Thứ Năm, 20 tháng 12, 2007

Tình hình đầu tư phát triển tại Việt nam tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2007:

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong tháng 11, tổng vốn của dự án cấp phép mới và vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đang hoạt động đạt 3.773 triệu USD (vốn đăng ký cấp mới là 3.647 triệu USD, vốn tăng thêm là 126 triệu USD).

Tính chung 11 tháng năm 2007, tổng số vốn cấp phép mới và tăng thêm đạt 15.038 triệu USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ, vượt 15% so với mức dự kiến của cả năm; trong đó vốn đầu tư cấp phép mới là 13.400 triệu USD với 1.283 dự án, vốn tăng thêm trên 1.638 triệu USD.

Trong 11 tháng năm 2007, trên địa bàn cả nước có 52 địa phương thu hút được dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đứng đầu với số vốn đăng ký 1,73 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư đăng ký; tỉnh Phú Yên vươn lên đứng thứ 2 (từ vị trí thứ 44/51 theo kết quả của 10 tháng đầu năm 2007) với số vốn đăng ký 1,7 tỷ USD, chiếm 12,7%; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đứng thứ 3 với số vốn đăng ký 1.069 triệu USD, chiếm 8%; tỉnh Bình Dương đứng thứ 4 với số vốn đăng ký 1.020 triệu USD, chiếm 7,6%; thành phố Hà Nội đứng thứ 5 với số vốn đăng ký 963 triệu USD, chiếm 7,2%.

Điều đáng lưu ý trong kết quả thu hút FDI 11 tháng qua là sự góp mặt của nhiều tập đoàn tên tuổi, với số vốn lớn vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư của các vùng miền. Nhiều địa phương đã “được mùa FDI”, kể cả những nơi lâu nay ít được các nhà đầu tư nhắc tới.

Ở các tỉnh phía Nam, Phú Yên trở thành tâm điểm khi có thêm dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô trị giá 1,7 tỷ USD; Bà Rịa - Vũng Tàu có các dự án Nhà máy Thép của Ấn Độ (527 triệu USD), Dự án Cảng quốc tế của Singapore (267 triệu USD), Dự án Cảng SP-SPA Cái Mép (165 triệu USD) và Dự án Thép Trung Tường (60 triệu USD); Hậu Giang có Dự án Bột giấy Lee & Man (349 triệu USD) và một dự án giấy Lee & Man khác (280 triệu USD); Long An có dự án Sân golf Việt-Hàn và khu thương mại-khu dân cư cho thuê 284 triệu USD...

Tại các tỉnh phía Bắc, Hà Nội xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực đang “hot” - địa ốc, cụ thể là Dự án khách sạn - căn hộ cao cấp Keangnam (500 triệu USD), Dự án khách sạn 5 sao Charmvit (80 triệu USD); Vĩnh Phúc có Dự án sản xuất máy tính xách tay (500 triệu USD), Dự án khuôn mẫu chính xác (150 triệu USD), Dự án xe máy Piaggio (45 triệu USD); Ninh Bình có Dự án Xi măng Hệ Dưỡng (360 triệu USD); Hà Tây có Dự án Hyundai RNC Hà Tây (196 triệu USD).

Tại miền Trung, Đà Nẵng nổi lên với Dự án Trung tâm Thương mại Vina Capital (325 triệu USD), Dự án Khu đô thị mới Đa Phước (250 triệu USD); Thừa Thiên - Huế có Dự án Khu nghỉ mát cao cấp Laguna (hơn 276 triệu USD) và khu nghỉ mát cao cấp Chân Mây (276 triệu USD)...

Đặc biệt, TP.HCM có thêm hàng loạt dự án về lĩnh vực bất động sản, như Dự án Công ty Yon Woon-Vạn Phúc (250 triệu USD), Dự án Công ty GS Nhà Bè (189 triệu USD), Dự án địa ốc Đại Quang (160 triệu USD), Dự án Pine & Đại Tư (150 triệu USD), Dự án liên doanh Estella (106 triệu USD), Dự án Phát triển nhà Việt Nam - Hàn Quốc (79 triệu USD)...

Đó chỉ là những dự án điển hình từ 1.283 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ đầu năm đến ngày 20 tháng 11 vừa qua, có tổng vốn đăng ký 13,4 tỷ USD, trong đó, có 139 dự án với 3,647 tỷ USD được cấp phép trong tháng 11. Ngoài ra, còn có 314 lượt dự án đang hoạt động đã đăng ký bổ sung vốn để mở rộng quy mô kinh doanh, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,638 tỷ USD. Như vậy, tính cả vốn bổ sung, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng qua đã đạt 15,03 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt 15% kế hoạch dự kiến từ đầu năm.

Trong số 53 nước và vùng lãnh thổ có dự án cấp mới, Hàn Quốc vẫn chiếm vị trí số một (chiếm 28% vốn đăng ký), tiếp theo là BVI (26%), Singapore (12%), Đài Loan (9%), Nhật Bản ((6%)… Nhưng về tăng vốn, Nhật Bản vẫn giữ vị trí số 1 (chiếm 19,25% vốn bổ sung), Đài Loan (19,23%), Hàn Quốc (15,08%), Hồng Kông (11%)…

Ông Trịnh Minh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (IPCC thuộc Bộ KH-ĐT) cho hay, với 77 dự án cấp mới và 6 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn FDI đăng ký tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong 11 tháng năm 2007 đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 264,5% so với cùng kỳ năm 2006 và chiếm tỷ lệ 22% so với tổng vốn FDI của cả nước (tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay). Dự kiến đến cuối năm 2007 sẽ đạt trên 3,4 tỷ USD.

Như vậy, riêng năm 2007, miền Trung - Tây Nguyên đã thu hút lượng vốn FDI tương đương với 19 năm giai đoạn 1998 - 2006 là 3,54 tỷ USD. Kết quả này đã đưa tổng số dự án FDI hiện có của khu vực lên con số 395 với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,73 tỷ USD (chiếm 8,6% so với cả nước), vốn thực hiện đạt 988,5 triệu USD (chiếm 2,97%) so với cả nước.

Trong đó, với dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, tỉnh Phú Yên đã vươn lên dẫn đầu khu vực về thu hút vốn FDI trong năm 2007 (1,714 tỷ USD), tiếp đó là Đà Nẵng (830,6 triệu USD), TT - Huế 374,4 triệu USD, Quảng Nam 233,6 triệu USD, Bình Định 72,4 triệu USD... Như vậy, Phú Yên đã vượt qua Đà Nẵng để trở thành địa phương thu hút tổng vốn FDI lớn nhất khu vực (chiếm 27,9%), Đà Nẵng xuống vị trí thứ 2 (25,6%), tiếp đó là Quảng Ngãi (12,6%). Trên 50% số dự án tập trung ở các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn.

Theo đánh giá của ông Trịnh Minh Vân, sự xuất hiện của một số dự án lớn trong năm 2007 như Nhà máy lọc dầu Vũng Rô của Anh và Nga (1,7 tỷ USD tại Phú Yên), Trung tâm Thương mại VinaCapital (325 triệu USD tại Đà Nẵng), khu phức hợp resort cao cấp của Singapore (276,25 triệu USD tại TT - Huế), Công ty TNHH Daewon Cantavil (250 triệu USD tại Đà Nẵng)… đã nâng quy mô vốn đầu tư cấp mới của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt bình quân 42,34 triệu USD/dự án, cao hơn 4 lần so với quy mô bình quân của cả nước (9,85 triệu USD/dự án).

Về đối tác đầu tư, trong năm 2007 đã có 22 nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại miền Trung - Tây Nguyên. Riêng tốp 5 nhà đầu tư lớn đã chiếm hơn 82% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả khu vực. Dẫn đầu là Anh (chiếm 26,7% tổng vốn đăng ký), tiếp đến là Nga (chiếm 25,6%) và quần đảo Virgin thuộc Anh (chiếm 14,1%).

Như vậy, đến nay đã có 36 trong số 81 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN có dự án đầu tư tại miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt, lần đầu tiên Vương quốc Anh đã vượt qua các nhà đầu tư châu Á, chiếm vị trí dẫn đầu trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào khu vực này (chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trên toàn khu vực), tiếp đó là Hàn Quốc (12,83%), Nga (12,78%).

Ông Trịnh Minh Vân đặc biệt lưu ý việc nguồn vốn FDI đổ vào miền Trung - Tây Nguyên trong năm 2007 tập trung chủ yếu vào công nghiệp - xây dựng (chiếm 57,7% tổng vốn đăng ký), tiếp đó là thương mại - dịch vụ chiếm 42,2%. Trong khi nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 0,1%. Qua đó đưa tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào công nghiệp - xây dựng của khu vực này chiếm 62% tổng vốn đăng ký, thương mại - dịch vụ chiếm 35%, còn nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 3%. Điều đó cũng phản ảnh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong khu vực theo hướng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.

“Từ năm 2006, với việc ra đời các khu kinh tế có cơ chế, chính sách thông thoáng như Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong và cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong thu hút nguồn vốn FDI.

Chính quyền các địa phương còn đặc biệt quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến đầu tư nên đã mở ra những triển vọng mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất nghèo khó này. Hiện IPCC đang xúc tiến một dự án lớn khoảng 3,5 tỷ USD vào khu vực này và nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực trong năm 2008 - 2009!” - ông Trịnh Minh Vân cho hay.

Vốn đầu tư đăng ký tiếp tục tập trung trong lĩnh vực công nghiệp với số vốn đăng ký 7,55 tỷ USD, chiếm 62% về số dự án và 56,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ, với số vốn đăng ký 5,65 tỷ USD, chiếm 33% về số dự án và 42,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện nước đạt 4.100 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2006.

Hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể ngành dầu khí) phát triển khá. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của các doanh nghiệp thuộc khu vực này tăng 28,6%; kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) tăng 36,5%; nộp ngân sách tăng 10,6%. Đến nay, khu vực này đang tạo ra việc làm cho 1.255 nghìn lao động, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư phát triển thực hiện thuộc ngân sách nhà nước tháng 11/2007 ước đạt 12 nghìn tỷ đồng, khá hơn các tháng trước đó. Tính chung 11 tháng ước đạt 84,1 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch năm.

Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 130/2007/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nh nước nhằm đẩy mạnh đầu tư, bảo đảm kế hoạch về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Các bộ, ngành, địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng nhằm sớm hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2007.

Giải ngân từ nguồn vốn tín dụng đầu tư trong 11 tháng ước đạt 20,4 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 49,4%), trong đó vốn cho vay đầu tư trung và dài hạn ước đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, bằng 53,2% kế hoạch; nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 6 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% kế hoạch; dư nợ bình quân cho vay ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch.

Tổng giá trị vốn ODA giải ngân trong 11 tháng ước đạt 1.735 triệu USD, bằng 91% kế hoạch giải ngân của cả năm 2007, trong đó vốn vay đạt 1.521 triệu USD, vốn viện trợ đạt 214 triệu USD. Đây là mức giải ngân cao và đã hỗ trợ cho một số nguồn vốn khác giải ngân thấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy mạnh việc tập huấn hướng dẫn chi tiết cho cán bộ các bộ, ngành, địa phương về cơ chế, chính sách quản lý vốn ODA (Nghị định 131/2006/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định) nhằm đẩy nhanh việc xây dựng và thực hiện các dự án từ nguồn vốn này.

Nguồn: www.mpi.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét