Một nghiên cứu mới nhất dựa trên các thang đo sức khỏe tâm thần chuẩn đối với trên 2.000 sinh viên Y khoa ở 8 trường ĐH Y Dược trên toàn quốc đã đưa ra một kết luận quan trọng về dấu hiệu trầm cảm và ý nghĩ tự tử gia tăng ở khối sinh viên này.
Tại Hội thảo “Sức khỏe tâm thần, bằng chứng từ các nghiên cứu ở cộng đồng người Việt Nam” tổ chức tại ĐH Y Dược Huế ngày 9, 10/1 vừa qua, nhóm nghiên cứu của GS. Michael P. Dunne (Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng ĐH Y Dược Huế, Trường Y tế công cộng và Công tác xã hội, ĐH Công nghệ Queensland), ThS.BS.Trần Quỳnh Anh (ĐH Y Hà Nội), PGS.TS. Lưu Ngọc Hoạt (ĐH Y Hà Nội) đã đưa ra nhiều kết luận mới chính xác mang tính cảnh báo cao từ việc nghiên cứu sức khỏe và sự khỏe mạnh tinh thần của sinh viên Y khoa tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu chung trên thế giới đã chỉ ra rằng, sinh viên Y khoa mắc phải stress cao hơn, do đó dễ dẫn đến trầm cảm. Sự biểu hiện trầm cảm, lo âu của sinh viên Y khoa cao hơn so với sinh viên các ngành khác và so với cả dân cư nói chung. Ước tính tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm trí của sinh viên Y khoa tại Mỹ và các nước châu Âu là 8-15%, tại Trung Đông là 45-67%, tại các nước khác từ 21-38%. Riêng tỷ lệ sinh viên Y khoa có ý tưởng tự tử ở Mỹ là 11,2%, ở Bắc Âu là 14% và ở Trung Quốc là 12%.
Hiện ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu về sức khỏe tâm thần trên sinh viên Y khoa nhưng điều tra ở quy mô nhỏ, ở 1 hoặc 2 trường. Nghiên cứu mới nhất trên được cho là thực hiện khá đầy đủ và quy mô đối với 2.099 sinh viên hệ BS đa khoa năm 1, năm 3, năm 5 tại 8 trường: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Thái Nguyên, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Dược Thái Bình, ĐH Y Dược Huế, ĐH Tây Nguyên (Khoa Y Dược), ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh và ĐH Y Dược Cần Thơ từ tháng 1-4/2013.
Kết quả cho thấy, có 43% trong số 2.099 sinh viên có dấu hiệu trầm cảm. Trong đó, có 23% trầm cảm nhẹ và 20% có thể trầm cảm nặng. Đặc biệt về hành vi tự tử: có 8,7% SV có ý tưởng tự tử, 3,9% lên kế hoạch tự tử và 0,9% cố gắng tự tử. Các SV có cả dấu hiệu trầm cảm và ý tưởng tự tử là 5,8% (119 sinh viên) -đây là nhóm nguy cơ cao cần phải cảnh báo.
Nguyên nhân của việc có trầm cảm, có ý tưởng tự tử được xác định đến do nhiều nguyên nhân. Nhưng trong đó lớn nhất vẫn là nhóm “Ảnh hưởng các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống”. Trong nhóm này, việc bất đồng về cha mẹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 29,1%, việc kết thúc tình bạn chiếm 25,3%, việc kết thúc tình yêu chiếm 23,7%. Sau đó là vấn đề khó khăn về nơi ở với 16%, khó khăn về tài chính 8,1%.
Nhóm kế đến là “Các yếu tố học tập”. Cao nhất trong nhóm này là việc không hài lòng với kết quả học tập chiếm đến 56,5%. Tiếp đến là việc thi trượt, muốn chọn lại nghề…
Nhóm “Nhân khẩu học” cũng được khảo sát và cũng có liên quan đến việc trầm cảm, có ý nghĩ tự tử ở sinh viên Y khoa như: nơi ở gia đình (tỷ lệ thành thị cao hơn nông thôn), giới tính (nữ cao hơn nam), sinh viên năm thứ 3 cao hơn sinh viên năm 1, năm 5, dân tộc (Kinh cao hơn các dân tộc khác), tôn giáo (không có tôn giáo cao hơn có tôn giáo).
Các tác giả của đề tài nghiên cứu này đã đặc biệt lưu ý ở nhóm nguy cơ cao (5,8% SV có cả dấu hiệu trầm cảm và ý tưởng tự tử) bị “dính” nhiều ở nhóm “Ảnh hưởng các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống” ở 5 việc chính là: Kết thúc tình yêu, Thi trượt, Khó khăn về nơi ở, Bất đồng với cha mẹ, Không hài lòng với kết quả học tập.
Theo GS. Michael P. Dunne, ước lượng tỷ lệ sinh viên Y khoa Việt Nam có các dấu hiệu trầm cảm cao hơn đáng kể so với nghiên cứu trên người trưởng thành ở Việt Nam (theo nghiên cứu của Đoàn Vương Diễm Khánh, 2011), và cao hơn so với nghiên cứu trên sinh viên Y khoa ở Mỹ (nghiên cứu của Goebert et al., 2009).
“Chúng ta cần những thầy thuốc khỏe mạnh trong tương lai. Tuy vậy, mặc dù hơn một nửa trong số 2.099 sinh viên được hỏi cho biết họ có chất lượng cuộc sống tốt, nhưng đã có khoảng 2 trong số 5 sinh viên có những dấu hiệu trầm cảm và xấp xỉ 1 trong 10 sinh viên đã có ý nghĩ tự tử trong năm qua. Đặc biệt, có khoảng 1/20 sinh viên có cả 2 dấu hiệu trên. Nghiên cứu này đã cung cấp thêm những hiểu biết về sức khỏe tâm thần của sinh viên ngành Y - nhóm người trẻ tuổi vốn được coi là khỏe mạnh và ưu tú trong xã hội”, GS Michael P.Dunne cảnh báo.
Qua nghiên cứu thú vị trên, nhóm đã đưa ra khuyến nghị nhằm giảm tỷ lệ trầm cảm và có ý tưởng tự tử trong sinh viên Y khoa tại Việt Nam đang gia tăng. Đó là việc cần thiết phải thành lập các dịch vụ tư vấn cho sinh viên trong các trường ĐH. Điều này ở các trường ĐH trên thế giới đã có. Các dịch vụ tư vấn nên thực hiện toàn diện chứ không chỉ tập trung vào việc điều trị các rối nhiễu tâm lý phổ biến. Các nhà tư vấn nên đưa ra những lời khuyên cụ thể cho sinh viên Y khoa trong các vấn đề về quan hệ tình bạn, tình yêu, khó khăn về nơi ở và tài chính, mối quan hệ gia đình.
Trên đầu - Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyên Thị Kim Tiến Bên dưới - - Website Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến - - Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến - - Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét