Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Hy Lạp và Khối Euro

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 150624
"Diễn đàn Kinh tế"
 
Một Bi Kịch Âu Châu


Một người biểu tình cầm lá cờ Liên minh châu Âu trong một cuộc biểu tình ủng hộ đồng Euro với sự tham dự của hàng ngàn bên ngoài quốc hội Hy Lạp ở Athens vào ngày 22 tháng 6 năm 2015 khi Thủ tướng Alexis Tsipras và các chủ nợ tiếp tục thảo luận về kế hoạc
* Một người cầm cờ Liên minh châu Âu trong cuộc biểu tình ủng hộ đồng Euro với sự tham dự của hàng ngàn bên ngoài Quốc hội Hy Lạp ở Athens ngày 22 tháng 6 năm 2015 khi Thủ tướng Alexis Tsipras và các chủ nợ tiếp tục thảo luận về kế hoạch cứu trợ tài chính Hy Lạp. AFP * 
 
 
 


Sau phiên họp khẩn của các Bộ trưởng Tài chính vào ngày 22 vừa qua, vụ khủng hoảng của khối Euro tạm lui vài ba ngày mà vẫn khó có hy vọng giải quyết vì mâu thuẫn bên trong quốc gia đang bị nguy cơ vỡ nợ là xứ Hy Lạp. Sâu xa hơn vậy còn có nhiều đe dọa cho sự vẹn toàn của khối Euro. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu hồ sơ phức tạp này qua phần trao đổi của Nguyên Lam với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Nguyên Lam: Xin kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, đầu năm nay, tiết mục chuyên đề của chúng ta có đề cập tới vụ khủng hoảng của khối Euro sau khi xu hướng thiên tả đắc cử tại Hy Lạp với những yêu cầu giảm nợ. Tuần qua, tình hình Hy Lạp lại trở thành thời sự và còn đe dọa sự vẹn toàn của khối Euro gồm có 19 quốc gia cùng xài chung một đồng bạc là đồng Euro. Chúng tôi xin đề nghị ông trở lại hồ sơ này để giải thích vì sao cuộc khủng hoảng sẽ còn kéo dài.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trình bày lại bối cảnh để từ chuyện Hy Lạp mình nhìn sâu xa hơn vào những nguyên nhân khủng hoảng của khối Euro.

- Trước hết, Hy Lạp là quốc gia bị nguy cơ vỡ nợ vì thiếu tiền thanh toán các khoản nợ tích lũy từ nhiều năm nay. Nguy cơ trước mắt là cuối tháng này và qua tháng sau thì có nhiều khoản nợ đáo hạn. Sau cuộc bầu cử đầu năm nay, cử tri Hy Lạp bầu lên một tập hợp chính trị từ cánh cực tả đến trung tả để thương thuyết lại chuyện nợ nần với ba cơ chế đại diện cho các chủ nợ là Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong gần sáu tháng, việc đàm phán ấy bất thành và người ta bắt đầu nói đến kịch bản là Hy Lạp vỡ nợ và phải ra khỏi khối Euro.

- Tuần qua, Chính quyền Hy Lạp đề nghị chương trình cải cách kinh tế với hy vọng được các chủ nợ thông cảm mà giảm bớt gánh nợ tới kỳ thanh toán và cho vay thêm tiền. Hôm Thứ Hai 22, các Bộ trưởng Tài chính của khối Euro họp khẩn để thảo luận về đề nghị này của Hy Lạp và tạm đẩy lui nguy cơ khủng hoảng được vài ngày. Nhưng tôi e là vấn đề còn nguyên vẹn và việc Hy Lạp sẽ phải rời khối Euro vẫn trở thành thời sự.

Khi ấy, chủ nợ kia là Ngân hàng Trung ương Âu châu chẳng thể tái tục việc cung cấp thanh khoản và từ nay đến cuối năm Hy Lạp phải ra khỏi khối Euro, là kịch bản gọi là “Grexit”, ngày càng có xác suất cao hơn - Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Ông nói rằng vấn đề vẫn còn nguyên vẹn thì vấn đề ấy là gì?
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hy Lạp mắc nợ quá nhiều từ quá lâu rồi kinh tế sa sút với nạn thất nghiệp quá cao nên xứ này khó trả nợ. Sau năm năm thất vọng vì khả năng giải quyết của các chính đảng truyền thống thuộc phe trung tả hay trung hữu, dân Hy Lạp đã bầu lên một tập hợp chính trị có tên tắt là SYRIZA thuộc xu hướng cực tả với những hứa hẹn không thể nào thỏa mãn được người dân bên trong và các chủ nợ bên ngoài. Tuần qua, Hy Lạp đề nghị một chương trình cải cách kinh tế khác với trọng tâm là sẽ giảm chi và tăng thu để được các chủ nợ thông cảm mà cho vay thêm.

- Vấn đề ở đây gồm có nhiều khía cạnh rắc rối và mâu thuẫn. Thứ nhất, Hy Lạp phải chấp nhận chính sách khắc khổ kinh tế, cụ thể là giảm dần mức hưu bổng và tăng thuế, để có đủ thanh khoản trả nợ, chứ không thể hào phóng tăng chi như tập thể SYRIZA đã hứa hẹn. Qua đề nghị của Chính quyền được báo chí tiết lộ thì Hy Lạp hứa giảm dần mức hưu bổng và kéo dài tuổi về hưu để thu hẹp bội chi ngân sách nhưng việc tiết giảm ấy không thể nhiều và nhanh như các chủ nợ yêu cầu. Ngoài ra cũng còn mức thuế trị giá gia tăng mà Hy Lạp đề nghị thấp hơn yêu cầu của các chủ nợ.

Nguyên Lam: Thưa ông, riêng về vấn đề đầu tiên ấy, là lúc này nên tăng hay giảm chi, phải chăng đã có một cuộc tranh luận về lý thuyết giữa hai trường phái kinh tế khác nhau?


Hy Lạp trên bản đồ khối EURO
Hy Lạp trên bản đồ khối EURO

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm năm trước, khi vụ khủng hoảng bùng nổ tại Âu Châu, người ta có cuộc tranh luận. Áp dụng lý luận của kinh tế gia John Maynard Keynes, cánh tả cho là khi kinh tế suy trầm thì tăng chi sẽ kích thích sản xuất. Ngược lại, phe bảo thủ hay tự do lại cho rằng nên áp dụng chính sách khắc khổ là giảm chi ngân sách thì mới ra khỏi khó khăn. Tuy nhiên, trong cảnh nợ nần quá nhiều như hiện nay, việc tăng chi để kích thích kinh tế là điều bất khả và sau sáu tháng lần lữa, Chính quyền Hy Lạp đành chấp nhận giảm chi để được các nước kia cấp cứu.

- Nhưng ngay sau đó họ sẽ gặp phản ứng chống đối của phe cực tả, từ đảng Cộng sản hay Maoist và các công đoàn làm Chính phủ liên hiệp có thể đổ sau hàng loạt những vụ biểu tình phản đối. Khủng hoảng chính trị sẽ bùng nổ trong cuộc bầu cử Quốc hội mới, tinh thần dân tộc cùng phản ứng bài ngoại, chống Âu Châu sẽ đưa Hy Lạp và Âu Châu vào bế tắc.

- Vấn đề thứ hai của Hy Lạp là từ nhiều ngày qua, người dân sợ khủng hoảng tài chính nên lặng lẽ rút tiền khỏi ngân hàng, lặng lẽ chứ chưa đến nỗi ào ạt khả dĩ làm hệ thống ngân hàng sụp đổ. Trong mấy ngày tới, ta cần theo dõi tình hình này vì cho tới nay, Ngân hàng Trung ương Âu châu vẫn cấp thanh khoản cho các ngân hàng của Hy Lạp như biện pháp khẩn cấp được cứu xét và tái tục hàng tuần. Nhưng nếu các ngân hàng bị rút ruột vì trương chủ rút tiền ký thác thì Hy Lạp phải thiếp lập chế đổ kiểm soát tư bản để ngăn nạn tẩu tán tài sản. Tức là khủng hoảng tài chính và ngân hàng có thể nhồi trong khủng hoảng chính trị và lan khắp Âu châu.

Các nước Âu châu ngày nay còn có nhiều dị biệt hơn xưa và việc Hy Lạp vỡ nợ hoặc phải ra khỏi khối Euro càng gia tăng sức ly tâm ở bên trong tập thể - Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Thưa ông, kịch bản tai hại nhất là những gì có thể xảy ra cho Hy Lạp?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Không ai muốn khủng hoảng bùng nổ trong lúc này nên các phe liên hệ đều cố dàn xếp nhưng thực tế thì đã vuột khỏi tầm tay của mọi người. Quỹ Tiền tệ IMF thì cho là sau nhiều biện pháp khoan nhượng, Hy Lạp không thể có thêm thời gian ân hạn nếu không trả nợ vào cuối tháng này. Trong kịch bản Hy Lạp không trả IMF khoảng một tỷ rưỡi Euro vào cuối tháng tức là vỡ nợ một phần thì chấn động tài chính sẽ lan rộng, các ngân hàng bị rút ruột mất vốn làm Chính quyền phải ban hành chế độ kiểm soát tư bản, hoặc in bạc ra xài. Khi ấy, chủ nợ kia là Ngân hàng Trung ương Âu châu chẳng thể tái tục việc cung cấp thanh khoản và từ nay đến cuối năm Hy Lạp phải ra khỏi khối Euro, là kịch bản gọi là “Grexit”, ngày càng có xác suất cao hơn.

- Trường hợp đó mà xảy ra tại Hy Lạp thì cả khối Euro bị biến động tài chính, làm tăng phân lời trái phiếu của nhiều nước gặp nạn tại miền Nam như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả Ý Đại Lợi. Trong hoàn cảnh hiện tại là kinh tế Âu Châu bị giảm phát chứ không phải lạm phát, giá dầu còn hạ và phân lời đi vay còn thấp thì vụ khủng hoảng tài chính này chưa thể làm khối Euro tan rã nhưng cũng đánh sụt mức đầu tư và sẽ kéo dài tình trạng suy trầm kinh tế thêm nhiều năm nữa.

Nguyên Lam: Ra khỏi khuôn khổ Hy Lạp thì mối nguy của khối Euro và của cả Liên hiệp Âu châu sẽ là gì thưa ông?
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước Âu châu duy ý chí tưởng rằng hội nhập kinh tế trong một hệ thống thuế quan chung và thống nhất tiền tệ giữa một số thành viên sẽ củng cố tinh thần liên đới và hợp tác giữa các nước. Sự thật không xảy ra như vậy vì tập thể này chưa thống nhất về chính trị cho nên bên trong, từng nước lại có chính sách kinh tế tài chính riêng và gây mâu thuẫn với nhau rồi dẫn tới phản ứng dễ hiểu là tinh thần quốc gia dân tộc hoặc nghi ngờ hội nhập. Các nước Âu châu ngày nay còn có nhiều dị biệt hơn xưa và việc Hy Lạp vỡ nợ hoặc phải ra khỏi khối Euro càng gia tăng sức ly tâm ở bên trong tập thể.

- Khi vụ khủng hoảng Hy Lạp gia tăng cường độ từ đầu năm nay với việc thành lập một chính phủ liên hiệp của cánh tả, các nước lâm nạn ở miền Nam đều theo dõi việc thương thuyết và đấu tranh để giảm nợ hay xóa nợ. Nếu Chính quyền SYRIZA thành công thì các đảng phái bên cánh tả dễ thắng thế tại các nước ở miền Nam để cũng đòi hỏi sự biệt đãi tương tự như Hy Lạp. Chuyện ấy không xảy ra, Chính quyền SYRIZSA đang bị rạn nứt bên trong và có thể đổ. Hậu quả sẽ là sự thắng thế của các đảng bảo thủ bên cánh hữu, và tinh thần hoài nghi hoặc chống hội nhập sẽ tăng.

Nguyên Lam: Thưa ông, trong tổ chức Liên Âu hoặc riêng trong khối Euro thì cũng còn nhiều quốc gia khác thí dụ như Đức, Anh hay Pháp chứ không chỉ có mấy nước lâm nạn ở miền Nam. Các quốc gia này ứng xử thế nào với vụ khủng hoảng của Hy Lạp?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các quốc gia ấy đều gặp bài toán nan giải là phải cưu mang mấy nước lâm nạn đến mức nào thì đủ cứu vãn việc thống nhất của cả khối, mà không gặp phản ứng chống đối của cử tri ở nhà. Đấy là bài toán tôi xin gọi là “liên đới”. Có nền kinh tế giàu mạnh nhất khối Euro và Âu Châu, nước Đức có lợi khi duy trì hệ thống Euro, nhưng không thể mãi mãi chi tiền cấp cứu nên đã có lập trường cứng rắn hơn vì vậy cũng bị oán trách, thậm chí bị đả kích là phát xít, là Hitler.

Có nền kinh tế giàu mạnh nhất khối Euro và Âu Châu, nước Đức có lợi khi duy trì hệ thống Euro, nhưng không thể mãi mãi chi tiền cấp cứu nên đã có lập trường cứng rắn hơn vì vậy cũng bị oán trách, thậm chí bị đả kích là phát xít, là Hitler - Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Tuy nhiên, nếu khủng hoảng Hy Lạp lan ra toàn khối thì chấn động kinh tế tài chính sẽ dẫn đến tinh thần phòng thủ là các nước còn lại sẽ đoàn kết với nhau chặt chẽ hơn để cùng vượt sóng gió. Các nước lâm nạn ở miền Nam cũng thấy rủi ro của sự tan rã mà chấn chỉnh lại việc chi thu. Nhưng sau vài năm hoàn hồn như vậy, những dị biệt ở bên trong vẫn tiếp tục và Âu Châu khó thống nhất trong hoàn cảnh đó. Và về dài thì chủ nghĩa quốc gia dân tộc sẽ mạnh hơn ước vọng hội nhập nên sau cùng có khi tập thể này lại bị chia làm nhiều khối vì hoàn cảnh an ninh và kinh tế khác biệt.

Nguyên Lam: Ông nói rằng về dài Âu Châu lại có thể chia thành nhiều khối là như thế nào?
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Âu Châu như ta hiểu là một quần thể địa dư ở hướng Tây của đại lục Âu-Á tiếp cận với nước Nga ở hướng Đông và biển Địa Trung Hải cùng các nước Trung Đông ở phía Nam. Tập thể này gồm có các nước bán đảo hay quần đảo đã từng xung đột trong nhiều thế kỷ và trải qua hai trận đại chiến trong thế kỷ 20 nên mới mong ước hội nhập trong hòa bình.

- Tuy nhiên quần thể ấy thật ra lại bao gồm nhiều quốc gia hay khối kinh tế văn hóa khác biệt. Tại trung tâm và mạnh nhất là nước Đức với nước Áo và cả Cộng hòa Tiệp. Đây là trụ cột của cả khối Âu Châu. Bên dưới thì có nhóm quốc gia tiếp cận với Địa Trung Hải nay đang gặp bài toán di dân từ miền Nam là Bắc Phi và Trung Đông đi vào. Tại miền Đông thì có các nước Đông Âu và Trung Âu tiếp cận với và bị sức ép của Nga. Họ muốn hội nhập vào hệ thống kinh tế thị trường và chính trị dân chủ của Âu Châu với sự bảo vệ của Minh ước NATO và ưu lo cho an ninh hơn cả. Sau cùng là nhóm quốc gia Bắc Âu với kỷ cương và văn hóa riêng, kể cả nước Anh.

- Khi vụ khủng hoảng Hy Lạp và khối Euro bùng nổ, bốn khối quốc gia ấy có phản ứng riêng căn cứ trên quyền lợi kinh tế và an ninh của mình. Vụ khủng hoảng xảy ra khi Liên bang Nga lại khống chế Ukraine và nay còn muốn mua chuộc Hy Lạp để ly gián cả khối cho nên sau vụ khủng hoảng này, Âu Châu càng khó thống nhất như xưa và bốn nhóm quốc gia nói trên sẽ có những phản ứng riêng và đây là vấn đề ta cũng nên theo dõi.

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét