Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Ra Khỏi Mê Cung Hy Lạp



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150629
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Cuối đường hầm là quái vật Minotaur

 * Mê cung, hiểm lộ và quái vật *


Trong tuần này và cho đến cuối năm, dư luận còn ngẩn ngơ về bi kịch Hy Lạp. Bài viết này gom nhanh vài dữ kiện loại ăn liền cho độc giả khỏi lạc vào một mê cung có màu sắc thần thoại Hy Lạp.

Hy Lạp có dân số hơn 10 triệu trong một bán đảo tiếp giáp với Địa Trung Hải trên ngã ba của các lục địa Âu-Á-Phi. Một năm, sản lượng kinh tế xứ này được gần 200 tỷ đô la, mà cứ tuột dần vì trong năm năm đã sụt mất 25%. Cho dễ nhớ, 25% cũng là tỷ lệ thất nghiệp trung bình. Với đà sa sút ấy, Hy Lạp lại mắc nợ khoảng 360 tỷ đô la – bài này xin đếm bằng đô la cho dễ hiểu.

Nếu muốn thanh toán khối nợ cao bằng 180% Tổng sản lượng, Hy Lạp phải đạt mức tăng trưởng hàng năm là từ 3 đến 5%. Bất khả. Lớp người trẻ tuổi có sức lao động thì chán cảnh sưởi nắng thất nghiệp nên bỏ cuộc chơi đi kiếm việc ở xứ khác. Còn lại, các cơ sở kinh doanh có thể tạo ra việc thì không mua đuợc giấy phép. Từ nhiều năm nay, sân chơi thuộc về một thiểu số doanh nghiệp có quan hệ với nhà nước hào phóng, được bôi trơn bằng thứ hoạt liệu gọi là tham nhũng.

Gom lại cho gọn, Hy Lạp có chế độ bao cấp, gây tốn kém và thiếu hiệu năng. Bị bội chi ngân sách và khiếm hụt ngoại thương, xứ này tìm nguồn tài trợ ở bên ngoài. Đi vay.

Nhờ nằm trong khối Euro của 19 quốc gia thuộc Liên hiệp Âu châu có 28 thành viên, Hy Lạp có thể rong chơi ở cõi trời xanh biển đẹp và chắc mẩm rằng khi dưỡng già có sẵn lương hưu thật hậu. Dân số Hy Lạp thuộc loại lão hóa có tỷ lệ người già cao nhất Âu Châu, nhưng họ về hưu ở tuổi trung bình là 57,8, sớm hơn đa số quốc gia Âu Châu. Hy Lạp còn cho 600 ngành nghề được phép về hưu non ở tuổi 50 vì “công việc xâm hại sức khỏe”. Thí dụ vàng ròng là giới viết văn hay người làm tóc. Trong cõi thần tiên đó, phép tính nhẩm của nhiều người là nín thở đi cầy ba năm để có mức lương căn bản làm cơ sở tính tiền hưu liễm vào tuổi 50!

Người dân có thể du dương trong cõi thần tiên ấy vì sống tại Âu Châu là nơi mà chữ bao cấp không hàm ý xấu.

Là thành viên khối Euro, Hy Lạp thoải mái nhập hàng từ bên ngoài, từ nước giàu nhất có sức xuất cảng cao nhất là Đức. Mua hàng Đức trả bằng tiền Âu rất rẻ cho Đức, Hy Lạp vẫn có thể vay lại nước Đức và các chủ nợ khác như Liên Âu, Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hoặc nhiều nước Âu Châu khác. Vay được tiền thì lại mua hàng, hoặc tiếp tục hào phóng với công khố. Chính quyền càng thiên tả thì càng hào phóng nên Hy Lạp dẫn đầu các nước bao cấp và mắc nợ nhất Âu Châu. Theo sau có Bồ Đào Nha Portugal, Ái Nhĩ Lan Ireland, Tây Ban Nha Spain và cả Ý Đại Lợi Italy. Từ năm năm nay, đấy là nhóm quốc gia có rủi ro vỡ nợ cao nhất. Họ được hỗn danh là PIIGS từ tên nước viết tắt theo Anh ngữ.

Khi mọt sự hết vui vì nguy cơ vỡ nợ thì… kinh tế cũng là chính trị. Giới kinh tế tả hữu tranh luận về hai hướng giải quyết.

Phe tự do hay bảo thủ coi trọng kỷ luật ngân sách thì chủ trương chấn chỉnh chi thu bằng biện pháp giảm chi và cải cách cơ cấu để có nền móng tăng trưởng lành mạnh hơn sau dăm ba năm khắc khổ. Cánh tả bao cấp thì quạt ngược: không thể giảm chi khi kinh tế đã sa sút mà phải tăng chi thì mới kích thích sản xuất. Vấn đề là tăng chi với tiền của ai là chuyện của ai khác.

Chủ nợ, chính yếu là các định chế quốc tế chứ không là giới ngân hàng tư nhân, thì khó cho vay thêm nếu quốc gia khách nợ không chấn chỉnh chi thu và cải cách cơ chế. Họ bị phe tả đả kích là tư bản tham tiền, cứ tiếp tục bóc lột các nước nghèo.

Người ta đánh tráo sự thật kinh tế thành chuyện đấu tranh giai cấp và tranh chấp giàu nghèo.

Thế rồi trong khi các chính đảng truyền thống bị cử tri trừng phạt thì nhiều đảng cực tả xuất hiện với giải pháp thần diệu là sẽ lại tăng chi để đưa kinh tế ra khỏi khủng hoảng. Cực tả nhất là tập hợp Syriza vừa được cử tri Hy Lạp bầu lên hôm 25 Tháng Giêng vừa qua.

Đấy là nhóm ô hợp với nhiều nhân vật theo xu hướng Cộng sản Đệ tam, Đệ tứ và cả Maoist – vâng, sinh vật này chưa tuyệt chủng trong giới ưu tú của Âu Châu. Chiến lược ăn khách của họ là hứa hẹn nâng mức hưu liễm. Nếu các chủ nợ không xóa nợ giảm lãi và châm thêm tiền cấp cứu thì Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro. Nôm na là nếu không cứu thì em tự tử, khiến thiên địa đồng thọ, cả khối chết chìm với nhau.

Đấy là chiến lược tống tiền và ăn vạ trong một mê cung ngoằn ngoèo không lối thoát.

Trong sáu tháng qua, người ta họp hành và cò kè bớt một thêm hai với tinh thần quái lạ đó trong khi đồng hồ nợ vẫn điểm. Ở vòng ngoài, bên hàng rào của xứ Ukraine, lại có Vladimir Putin đợi sẵn như chàng Sở: nếu Hy Lạp bị làm khó thì đã có ta!

Về thực tế thì Hy Lạp không thể trả được hai khoản nợ sắp đáo hạn cuối tháng này và giữa tháng tới, chưa nói đến các kỳ hạn lâu dài hơn. Và dân Hy Lạp hiểu ra luật chơi nghiệt ngã nên lặng lẽ bỏ phiếu bằng… tiền âm: họ rút ký thác khỏi các ngân hàng của mình. Vì vậy, hàng tuần Ngân hàng Trung ương ECB lại phải châm thêm thanh khỏan cấp cứu (Emergency Liquidity Assistance – ELA), tức là tiếp tục cho vay để ngân hàng khỏi đổ, khách nợ khỏi chết.

Cho đến khi các chủ nợ, đứng đầu là nước Đức, đành kết luận: “chó chết hết chuyện”.

Họ chấp nhận kịch bản “Grexit” là Hy Lạp ra khỏi khối Euro, và củng cố hàng ngũ của các nước còn lại. Đấy là sự việc vào cuối tuần qua, khi Thủ tướng Alexis Tsipras, một đảng viên cộng sản trong nhóm Syriza trở về tuyên bố là sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày mùng năm tới.

Sau khi lừa dân bằng những hứa hẹn bất khả, Syriza trả lời các nước bằng cách núp sau người dân: “Nếu dân tôi không đồng ý với các điều kiện cấp cứu và cải cách của quý vị thì nước tôi chỉ còn cách rũ áo ra đi”. Hậu quả trước mắt là các ngân hàng đều đóng cửa và chế độ kiểm soát tài chánh được thiết lập để khỏi có nạn tẩu tán tài sản làm các thị trường tài chánh đều rúng động.

Hậu quả lâu dài hơn, từ vài tuần đến vài tháng là Hy Lạp sẽ vỡ nợ, từ nhỏ đến lớn. Nói cho chính xác thì chiến lược vỗ nợ - xin coi chừng typo – đã thành công mỹ mãn. Nhóm Syriza sẽ thất cử và Hy Lạp sẽ thất cơ lỡ vận. Họ đi tới tận cùng của mê cung.

Và khối Euro lồm cồm bò dậy sau khi giải phẫu u bướu Hy Lạp.

Nhưng kinh tế không chỉ là chính trị. Sau khi Hy Lạp bị cái tát tai nảy lửa, khối Euro và toàn cõi Liên hiệp Âu châu nghĩ sao về nỗ lực hội nhập vừa qua?

Liên Âu chỉ là một tập thể tự do thuế quan để mở rộng giao dịch mua bán giữa các thành viên, chứ không là Liên bang Âu châu có một chính quyền thống nhất khả dĩ quyết định về chánh sách kinh tế tài chánh của các thành viên. Từng hội viên của Liên Âu vẫn có thể nhân danh nguyên tắc dân chủ và chủ quyền quốc gia mà chống lại quyết định của một tập thể siêu quốc gia hay của trụ cột là nước Đức.

Nếu bị ép quá thì họ không chỉ ra khỏi khối Euro mà còn giã từ cả Liên Âu. Sau Grexit của Hy Lạp có thể là Brexit của Anh hay Frexit của Pháp.

Trào lưu đó đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và sau thất bại của khuynh hướng cực tả như Syriza thì đấy là lúc phe cực hữu sẽ lên lưới. Nghĩa là sau khi đồng Euro bị sứt một góc nhỏ, cả kiến trúc Liên Âu sẽ rung chuyển vì con quái vật nửa người nửa trâu.

Đó là con Minotaur của thần thoại Hy Lạp. Nó sinh ra từ một ác tính của thần Poseidon hay từ ngưu tính của những người đi bằng hai chân mà cứ đòi húc?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét