Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

NHỮNG CON SỐ KINH HOÀNG VỀ GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Gọi là các căn nhà dát vàng cũng không xa sự thật, cho dù giá vàng có tăng lên tới 1.000$/oz. (Theo qui cách bọc vàng của đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ, Gold-filled cũng chỉ bọc cỡ 8-15 micron độ dày mà thôi!)

Những con số kinh hoàng về giá bất động sản TP.HCM có thể khiến nhiều người không tin. Nhưng bài báo của Tiền Phong (24/12/2007) sẽ buộc chúng ta phải tin! Xin trích lược tóm tắt bài báo dưới đây, có tiêu đề: "1m2 đất đòi giá hơn 1,7 tỷ đồng!"

Theo Tiền Phong - Căn nhà mặt tiền đường Đồng Khởi (TP Hồ Chí Minh) có chiều  ngang 4m, dài 8 m (32m2), một trệt một lầu nhưng giá bán lên tới 55 tỷ đồng, hơn 1,7 tỷ đồng/m2!

Cuối tháng 12/2007, Địa ốc Việt Phát (TPHCM) rao bán nhiều căn nhà có giá trên 3.000 lượng vàng/căn, trong đó đáng chú ý nhất là căn nhà trên. Đây được xem là giá nhà cao nhất từ trước đến nay tại TP HCM (tính trên m2), cao hơn 700 triệu đồng/m2 so với căn nhà 105 m2 có giá 1 tỷ đồng/m2 rao bán hồi tháng 4/2007…

Nhiều người đã tỏ ra không tin vào khi nhìn thấy giá “khủng khiếp” trên, nhưng đại diện Cty Việt Phát khẳng định thông tin trên là hoàn toàn chính xác! Căn nhà này nằm trong khu bán đồ lưu niệm cho du khách (đoạn từ Lê Lợi đến Ngô Đức Kế Q.1 TPHCM), diện tích sử dụng khoảng 60m2 và đã sửa chữa nhiều lần, từ nhiều năm nay đã có người hỏi mua nhưng chủ nhân chần chừ mãi đến gần đây mới nhờ Việt Phát bán hộ. Giám đốc một Cty địa ốc cho biết:

Căn nhà này chủ yếu mua đất chứ phần xây dựng chỉ khoảng 200 triệu đồng. Tôi cũng nghe nói, chủ nhà chỉ đồng ý bớt nhiều nhất là một tỷ đồng lấy hên cho người mua”.

Tuy nhiên, hỏi thì nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có “đại gia” nào tỏ ý định mua thực sự căn nhà siêu đắt trên. Với giá 1,7 tỷ đồng/m2 (hơn 100.000USD/m2), ngôi nhà 32m2 này tương đương với 32 căn hộ cao cấp, bằng giá của biệt thự Phú Gia hơn 300m2 đẹp nhất khu Phú Mỹ Hưng, mua được 3 căn hộ loại đắt nhất ngay trung tâm TPHCM...

Nói cách khác, cứ mỗi mét vuông trong ngôi nhà này có giá trị bằng một căn nhà trung bình tại TPHCM. Theo nhiều chuyên gia địa ốc, thì giá trên tương đương với những căn hộ hàng trăm mét vuông của các siêu sao tại khu Mahattan (New York), một trong vài nơi có giá nhà đắt nhất thế giới! Theo một chuyên gia địa ốc thì ngay tại Hà Nội, nơi giá đất cao hơn TPHCM cũng chưa có nơi nào có giá cao như vậy nên có thể xem đây là căn nhà có giá đắt nhất Việt Nam (tính theo mét vuông).

Với diện tích quá nhỏ trên, căn nhà chỉ có thể ở hoặc cho thuê và chủ nhân cũng đang đồng ý cho thuê với giá 1.200 USD/tháng. Ông Lê Đình Phúc, Phó giám đốc Cty địa ốc Phúc Minh cho biết: “Theo tôi thì rất khó tìm người mua do số tiền quá lớn mà có mua được cũng rất khó sử dụng ngoài cho thuê với giá trên hay để gia đình ở”. Ông Phúc nói thêm rằng với 55 tỷ đồng, khả năng sinh lợi với căn nhà trên không hấp dẫn do giá nhà thuê ở đây khó lên cao hơn được nữa do xu hướng tập trung về các trung tâm thương mại...

NhaDatVangHCMC.jpgCăn nhà 105m2 có giá 1 tỷ/m2 từng làm dư luận xôn xao hồi tháng 4/2007 cũng tọa lạc tại đường Đồng Khởi, gần căn nhà trên hiện nay cũng chưa bán được dù chủ nhân đã hạ giá tính theo vàng từ 8.000 lượng xuống còn 7.000 lượng (nhưng tính theo tiền thì vẫn xấp xỉ 1tỷ đồng/m2). Sở dĩ căn nhà 32m2 được rao bán với giá ngất trời là do từ 5 năm nay, chỉ có khoảng 2-3 căn  tại đây chào bán, khu vực này từ hàng chục năm nay luôn là nơi đắt giá nhất TPHCM, buôn bán hàng cao cấp rất sầm uất, sang trọng và hiện còn rất ít nhà tư nhân, bất cứ căn nhà nào cũng đều có giá hàng chục tỷ.

Hàng loạt thương hiệu lớn của thế giới như Louis Vuitton, Gucci, Furla, Omega, Lacoste, Milano, CK... cũng đã tập trung về đây mở cửa hiệu. Hiện nay tìm thuê cho được mặt bằng khoảng 20-30m2 ở đây rất khó khăn, nhiều Cty môi giới dù được các nhãn hiệu thời trang lớn hứa hẹn hoa hồng hàng chục ngàn USD/căn nhưng tìm 4-5 tháng trời không có.

London, Tokyo, New York cũng kinh hãi

Ông Võ Đình Quốc, Phó TGĐ Cty địa ốc ACB cho biết căn nhà đắt nhất mà nơi này từng bán là căn hơn 1.000m2 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, giá bán hơn 9.300 lượng vàng, tính theo mét vuông thì chỉ chưa đến 150 triệu/m2.

Tuy nhiên những căn nhà trị giá hàng ngàn lượng vàng thì chủ nhà thường giấu kín danh tính vì lý do an toàn, không muốn lộ tài sản và bán qua các công ty môi giới. Thường chỉ khi nào khách có thành ý mua thật sự, đặt cọc một số tiền nhất định thì bên môi giới mới cho gặp chủ nhà. Việt Phát cũng đề nghị giữ kín thông tin của chủ nhân ngôi nhà 55 tỷ trên.

Giới đầu tư và kinh doanh địa ốc nhận định căn nhà trên không dễ bán vì với 55 tỷ hiện nay kinh doanh những khu nhà, đất, căn hộ khác sinh lợi hơn, dễ bán lại và phân tán được rủi ro hơn. So với các con đường lân cận, vị trí đẹp như Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng, Ngô Đức Kế, Đông Du... thì giá bằng 30% nhưng giá cho thuê lại tương đương 70-80%. Riêng căn nhà 55 tỷ này chỉ cho thuê được 1.200 USD/m2 (khoảng 20 triệu đồng) - quá ít so với số vốn khổng lồ trên. Còn mua để làm của hay kiếm lời sau này thì “năm ăn, năm thua” bởi giá đã quá cao. Chưa kể nhà riêng lẻ khu vực Đồng Khởi có nhiều khả năng “nhường chỗ” cho các dự án lớn, cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng trong tương lai. Hiện nay giá đất tại đây theo bảng giá mới có hiệu lực từ 1/1/2008 chỉ được tính 67 triệu đồng/m2.

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Địa ốc Tài Lợi nhận định: “Những cơn sốt vừa qua đã đẩy giá nhiều bất động sản đến mức không thể tưởng tượng. Ngay cả những khu sang trọng nhất tại Tokyo, London, New York... người ta cũng choáng váng với giá tại Việt Nam, một đất nước có giá bất động sản phi lý nếu so với mức sống và thu nhập”.

Một số căn nhà giá đặc biệt cao tại Q.1 (TPHCM) đang rao bán:

  • Nhà mặt tiền (MT) Đồng Khởi 4,6m x 23m giá 7.000 lượng
  • MT Phạm Ngũ Lão 8x31 m giá 3.400 lượng
  • MT Mạc Đĩnh Chi 1.500m2 giá 22.500 lượng
  • MT Võ Thị Sáu 1.400m2 giá 22.400 lượng
  • MT Trần Hưng Đạo 7,2 mx20m giá 2.700 lượng
  • MT số 60 Lê Thánh Tôn 4,1x25m giá 1.500 lượng
  • MT 86 Ngô Đức Kế 4x15m giá 1.400 lượng
  • MT số 91 Sương Ngọc Ánh 4,3x19 m giá 1.430 lượng
  • MT 224 Cống Quỳnh 4,03x 24m giá 1.280 lượng…

Giá bất động sản cao có thể là niềm vui của người sở hữu (ở góc độ tài sản sinh lợi), nhưng đối với nền kinh tế, có thể gây ra nhiều hiệu ứng rất trái ngược. Năm 1996, Nhật Bản, mà cụ thể nhất là Tokyo, đã chứng kiến vụ sụt giá bất động sản thê thảm, dẫn tới các thị trường chứng khoán, vốn, tiền tệ chao đảo, mà tới hơn 10 năm sau sự gượng dậy còn hết sức yếu ớt. Nay giá bất động sản Việt Nam còn "tìm đường" phá các kỷ lục Tokyo, thật là chuyện khó tin, nhưng vẫn phải tin.

Không riêng TP.HCM, Hà Nội và các đô thị khác cũng chứng kiến nhà đất tăng giá nhanh chóng, kèm theo đó là sự đồng biến của giá các văn phòng cho thuê. Nếu lấy mức chuẩn là tốc độ tăng của giá nhà đất, văn phòng, nền kinh tế Việt Nam khó kiếm được mảng kinh doanh nào đạt mức lợi suất như vậy. Nếu nền kinh tế lấy số đo lợi suất theo cách "tìm kiếm địa tô" thì đa số các ngành đều thấp xa so với mức hoa lợi từ đất đai, bất động sản hiện tại.

Những băn khoăn tiếp theo sẽ là hình thù của các kịch bản trông ra sao "WHAT IF" nếu quá trình hiệu chỉnh giá xảy ra. Khi đó, các quá trình điều chỉnh quy mô rộng khắp của nền kinh tế sẽ như thế nào và chi phí ở mức nào?!

SAGA.VN (tham khảo Tiền Phong và các nguồn khác)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét