Thứ Năm, 20 tháng 12, 2007

CÔNG CỤ PHÁI SINH: CƠ HỘI VÀ RỦI RO

Thống kê của ngân hàng thanh toán quốc tế cho thấy, đến hết 2006, số dư hợp đồng giao dịch phái sinh trên thị trường tài chính quốc tế tương đương 417 tỷ USD. Thế nhưng, con số này ở Việt Nam rất ít được nhắc tới vì quá khiêm tốn, mặc dù đây là công cụ bảo hiểm rủi ro tài chính phổ biến trên thế giới.

Trong khuôn khổ một hội thảo do Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) phối hợp tổ chức mới đây, các chuyên gia ngành ngân hàng, tài chính đã cùng nhau chia sẻ thực trạng và tìm giải pháp phát triển thị trường phái sinh.

Vậy, công cụ phái sinh là gì? Công cụ này sẽ đem lại lợi ích gì cho ngân hàng cũng như doanh nghiệp?

Nói nôm na, công cụ phái sinh chính là một loại hình bảo hiểm rủi ro tài chính khi thực hiện các hợp đồng kinh tế mà bản chất là phân tán rủi ro tiềm ẩn và đương nhiên, lợi nhuận của các giao dịch cùng được chia sẻ cho các bên. Công cụ phái sinh gồm các công cụ giao dịch kỳ hạn (Forward), hoán đổi (Swaps), quyền chọn (Options) và tương lai (Futures).

Chia sẻ những lợi ích mà ngân hàng thương mại thu được khi thực hiện công cụ phái sinh, Ths. Nguyễn Quang Minh (Vietcombank) cho biết: Thực ra, mục đích của ngân hàng thương mại khi tham gia công cụ phái sinh là để bảo hiểm rủi ro giao dịch tài chính cho cả ngân hàng và khách hàng. Trong quá trình hoạt động, nếu có sinh lời thì bản chất vẫn là phòng ngừa rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận chứ không hẳn là kiếm lời!

Vậy, doanh nghiệp sẽ được lợi gì? Ông Nguyễn Đại Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển ngân hàng cho biết: xét tổng thể qua hàng năm, chỉ riêng doanh nghiệp nước ngoài khi đưa vốn ngoại tệ vào Việt Nam đầu tư, sau khi thu lợi nhuận và chuyển tiền về nước, nếu sử dụng công cụ phái sinh, họ sẽ tránh được thiệt hại khi có rủi ro về tỷ giá.

Tiếp đó là các dự án đầu tư với số vốn lớn. Các dự án này đều vay hay mua chịu một lượng lớn hàng hóa nước ngoài bằng USD, nếu sử dụng hoán đổi lãi suất (Swaps) thì có thể tránh được thiệt hại không nhỏ với những biến động khó lường của thị trường tiền tệ. Thế nhưng, chủ các dự án này gần như chưa bao giờ sử dụng công cụ phái sinh.

Ngay cả như quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, tương đương với lượng ngoại tệ của vài chục tuần nhập khẩu cũng đang tồn tại như một thứ "quỹ chết trong ao tù", mặc dù lượng dự trữ tăng lên và đồng USD đang yếu đi từng ngày. Giá như có một cơ chế rõ ràng, cho phép sử dụng quỹ này thích ứng với các công cụ phái sinh thì đồng vốn sẽ được sinh lời thay vì nằm im trong két sắt.

 Mặc dù hữu ích là vậy nhưng công cụ phái sinh hiện phát triển khá khiêm tốn ở chi nhánh ngân hàng Citibank, Standard Chartered, BIDV, Vietcombank, HSBC với doanh số chưa đáng kể so với doanh số nghiệp vụ truyền thống. Ngay cả với HSBC, mặc dù hoạt động tại Việt Nam đã 6 năm với hơn 1.000 khách hàng, nhưng sau 2 năm triển khai dịch vụ, mới chỉ có vài doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này.

Vì sao như vậy? Ông Nguyễn Đại Lai đưa ra một ví dụ: một doanh nghiệp biết rõ sẽ gặp rủi ro lãi suất khi đang vay tiền với lãi suất thả nổi, trong điều kiện lãi suất giao ngay đang tăng mạnh và biết rõ, nếu sử dụng Swaps để chuyển sang lãi suất cố định, doanh nghiệp sẽ giảm thiệt hại rủi ro nhưng chủ doanh nghiệp đã không dám hành động. Và thực tế này không chỉ xảy ra tại các doanh nghiệp mà còn hiện hữu ngay trong các ngân hàng thương mại, là nơi cung cấp dịch vụ. Vì vậy, không ít cán bộ ngân hàng thương mại nhiều khi vừa ký một hợp đồng bảo hiểm phái sinh vừa...run.

Một nhân tố khác cản trở đến sự phát triển của công cụ phái sinh là môi trường chính sách mà đầu tiên là việc tính thuế, chẳng hạn như quy định về mức thuế đánh trên lãi thu được từ việc thực hiện nghiệp vụ hoán đổi. Nhiều ý kiến bày tỏ, quy định này vừa kìm hãm vừa khó thực hiện vì lãi suất thả nổi biến động hàng ngày. Hơn nữa, công cụ phái sinh mang bản chất phòng ngừa rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải vì mục đích kiếm lời.

Tiếp đó là vấn đề hạch toán kế toán. Ths. Trịnh Quỳnh Thành (BIDV) phân trần: "Hiện nay, trong hạch toán kế toán dường như chỉ chú trọng tới phần lãi/lỗ thực tế phát sinh, trong khi phần lãi/ lỗ dự kiến, chưa phát sinh thì dường như chưa được quan tâm".

Chẳng hạn, doanh nghiệp mua một hợp đồng phái sinh trị giá 1 tỷ đồng và bút toán ghi sổ 1 tỷ đồng nhưng ngày mai, ngày kia, giá trị "hàng hóa" đã mua chỉ còn 800 triệu đồng hoặc lên 1,5 tỷ đồng thì sổ sách kế toán vẫn chỉ thể hiện 1 tỷ đồng. Thực tế này đã không những không phản ánh hết giá trị thực trong hệ thống sổ sách kế toán mà còn là kẽ hở của tình trạng "lãi giả, lỗ thật" và ngược lại trong báo cáo kế toán của doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, từ thực tế này, để giải quyết những rào cản hiện nay đối với công cụ phái sinh, không chỉ xét từ góc độ từ các ngân hàng thương mại hay doanh nghiệp mà rất cần sự hợp lực từ phía các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính (tháo gỡ vướng mắc về thuế và chế độ ghi sổ kế toán) và của ngân hàng thương mại trong việc ban hành các văn bản pháp lý, tổ chức hội thảo hay hướng dẫn các nghiệp vụ cụ thể.

Theo TBKTVN ngày 08/11/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét