Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

VỀ VẤN ĐỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG

TRẦN VIỆT HÙNG

Từ nhiều năm nay, ở nước ta việc bảo hộ các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quy định trong các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) và đã được thực thi trong thực tiễn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tiếp tục hoàn thiện về cơ chế chính sách, đồng thời các doanh nghiệp cũng cần biết được lợi ích và phương cách để xây dựng nhãn hiệu của mình trở nên nổi tiếng cũng như bảo hộ chúng một cách hữu hiệu.

Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới

Trong nền kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hàng hóa và dịch vụ cũng như trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, vai trò của nhãn hiệu - một trong những đối tượng truyền thống và chủ yếu của sở hữu công nghiệp (SHCN) - ngày càng trở nên quan trọng.

Với chức năng ban đầu là giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hóa cùng loại của các nhà sản xuất khác nhau, qua quá trình sử dụng và phát triển, nhãn hiệu đã trở thành một công cụ hữu hiệu cho một doanh nghiệp (dù lớn hay nhỏ) tiếp cận, phát triển và bảo vệ thị phần hàng hóa và dịch vụ của mình. Vì vậy, từ hàng trăm năm về trước luật bảo hộ nhãn hiệu đã ra đời tại một số quốc gia phát triển. Những nguyên tắc cơ bản của các luật nhãn hiệu ban đầu tỏ ra hợp lý và có sức sống đến tận ngày nay. Đó là việc nhãn hiệu được ưu tiên đăng ký bảo hộ cho người đăng ký trước (hoặc sử dụng trước), đó là việc nhãn hiệu được bảo hộ chống lại các hành vi của người khác sử dụng một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự cho các sản phẩm hàng hóa trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu và sản phẩm của chủ nhãn hiệu… Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường đã xuất hiện những nhãn hiệu hàng hóa nổi trội hơn vô vàn những nhãn hiệu khác nhờ được sử dụng lâu dài trên thị trường, với chất lượng, tính chất đặc trưng, cũng như uy tín mà hàng hóa mang lại. Những nhãn hiệu như vậy là sự kết tinh nỗ lực kinh doanh của một doanh nghiệp cả về vật chất lẫn trí tuệ, thường có giá trị tài sản rất lớn. Tất nhiên, những nhãn hiệu như vậy cũng luôn trở thành mục tiêu cho sự làm giả, sao chép, lợi dụng uy tín của các đối thủ cạnh tranh cũng như những kẻ làm ăn bất chính. Từ đây xuất hiện nhu cầu đòi hỏi phải tạo lập một chế độ bảo hộ đặc biệt hơn cho loại nhãn hiệu này - các nhãn hiệu nổi tiếng (well-known marks, marques bien-connues).

Ngay từ năm 1883, một số quốc gia đã cùng ký kết Công ước Paris về bảo hộ SHCN, trong đó đưa ra những nguyên tắc chính mang tính hợp tác quốc tế về bảo hộ các đối tượng SHCN. Điều 6 bis của Công ước này đã chính thức quy định việc bảo hộ các nhãn hiệu nổi tiếng. Các nguyên tắc chính của Điều 6 bis này là: 1) Các thành viên của Công ước có trách nhiệm từ chối hoặc hủy bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó là sự sao chép, bắt chước, biên dịch và có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền của nước đăng ký hoặc nước sử dụng coi là nổi tiếng tại nước đó trên các loại hàng hóa giống hoặc tương tự; 2) Thời hạn yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu như vậy là không ít hơn 5 năm kể từ ngày đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, thời hạn này không được quy định đối với những nhãn hiệu được đăng ký hoặc sử dụng với dụng ý xấu.

Qua thời gian, ngày càng có nhiều nước tham gia vào Công ước Paris và cho đến nay đã có hơn 170 nước tham gia Công ước này. Các nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đã phát huy tác dụng trên bình diện quốc tế rộng rãi nhằm bảo hộ hiệu quả cho các nhãn hiệu nổi tiếng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Năm 1994 (110 năm sau khi Công ước Paris ra đời), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS) đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1.1.1995 cùng với sự ra đời của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hiệp định này quy định các quy chuẩn về bảo hộ quyền SHTT đối với các nước thành viên WTO. Điều 16 của TRIPS đã tái khẳng định các quy định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng mà Điều 6 bis của Công ước Paris đã quy định, đồng thời đưa việc bảo hộ nhãn hiệu này lên một mức cao hơn và cụ thể hơn. Đó là: 1) Không chỉ nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng mà áp dụng cho cả nhãn hiệu dịch vụ nổi tiếng; 2) Việc xác định nhãn hiệu có nổi tiếng hay không phải xem xét danh tiếng của nhãn hiệu đó trong bộ phận công chúng có liên quan, kể cả danh tiếng tại nước thành viên tương ứng nhờ hoạt động quảng cáo nhãn hiệu; 3) Một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng có thể coi là xâm phạm nhãn hiệu này kể cả trường hợp hàng hóa, dịch vụ được sử dụng không trùng với hàng hóa, dịch vụ của nhãn hiệu nổi tiếng nếu có nguy cơ làm hiểu lầm là có sự liên quan với chủ nhãn hiệu nổi tiếng và có nguy cơ gây tổn hại cho chủ thể này.

Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam

Những nguyên tắc trên đã được Việt Nam áp dụng trong các quy định của luật pháp về bảo vệ quyền SHTT và trong thực tiễn, kể cả khi nước ta chưa trở thành thành viên chính thức của WTO.

Cách đây nhiều năm, Cục SHTT đã áp dụng các nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng để giải quyết thành công một số vụ việc điển hình: 1) Không cấp đăng ký nhãn hiệu cho một công ty của ôxtrâylia nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu “Mc Donald”, “KFC”, “PIZZA HUT” cho dịch vụ “cung cấp thức ăn nhanh” (nhóm 43). Lý do, trùng với các nhãn hiệu nổi tiếng của Hoa Kỳ; 2) Không cấp đăng ký nhãn hiệu cho một công ty của Nhật Bản xin đăng ký nhãn hiệu “TOYOTA” cho sản phẩm máy công cụ (nhóm 7). Lý do, trùng với nhãn hiệu nổi tiếng “TOYOTA” của Công ty TOYOTA (Nhật Bản) tuy không cho cùng sản phẩm; 3) Không cấp đăng ký nhãn hiệu cho một công ty của Inđônêxia xin đăng ký nhãn hiệu “VINATABA” cho sản phẩm “quần áo, giầy dép” (nhóm 25). Lý do, trùng với nhãn hiệu nổi tiếng “VINATABA” của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, tuy không cho cùng sản phẩm.

Việc áp dụng quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc bảo hộ nhãn hiệu được nhiều người ưa chuộng của Việt Nam và nước ngoài cũng như bảo hộ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn và sự không đồng nhất của việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong phạm vi Việt Nam và trên thế giới. Đó là các thủ tục cụ thể công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, việc thống nhất các tiêu chí công nhận nhãn hiệu nổi tiếng và việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần thấy được lợi ích và phương cách xây dựng nhãn hiệu của mình trở nên nổi tiếng cũng như bảo hộ hữu hiệu chúng, mặt khác tránh được sự vi phạm các nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác trong quá trình kinh doanh ở nội địa cũng như trên thị trường quốc tế.

TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 11/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét