Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

MỘT SỐ SAI LẦM CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHÓAN VIỆT NAM

Trong không khí nóng bỏng của TTCK Việt Nam, tôi xin mạn phép trình bày một số sai lầm của các nhà đầu tư chứng khoán. Cái này đúc kết từ kinh nghiệm và quan sát. Tôi viết bài này với tất cả sự kính trọng các nhà đầu tư vì dám mạo hiểm đầu tư vào một loại sản phẩm cao cấp, trên một thị trường có tính đặc thù cao. Nhưng sự thật là sự thật, vì một thị trường lành mạnh và bền vững, tôi sẽ rất trung thực.

1. Nghe hơi nồi chõ. Thông tin rất quan trọng trên thị trường, nhưng vì thiếu hiểu biết, nhiều nhà đầu tư có xu hướng nghe ngóng. Tin thì đủ loại, trên trời, dưới biển, vận hành, tài chính, tổ chức... Có điều chẳng mấy ai có khả năng kiểm định. Vì vậy, cái sự nghe trở nên láng máng, truyền tai nhau hết sức nguy hiểm.

Thông thường, họ tìm một số nhân vật có khả năng "hót hay như khướu" hoặc tìm một vài cán bộ môi giới-tư vấn của chính các công ty chứng khoán. Cái này có mấy điểm hại sau:

* Không khách quan vì bản chất là xung đột lợi ích.
* Không đảm bảo chính xác vì có khi người nói cũng không biết mình đang nói gì.
* Không có bộ lọc vì thế không thể biết cái vừa nhận được là vàng hay thực tế là rác.
* Luôn luôn muộn, vì khi nghe được thì cũng rất nhiều người khác đã nghe được.

2. Không có kỳ vọng đầu tư riêng. Nói giản dị là không biết mình muốn gì, ngoài một nguyện vọng ngất trời cao là Lợi Nhuận.

Các nhà đầu tư nước ngoài chẳng hạn, họ biết rất chính xác điều họ muốn, và vì phần lớn là các quỹ dạng Mutual Fund, nên các chính sách của họ tương đối nhất quán, ổn định. Họ không nhảy ra nhảy vào thị trường liên hồi, gây ra các chi phí giao dịch lớn trong khi hiệu quả chưa đo đếm được.

Việc không đặt kỳ vọng đầu tư cho mình cũng có nghĩa là để ước muốn trôi theo diễn biến thị trường. Ví dụ, lãi 20% trong vòng 3 tháng đã là tốt, nhưng vì ước muốn 40% trong vòng 4 tháng nên kết cục có khi chỉ là không bán được cả "hàng" và chết tắc với số tiền đầu tư.

Không có kỳ vọng còn liên quan tới một hiện tượng nữa là kỳ vọng bị bóp méo hoặc chèn ép.

3. Tâm lý bầy đàn. Tôi đã cùng GS. André Farber chứng minh bằng số liệu và mô hình thống kê toán rằng Hiệu ứng bầy đàn rất mạnh ở Việt Nam, và theo số liệu của chúng tôi là mạnh nhất thế giới. Hiệu ứng này đặc biệt mạnh khi giá thị trường tăng trong một khoảng thời gian liên tiếp khá dài.

Hệ quả trực tiếp là người đầu tư từ bỏ cả kỳ vọng cá nhân, để theo đuổi mức kỳ vọng của đám đông trên thị trường, khiến cho khoảng cách chiến lược đầu tư tiến dần tới epsilon bé tí. Trong khi đó, tính thanh khoản tạo ra do các Delta >> epsilon, và con người có các xu hướng giao dịch trái chiều.

Hệ quả thứ hai, cũng trực tiếp, là tính thanh khoản giảm dần. Mà tính thanh khoản chính là giá trị lớn nhất, duy nhất của TTCK (chứ không phải theo quan niệm sai lầm chung là tính năng huy động vốn đâu!) Khi tính thanh khoản trở nên "hàng hiếm" thị trường biến thành Casino. Thực sự là Casino vì mọi người cho rằng nó là cỗ máy kiếm tiền, xay ra tiền, nhào ra tiền, và đâu cũng là tiền... Chúng ta bằng sự nhìn nhận bình thường sẽ hiểu rằng điều này quá sai lầm và hoàn toàn tự huyễn hoặc.

4. Quan tâm tới lợi nhuận nhưng không quan tâm tới bổ sung kiến thức. Phần lớn nhà đầu tư chỉ quan tâm tới lợi nhuận, và thuộc một bài vỡ lòng rằng đào bới được thông tin mật "rò rỉ" đâu đó chính là cách làm giàu kiến thức. Điều này sai. Kiến thức khác thông tin. Kiến thức là một bộ lọc thông tin có phương hướng, có chủ đích và có phương pháp. Tôi dám cam đoan rằng việc chỉ chăm chắm đào bới các thông tin vốn nhiều như rác không làm các nhà đầu tư khôn ngoan hơn, có khi là tình tiết tăng nặng của các vấn đề tồn tại ở trên.

Chính vì không bổ sung kiến thức, nên thị trường hỗn loạn trong các dòng chảy thông tin. Mệt mỏi với thông tin càng khiến cho người ta dễ từ bỏ các kỳ vọng cá nhân, để hào hứng đi theo sự vẫy gọi của "hiệu ứng bầy đàn."

5. Tin rằng "mình khôn ngoan nhất". Họ cho rằng chỉ có họ mới là khôn ngoan nhất, đó là biểu hiện của thiếu kiến thức. Chính vì thiếu kiến thức, nhà đầu tư cũng không mấy khi quan tâm thực sự tới các cách thức tính toán, quản trị và phân tán rủi ro của rổ tài sản.

Ôi cái sự đời mới trớ trêu làm sao. Tôi sẽ xin lược trích một số ý kiến sau này của GS. Farber một trong những chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới về hiện trạng mà 5 năm qua hầu như chưa thay đổi gì.

Chúng tôi cũng đầu tư, cũng hoạt động, cũng cung cấp dịch vụ tài chính... với cả một đội ngũ cộng sự dày công chăm chỉ rèn luyện... chứ không ầm ờ, bát nháo đâu. Và vì thế, chúng tôi hiểu thị trường nó không như phần lớn các nhà đầu tư nghĩ.

Nhiều người có thể không đồng tình, nhưng tôi đã nói từ trước là sẽ rất trung thực, vì thế, sẵn sàng chấp nhận phản hồi khắc nghiệt nhất của độc giả.

Vương Quân Hoàng  - www.saga.vn

CÁC TRANH LUẬN XUNH QUANH VẤN ĐỀ NÀY

Báo Thị trường số 258 ra ngày 26/09/2007 có đăng lại toàn bộ ý kiến của tác giả Vương Quân Hoàng về các sai lầm của nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam. Đây là một cách nhắc nhở, cảnh báo rất hữu ích về các vấn đề mang tính chất nguyên lý cho nhà đầu tư tại Việt Nam.

Thị trường trong thời gian vừa qua đã - đang được chứng minh những vấn đề anh Hoàng nêu ra trong bài viết trên!

Mọi người nghĩ sao về vai trò của báo chí trong thời gian thị trường đang "sốt", và trong thời gian gần đây?

 TranTriDung (23/04/2007

Cổ phiếu ngân hàng luôn thu hút quan tâm của nhà đầu tư như một lĩnh vực đầu tư giàu tiềm năng mặc dù các khả năng kinh doanh ngoại hối thua lỗ, nhân viên thụt két đã từng xảy ra. Bài viết dưới đây cũng cho thấy rủi ro tiềm tàng của lĩnh vực kinh doanh này. Một cá nhân và 3 chủ doanh nghiệp đã qua mắt ngân hàng.
====
TTXVN- Bắt khẩn cấp 3 giám đốc “móc” tiền ngân hàng
Từ 19 đến 22/4, Công an TPHCM đã khám nhà, bắt khẩn cấp 3 giám đốc và một cá nhân là Trần Minh Lộc để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chi nhánh TPHCM. Ba giám đốc là Dương Huy Chí (Công ty cổ phần TMDV tổng hợp Thành Trung), Lương Văn Hiền (Công ty TNHH Nhà Đẹp), Trương Xuân Vinh (Công ty Công ty TNHH Hà Phong).

Điều tra cho thấy, do thua lỗ, Hiền bàn với Lộc lập các hợp đồng kinh tế mua bán khống, chứng thư bảo lãnh thanh toán khống để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vay vốn tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải chi nhánh TPHCM. Vào tháng 12/2006 và tháng 3/2007, Lộc hướng dẫn Hiền móc nối với Chí và Vinh lập các hợp đồng mua bán vật tư trả chậm, khống với số lượng 400 tấn thép xây dựng (trị giá hơn 3,4 tỷ đồng). Sau đó, Lộc lập chứng thư bảo lãnh thanh toán giả để Công ty Nhà Đẹp vay tiền. Theo thỏa thuận, sau khi giải ngân, Hiền phải chi cho Lộc 10% số tiền được vay.

Tại cơ quan điều tra, Hiền thừa nhận toàn bộ hành vi chiếm đoạt số tiền vay là 2,83 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Hàng Hải chi nhánh TPHCM. Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Các nhà đầu tư nước ngoài họ tính toán đầu tư trong chục năm. Còn các nhà đầu tư Việt Nam dự tính đầu tư trong 2 tuần. Khi thị trường biến động, bản lĩnh của nhà đầu tư được thể hiện. Ở đây không thể hiện khi giá tăng, mà thể hiện khi giá cổ phiếu giảm. Khi giá giảm, hầu hết các nhà đầu tư trong nước tỏ ra thụ động với thị trường, họ lo sợ, càng lo sợ lại càng không dám bán những cổ phiếu đó. Cứ chờ và phụ thuộc vào thị trường. Và cuối cùng chết tắc với đống tiền đã bỏ ra.

Chính vì lợi nhuận cao làm mờ mắt, nên các nhà đầu tư trong nước thi nhau đổ tiền vào thị trường này mà không có sự tính toán trước gây ra hiện tượng bong bóng như hiện nay. Đến một lúc nào đó, mà tôi tin không xa,  khi bong bóng vỡ, thì số người nhảy lầu tự tử không phải ít. Và chính họ đã tự đào mồ chôn mình bởi sự mù tịt về kiến thức của mình. Tôi đồng ý hoàn toàn với ý kiến của Mr. Vương.

 MaiAnh (23/02/2007 03:10 PM)

Tiếp theo bình luận "Thị trường chứng khoán Việt Nam vượt quá giá trị 30%" (Vietnam stocks '30% overvalued'). Financial Times tiếp tục có bài viết về thị trường chứng khoán tại Việt Nam với tiêu đề "Cơn sốt trên thị trường chứng khoán đang túm chặt lấy tầng lớp trung lưu Việt Nam" (Stock market mania- nghĩa tiếng Anh là cơn điên- grips Vietnam's middle classes).

Bài viết mở đầu với câu chuyện góp vốn buôn cổ phiếu của một học viên MBA. Kinh nghiệm lần đầu tham gia thị trường chứng khoán của anh chàng này là "Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán biến đổi từng ngày. Ai có được thông tin chính xác, người đó kiếm tiền dễ dàng".

Tốc độ tăng trưởng 249 phần trăm trong hơn 13 tháng đã khiến tầng lớp trung lưu mới nổi của Việt Nam phát sốt với chứng khoán. Sinh viên, công chức, quản lý doanh nghiệp đều dồn tất cả tiền tiết kiệm và huy động được từ mọi nguồn có thể để mua cổ phiếu và mơ tới mức lợi nhuận từ trên trời rớt xuống.

Các chuyên gia kinh tế quốc tế có mặt tại Việt Nam nhận định thế nào với hiện tượng này?

pincus.jpgJonathan Pincus, Kinh tế trưởng của LQH tại Hà Nội- Đó là một sự điên cuồng. Mọi câu chuyện tại Hà Nội lúc này đều về những người đang đầu tư trên thị trường. Tôi không rõ liệu có ai hiểu được các công ty có giá trị thế nào nhưng họ đang mua những tờ giấy".

Li Houng Lee, Đại diện thường trú của IMF tại Hà Nội- Chính phủ thực sự quan ngại với việc giá chứng khoán liên tục tăng và nhiều nhà quan sát có chung quan điểm rằng thị trường đang được đánh giá quá cao. Điều này sẽ dẫn tới nhiều vấn đề khi có sự điều chỉnh nhanh chóng về giá, đặc biệt khi có rất nhiều nhà đầu tư địa phương tham gia thị trường chứng khoán"

Sriyan Pietersz, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại JPMorgan- Có một thực tế rằng các khoản lãi đó có thể bốc hơi, bạn đang lao vào rủi ro của tình trạng đầu tư quá thấp cho doanh nghiệp của mình do bộ phận quản lý quá bận với việc... cắm rễ trước màn hình Bloomberg"

Các công ty môi giới chứng khoán mọc lên như nấm. Hiện tại đã có 56 công ty được cấp giấy phép. Con số này vào đầu năm 2006 là 16 công ty. Mọi công ty đều có gắng tranh phần miếng bánh hấp dẫn này. Vinatex, một công ty dệt may quốc doanh, mới đây cũng tuyên bố sẽ triển khai hoạt động môi giới chứng khoán.

 TranTriDung

Báo Tuổi trẻ số ra ngày 26/01/2007 có bài "Chứng khoán VN vượt quá giá trị thật":

Tờ Thời báo Tài Chính (Anh) (Financial Times) mới đây dẫn lời các nhà quản lý tài chính nước ngoài cảnh báo thị trường chứng khoán TP.HCM đang rơi vào tình trạng quá nóng và vượt quá giá trị thật.

Chỉ số chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM tăng 38% trong năm nay, sau khi tăng 114% trong năm 2006. Theo các chuyên gia tài chính, nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá nóng là do các khoản tiền “nóng” từ nước ngoài đổ vào. Tỉ lệ đầu tư trên lãi suất (P/E) của VN hiện lên đến 25-30, vượt xa mức trung bình 18-20 của khu vực.

Tuy nhiên, ông Peter Ryder, giám đốc Quĩ Indochina Capital, nhận định đây là tình trạng thường thấy ở các thị trường mới thành lập, và nhà nước nên để thị trường tự điều chỉnh thay vì can thiệp.

 hamy

Mới nhất thì có bài của tác giả TS. Phan Minh Ngọc, trên TBKTVN (TTOL Chủ Nhật, 28/01/2007 đưa) viết về "Chứng khoán Việt Nam qua cái nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài". Bài viết như sau:

--------------------------------------

Mới hôm rồi nhận được email của một người quen, ông Yoshiaki Ueda, giáo sư kinh tế tại một đại học của Nhật, thông báo rằng ông vừa cho đăng một bài báo trên NNA (một tờ báo điện tử chuyên về châu Á của Nhật) về thị trường chứng khoán Việt Nam, ngày 22-1. Vào xem mới biết ông cũng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tư vấn đầu tư của Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Lotus (mà theo ông thì mới được UBCKNN cấp phép hoạt động tại Việt Nam gần đây).

Vì đây là một bài viết của một nhà đầu tư nước ngoài với những nhận định rất chuyên nghiệp, nhưng cụ thể hơn và chứa những khác biệt so với những gì mà báo chí trong nước hay đăng khi nói về đánh giá của giới đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam (thường chỉ thấy sự lạc quan chung chung về triển vọng) nên tôi mạn phép ông Ueda tóm tắt, lược dịch và giới thiệu với bạn đọc, không ngoài mục đích giúp bạn đọc hiểu đầy đủ hơn về những nhận định đa chiều của giới đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam. Bài viết của ông có tiêu đề, tạm dịch, là “Cao trào của thị trường chứng khoán Việt Nam: Sốt nhưng có đúng 100% là “không có vấn đề gì”?”. Ông vào đề với việc thuật lại chỉ số VN-Index đã tăng 39,96 điểm vào ngày 19-1 so với hôm trước đó, đạt kỷ lục 1023,05 điểm, và là lần đầu tiên vượt mức 1000. So với phiên đầu năm, mức này đã tăng tới 38%.

Sau đó, ông bình luận ngay rằng 100% là thị trường đang lên cơn sốt, nhiệt độ tăng từng ngày từng giờ; bầu không khí hiện nay giống hệt của Nhật ngay trước thời điểm nước này bước vào thời kỳ tăng trưởng bong bóng trước đây. Nếu so sánh một cách tương đối với Nhật thời kỳ cho đến cuối năm 1989, thì cần phải nhìn vào động hướng của dân chúng (ý nói những nhà đầu tư “tay mơ”) để xác định thời điểm mà cao trào của thị trường chứng khoán bước vào vùng nguy hiểm. Ông minh họa rằng trong các đại học ở Hà Nội hay TP.HCM, nào là người ta lập ra các “hội nghiên cứu chứng khoán”, nào là với suy nghĩ cứ đầu tư vào chứng khoán là có lãi nên sinh viên từ các vùng nghèo khó của đất nước bắt đầu góp vốn để đầu tư chứng khoán chung với nhau. Trong khách sạn ông ở, có một nữ quản lý trung niên với khuôn mặt gợi những nét điển hình của “thần giữ của” nhưng cũng cho biết bắt đầu chơi chứng khoán. Lái xe taxi cũng hả hê tiết lộ “tôi cũng kiếm bộn từ chứng khoán”.

Cứ như vậy, cơn sốt chứng khoán đang dần tiến đến hồi kết. Khi sinh viên, các bà nội trợ, và dân thường lao vào chơi chứng khoán, điều này có nghĩa là cung vốn đổ vào thị trường chứng khoán tiến gần đến giới hạn. Trong chừng mực vốn tiếp tục được rót vào thị trường thì giá còn tiếp tục tăng. Ở trên giác độ này, để tránh các tổn thất to lớn từ sự sụp đổ của thị trường thì cần phải đặc biệt chú ý đến động hướng của nguồn vốn rót vào thị trường. Các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam thông qua mua bán thực tế hàng ngày có thể cảm nhận được chiều hướng xoay chuyển của đường cung này. Ngoài ra, họ cũng để mắt chăm chú vào động hướng đầu tư của dân chúng như nói ở trên để phán định tình hình. (Như vậy có nghĩa là nhà đầu tư cá nhân chắc sẽ là nạn nhân đầu tiên và nặng nề nhất?)

Vấn đề đáng lo ngại nhất trong việc đầu tư vào chứng khoán Việt Nam thời gian tới là liệu việc chuyển nhượng chứng khoán đang sở hữu với khối lượng lớn giữa các quỹ đầu tư quy mô lớn có diễn ra suôn sẻ hay không. Các quỹ đầu tư nước ngoài với tiềm lực vốn cực lớn vẫn phải bán chứng khoán đang sở hữu để thu hồi vốn đầu tư. Vậy vấn đề là ai đủ tiềm lực để mua lượng chứng khoán với khối lượng lớn như thế này (nếu không phải là các quỹ đầu tư nước ngoài khác)? Để TTCKVN phát triển lành mạnh thì cục diện này là điểm trọng yếu.

Theo ông, từ nay cho đến lúc thị trường thoái trào (có lẽ ý nói là để kéo dài thời kỳ phát triển sôi động của TTCKVN) thì điều lý tưởng là phải tăng được mức thu nhập của dân chúng và doanh nghiệp (chắc ý nói là để “làm giàu” nguồn vốn đổ vào thị trường), và dịch chuyển sở hữu các chứng chỉ quỹ đầu tư nước ngoài vào tay các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước (chắc ý nói nhằm tránh một sự xáo động mạnh khi các quỹ tiến hành hiện thực hóa lợi nhuận). Tất nhiên, theo ông, sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài mới cũng là điều có ích.

Ông Ueda thêm rằng chắc chắn trong thời gian tới, các cơ quan hữu trách của chính phủ sẽ có thể liên tục đưa ra những cảnh báo về bong bóng chứng khoán. Tỷ suất thu lợi từ chứng khoán cũng có thể sẽ tăng cao hơn nữa. Nhưng chừng nào vốn còn tiếp tục đổ dồn vào thị trường chứng khoán thì chừng đó giá chứng khoán Việt Nam còn tiếp tục thăng hoa, và sẽ không có vấn đề gì. Với ý nghĩa này, đối với nhà đầu tư vào TTCKVN, hiện tại đang là thời kỳ hạnh phúc nhất. Nhưng tiếp theo lộ trình thăng hoa sẽ chỉ là lộ trình suy thoái/tháo chạy (chứ không có giai đoạn chuyển tiếp/điều chỉnh dần dần). Vấn đề là kịch bản suy thoái/tháo chạy sẽ là kịch bản nào mà thôi.

 hamy

Các chuyên gia kỳ cựu về thị trường vốn nước ngoài cũng không phát biểu khác là bao nhiêu, như trong bài tham khảo dưới đây:

-------------------------------------------

Ngày 24/01/2007 Thông tấn xã Việt Nam trích bài viết của AMCHAM nói rằng TTCKVN "thăng hoa thiếu cơ sở"

Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM) vừa đăng tải trên website của họ bài viết về thị trường chứng khoán Việt Nam "thăng hoa thiếu cơ sở". Mục đích của AMCHAM cốt để khuyến cáo giới đầu tư rằng các tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam thấy cổ phiếu Việt Nam đang sốt ở mức không bình thường. Kinh tế gia chuyên về lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội, ông Noritaka Akematsu, được trích lời, nói rằng "hiện đang có sự phấn khích quá mức vượt quá khuôn khổ của thị trường, vượt quá sự kiểm soát của cơ quan điều tiết vào thời điểm này. Nhà chức trách Việt Nam không thể đảm bảo báo cáo kinh doanh của các công ty niêm yết là hoàn toàn chính xác, các giao dịch buôn bán chứng khoán được thực hiện theo đúng chuẩn mực". Ông khuyến cáo giới đầu tư nên cẩn trọng.

Ông David Knapp, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ cho rằng, sự thiếu vắng tính minh bạch và chuẩn mực quốc tế trong báo cáo tài chính của các công ty có nghĩa là người ta khó thực hiện việc phân tích năng lực thực sự của các công ty niêm yết. Giới phân tích tài chính và chứng khoán tại Hà Nội cho rằng khác với giới đầu tư vào cổ phiếu ở thị trường chứng khoán ở nước ngoài, đa số người mua chứng khoán tại Việt Nam không sử dụng các công ty nghiên cứu thực trạng của công ty niêm yết mà mua chứng khoán theo kiểu "mua bán theo cảm tính".

Số liệu cho thấy hiện có khoảng 1700 nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Theo ông David Knapp, các nhà đầu tư mà ông gọi là các ông lớn đã có kinh nghiệm về biến động của thị trường và khi thị trường điều chỉnh cho đúng giá thực của cổ phiếu, người thiệt thường là các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi không nói rằng quá trình này sẽ xảy ra mà chỉ muốn nói rằng đây là một trong những thực tế mà các nhà đầu tư cá nhân nên để tâm tới. Tôi cũng khuyến cáo với các nhà đầu tư rằng hiện nay giá chứng khoán Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực. Thế nhưng nếu cứ nghĩ rằng mua là được thì đó cũng là điều khá nguy hiểm bởi sẽ tới thời điểm thị trường sẽ điều chỉnh ở mức nào đó".

"Đầu tư tại Việt Nam không thể là bài toán ngắn hạn và tôi cũng như các khách hàng của chúng tôi thấy đầu tư dài hạn mới là đầu tư có lợi và vững vàng nhất. Là nhà đầu tư tìm kiếm môi trường tương đối ổn định, có tiềm năng về dài hạn và tôi tìm thấy những điều đó ở Việt Nam". Thế nhưng tìm được sự ổn định trong các biến động tài chính không phải là điều dễ dàng và cũng như bất kỳ hình thức đầu tư nào thì đầu tư vào chứng khoán cũng có yếu tố khó định lượng được, đó là rủi ro.

 TranTriDung

Bài viết này sáng nay tôi có được đọc lại trên báo Tiền phong, số ra ngày 23/12/2006. Cám ơn bài viết của a VQH và các trao đổi rất hữu ích của các bạn.

 QuangNam

Tôi hoàn toàn đồng tình với Dr. Hoang. Bản thân tôi cũng vừa là nhà đầu tư vừa là nhà tư vấn dạng "Private fund", cũng đã từng IPO chứng khoán trên sàn từ năm 2000 đến nay. Tôi tiếp xúc rất nhiều "đối tượng tham gia chứng khoán" từ công ty chứng khoán, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, cả "các chuyên gia bói chứng khoán" và cả "những" người ngoại đạo của trò chơi "đầy tính chất của người trong đạo" này. Có hai khía cạnh tôi muốn được chia. Một là: cách ra quyết định  đầu tư "mua chứng khoán" của một nhà đầu tư là thế này "Lúc cổ phiếu STB-Sacombank chuẩn bị niêm yết" sau khi được UBCK chấp thuận (12/07/06), thì trong khoảng thời gian này trước khi chốt sổ cổ đông để niêm yết, thì khối lượng giao dịch qua thị trường  OTC  rất nhiều, không có thống kê chính thức nhưng tôi quan sát, dự đoán riêng cá nhân thì chắc khoảng 5-10%/số lượng cổ phần niêm yết giao dịch diễn ra trong thời gian này, tôi có bán một lượng cổ phiếu tương đối lớn STB cho một khách hàng với giá "hot" lúc đó 88.000đ/cp. Tôi hỏi người mua là sao anh mua STB- trả lời tĩnh ru là: Tôi đang làm việc vợ tôi giục nói anh về mua ngay STB vì nó "tốt" lắm và sắp niêm yết. Anh ta làm từ ngành dầu khí- tuổi khoảng 35. Trường hợp 2: tôi biết có 10 nhà đầu tư cá nhân thì 6 người trong số đó họ lấy tiền từ 2 nguồn sau cho việc mua tiếp: cầm cố số chứng khoán hiện đang có (niêm yết) mua tiếp và có thể mang nhà cầm cố!

Bình luận: Khía cạnh 1: Thì cách mua trên theo "bầy đàn và thiếu thông tin, không có kỳ vọng đầu tư" giống Dr. Vuong nói trên. Còn khía cạnh 2 thì: tính rủi ro "nó thường trực" và quá lớn khi kỳ vọng lợi nhuận lại do 'bầy đàn" hay "cơ chế nhóm lớn" quyết định. Nếu cầm cố chứng khoán  thì hầu hầu như các công ty chứng khoán có buộc điều khoản "ký quỹ bổ xung-margin call" khi giá chứng của cổ phiều cầm cố rớt xuống mức biên an toàn thì các công tychứng khoán buộc nhà đầu tư thực hiện margin call bằng tiền hoặc không các công ty chứng khoán này "thanh lý-bán" để bù vào. Nếu cầm cố nhà, thì có thể xem việc đầu tư chứng khoán hiện nay của các nhà đầu tư cá nhân trên là "ngắn hạn theo từng phiên" (có thể gọi là tài trợ ngắn hạn) nên lợi nhuận/lỗ cũng sẽ rất ngắn hạn và bấp bên. Điều này hòm chứa một rủi ro rất lớn "và vô hình dung tạo một lượng cầu giả tạo" cho giá trị giao dịch từng phiên trên thị trường chứng khoán hiện nay. Có bong bóng hay không "thời gian'' là việc chứng minh tốt nhất.

Hơn nữa, cũng có thể chia sẻ thêm thông tin là các quỹ đầu tư nói chung 'đánh giá hiệu quả quản lý" các nhà quản lý quỹ theo "giá trị thị trường danh mục đầu tư" của quỹ đó. Do vậy, thời điểm cuối năm cũng là "thời điểm" đánh giá "hiệu quả" để thưởng hay "lãi lỗ" cho các nhà quản lý, việc tạo cơ chế tăng giá “cuối năm tài chính" là động thái cũng rất đáng quan tâm! -:)

 TranTriDung

Ông Trần Đắc Sinh - giám đốc TTGDCK TP.HCM: Giá cổ phiếu đã cao hơn giá trị thật

- Trong gần một tháng qua, chỉ số chứng khoán VN đã tăng liên tục, nếu cuối tháng mười một chỉ ở mức 633,05 điểm thì đến ngày 20-12 đã tăng lên 809,86 điểm. Diễn biến này cho thấy TTCK đang phát triển rất nóng. Giá của hầu hết các loại chứng khoán đều tăng mạnh, khối lượng giao dịch cũng tăng cao, cho thấy một lượng vốn lớn đã được đổ vào TTCK.

Chúng ta không thể phủ nhận đã có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến TTCK, tạo tâm lý hưng phấn nơi nhà đầu tư, trong đó đặc biệt là việc VN hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với vị thế cao hơn. Bên cạnh đó, một lượng vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đổ vào VN trong thời gian gần đây.    

Tuy nhiên, tôi e ngại một diễn biến thị trường như trong tháng 4-2006 có thể lặp lại. Theo các tính toán, chỉ số P/E (tỉ lệ phần trăm giữa thị giá một cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu) bình quân của các công ty niêm yết cổ phiếu trên TTCK VN hiện là 38,18 lần, trong khi so sánh với mức trung bình của các thị trường khác P/E chỉ dao động 10-17 lần.

Với tương quan như vậy, tôi lo ngại giá cổ phiếu hiện nay đã vượt quá cao so với giá trị thật của nó, tạo ra một “hàm ếch” mà thị trường sẽ tự điều chỉnh bất cứ lúc nào.

* Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng sau sáu năm và trải qua nhiều thăng trầm, nhà đầu tư trong nước đã có nhiều kinh nghiệm hơn, do vậy cũng chưa hẳn thời gian qua họ đã đầu tư theo kiểu phong trào?

- Đúng là nhà đầu tư trong nước đã có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về TTCK, tuy nhiên việc giá chứng khoán liên tục tăng ở mức cao đã tạo ra những cám dỗ khó dừng đối với các nhà đầu tư. Tôi nghĩ nếu giá tiếp tục tăng như hiện nay cũng có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với sự điều chỉnh càng lớn.

* Ông có lời khuyên gì với các nhà đầu tư?

- Đầu tiên, để có thể tham gia TTCK thì nhà đầu tư phải tự tin và có hứng thú với TTCK. Muốn vậy, họ phải có kiến thức và ý niệm căn bản về chứng khoán và TTCK. Nhà đầu tư cũng phải biết lựa chọn loại chứng khoán phù hợp với khả năng đầu tư của mình. Người không ngại rủi ro có thể chọn cổ phiếu, người thận trọng có thể chọn trái phiếu... Quan trọng nhất vẫn là phải tự tin khi ra quyết định đầu tư, không nên đầu tư theo đám đông mà phải có chính kiến của riêng mình.

theo Tuổi trẻ

 TranTriDung

Ông Đặng Văn Thành - chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank): Đúng ra giá còn nóng hơn

Theo tôi, đúng ra giá chứng khoán còn nóng hơn nữa, nhưng rất may điều này đã được hóa giải khi hàng loạt công ty đã niêm yết cổ phiếu để kịp hưởng ưu đãi thuế trước khi chính sách này hết hiệu lực từ cuối năm 2006.

Mặc dù đã có hàng loạt công ty niêm yết cổ phiếu được cấp phép, giúp tăng lượng cung chứng khoán nhưng vẫn không đủ trước cầu về chứng khoán quá lớn đã đẩy giá chứng khoán tăng cao. Tôi tin rằng về lâu dài TTCK sẽ còn phát triển, giá sẽ còn tăng.

Tuy nhiên, trước mắt sẽ ít nhiều có điều chỉnh, giá chứng khoán có thể giảm nhưng khó có thể xảy ra một đợt giảm giá mang tính sốc như đã từng xảy ra trong năm 2003.

theo Tuổi trẻ

 TranTriDung

Cảnh báo giá chứng khoán quá nóng (trích bài viết trên Tuổi trẻ)

Ngày giao dịch 20-12 tại TTGDCK TP.HCM, một kỷ lục mới đã được lập: chỉ số chứng khoán VN đã vượt qua mức 800 điểm, mức kỷ lục kể từ khi có thị trường chứng khoán (TTCK).  Kết thúc phiên giao dịch ngày 21-12, chỉ còn 13 chứng khoán tăng giá, 11 chứng khoán đứng giá, 54 chứng khoán còn lại giảm giá. Chỉ số chứng khoán VN đã giảm 30,98 điểm (tương đương 3,83%), xuống dưới ngưỡng 800 điểm, chỉ còn 778,88 điểm.

Ngay trong ngày giao dịch 21-12, trong các phiên giao dịch một và hai của ngày giao dịch, giá một số loại cổ phiếu vẫn tăng khá và chỉ “rớt sàn” ở phiên giao dịch cuối ngày. 4-2006, khi đó lượng vốn để đầu tư cổ phiếu không dồi dào, trong khi nhiều nhà đầu tư đã cầm cố cổ phiếu để tiếp tục mua cổ phiếu mới đến hạn phải trả nợ.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, vẫn chưa quá lo với diễn biến trong ngày 21-12. Trong phiên này, nhà đầu tư chưa bán tháo cổ phiếu, đây chỉ là một phiên mà ở đó thị trường điều chỉnh sau khi chỉ số chứng khoán VN vượt qua ngưỡng 800 điểm đồng thời có cảnh báo từ TTGDCK TP.HCM. Cũng theo các công ty chứng khoán, trước mắt thị trường còn điều chỉnh thêm một số phiên và lời cảnh báo của TTGDCK TP.HCM là cần thiết để những nhà đầu tư “non tay” thận trọng hơn.

 Ha Hoang

Theo mình biết thì có rất nhiều các nhà đầu tư sộp đang rất sốt ruột nhưng chưa dám đầu tư vì còn chưa thật sự hiểu hết  chứng khoán là gì? Chơi như thế nào và rủi ro ra sao?  Họ thường xuyên hỏi mình là có sách nào hay ho về kinh doanh chứng khoán không? Vậy rất mong Dr.Vương cùng các chuyên gia của SAGA sẽ liên tục bổ xung kiến thức về vấn đề này và tất nhiên mình sẽ refer các đại gia này xem SAGA. Good deal hah!

 Phuong

Rõ ràng đầu tư chứng khoán là không hề đơn giản, cũng có nghĩa là để đầu tư có lợi nhuận thì khó khăn hơn nhiều. Vậy có thể giải thích ra sao về một số nhà đầu tư trong giai đoạn này, những người mà có thể khẳng định là họ không có nhiều kiến thức về lĩnh vực đầu tư cao cấp này, lại có thể kiếm được lợi nhuận, thậm chí không hề ít. Ta có thể thấy rõ những dòng tiền, rất lớn, chảy liên tục trên thị trường. Vậy cuối cùng tiền sẽ về tay ai? phải chẳng là về những người may mắn hơn người khác.
Tính bày đàn thể hiện rõ nét trong biến động gần như giống hệt nhau của VN-Index và những cổ phiếu giao dịch nhiều. Trong khoảng 2 tháng VNI tăng đến 60%. Nhiều nhận định cho rằng thị trường quá nhạy cảm. Vậy kết cục cho trái bóng quá căng này sẽ thiên về hướng vỡ tan hay chỉ dần dần xì hơi.
Rất mong mọi người trên Saga cùng thảo luận.

 TuanPhuc

Khả năng TTCK Việt Nam hiện nay đúng hơn là một sòng bạc lớn. Rất nhiều người thực ra không có kiến thức về chứng khoán nhưng vẫn cứ tham gia. Bởi vì sẵn có máu cờ bạc trong người. Cái tâm lý mà Dr Vuong nói trên đây đúng là tâm lý của một người chơi số đề vậy. Trông chờ vào may rủi,  chứ không có một căn cứ khoa học về phân tích  số liệu. Mong Saga sắp tới sẽ cung cấp cho cộng đồng kiến thức về chứng khoán nhiều hơn nữa để các nhà đầu tư có thể tham khảo và có các quyết định chuẩn xác hơn về cách sử dụng đồng tiền của mình sao cho hiệu quả nhất.

SOURCE: SAGA.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét