Theo dự thảo, các BV được phân theo năm hạng gồm hạng đặc biệt và các hạng từ I đến IV. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết hiện nay giá dịch vụ y tế của các BV cùng hạng ở các tỉnh, TP có sự khác nhau. Lý do là liên bộ Y tế-Tài chính chỉ ban hành khung giá cho các dịch vụ y tế, còn cụ thể giá bao nhiêu do địa phương tự quyết định. “Vì thế nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến tại sao mức thanh toán trung bình cho một người bệnh có thẻ BHYT tại BV tỉnh A là 3,5 triệu đồng, trong khi BV tỉnh B chỉ có 1,7 triệu đồng” - ông Tuấn trình bày.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết để khắc phục nghịch lý trên, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã xây dựng mức giá dịch vụ theo các hạng BV thống nhất trên toàn quốc. Về cơ cấu tính giá, trước mắt vẫn tính trên cơ sở 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp như hiện nay gồm: tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; điện; nước; vệ sinh; thủ thuật; xử lý chất thải và cuối cùng là duy tu bảo dưỡng trang thiết bị. Riêng giá ngày giường tính thêm chi phí phụ cấp thường trực 24/24 giờ và giá một số phẫu thuật, thủ thuật. Giá viện phí cho mỗi hạng BV chênh lệch khoảng 5%.
“Khi thông tư này được ban hành, sẽ có đơn vị, địa phương được điều chỉnh tăng giá khám, chữa bệnh BHYT nhưng cũng có đơn vị, địa phương giảm giá. Chẳng hạn, các BV hạng đặc biệt và hạng I trực thuộc Bộ Y tế sẽ có mức giá điều chỉnh giảm. Giá của các BV thuộc các tỉnh Cao Bằng, Đồng Nai, Sơn La, Đồng Tháp, Long An, Hòa Bình, Khánh Hòa... cũng sẽ giảm” - ông Liên nói.
Vẫn chưa công bằng với người bệnh
Tuy nhiên, ông Liên cho biết mức giá quy định tại dự thảo thông tư này chỉ áp dụng cho đối tượng bệnh nhân có thẻ BHYT. Các bệnh nhân không có thẻ BHYT về nguyên tắc vẫn tiếp tục áp dụng mức giá đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đưa ra lần này còn phân biệt giá dịch vụ giữa bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho rằng thực trạng trên sẽ dẫn đến một cơ sở y tế có thể có ba loại giá dịch vụ gồm giá BHYT, giá người bệnh không có thẻ BHYT, giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Có nơi giá khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT cao hơn giá khám, chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT, dẫn đến không khuyến khích người dân tham gia BHYT. Ngược lại, có nơi giá khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT thấp hơn giá cho người không có thẻ BHYT.
“Hai người bị bệnh như nhau, cùng hưởng dịch vụ như nhau nhưng giá lại khác nhau. Việc phân biệt giữa hai mức giá như vậy vô tình dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử, người bệnh sẽ không hài lòng” - vị này nhấn mạnh.
Người dân hưởng lợi ít hơn trước
TS Nguyễn Công Hoàng, Phó Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, cho rằng với dự thảo thông tư này người dân không được hưởng gì nhiều hơn so với thông tư trước mà còn bị thiệt thòi hơn. “Vì quy định vượt tuyến BHYT sẽ không được chi trả vài chục phần trăm như trước đây. Trong khi đó, cơ quan BHYT được lợi do giảm được những trường hợp chuyển tuyến không phải thanh toán tiền, giảm được chi phí, kết dư nhiều hơn” - TS Hoàng nói.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương thắc mắc tại sao chi phí phẫu thuật lấy thai lần đầu ở các BV xếp hạng khác nhau đều là 1,5 triệu đồng nhưng giá phẫu thuật lấy thai lần thứ hai trở lên giá lại khác nhau ở mỗi BV.
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cho biết ở Pháp họ chỉ có hơn 3.000 loại dịch vụ, ở Đức cũng chỉ có 3.000-5.000 dịch vụ. Trong khi đó ở Việt Nam đang xây dựng 17.000 đến 18.000 dịch vụ y tế. “Cứ chẻ như chúng ta có khi hơn 20.000 cũng chưa đủ. Tôi đề nghị có lẽ nên đơn giản thủ tục, không nên quá chi tiết bởi không có cái gì chi tiết được bằng thực tế” - ông Quyết góp ý.
Ông Quyết cũng cho rằng những BV chuyên khoa đầu ngành có nhiều dịch vụ đặc biệt, thậm chí ngang tầm khu vực và thế giới thì toàn bộ trong thông tư này chưa đáp ứng được. Việc chênh lệch 5% giá dịch vụ giữa các hạng BV sẽ không khuyến khích và không tạo động lực để BV đầu tư những dịch vụ kỹ thuật cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét