Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

TÒA ÁN PHẢI ĐỘC LẬP XÉT XỬ

LƯU TIẾN DŨNG - Luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, hiện đang công tác tại Văn phòng Luật sư YKVN của Việt Nam.

Trong buổi làm việc với Tòa án nhân dân tối cao gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã yêu cầu Tòa án phải độc lập khi xét xử và khẳng định các cơ quan, cũng như những nhà lãnh đạo cấp cao không can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án.
Vấn đề đặt ra là, cần phải làm những gì để cam kết chính trị đó của Chủ tịch nước trở thành hiện thực trong công cuộc xây dựng Nhà nước Pháp quyền.

Một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của nó không thể thiếu được một nền tư pháp độc lập bởi lẽ tính tối thượng của pháp luật chỉ có thể được thực hiện khi có các vị quan tòa áp dụng pháp luật một cách độc lập. Độc lập xét xử cùng có ý nghĩa rất quan trọng để bảo đảm một môi trường đầu tư và kinh doanh lành mạnh vì khi đó các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ yên tâm rằng những tranh chấp đầu tư và hợp đồng kinh doanh của họ sẽ được bảo vệ bởi một cơ chế phán xét độc lập, vô tư và khách quan. Các quyền cơ bản của mỗi con người trong xã hội cũng sẽ được bảo đảm khi những người cầm cân nảy mực thực sự độc lập xét xử những hành vi vi phạm các quyền đó. Độc lập xét xử cũng là điều rất quan trọng để bảo đảm sự thành công của việc phòng và chống tham nhũng bởi lẽ những kẻ tham nhũng sẽ không có cơ hội được bao che bởi sự can thiệp hoặc tác động vào quá trình xét xử của Tòa án.  
Thông điệp của vị lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước chắc chắn sẽ gợi mở những suy nghĩ nghiêm túc: làm thế nào để bảo đảm sự độc lập xét xử trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Những bước đi mạnh mẽ trong việc cải thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế liên quan đến độc lập xét xử là điều quan trọng để bảo đảm thực thi nguyên tắc hiến định và cam kết chính trị này.
Trước hết, để bảo đảm độc lập xét xử thì cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho sự độc lập của ngành tòa án. Hay nói cách khác, sẽ khó có thể tránh khỏi sự can thiệp từ các thiết chế quyền lực ngoài ngành Tòa án nếu như họ có quyền ảnh hưởng lớn đến việc quyết định ngân sách và cung cấp các cơ sở vật chất duy trì hoạt động của Tòa án. Mặt khác, nếu việc phân bổ ngân sách cho Tòa án cấp dưới còn lệ thuộc vào Tòa án cấp trên như hiện nay cũng khó có thể bảo đảm sự độc lập của Tòa án cấp dưới với Tòa án cấp trên. Nhiều nước trên thế giới đã quy định một tỷ lệ phần trăm nhất định của ngân sách quốc gia, địa phương đương nhiên phải “cắt” cho hoạt động của Tòa án để bảo đảm rằng Tòa án không phải phụ thuộc vào các cơ quan bên ngoài cũng như của Tòa án cấp trên.
Điều quan trọng hơn cả là phải có được một cơ chế để bảo đảm sự độc lập của từng cá nhân thẩm phán trước sự tác động trong nội bộ cũng như ngoài cơ quan tòa án. Phải thừa nhận rằng hiện nay chúng ta vẫn coi Tòa án như một cơ quan hành chính và người thẩm phán như là một công chức trong hệ thống hành chính. Phải thay đổi nhận thức theo hướng thừa nhận vị trí đặc biệt của Tòa án và của người thẩm phán. Từ đó mới có thể thay đổi được một loạt các yếu tố bảo đảm sự độc lập của cá nhân thẩm phán, ví dụ: quan niệm về mối quan hệ “trên – dưới” giữa lãnh đạo Tòa và người thẩm phán, giữa Tòa án cấp dưới và Tòa án cấp trên và giữa những người thẩm phán đồng nghiệp cũng như việc áp dụng chế độ đãi ngộ lương và các điều kiện vật chất khác đối với Thẩm phán...
Với cơ chế hiện nay, người thẩm phán khó có thể có đủ bản lĩnh để độc lập. Lãnh đạo Tòa án vẫn được coi là thủ trưởng của họ trong khá nhiều mối quan hệ ‘ngoài tố tụng”. Vẫn còn phổ biến việc áp dụng những quy tắc “bất thành văn” như báo cáo án, thỉnh thị án, duyệt án… cho dù việc đó được “núp” sau sự biện hộ chỉ là sự “tham khảo” về chuyên môn nhưng người thẩm phán khó mà không tuân thủ vì “số phận” của họ phụ thuộc khá nhiều vào những người cho ý kiến đó. Đó là chưa nói đến việc nếu vị Chánh án của Tòa không vô tư và khách quan? Ngay việc phân công xét xử cũng do lãnh đạo Tòa quyết định cũng là một việc cần xem xét lại khi đại đa số các nền tư pháp khác áp dụng chế độ phân công án một cách ngẫu nhiên để tránh những “những đường dây chạy án.”
Cơ chế bổ nhiệm và nhiệm kỳ thẩm phán hiện nay cũng cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm, tái nhiệm của thẩm phán hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào lãnh đạo của Tòa án nơi thư ký, thẩm tra viên và người thẩm phán công tác và của Tòa án cấp trên. Việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm toàn bộ thẩm phán địa phương cũng nên cân nhắc lại. Ý kiến cho rằng việc bổ nhiệm thẩm phán địa phương bởi Chủ tịch Nước theo quy định trước đây mang tính “hình thức” nên được nhìn nhận lại từ khía cạnh bảo đảm độc lập của cá nhân người thẩm phán, đó là chưa nói đến việc người thẩm phán nhân danh đất nước khi ra phán quyết. Không phải không có lý khi nhiều quốc gia quy định việc bổ nhiệm thẩm phán phải được thông qua bởi cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí của dân. Nhiệm kỳ thẩm phán cũng không nằm ngoài những yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm độc lập xét xử. Rõ ràng rằng cứ năm năm một lần lo tái bổ nhiệm sẽ khó có thể làm an lòng người thẩm phán. Liệu họ có đủ bản lĩnh trước những ý kiến dù rất tế nhị của lãnh đạo, của những người có quyền tái bổ nhiệm họ?
Không kém phần quan trọng là chế độ đãi ngộ vật chất đối với thẩm phán. Với điều kiện đất nước còn chưa giàu, dù khó có thể có thể so sánh như Singapore với mức lương thẩm phán vài trăm ngàn USD một tháng nhưng với mức lương vài triệu đồng hiện nay của các vị thẩm phán nước nhà thì đó không chỉ còn là sự ưu tư của riêng họ nữa. Xã hội cần đầu tư cho họ bởi lẽ đó là sự đầu tư công khai và minh bạch cho việc duy trì nền công lý thay vì những “đầu tư ngầm” bởi đương sự cho một số cá nhân thẩm phán hiện nay.
Tuy nhiên, sẽ là chưa đủ nếu không nói đến những cơ chế giám sát hữu hiệu vừa bảo đảm độc lập xét xử vừa tăng cường tính chịu trách nhiệm của người thẩm phán, bao gồm cả những quy định về kỷ luật, bãi nhiệm thẩm phán khi họ lạm dụng quyền lực của mình. Quá nhiều “trách nhiệm” sẽ có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của người thẩm phán. Việc quy định trách nhiệm bồi hoàn về vật chất của thẩm phán khi xét xử oan sai cho dù nhằm tăng cường trách nhiệm của thẩm phán, nhưng điều đó hoàn toàn có khả năng dẫn đến việc người thẩm phán sẽ ‘san sẻ’ trách nhiệm với tập thể thông qua việc duyệt án, thỉnh thị án, hoặc việc Tòa án cấp trên ngại ngần khi cải sửa án của Tòa án cấp dưới. Bất kỳ việc tạo nên sự “lo ngại” không cần thiết của Tòa án cấp dưới, của Thẩm phán, kể cả việc lo ngại về “thành tích” cũng đều có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của thẩm phán. Thiết nghĩ, những sự quan ngại về trách nhiệm của Thẩm phán sẽ bớt đi khi chúng ta có một cơ chế nâng được vị thế, hình ảnh và sự thừa nhận của người thẩm phán, kể cả những yếu tố vật chất, bởi lẽ khi đó người thẩm phán sẽ phải cân nhắc rất thận trọng trước khi đánh đổi những gì mình đang có vì những lợi ích trước mắt.    
Như vậy, với thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng của vị Chủ tịch nước và cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thì vấn đề còn lại là việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện những bước đi chiến lược, tổng thể, quyết liệt và mạnh mẽ để bảo đảm nguyên tắc hiến định về độc lập xét xử. Con đường còn dài, nhưng có lẽ nên bắt đầu từ việc nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề ta đang ở đâu trong việc tôn trọng nguyên tắc này, những rào cản hữu hình hay vô hình nào, nếu có, đang cản trở con đường đi tìm công lý một cách độc lập?
-----------
TẠP CHÍ TIA SÁNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét