Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007

"GIẤY TRẮNG" HẾT HIỆU LỰC TỪ 1.1.2008: GIAO DỊCH NHÀ ĐẤT SẼ BỊ "TREO"?

 

Theo Nghị định 84 của Chính phủ, đến ngày 1.1.2008, những giấy tờ nhà, đất hợp lệ cấp theo các quy định trước đây (hay còn gọi là "giấy trắng") sẽ hết hiệu lực giao dịch. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn "giấy trắng" của người dân tại TP.HCM chưa kịp đổi sang giấy chủ quyền mới sẽ bị "treo" giao dịch. Nhiều ý kiến cho rằng, nên gia hạn thời gian để người dân kịp đổi "giấy trắng" sang "giấy hồng", vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa thuận tiện cho công tác quản lý.

Muốn giao dịch phải đổi sang "giấy hồng"

Từ 1.1.2008, gần 60 loại giấy chủ quyền nhà, đất- "giấy trắng"- đã cấp qua các thời kỳ bằng khoán, văn tự mua bán nhà, quyết định giao đất... mới hết giá trị giao dịch. Thế nhưng, nhiều trường hợp khi ra công chứng hợp đồng chuyển dịch lại không được chấp thuận bởi cán bộ cho rằng một số loại giấy chỉ mang tính tham khảo chứ không có giá trị giao dịch, do không thể hiện quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Theo đó, đất chủ quyền "giấy trắng" muốn giao dịch phải xin cấp đổi sang "giấy hồng" mới nếu không muốn bị làm khó.

Từ đầu tháng 12 đến nay, nhiều người dân đã tranh thủ đi làm "giấy hồng" khiến lượng hồ sơ nhận vào tăng đáng kể. Phần lớn số hồ sơ xin cấp "giấy hồng" đã có "giấy trắng" và rơi vào những trường hợp đang thế chấp nhà, đất tại ngân hàng. Theo các chuyên gia nhà đất, trước đây đối với loại nhà, đất có "giấy trắng", việc giao dịch đơn giản, sau khi hai bên ra công chứng hợp đồng chuyển nhượng thì nộp hồ sơ tại cơ quan chức năng để sang tên. Còn hiện nay, đầu tiên chủ nhà cũ phải cấp đổi từ "giấy trắng" sang "giấy hồng", sau khi công chứng nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng để cấp đổi giấy chủ quyền từ chủ cũ sang chủ mới. Như vậy, về thủ tục phải mất gấp 2 lần, về thời gian phải 3- 4 lần so với trước. Trong khi đó, hiện chưa có một quy định nào bắt buộc nhà, đất đã có "giấy trắng" phải cấp đổi sang "giấy hồng", "giấy đỏ" mới được sang nhượng!?.

Theo quy định, thời gian cấp đổi là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện cấp giấy hoặc cần bổ sung, trong thời hạn 15 ngày làm việc. Nhưng trên thực tế, khi xin cấp đổi "giấy trắng" sang "giấy hồng", người dân gặp không ít khó khăn. Nhiều nhà tách thửa, nhập thửa, mua bán qua nhiều đời chủ nên hiện trạng không còn y như trong "giấy trắng". Vì vậy, quy trình cấp "giấy hồng" cho những loại nhà này không thể đơn giản và rất khó làm nhanh. Nếu chênh lệch diện tích thì phải tìm hiểu kỹ phần đất dôi ra, phải niêm yết và được phường kiểm tra, xác nhận... Một vướng mắc khác liên quan đến trường hợp cấp đổi "giấy trắng" là trường hợp người dân đang thế chấp tại ngân hàng. Muốn được giải quyết, người dân phải trả hết vốn vay cho ngân hàng rồi mới được làm thủ tục cấp đổi sau. Tất cả những lý do này khiến thời gian cấp đổi "giấy trắng" kéo dài hơn nhiều so với trường hợp cấp "giấy hồng" thông thường. Theo các chuyên gia, với quy trình thủ tục như hiện nay, người dân nên mua bán, chuyển nhượng trước, rồi sau đó khi sang tên hẳn chuyển sang thủ tục cấp đổi "giấy hồng". Bởi việc này thủ tục đơn giản và mất ít thời gian hơn so với việc xin cấp "giấy hồng" rồi chuyển nhượng.

"Giấy trắng" có thể được gia hạn đến 2010

Theo ước tính của cơ quan chức năng, TP.HCM còn khoảng 100.000 căn nhà có "giấy trắng" các loại, trong đó có hàng ngàn giấy đang nằm tại các ngân hàng (thậm chí nhiều giấy thế chấp đến năm 2009 mới đáo hạn). Nếu các quận, huyện chưa kịp làm "giấy hồng" thì sau ngày 1.1.2008, chắc chắn người dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn giao dịch. Được biết, hiện nay số lượng "giấy trắng" chiếm khoảng 30-40% tổng số giao dịch nhà, đất tại các ngân hàng. Nhiều công chứng viên lo ngại nếu thực hiện theo đúng Nghị định 84, tức không công chứng giao dịch nhà đất có "giấy trắng" vào đầu năm 2008, các giao dịch loại này sẽ bị ách tắc. Do vậy đổi sang "giấy hồng" là giải pháp mà nhiều ngân hàng chọn lựa.

Từ nhiều tháng qua, các quận huyện đã đề xuất thành phố xin gia hạn thêm thời gian giao dịch "giấy trắng". Nhiều ý kiến cho rằng, nên công nhận hiệu lực của "giấy trắng" để giảm bớt gánh nặng về giấy tờ nhà đất cho người dân. Chấm dứt giao dịch "giấy trắng" sẽ gây ra sự xáo trộn lớn, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhiều người dân có nhu cầu mua bán, thế chấp nhà đất để vay vốn làm ăn. Tuy nhiên, theo các cán bộ ngành TN -MT, giấy trắng chỉ là chứng nhận tạm thời của riêng TP.HCM trong một giai đoạn nhất định, trên giấy cũng không thể hiện số thửa, số tờ, không có tọa độ... nên rất khó cho việc quản lý. Hơn nữa, nghị định 84 chỉ qui định hết hiệu lực giao dịch của "giấy trắng" nhưng vẫn còn giá trị chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của người dân. Thế nhưng, tại một số phòng công chứng, khi người dân nộp hồ sơ có liên quan đến "giấy trắng", công chứng viên đã đề nghị nên cấp đổi sang "giấy hồng" trước khi thực hiện giao dịch. Bởi theo họ, có một số loại "giấy trắng" không thể hiện được quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà!?

ông Bùi Ngọc Tuân, Vụ phó Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: "Theo tinh thần của Nghị quyết 07 năm 2007 của Quốc hội, "giấy trắng" có thể được gia hạn đến hết năm 2010. Hiện tại, bộ này đang dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, trong đó có nội dung gia hạn nói trên để Chính phủ có thể ban hành vào tháng 1.2008". Như vậy trong vòng 3 năm tới, nhiều khả năng các loại "giấy trắng" sẽ kịp đổi sang giấy chủ quyền mới, vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa thuận tiện cho công tác quản lý.

Ngọc Hà

BÁO PHÁP LUẬT VÀ ĐỜI SỐNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét