Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2007

Tín dụng chứng từ: Phương pháp thanh toán phổ biến nhất trong thương mại quốc tế

Chuyên đề 1

BẢN CHẤT, LỢI ÍCH, CÁC HÌNH THỨC
VÀ QUY TRÌNH VẬN HÀNH CỦA TÍN DỤNG CHỨNG TỪ

Quá trình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức. Sau gần một thập niên duy trì nền kinh tế bao cấp, Việt Nam đang nỗ lực để bắt kịp trình độ phát triển chung của thế giới và đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ trong lĩnh vực kinh tế. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam luôn thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong hoạt động giao lưu thương mại với nước ngoài. Sau khi gia nhập ASEAN vào năm 1995 và AFTA vào năm 1996, Việt Nam đã trở thành thành viên của APEC năm 1998. Ngày 7 tháng 11 năm 2006, sau quá trình đàm phán kéo dài và căng thẳng, Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Việt Nam luôn khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia tích cực vào hoạt động xuất nhập khẩu. Chính phủ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để thúc đẩu quá trình sản xuất hàng hóa phục vụ cho mục đích xuất khẩu, mang tính cạnh tranh cao, phát triển việc xuất khẩu các dịch vụ thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu và thiết bị hiện đại, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm phát triển hoạt động sản xuất trong nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế cũng như ngoại thương phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên gắn liền với sự phát triển đó là nhiều khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải vượt qua. Cần phải thực hiện sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật phù hợp với xu thế mới cũng như tăng cường hiểu biết pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Một điều phải thừa nhận rằng các tổ chức tín dụng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp những dịch vụ thanh toán đa dạng, góp phần phát triển hoạt động giao dịch giữa các công ty Việt Nam và nước ngoài. Nhận thức được tầm quan trọng của việc thanh toán trong hợp đồng ngoại thương, các bên ký kết hợp đồng luôn chọn lựa phương thức thanh toán thích hợp nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp phát sinh tranh chấp.

Hiện nay, có nhiều phương thức thanh toán trong thương mại quốc tế như nhờ thu, chuyển tiền, tín dụng chứng từ, v.v… Trong số đó, tín dụng chứng từ là phương thức thanh toán được sử dụng phổ biến nhất. Khoảng 11-15% giao dịch thương mại quốc tế sử dụng phương thức tín dụng chứng từ, với tổng trị giá hàng năm là một nghìn tỷ đô la Mỹ.

Khái niệm phương thức thanh toán bằng tín dụng chứng từ

Theo giáo sư Dominique Legeais, khoa Luật, trường Đại học René Descartes (Paris V), phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là một sự thỏa thuận mà trong đó, một ngân hàng (ngân hàng phát hành) theo yêu cầu của khách hàng (người yêu cầu mở thư tín dụng) cam kết sẽ trả một số tiền nhất định cho một người thứ ba (người thụ hưởng) hoặc chấp nhận hối phiếu do người thứ ba ký phát trong phạm vi số tiền đó khi người thứ ba này xuất trình tại ngân hàng một bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những điều khoản trong thư tín dụng.

Điều 2 trong UCP 500 của Phòng Thương Mại Quốc Tế đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh hơn, theo đó, tín dụng chứng từ là : Bất cứ thỏa thuận được gọi hoặc miêu tả như thế nào, theo đó ngân hàng (« ngân hàng phát hành ») hành động theo yêu cầu và chỉ thị của khách hàng (« người yêu cầu mở thư tín dụng ») hoặc đại diện cho chính bản thân mình :

· – thanh toán cho, hoặc theo lệnh của người thứ ba (người thụ hưởng) hoặc chấp nhận và thanh toán hối phiếu do người thụ hưởng ký phát ; hoặc

· – ủy quyền cho ngân hàng khác thanh toán, chấp nhận và thanh toán hối phiếu ; hoặc

· – cho phép ngân hàng khác chiết khấu chứng từ quy định trong thư tín dụng, với điều kiện chúng phù hợp với tất cả điều khoản và điều kiện của thư tín dụng.

Bản chất của tín dụng chứng từ

Trước tiên, tín dụng chứng từ là một phương thức thanh toán liên quan đến việc xuất trình bộ chứng từ hợp lệ. Người bán sẽ được bảo đảm thanh toán nếu xuất trình tại ngân hàng bộ chứng từ phù hợp với những quy định đề ra. Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ cũng có thể hiểu như là một khoản tạm ứng mà ngân hàng dành cho nhà nhập khẩu hoặc nhà xuất khẩu. Từ tính chất của thư tín dụng có thể suy ra : Thứ nhất, chỉ có những tổ chức tín dụng mới có quyền thực hiện các giao dịch này. Thứ hai, do tính độc quyền của hoạt động ngân hàng, giao dịch thanh toán này chỉ có thể được thực hiện thường xuyên bởi các tổ chức tín dụng.

Lợi ích của tín dụng chứng từ

Phương thức thanh toán bằng tín dụng chứng từ được sử dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực ngân hàng. Đó là hình thức thanh toán linh hoạt, bảo đảm tính an toàn cho các giao dịch thương mại quốc tế. Trên thực tế, tín dụng chứng từ bắt đầu phát triển từ thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Các nhà xuất khẩu ở Bắc Mỹ, do khoảng cách địa lý xa xôi, đã yêu cầu đối tác ở châu Âu mở thư tín dụng để bảo đảm khả năng thanh toán.

Tín dụng chứng từ được nhiều công ty, ngân hàng ưu tiên lựa chọn vì nó đáp ứng được những yêu cầu chủ yếu của thương mại quốc tế. Thứ nhất, do các đối tác ký kết hợp đồng thường có trụ sở ở những quốc gia khác nhau nên giữa các bên vẫn tồn tại sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, phương thức tín dụng chứng từ giúp loại bỏ rào cản đó. Thứ hai, trong giao dịch tín dụng chứng từ, luôn có sự hiện diện của các ngân hàng đại diện của hai bên đối tác, cùng với những yêu cầu khắt khe về bộ chứng từ, những yếu tố đó sẽ dung hòa lợi ích đối nghịch giữa các bên trong hợp đồng.

Các hình thức thư tín dụng

Có nhiều loại hình thư tín dụng. Cách phân biệt chủ yếu dựa trên tính chất cam kết của các ngân hàng.

Thư tín dụng thông báo là thư tín dụng được chuyển đến người thụ hưởng thông qua ngân hàng thông báo mà không có bất kỳ cam kết thanh toán từ phía ngân hàng này. Đối với thư tín dụng có xác nhận, ngân hàng thông báo cam kết thanh toán cho người thụ hưởng với điều kiện bộ chứng từ được xuất trình hợp lệ. Sự xác nhận này phải được sự cho phép của ngân hàng phát hành và thể hiện rõ trong thư tín dụng.

Thư tín dụng có thể là thư tín dụng hủy ngang hoặc không hủy ngang. Loại thứ nhất là thư tín dụng mà bất cứ chủ thể nào cũng có thể hủy bỏ. Tuy nhiên, hình thức thư tín dụng này bị xem là trái ngược với tính an toàn của phương thức tín dụng chứng từ bởi nó không đem lại bất kỳ bảo đảm thanh toán nào. Vì lý do đó, hiện nay phần lớn thư tín dụng trên thế giới là không hủy ngang. UCP 600 có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2007 đã loại trừ khái niệm thư tín dụng hủy ngang.

Đối với thư tín dụng không hủy ngang, ngân hàng phát hành không thể hủy bỏ cam kết thanh toán dành cho người thụ hưởng. Đây là cam kết hoàn toàn độc lập với quan hệ giữa ngân hàng phát hành và người yêu cầu mở thư tín dụng.

Quy trình vận hành của tín dụng chứng từ

Các bước trong giao dịch tín dụng chứng từ có thể được trình bày như sau :

Người thụ hưởng và người yêu cầu mở thư tín dụng ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ. Nếu các bên thỏa thuận chọn phương thức thanh toán tín dụng chứng từ thì theo yêu cầu của bên phải thanh toán mà thông thường là người mua, ngân hàng phát hành thư tín dụng đồng thời chỉ định ngân hàng thông báo hoặc ngân hàng xác nhận.

Ngân hàng được chỉ định sẽ thông báo việc mở thư tín dụng cho người thụ hưởng và đồng ý xác nhận hoặc không xác nhận thư tín dụng này. Nếu đồng ý xác nhận thì ngân hàng thông báo sẽ thanh toán cho người bán với điều kiện bộ chứng từ được xuất trình phù hợp trong thời hạn quy định. Nếu từ chối xác nhận thì ngân hàng thông báo phải lập tức điện báo cho ngân hàng phát hành.

Trên cơ sở những điều kiện và thời hạn gửi hàng quy định trong thư tín dụng, người bán (nhà xuất khẩu) tiến hành việc gửi hàng theo phương thức vận chuyển và điều kiện Incoterms như đã quy định trong hợp đồng thương mại và thư tín dụng. Người thụ hưởng chuẩn bị các chứng từ cần thiết theo yêu cầu của thư tín dụng và xuất trình tại ngân hàng thông báo và/hoặc ngân hàng xác nhận.

Nếu các chứng từ thể hiện phù hợp với các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng, và các thời hạn quy định trong thư tín dụng được tuân thủ, ngân hàng xác nhận sẽ thanh toán cho người thụ hưởng. Ngân hàng thông báo và/hoặc ngân hàng xác nhận gửi bộ chứng từ đến ngân hàng phát hành.

Ngân hàng thông báo được hoàn lại số tiền đã thanh toán cho người thụ hưởng (bằng cách khấu trừ tài khoản của ngân hàng phát hành ở chính ngân hàng thông báo hoặc một ngân hàng khác). Ngân hàng phát hành chấp nhận bộ chứng từ và gửi cho nhà nhập khẩu (người yêu cầu mở thư tín dụng). Ngân hàng khấu trừ tài khoản của người yêu cầu mở thư tín dụng bằng số tiền ghi trong thư tín dụng, có cộng thêm các chi phí dịch vụ. Nhà nhập khẩu nhận được bộ chứng từ và nắm quyền sở hữu hàng hóa.

Phạm Xuân Quỳnh
Đại học Luật TPHCM
(1-2007)

SOURCE: WWW.TAND.HOCHIMINHCITY.GOV.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét