Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2007

Đào tạo Luật Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, cao đẳng: Bao giờ được bài bản?

Ở nhiều nước trên thế giới, việc giảng dạy về Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các trường đại học, cao đẳng, nhất là những trường đào tạo sinh viên ngành luật rất được chú trọng. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc đào tạo bài bản và có hệ thống về SHTT trong các trường đại học chưa được triển khai, giảng dạy về SHTT chưa trở thành hướng đào tạo được coi trọng, do vậy cũng chưa xây dựng được các chuẩn mực trong chương trình đào tạo, khung chương trình và nội dung cụ thể.

Từ khi thành lập (1968) đến nay, Viện SHTT liên bang Nga đã đào tạo được 30.000 chuyên gia SHTT, 500 người đại diện sáng chế, 350 chuyên gia đánh giá đối tượng SHTT. Không chỉ khoa Luật của Viện đào tạo luật gia chuyên ngành về SHTT với thời gian đào tạo kéo dài 5 năm, Viện còn có khoa Kinh tế đào tạo chuyên ngành về Quản lý SHTT, Sáng chế và li - xăng quốc tế.

Ở Ucraina, Bộ Giáo dục và Khoa học đã thành lập tổ hợp đào tạo - khoa học- sản xuất "học viện SHTT" để đào tạo chuyên  gia, đào tạo lại và nâng cao trình độ cho chuyên gia trong lĩnh vực SHTT. Học viên của Viện là những công chức nhà nước, thẩm phán của Tòa án kinh tế và Tòa án tối cao Ucraina, đại diện của các Phòng thương mại công nghiệp ở các tỉnh và những người đến từ các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp… Ngoài ra, ở 12 cơ sở đào tạo đại học của Ucraina cũng đều có chuyên ngành đào tạo về Luật SHTT.

Tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Singapore có khóa Luật SHTT cơ bản và khóa luật SHTT nâng cao. Môn học kéo dài từ 1 học kỳ 13 tuần với 3 - 6 giờ  tín chỉ/tuần. Phương pháp giảng dạy ở đây chủ yếu là bài giảng kết hợp với thảo luận, thuyết trình trên lớp.

Trong khi đó, ở Việt Nam cũng có nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành luật như: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Tp.HCM,  Khoa Luật trường đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật Đại học Cần Thơ… Các cơ sở đào tạo luật ở trình độ đại học đều cấp một bằng cử nhân luật theo mã số do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Tuy nhiên, nội dung chương trình đào tạo các chuyên ngành về cơ bản giống nhau, giữa các ngành hẹp có khác nhau về thời lượng. Đối với khoa chuyên ngành như luật kinh tế thì học các môn về kinh tế nhiều hơn các khoa khác khoảng 20%. Quan niệm về chuyên ngành được phân biệt bởi số lượng tiết học về các môn học khác nhau mà không dựa vào đặc thù nghề nghiệp, chuyên môn của từng chuyên ngành đào tạo. Vì vậy, mỗi trường có phương pháp tiếp cận và giảng dạy Luật SHTT khác nhau. Pgs.Ts. Nguyễn Quốc Thịnh, giám đốc Trung tâm thương hiệu, Đại hoc Thương mại cho biết: Trường Đại học Thương mại mới chỉ có 4 chuyên ngành Quản trị thương hiệu, quản trị thương hiệu dịch vụ, quản trị thương hiệu điện tử và tổng quan thương mại các hoạt động SHTT, nhưng chủ yếu vẫn theo hình thức tự học là chủ yếu.

Thực trạng trên cũng diễn ra ở trường đại học Luật Tp.HCM. Ts. Nguyễn Thị Bích Ngọc, trường đại học Luật Tp. HCM cho biết, Luật SHTT đã được đưa vào chương trình giảng dạy dưới hình thức kiến thức tự chọn và bắt buộc. Các vấn đề liên quan đến SHTT được giảng dạy tại 3 khoa: Luật Dân sự, khoa Quốc tế và khoa Thương mại. Tuy nhiên, thời lượng tiết học cho cả kiến thức bắt buộc và tự chọn ở cả 3 khoa còn rất khiêm tốn so với các môn học khác. Mặt khác, giữa các khoa lại không có sự kết nối kiến thức về SHTT một cách có hệ thống để người học có thể vận dụng và phát triển kiến thức đã học nên tuy đã được giảng dạy về SHTT nhưng sinh viên chỉ có thể có các hiểu biết thông thường về SHTT, khả năng làm việc trong những lĩnh vực liên quan tới SHTT hầu như không có. Sinh viên cũng chưa có nhận thức đúng mức về lợi ích có thể khai thác được từ kiến thức về SHTT cho hoạt động nghề nghiệp sau này.

Có thể thay đổi thực trạng giảng dạy SHTT trong các trường đại học, cao đẳng và mục đích đào tạo là gì?

Trả lời câu hỏi này, nhiều cán bộ giảng dạy trong các trường đại học đều cho rằng trở ngại lớn nhất để thay đổi và nâng cao vị thế của môn SHTT trong các trường đại học chủ yếu phụ thuộc vào cách nhìn, quan niệm về việc giảng dạy lĩnh vực này như một chuyên ngành riêng biệt. Để thực hiện được điều này cần có sự quan tâm của nhà nước, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là Bộ chủ quản của các trường đại học và sự quan tâm, quyết tâm của lãnh đạo các trường. Ts. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm khoa Luật Dân sự, Trường đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng Luật SHTT là một ngành trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, không nên thiết kế chương trình môn học theo một chuyên ngành hẹp. Hệ đào tạo sau đại học cần mở chuyên ngành luật SHTT như các ngành khác bởi lẽ ngành luật SHTT mới được xây dựng, nhu cầu nghiênc ứu pháp luật về SHTT là cần thiết để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Trước mắt, các trường có thể sử dụng đội ngũ giảng viên dạy Luật dân sự đảm đương nhiệm vụ Luật SHTT. Tuy nhiên, về lâu dài, cần mở rộng đội ngũ chuyên gia có học vị tiến sỹ, học vị Giáo sư, phó giáo sư để đảm nhiệm việc đào tạo ngành sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, cao đẳng.

Mạnh Đồng - BÁO KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét