Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

VÀO WTO, ĐẤT ĐAI CÒN THUỘC SỞ HỮU TOÀN DÂN?

Khi hội nhập WTO, pháp luật về đất đai của Việt Nam sẽ có đổi mới? Chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai của Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới cơ chế thị trường ra sao?

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nói: ''Một trong những quan điểm quan trọng của đề án xây dựng Luật Đất đai mới trình Quốc hội là bảo đảm tính tương thích về pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó đã tính tới việc nước ta sẽ gia nhập WTO trong thời gian trước mắt''.

Đất đai: 1 trong 3 yếu tố đầu vào khi hội nhập

Thưa Thứ trưởng, ông có thể đưa ra những quy định nào trong Luật Đất đai năm 2003 để chứng minh về quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế của Luật này?

Chứng minh việc này không khó. Thứ nhất, trong Luật Đất đai năm 1993 có một Chương riêng để quy định về quyền sử dụng đất có yếu tố nước ngoài, nhưng trong Luật Đất đai năm 2003 không còn Chương này nữa. Nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam được pháp luật cư xử bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai, Luật Đất đai năm 2003 đã cắt phần lớn cơ chế bao cấp về đất của Nhà nước, áp dụng hệ thống tài chính đất đai 1 giá đất phù hợp với giá thị trường.

Thứ ba, không có bất kỳ một quy định nào mang lại ưu đãi về đất cho các tổ chức kinh tế của Nhà nước, các thành phần kinh tế trong nước hoàn toàn bình đẳng về quyền sử dụng đất.

Thứ tư, quyền sử dụng đối với thửa đất là tài sản của người sử dụng đất, quyền tài sản đó được pháp luật dân sự bảo hộ như các tài sản khác và được tham gia thị trường bất động sản.

Thứ năm, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai được cải cách triệt để theo hướng phục vụ người sử dụng đất thông qua hệ thống dịch vụ công của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai của Việt Nam có gì khác so với các nước thành viên khác của WTO, thưa Thứ trưởng?

Trong quá trình đàm phán để gia nhập WTO, có một số việc chúng ta phải thực hiện ngay như bổ sung một số luật chưa có, đa số việc là phải cam kết thực hiện trong một thời gian nhất định (Việt Nam được 12 năm thực hiện các cam kết).

Mục tiêu đặt ra là sau thời gian đó chúng ta phải có một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh theo chuẩn mực của WTO và hệ thống thương mại phải tuân thủ các hiệp định của WTO dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản là: "Tối huệ quốc đa phương"; "Ưu đãi quốc gia cho hàng hoá trong nước ngang bằng với hàng hoá nhập khẩu"; "Mở cửa thị trường cho hàng nhập khẩu"; "Cạnh tranh công bằng".

Đối tượng điều chỉnh của các hiệp định này là hàng hoá vật thể, hàng hoá dịch vụ và hàng hoá trí tuệ. Cơ chế tác động trực tiếp lên hàng hoá mà các nước thành viên của WTO quan tâm là hải quan, hàng rào thuế quan, hàng rào phi thuế quan.

Với những điểm cốt yếu như trên khi hội nhập kinh tế quốc tế trong WTO, tưởng như vấn đề đất đai không có gì liên quan lắm. Lúc này, cần nhìn đất đai là 1 trong 3 yếu tố đầu vào của quá trình phát triển kinh tế - xã hội (đất đai, lao động, vốn). Đất đai có liên quan tới cơ chế ưu đãi cho đầu tư (giữa nước ngoài và trong nước); mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản; mở cửa thị trường dịch vụ trong đó có dịch vụ ngân hàng trong thế chấp bằng đất; bảo đảm tính công bằng về quyền tiếp cận đến quỹ đất của các thành phần kinh tế.

Hệ thống chính sách đất đai phải bảo đảm tính công bằng đối với mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài. Hệ thống pháp luật đất đai phải tương thích với pháp luật đất đai của các nước đã thực hiện xong các cam kết trong lộ trình hội nhập. So với các nước này, pháp luật về đất đai của nước ta còn một số điểm khác cần tiếp tục đổi mới.

Cụ thể: chúng ta chỉ công nhận 1 hình thức sở hữu toàn dân về đất đai (các nước công nhận đa sở hữu về đất đai); cơ chế Nhà nước thu hồi đất và giao hoặc cho thuê đất chưa thực sự phù hợp với cơ chế thị trường; doanh nghiệp nước ngoài chỉ được thuê đất của Nhà nước hoặc của tổ chức kinh tế trong nước, không được Nhà nước giao đất, không được thuê đất của hộ gia đình và cá nhân, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thế chấp bằng quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện với các tổ chức tín dụng nước ngoài có pháp nhân ở Việt Nam.

Quyền lợi, nghĩa vụ người sử dụng đất Việt Nam không khác thế giới

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ảnh hưởng như thế nào đến quá trình hội nhập kinh tế của nước ta, thưa Thứ trưởng?

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của nước ta chỉ mang tính thuật ngữ. Bản chất các quyền năng về sở hữu đối với đất đai đã được thể hiện rất rõ trong Luật Đất đai năm 2003. Sở hữu về đất đai có đặc thù riêng, có phần "của riêng" và có phần "của chung", không giống sở hữu đối với các đối tượng khác.

Chúng ta tiếp cận đến sở hữu đất đai bằng con đường chỉ công nhận hình thức sở hữu toàn dân và giao một số quyền năng sở hữu cho người sử dụng. Các nước khác lại sử dụng cách tiếp cận là công nhận nhiều hình thức sở hữu nhưng hạn chế lại để chuyển một số quyền năng sở hữu cho Nhà nước.

Quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất ở nước ta không khác so với quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu đất đai ở các nước. Về điều này, chúng tôi đã có dịp chứng minh về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai của nước ta không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới cơ chế thị trường trong vụ kiện xuất khẩu cá basa, tôm, hàng dệt may của nước ta. Các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài đã công nhận. Như vậy, điểm đến của ta và các nước khác là trùng nhau, chỉ khác nhau về giải thích thuật ngữ thôi. Tôi cho rằng đây là một ví dụ điển hình về phân tích cặp phạm trù "nội dung và hình thức".

Một sự khác nhau quan trọng nữa, như Thứ trưởng đã nói ở trên, là có sự phân biệt về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là tổ chức nước ngoài, chúng ta đổi mới điểm này như thế nào trong lộ trình hội nhập?

Pháp luật về đất đai nước ta có đặt ra một nguyên tắc là tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu quyền sử dụng đất ở Việt Nam.

Tôi cho rằng đây cũng chỉ mang tính hình thức vì tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất của Nhà nước có thời hạn có quyền và nghĩa vụ trong thời hạn đó như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong nước được Nhà nước giao đất có thời hạn. Như vậy chỉ còn gọi tên động tác này là "Nhà nước giao đất" hay "Nhà nước cho thuê đất". Lại cũng là cùng nội dung nhưng khác nhau về hình thức. Nếu sửa hình thức thuật ngữ mà không ảnh hưởng đến nội dung thì cũng nên làm.

Khi hình thức "Nhà nước giao đất có thời hạn cho tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài" được pháp luật thừa nhận thì vấn đề tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài nhận chuyển nhượng có thời hạn đối với quyền sử dụng đất; thuê đất của hộ gia đình, cá nhân; nhận thế chấp bằng đất đai cũng sẽ được pháp luật thừa nhận.

(Theo Vietnam Net tháng5/2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét