Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

QUI TRÌNH CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN

Bước 1: Chuẩn bị chuyển đổi

1- Căn cứ vào tiêu chí và phân loại doanh nghiệp Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

a) Hội đồng quản trị Tổng công ty 90 dự kiến danh sách và kế hoạch chuyển các doanh nghiệp thành viên Tổng công ty, gửi báo cáo bằng văn bản cho Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý Nhà nước đối với Tổng công ty 90 (sau đây gọi là Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh).

b) Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 dự kiến danh sách và kế hoạch chuyển các doanh nghiệp thành viên Tổng công ty, gửi báo cáo bằng văn bản cho Thủ tướng Chính phủ.

c) Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến danh sách và kế hoạch chuyển các doanh nghiệp Nhà nước độc lập trực thuộc Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, gửi báo cáo bằng văn bản cho Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2- Doanh nghiệp dự kiến chuyển đổi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp hợp đồng kinh doanh (loại trừ các doanh nghiệp công ích).

b) Do Nhà nước quyết định nắm giữ toàn bộ (100%) vốn điều lệ.

c) Không thuộc đối tượng giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê, giải thể, phá sản hoặc không thuộc danh sách đã được phê duyệt để tiến hành cổ phần hoá.

3- Phê duyệt danh sách doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

a) Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách cụ thể từng doanh nghiệp Nhà nước độc lập chuyển đổi trong từng năm.

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách cụ thể từng doanh nghiệp Nhà nước thành viên Tổng công ty 91 chuyển đổi trong từng năm.

c. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sanh sách cụ thể từng doanh nghiệp Nhà nước thành viên Tổng công ty 90 chuyển đổi trong từng năm.

4- Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 thồng báo cho doanh nghiệp và tổ chức được uỷ quyền là chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp về kế hoạch chuyển đổi.

5- Thành lập Ban chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (sau đây gọi là Ban chuyển đổi doanh nghiệp) để giúp giám đốc thực hiện các công việc chuyển đổi.

a) Doanh nghiệp trong danh sách chuyển đổi báo cáo Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng công ty dự kiến danh sách thành viên Ban chuyển đổi doanh nghiệp.

b) Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước độc lập thuộc Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định thành lập Ban chuyển đổi doanh nghiệp thành viên Tổng công ty.

Thành phần Ban chuyển đổi doanh nghiệp có thể gồm: giám đốc hoặc Phó giám đốc làm Trưởng ban; kế toán trưởng là uỷ viên thường trực; các trưởng phòng, ban: kế hoạch, sản xuất kinh doanh, tổ chức cán bộ làm uỷ viên và mời đồng chí Bí thư Đảng uỷ (hoặc chi bộ), Chủ tịch Công đoàn tham gia là uỷ viên Ban chuyển đổi doanh nghiệp.

6- Doanh nghiệp trong danh sách chuyển đổi gửi thông báo chuyển đổi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định danh sách chuyển đổi.

Bước 2: Xây dựng phương án chuyển đổi:

1- Ban chuyển đổi doanh nghiệp:

a) Chuẩn bị các tài liệu có liên quan đến chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

b) Tiến hành kiểm kê, phân loại, xác định vốn, tài sản, công nợ của doanh nghiệp.

Tài sản hiện có thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp được kiểm kê, phân loại, xác định số lượng, thực trạng, bao gồm: Tài sản thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận ký gửi; tài sản không có nhu cầu sử dụng, tài sản ứ đọng chờ thanh lý; tài sản dôi thừa; tài sản hao hụt, mất mát và các tổn thất khác về tài sản của doanh nghiệp; các khoản phải thu; các khoản phải trả.

c) Phân loại, lập danh sách số lao động tiếp tục chuyển sang làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, số lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động.

2- Ban chuyển đổi doanh nghiệp phối hợp cùng ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty:

a) Căn cứ vào báo cáo tài chính gần nhất lập phương án xử lý tài chính, phương án xử lý lao động, phương án chuyển giao doanh nghiệp, bao gồm chuyển giao quyền lợi, nghĩa vụ, tài sản, vốn, công nợ, lao động sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa các quyền, lợi ích hợp pháp bao gồm cả quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất và chịu trách nhiệm kế thừa các khoản nợ chưa thanh toán, các hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp được chuyển đổi.

b) Xây dựng, đề xuất mô hình và cơ cấu tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

c) Xây dựng dự thảo điều lệ và dự kiến vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Nội dung điều lệ phải bao gồm: mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh; vốn điều lệ; chủ sở hữu, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; cơ cấu tổ chức quản lý của công ty; người đại diện theo pháp luật ; nguyên tắc sử dụng lợi nhuận; các trường hợp giải thể và thủ tục thanh lý tài sản của công ty; thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty và các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

3- Doanh nghiệp chuyển đổi báo cáo Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị Tổng công ty về phương án chuyển giao doanh nghiệp, dự thảo điều lệ và dự kiến vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Bước 3: Thẩm định, phê duyệt phương án chuyển giao doanh nghiệp và triển khai thực hiện:

1- Cơ quan thẩm định và phê duyệt báo cáo tài chính, phương án chuyển giao doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp.

a) Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định và phê duyệt báo cáo tài chính, phương án chuyển giao quyền lợi, nghĩa vụ, tài sản, vốn, công nợ, lao động; thẩm định và phê duỵệt vốn điều lệ, điều lệ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đối với doanh nghiệp Nhà nước độc lập.

b) Hội đồng quản trị Tổng công ty thẩm định và phê duỵệt báo cáo tài chính, phương án chuyển giao quyền lợi, nghĩa vụ, tài sản, vốn, công nợ, lao động, vốn điều lệ, điều lệ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đối với doanh nghiệp Nhà nước thành viên Tổng công ty.

2- Tổ chức triển khai thực hiện phương án chuyển đổi:

a) Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện chuyển đổi theo phương án đã được phê duyệt đối với doanh nghiệp Nhà nước độc lập.

b) Hội đồng quản trị Tổng công ty tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi theo phương án đã được phê duyệt đối với doanh nghiệp Nhà nước thành viên tổng công ty.

3- Xử lý các vấn đề tài sản, tài chính, lao động:

a) Doanh nghiệp chuyển đổi tiếp nhận tài sản hiện có thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp để chuyển giao sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

b) Doanh nghiệp chuyển đổi xử lý theo phương án chuyển đổi đã được phê duyệt đối với số tài sản thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận ký gửi; tài sản không có nhu cầu sử dụng, tài sản ứ đọng chờ thanh lý; xử lý tài chính và công nợ, bao gồm tài sản dôi thừa, tài sản hao hụt, mất mát và các tổn thất khác về tài sản của doanh nghiệp; xử lý đối với các khoản nợ phải thu, phải trả. Việc tăng, giảm và xử lý các biến động về tài sản, vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong quá trình chuyển đổi do Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tính, Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định.

c) Doanh nghiệp chuyển đổi tiếp nhận toàn bộ số lao động của doanh nghiệp, trừ số lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động.

Bước 4: Quyết định chuyển đổi và đăng ký kinh doanh:

1- Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi đối với doanh nghiệp Nhà nước thành viên Tổng công ty 91; Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển đổi đối với doanh nghiệp Nhà nước độc lập, doanh nghiệp Nhà nước thành viên tổng công ty 90.

Quyết định chuyển đổi phải ghi rõ: vốn điều lệ của công ty, thời hạn cam kết bổ sung vốn điều lệ, chủ sở hữu hoặc tổ chức được uỷ quyền là chủ sở hữu công ty, mô hình và cơ cấu tổ chức công ty, trách nhiệm của công ty đối với việc kế thừa các quyền, nghĩa vụ và xử lý những vấn đề tồn tại và mới phát sinh của doanh nghiệp được chuyển đổi. Thời điểm bắt đầu chuyển đổi là đầu tháng hoặc đầu quý.

2- Chủ sở hữu quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

3- Doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo quyết định chuyển đổi. Doanh nghiệp chuyển đổi thông báo công khai quyết định chuyển đổi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Doanh nghiệp chuyển đổi đăng ký lại quyển sở hữu tài sản được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

SOURCE: THÔNG TƯ Số: 01/2002/TT-BK  - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét