phía các bác sỹ trong một số trường hợp cấp cứu như: trường hợp sản phụ đẻ bị băng huyết, hoặc vỡ tử cung, hoặc bị rau tiền đạo...cần cắt ngay tử cung để cứu người mẹ.
Tuy nhiên, các bác sĩ phải đắn đo khi cắt bỏ tử cung của người mẹ. Nếu không cắt ngay trong những trường hợp này, sản phụ sẽ bị mất nhiều máu, dẫn tới tử vong. Còn nếu cắt bỏ tử cung thì người mẹ đó sẽ không thể sinh thêm con.
Mang thai hộ giúp các bác sỹ quyết định nhanh hơn để đảm bảo tính mạng của người mẹ đồng thời cũng tạo cơ hội để gia đình đó tiếp tục có thêm con một cách chính đáng.
Người nhờ mang thai hộ phải là những cặp vợ chồng kết hôn sau 1 năm chưa có con dù sinh hoạt tình dục bình thường (3 lần/tuần), không có biện pháp tránh thai.
Những phụ nữ không có tử cung hoặc bị bệnh, hỏng, bệnh lý như tim mạch cũng được phép nhờ mang thai hộ.
Ngoài ra, người cùng huyết thống 3 đời như: Cùng hàng, con cô, con chú, con bác, con dì mới được phép mang thai hộ. Nếu vợ chồng chưa li dị phải được đồng ý của người chồng.
Tại sao Bộ Y tế chỉ cho phép 3 bệnh viện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ?
Mang thai hộ là quá trình diễn biến phức tạp, nó đòi hỏi các cơ sở có kinh nghiệm thụ tinh trong ống nghiệm. Bộ Y tế chỉ cho phép Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Huế, Bệnh việnTừ Dũ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. 3 bệnh viện này đại diện cho 3 vùng.
Với điều kiện như vậy, không phải cơ sở nào cũng đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Hơn nữa, số người mang thai hộ không phải là nhiều, trước mắt là giao cho 3 đơn vị rút kinh nghiệm và tổng kết sau 1 năm.
Ngoài ra, mang thai hộ chưa có tiền lệ trong thực tiễn nếu để cho 22 đơn vị dễ tạo ra lỗ hổng về mặt y tế, pháp lý.
Điều trị hiếm muộn không được bảo hiểm y tế chi trả. Mỗi lần thực hiện kỹ thuật mang thai hộ như 1 lần thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, mang thai hộ vẫn gặp thất bại.
Ông có tính đến chuyện sẽ xảy ra “nạn môi giới mang thai hộ”?
Muốn mang thai hộ phải qua bệnh viện. Nếu bệnh viện làm sai sẽ xử lý. Nếu chỉ hai người môi giới với nhau, bệnh viện xác định không phải là họ hàng thì không thực hiện.
Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ. Chẳng hạn, những người mang thai hộ sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người mang thai hộ đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký sẽ không được.
Chi phí cho một ca mang thai hộ tại Việt Nam dự kiến như thế nào, thưa ông?
Tại Việt Nam, chi phí cho một ca mang thai hộ khoảng 30-50 triệu trong khi đó tại Singapore khoảng 400 triệu, tại Thái Lan trên 300 triệu.
Ông có khuyến cáo gì đối với những cặp vợ chồng có nhu cầu tìm kiếm người mang thai hộ?
Người có nhu cầu thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải tìm hiểu về mặt pháp luật. Các cặp vợ chồng phải xác định thực hiện kỹ thuật này vẫn có rủi ro. Do đó, không có con, các cặp vợ chồng có thể nhận con nuôi để duy trì hạnh phúc gia đình.
Theo Diệu Thu (thực hiện) (Dân Việt)- - Website Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến - - Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến - - Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét