Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007

Quảng Bình: Thi hành án kiểu "sống chết mặc bay"

 

Vợ chồng anh Tiến thu dọn số cao su bị chặt.

Một vụ tranh chấp đất giữa hai người dân nghèo không đến mức căng thẳng. Nhưng vì tòa phán quyết theo kiểu "cho xong chuyện", nên thi hành án cũng "sống chết mặc bay". Hậu quả để lại làm cho những người dân nghèo rơi hết nước mắt vì chạy theo bản án.

Tòa xử di dời cây

Vào tháng 5/2001, vợ chồng anh Lưu Đức Tiến, ở xã Phú Định, huyện Bố Trạch, Quảng Bình thấy khoảnh đất đồi gần nhà mình bỏ hoang lâu ngày, anh Tiến xin phép trưởng thôn được khai hoang để trồng mía, sau đó anh trồng cao su và bạch đàn.

Sau hơn 3 năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hơn 1ha cao su của vợ chồng anh đã lên xanh tốt chuẩn bị cho thu hoạch. Nhưng niềm vui của vợ chồng anh Tiến chỉ thoảng qua khi vợ chồng anh Lê Văn Dương cùng thôn đem sổ đỏ đến và nói miếng đất mà vợ chồng anh Tiến trồng cao su là của anh Dương. Hai bên đưa nhau ra tòa.

Tòa sơ thẩm và phúc thẩm ở Quảng Bình đều xử án rằng: Gia đình anh Tiến đã khai hoang trái phép trên đất của gia đình anh Dương, vậy nên tòa hai cấp đã tuyên án gia đình anh Tiến trả lại đất cho gia đình anh Dương. Cả hai gia đình đều đồng thuận sự việc này.

Tuy nhiên vụ án chưa kết thúc bởi sự phán quyết lạ đời của tòa ở chỗ: Vợ chồng anh Tiến đã trồng 325 cây cao su và 571 cây bạch đàn chuẩn bị thu hoạch, toà phán: Buộc gia đình anh Tiến phải di dời ngay số cây cao su và bạch đàn trên ra khỏi diện tích đất phải trả.

Tòa cũng tính luôn công khai hoang 1ha cho gia đình anh Tiến là 4,5 triệu đồng và buộc gia đình anh Dương sau khi lấy lại đất phải hoàn trả tiền công khai hoang này. Riêng tiền giống, công chăm bón 3 năm của vợ chồng anh Tiến, Tòa nói không có cơ sở tính đến.

Làm sao có thể di dời ngay 325 cây cao su và 571 cây bạch đàn ra khỏi khu đất tranh chấp được khi mà nó đang xanh tốt? Bản án phi thực tế đó đã để lại những hậu quả mà tòa không tính đến. 

Thi hành án tùy tiện

Cán bộ thi hành án huyện Bố Trạch thừa nhận bản án tòa tuyên không thể thực thi được, nhưng nhiệm vụ thi hành án vẫn phải thực hiện. Vậy nên ngày 17/10, lực lượng thi hành án kéo nhau rầm rộ hàng chục người vừa lập biên bản vừa tiến hành di dời cây bằng cách chặt phá cả ha cao su, bạch đàn của vợ chồng anh Tiến.

Nhiều người dân ở xã Phú Định cho biết: Có gần 30 người làm nghề xe ôm, lao động tự do ở thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch cũng được huy động lên chặt phá cao su của anh Tiến. Giờ đây số người trên anh Dương cho là của Đội Thi hành án thuê, còn cơ quan thi hành án lại cho là người nhà của anh Dương.

Thấy đám người hung hăng chặt phá, còn vợ chồng anh Tiến lạy xin nên một số người dân xung quanh rất bức xúc đã vào can ngăn. Còn chính quyền lại như vô cảm.

Ai cũng cho rằng bản án tòa tuyên là phi thực tế, song chính quyền xã Phú Định, lãnh đạo huyện Bố Trạch và Đội Thi hành án hiểu vấn đề nhưng lại làm theo kiểu "sống chết mặc bay", không hề có một bản kiến nghị để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, mà lại nhắm mắt cho di dời bằng cách chặt phá.

Kiểu làm việc tắc trách nói trên của các cơ quan chức năng ở Quảng Bình đang đẩy vợ chồng anh Lưu Đức Tiến cùng đường khốn khó, buộc anh phải tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm sự công bằng

Dương Sông Lam

SOURCE: BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét