Thứ Năm, 20 tháng 12, 2007

LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN: HỘI KHOA HỌC KINH TẾ VIỆT NAM "LÊN TIẾNG"

Những ý kiến đóng góp của Hội để Luật Thuế thu nhập cá nhân phù hợp hơn với điều kiện cụ thể trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.

Mọi người đều nhất trí về sự cần thiết ban hành trong giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước hiện nay (1/1/2009) thay thế các thuế hiện hành về đánh thuế thu nhập cá nhân là thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; thuế thu nhập doanh nghiệp (phần cá nhân nộp thuế), thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Ban hành luật mới về thuế thu nhập cá nhân còn có tác dụng sửa lại những điều chưa hợp lý, chưa nhất quán với tính cách là thuế đánh vào thu nhập cá nhân tồn tại trong 3 luật thuế này. Đồng thời đưa sắc thuế mới lên tầm bao quát và nhất quán trong việc đánh thuế vào các loại thu nhập cá nhân trong điều kiện nước ta hiện nay, tạo ra mặt bằng mới, thực hiện công bằng xã hội về quyền lợi và nghĩa vụ đối với mọi đối tượng có thu nhập cá nhân ở mức độ và loại thu nhập chịu thuế.

Điều này sẽ góp phần tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Hơn nữa, số người dân có thu nhập cao ngày càng tăng lên, nhất là số người nước ngoài đầu tư và kinh doanh vào Việt Nam ngày càng nhiều, cần phải đánh thuế thu nhập cá nhân để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Trên thế giới hơn 100 nước trong đó có nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển đã áp dụng sắc thuế thu nhập cá nhân, trong khi ở nước ta tổng thu Ngân sách Nhà nước hàng năm có đến 97% là nguồn từ thuế thì việc ban hành luật này ở thời điểm đầu năm 2009 là thoả đáng, góp phần tăng thêm nguồn thu cho Nhà nước, giảm bớt bội chi ngân sách, huy động nguồn thu nhập (thực chất là trung bình trở lên) là thoả đáng.

Điều này củng cố tính vững chắc cho nguồn thu ngân sách cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế trong những năm qua và triển vọng những năm tới. Hiện nay, thuế đánh vào thu nhập cá nhân qua 3 sắc thuế nói trên chỉ đóng góp được 4,1% tổng thu Ngân sách Nhà nước trong khi tỷ lệ đó ở một số nước Asean (Thái Lan, Philippines, Malaysia...) khoảng 12-16%, các nước đang phát triển khoảng 13 - 14%, các nước phát triển (Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Đức...) khoảng 30 - 40% tổng thu nhập ngân sách quốc gia.

Việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân ở nước ta cần quán triệt những quan điểm của Đại hội IX và X của Đảng.

Sau đây là một số vấn đề đề nghị Quốc hội xem xét để luật này phù hợp hơn với điều kiện cụ thể trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay:

1. Đối với các điều quy định về đối tượng- thu nhập chịu thuế. Hiện nay và một số năm nữa chưa thể giữ tỷ lệ lạm phát ở mức phổ biến trong các nền kinh tế, ngay trong các nước ASEAN, các nước phát triển (1- 5% hàng năm) thì cần tính đến khả năng thực tế giá còn trượt hàng năm. Do đó, nên sửa chữa quy định trong dự thảo luật các đại lượng liên quan đến “gia cảnh”.

Dự luật quy định 4 triệu cho bản thân người có thu nhập chịu thuế, 1,6 triệu cho một suất người phụ thuộc là tính cho thời điểm 1/1/2009 tức là so với hiện nay (khi thông qua luật) chưa tính đến trượt giá năm 2007 - 2008 (chỉ 2 năm này cộng lại đã tới 15 - 20%). Vì vậy, các đại lượng này khi thực hiện đã “lạc hậu” so với thời giá của thu nhập và chỉ tiêu của người đóng thuế rồi.

Do đó, đề nghị xem xét việc công bố các đại lượng này nên tính theo giá so sánh nghĩa là khi giá tăng, thu nhập tăng nhưng chi tiêu cho khoảng “khấu trừ gia cảnh” cũng tăng. Có thể tính đến phương án quy định theo số lần của lương tối thiểu trong từng thời kỳ nhất định. Số tuyệt đối theo đó mà nhân lên.

Lương tối thiểu hiện nay và trong các năm tới (8-10 năm) theo dự kiến của các cơ quan hoạch định chính sách còn phải tăng hàng năm với mức độ đáng kể (tuỳ theo khả năng của ngân sách, thu nhập của các loại hình kinh doanh và nhu cầu tối thiểu của người lao động), trong đó do yêu cầu trượt giá hàng năm để bảo đảm thu nhập thực tế cho người lao động, chí ít không bị giảm đi theo tỷ lệ trượt giá.

 Mức giảm trừ gia cảnh bản thân là 4 triệu đồng và cho một người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng (điều 19) cũng chưa có căn cứ xác đáng. Bởi giá trượt hàng năm 7-8%; giá hàng tiêu dùng thiết yếu thường còn tăng cao hơn; mức thu nhập bình quân của dân cư ở thành thị và nông thôn, của các tầng lớp dân cư ở trong một vùng nhất định (nông thôn, thành thị) cũng khác nhau rất nhiều. Do đó, cần xem lại các mức khấu trừ này.

Đề nghị, tham khảo dự luật và lương tối thiểu đã công bố cho 2008, có thể xem xét công bố khoản giảm trừ gia cảnh bản thân là 8-10 mức lương tối thiểu và mức khấu trừ cho 1 người phụ thuộc là 3-5 lần lương tối thiểu. Khi tăng mức lương tối thiểu thì mức khấu trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc cũng tăng theo. Hoặc, cũng có ý kiến là nếu tỷ lệ trượt giá trên 5% thì Nhà nước phải điều chỉnh tăng các mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.

2. Thuế suất của 7 bậc thuế (điều 21) nên thiết kế lại theo nguyên tắc người có thu nhập (chịu thuế) thấp thì có thuế suất thấp hơn người có thu nhập (chịu thuế) cao, bảo đảm mức biến luỹ tiến từng phần nhưng giãn cánh các nhóm bậc không cần phải như nhau (dự luật áp dụng 5% cách bậc cho cả 7 bậc).

Ví dụ: Bậc 1 (khởi điểm) 5% - đề nghị giữ nguyên (5%). Bậc 2 dự luật 10% - đề nghị 8%. Bậc 3 dự luật 15% - đề nghị 12%. Bậc 4 dự luật 20% - đề nghị 17%. Bậc 5 dự luật 25% - đề nghị 23%. Bậc 6 dự luật 30% - đề nghị 29%. Bậc 7 dự luật 35% - đề nghị 35% (Mức khởi điểm và mức cao nhất đồng ý với dự thảo luật).

Điểm sửa đổi này phù hợp với mức thu nhập bình quân (số đông) ở nước ta hiện nay thể hiện tính “khoan sức dân” của luật thuế và sẽ được đại bộ phận người có thu nhập chịu thuế đồng tình. Giãn cách như vậy (đề nghị) nên giữ ít nhất 5 năm khi mức thu nhập bình quân (GDP) 1.500 USD/người có thể xem xét rút bớt chênh lệch giữa các bậc nhưng vẫn bảo đảm chức năng điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội của chính sách thuế này.

3. Nội dung các loại thu nhập chịu thuế suất toàn phần (điều 22). Thu nhập chịu thuế suất toàn phần: đồng ý 6 loại đã nêu trong dự luật. Nhưng cần đánh thuế thu nhập từ kiếu hối theo thuế suất luỹ tiến từng phần, khoản kiều hối càng lớn thuế suất càng cao. Khoản kiều hối do người xuất khẩu lao động có tổ chức thì miễn thu thuế thu nhập cá nhân. Đây là khoản thu ngân sách lớn hàng năm tăng khá nhanh. áp dụng chính sách thu thuế kiều hối còn giúp Nhà nước có thể kiểm soát được nguồn vào tốt hơn.

4. Khoản thu nhập lãi từ tiền gửi tiết kiệm không nên đánh thuế thu nhập cá nhân, vì gười gửi tiết kiệm phần lớn là không có khả năng đầu tư vốn để kinh doanh, tiền lãi này chủ yếu là để bảo toàn vốn trong điều kiện trượt giá còn là bất khả kháng hiện nay và nguyên tắc lãi suất dương ngân hàng đang áp dụng là bảo toàn giá trị đồng tiền gửi tiết kiệm, lợi nhuận không đáng kể.

Tiếp theo là tiền gửi tiết kiệm đưa ngân hàng thương mại, các quỹ tiết kiệm khách hàng kinh doanh đã đóng thuế thu nhập kinh doanh (tiền tệ) của các ngân hàng thương mại.

5. Không nên miễn trừ thuế đối với thu nhập từ lãi tức cổ phần của những người được ưu đãi khi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Bởi khi mua cổ phần những người này đã được hưởng chính sách ưu đãi rồi.

6. Các biện pháp đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuộc sống. Cần cụ thể hoá các quy định trong luật với nguyên tắc là luật đã cụ thể để ít phải ban hành quá nhiều Nghị định. Trong dự luật này còn quá nhiều vấn đề giao cho Chính phủ quy định. Một khi các cơ quan chính quyền phải giải thích nhiều, dễ dẫn tới áp dụng một cách tuỳ tiện, phát sinh lộn xộn, cũng là những nguyên nhân gân khiếu kiện của dân.

Tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các trường học, các cơ quan, các đoàn thể, tổ chức xã hội..., vì luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng (rộng nhất trong tất cả các sắc thuế đã ban hành ở nước ta cho đến nay).

Phải làm tốt các khâu chuẩn bị (ban hành đầy đủ và cụ thể các văn bản cần thiết phải hướng dẫn thi hành luật, tổ chức tuyên truyền phổ biến trong nhân dana, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên trong ngành thuế...).

Theo TBKTVN ngày 10/11/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét