Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM - 90 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Cỏ Thơm

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 21-6-1925, báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Người sáng lập đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay những năm sau đó, một số tờ báo của các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam lần lượt ra đời (báo Búa liềm, báo Lao động, tạp chí Công hội đỏ...). 
Tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, báo chí đã phục vụ tích cực cho nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối cách mạng của Đảng, đấu tranh chống thực dân, báo chí đã bám sát thực tiễn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước; nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả. Ngày nay, báo chí cách mạng Việt Nam là một hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng gồm rất nhiều các loại hình: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, báo ảnh từ Trung ương đến địa phương, hướng tới nhiều đối tượng, xuất bản và lưu hành cả trong và ngoài nước. Nhiệm vụ cơ bản của báo chí ngày nay luôn gắn với mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế.
Giai đoạn hiện nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, báo chí Việt Nam đã luôn thể hiện tốt vai trò của mình là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng và thực sự trở thành diễn đàn rộng rãi của nhân dân, nơi thể hiện tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, từ đó khẳng định tính dân chủ trong toàn xã hội.

Với chức năng là cơ quan làm công tác tư tưởng, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn tích cực, chủ động và có nhiều sáng tạo, góp phần hiệu quả trong việc truyền bá sâu rộng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời đưa đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Đồng thời, thông qua báo chí đã khẳng định những thành tựu to lớn, toàn diện của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… Báo chí Việt Nam thực sự trở thành diễn đàn của nhân dân, phản ánh trung thực những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời, trong tình hình hiện nay, khi các thế lực thù địch, những đối tượng phản động trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách chống phá, chúng sử dụng những hình thức rất tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Báo chí nước ta thực sự trở thành một vũ khí sắc bén, các nhà báo thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng góp phần đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa

Có thể nói, trong những năm qua, báo chí nước ta vẫn giữ vững và phát huy được vai trò, vị thế trong việc thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trước những sự kiện quan trọng, phức tạp và nhạy cảm trong nước và trên thế giới; xử lý tốt mối quan hệ giữa tính định hướng chính trị, tư tưởng và việc đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Trong thực tiễn đổi mới đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay thể hiện rõ nét hơn chức năng giám sát, phản biện, giúp Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể Trung ương và địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nhiều chủ trương, chính sách… Đồng thời, báo chí Việt Nam còn thể hiện rõ nét tính chiến đấu, đi tiên phong trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Trải qua 90 năm, lịch sử của Báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc. Với những đóng góp của mình, ngành Báo chí Việt Nam xứng đáng đón nhận sự tôn vinh của cả xã hội. Trong thời gian tới, báo chí cách mạng Việt Nam cần giữ vững và phát huy hơn nữa bản chất cách mạng, là công cụ tư tưởng, văn hóa của Đảng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét