Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

NHÀ CHỨC TRÁCH CŨNG CẦN XỬ SỰ THEO CHUẨN MỰC CHUNG

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Cuối cùng, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã bước vào thời kỳ bị dập tắt... về mặt pháp lý, nghĩa là do hiệu lực của một tuyên bố hết dịch của nhà chức trách.

Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa làm rõ được nguồn gốc đích thực của dịch, dù lúc đầu, các nguồn tin chính thức (xuất xứ từ nhà chức trách y tế) đã khẳng định rằng mắm tôm là thủ phạm. Cũng do quy kết lúc ban đầu đó mà mắm tôm đã bị cấm sản xuất, cũng như bị một bộ phận lớn của xã hội tẩy chay, ít nhất là trong một giai đoạn, và, tất nhiên, các nhà sản xuất, nói chung, những người sinh sống bằng công việc tạo ra thứ mắm đó,  phải lãnh trọn hậu quả thiệt hại vật chất trực tiếp. Sự đối xử tệ hại và những mất mát ấy phải bị coi là không công bằng, trong điều kiện người chịu mất mát và món nước chấm ấy, cũng được ví như một con người, đều chưa bị tuyên bố có lỗi trên cơ sở những bằng chứng có căn cứ khoa học và thuyết phục.
Vấn đề là nhà chức trách luôn giữ thái độ của một người không có trách nhiệm gì đối với những chuyện này. Bộ trưởng Y tế, khi trả lời chất vấn trong kỳ họp vừa qua của Quốc hội, đã lên tiếng yêu cầu người dân nên thông cảm với Nhà nước mà tạm ngưng sản xuất, tiêu dùng chất nước chấm bị nghi là “có tội” đó, cho đến khi hết dịch. Ông Bộ trưởng hoàn toàn không đả động đến vấn đề liệu trong thời gian tạm nghỉ theo khuyến cáo, những người tham gia sản xuất, đặc biệt là các công nhân làm thuê và gia đình họ, làm gì khác để sống; ông cũng không hề nhắc đến chuyện bù đắp thiệt hại cho những người này, trong trường hợp theo kết luận cuối cùng, sản phẩm họ làm ra không phải là tác nhân gây dịch.     
Ứng xử của các đại diện quyền lực công hoàn toàn trái với các nguyên tắc cơ bản được thiết lập trong tất cả các hệ thống chuẩn mực pháp lý của xã hội có tổ chức. Đáng lý ra, nếu  gây thiệt hại cho một người khác mà không phải để bảo vệ một lợi ích chính đáng nào đó và người bị thiệt hại không có lỗi, thì người gây thiệt hại phải bồi thường. Quy tắc này được áp dụng mà không phân biệt người gây thiệt hại là nhà chức trách hay thường dân.   
Tất nhiên, trong trường hợp nghi vấn về khả năng gây tác hại của một thứ gì đó, nhà chức trách có quyền tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm kiểm soát, hạn chế, thậm chí đình chỉ sự vận hành của nó, để ngăn chặn tác hại. Thế nhưng, một khi mọi chuyện đã rõ ràng, thì việc giải quyết hậu quả thiệt hại, do biện pháp ngăn chặn gây ra, phải được thực hiện một cách sòng phẳng, theo luật chung về trách nhiệm dân sự.  
Đây không phải là lần đầu tiên, nhà chức trách lẫn tránh trách nhiệm đối với dân. Trong một câu chuyện khác, xảy ra cách nay không lâu, một người bị chó cắn được tiêm vaccine phòng dại, sau đó bị tai biến liệt não; loại vaccine gây tai họa ấy được Bộ Y tế cho phép sản xuất và lưu hành trong nước ở thời điểm đó, dù, đã từ lâu, có khuyến cáo ngưng sử dụng của Tổ chức Y tế Thế giới. Nạn nhân đã gần như bị bỏ mặc, cùng với gia đình, trong cuộc vật lộn với cái chết. Phải đợi đến khi họ khởi kiện trước tòa án và báo chí lên tiếng, một vài cơ quan (được chỉ định) mới thực hiện các giao tiếp ngoại tư pháp để khắc phục hậu quả. Tuyệt đối, không một lời xin lỗi chính thức nào được đưa ra.
Đáng chú ý là những người có thẩm quyền đều có nhận thức rất tốt về sự cần thiết của việc quy trách nhiệm đối với các hành vi quảng bá, cho lưu hành những thông tin không đúng sự thật hoặc đề ra những quyết định sai lầm, mà dẫn đến hậu quả thiệt hại vật chất cho xã hội. Bằng chứng là trong vụ một số tờ báo đưa thông tin sai lệch về tác dụng của bưởi đối với sức khoẻ con người, các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất nhanh chóng, xác định chủ thể của trách nhiệm, mức độ sai phạm, đánh giá hậu quả thiệt hại và, sau đó, đã đưa ra các quyết định chế tài nghiêm khắc.  
Tích cực, mẫn cán trong việc quy trách nhiệm cho người dân về hành vi sai trái, nhưng lại không biết hoặc không muốn quy trách nhiệm cho mình, nhà chức trách có thiên hướng tự xây dựng thành một siêu chủ thể đứng trên các khuôn mẫu ứng xử.    
Cần nhấn mạnh rằng nguyên tắc bình đẳng giữa mọi chủ thể trong xã hội có tổ chức đòi hỏi Nhà nước cũng được đặt dưới sự chi phối của hệ thống chuẩn mực khách quan, như bất kỳ chủ thể nào khác, trong giao tiếp nhân văn. Được nhân cách hóa, Nhà nước-chủ thể, cũng như một con người, có thể được xã hội giám sát, đánh giá về mặt đạo đức, hạnh kiểm và được uốn nắn khi cần thiết, để cư xử đúng mực. Ở góc độ  pháp lý, Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm, bằng tài sản của mình, về hệ luỵ của những hành vi do mình thực hiện, cũng như có quyền đòi hỏi lập lại sự công bằng, nhất là trong khuôn khổ một vụ kiện trước tòa án, trong trường hợp bị thiệt hại do hành vi của chủ thể khác.        
Sòng phẳng và sẵn sàng nhận trách nhiệm, Nhà nước không hề bị giảm sút uy tín đối với dân trong những trường hợp phạm sai lầm. Trái lại, thái độ xử sự ấy giúp chủ thể quyền lực công tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp về nhà chức trách trung thực, dũng cảm và lương thiện, qua đó, mới tỏ ra xứng đáng nhận lấy sứ mạng dẫn dắt toàn xã hội trong công cuộc kiến tạo trật tự, công lý và bảo vệ lẽ phải.       

SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét