Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Sáng nay, hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia

Dân trí Ngày 30/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước tới trường làm thủ tục dự thi THPT quốc gia. Đây là kỳ thi đầu tiên mà kết quả sử dụng với 2 mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Do đó, tính cạnh tranh cả kỳ thi vô cùng “khốc liệt” giữa các thí sinh. 
Sinh viên tình nguyện thức trắng đêm hỗ trợ, tư vấn thí sinh đến điểm thi
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2015 cả nước có 1.004.486 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp là 279.001 em; số thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH-CĐ là 592.934 em; số thí sinh tự do đăng ký để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH là 132.552 em.

Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, môn toán có khoảng 960.000 thí sinh đăng ký thi, môn văn gần 940.000, môn ngoại ngữ trên 740.000, môn vật lý: trên 470.000, môn hóa gần 460.000, môn sinh trên 283.000, môn lịch sử trên 153.000 và môn địa lý có gần 390.000 thí sinh đăng kí dự thi. 

Cả nước có 38 cụm thi quốc gia do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tỉnh do các địa phương chủ trì.

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Phó Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia cho biết: Đến giờ phút này, các địa phương đã phối hợp với các trường đại học chuẩn bị tổ chức thi rất chu đáo. Tất cả các công việc đều đã sẵn sàng, đầy đủ.

Nhiều địa phương có điểm thi đã tạo điều kiện chuẩn bị sẵn cho học sinh đến dự thi một cách thuận lợi như liên hệ nhà ở, đảm bảo an toàn giao thông, ăn uống cho thí sinh…Nhiều địa phương, trường đại học đã chủ động bố trí phương tiện giao thông đưa đón thí sinh từ nơi ở đến nơi dự thi. Thậm chí, có địa phương hỗ trợ cả kinh phí cho học sinh đi thi xa, nhiều tổ chức đoàn thể, người dân cũng tình nguyện hỗ trợ các thí sinh.

Thứ trưởng Hiển khẳng định: “Đến thời điểm này, mọi việc đã triển khai đúng kế hoạch. Do là lần đầu triển khai kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích nên ngành giáo dục cũng hết sức cẩn thận, không chủ quan, bảo đảm không để xảy ra sai sót nào”.

Đề thi không gây “sốc”

Về đề thi năm nay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã tập hợp chuyên gia, giáo viên phổ thông, giảng viên các trường đại học để xây dựng ma trận đề thi. Đề thi sẽ không yêu cầu các em ghi nhớ máy móc các sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi sẽ bao gồm 60% kiến thức cơ bản phù hợp với học sinh tốt nghiệp THPT và học sinh giáo dục thường xuyên, các em chỉ cần giải quyết phần này là đã đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Và sẽ có 40% kiến thức khó dần lên để giúp phân hóa, tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Trong đề thi, các câu hỏi được sắp xếp theo trình tự độ khó tăng dần để hỗ trợ các em làm bài hiệu quả và thuận lợi hơn.

Trên cơ sở ma trận đó, Bộ đã xây dựng những đề thi minh họa để cho giáo viên, học sinh tham khảo. Bộ cũng hướng dẫn các nhà trường cho học sinh tham khảo cả phần hướng dẫn chấm để các em hình dung ra mức độ yêu cầu của đề thi như thế nào, đặc biệt là các đề thi mở như đề thi môn Văn, môn Sử, môn Địa. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT và chủ yếu ở lớp 12. Do vậy, đề thi chính thức ở kỳ thi này sẽ không gây sốc cho các em.
Thí sinh cần nắm chắc Quy chế thi để khỏi mất điểm "oan"
Phần mềm phát hiện gian lận

Kỳ thi năm nay có 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Do tính chất quan trọng của kỳ thi, cho nên để phòng tránh gian lận, Bộ GD-ĐT xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung nên mỗi một thí sinh là duy nhất, bất kì thí sinh nào có sự thay đổi thì phần mềm sẽ phát hiện ngay. Ví dụ một thí sinh nộp hai hồ sơ mà có mặt ở hai điểm thi khác nhau thì phần mềm sẽ ngay lập tức phát hiện. Trong thực tế, ở phần đăng ký vừa qua thì phần mềm đã phát hiện được và đang trong quá trình xử lý.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Quy chế kì thi THPT quốc gia quy định việc xử lý rất nghiêm đối với thí sinh thi kèm, thi hộ. Việc phát hiện gian lận trong thi cử không phải chỉ thực hiện trong quá trình thi mà còn cả trong quá trình học, thậm chí sau khi thí sinh tốt nghiệp đã được cấp bằng, nếu có chứng cứ vi phạm quy chế thi thì thí sinh vẫn bị xử lý như thường. Vì vậy thí sinh phải ý thức được điều này để tự giác chấp hành quy chế thi, đừng bao giờ nghĩ đến việc thi kèm, thi hộ hay các hình thức gian lận trong thi cử khác.

Đến muộn 15 phút không được dự thi

Theo lịch thi của Bộ GD-ĐT, trong 8 môn thi, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn.

Thí sinh lưu ý, có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định ghi trong Giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi: Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân và nhận Thẻ dự thi. Nếu thấy có những sai sót về họ, đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, phải báo cáo ngay cho cán bộ của Hội đồng thi để xử lý kịp thời. Trường hợp bị mất Giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, phải báo cáo ngay cho Trưởng điểm thi để xem xét, xử lý.

Thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của Ban Coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi (CBCT). Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Lịch thi, thời gian làm bài thi và thời gian làm thủ tục dự thi như sau:



Theo Hồng Hạnh/Nguồn http://dantri.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét