Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

TÍNH CÁCH VIỆT

Hãy đắp điếm nhớ thương
phủ nhiều hoa lên dĩ vãng.
Rồi biên chế ba lô cho nhẹ gánh lên đường.

1. Những đặc tính của một dân tộc không phải trời cho ngay một lúc, mà được hình thành dần trong những điều kiện đặc biệt về không gian (hay địa lý) và thời gian (hay lịch sử).
Có thể nói đặc tính nổi bật nhất của người Việt là đặc tính chống (hay tự vệ¬).
Câu hỏi Tồn tại hay không tồn tại luôn được đặt ra với chúng ta một cách bức thiết trong suốt chiều dài của lịch sử. Và chỉ riêng việc tồn tại của một nước Việt Nam trên bản đồ thế giới đã có thể coi là một kì tích.
Trải đằng đẵng hàng nghìn năm Bắc thuộc từ thuở còn trứng nước mà không bị tiệt giống (hay đồng hóa) bản thân nó đã nói lên sức sống “bất trị” của các dân tộc Việt.
Một số nước lớn có một thói quen rất du đãng của bọn xã hội đen là bắt nạt các nước yếu. Và luôn nhận vơ lãnh thổ của họ bất chấp lẽ phải và đạo lý. Việc dám “chơi nhau” tay bo với các “bố già” sừng sỏ nhất đến từ phương Bắc, từ phía mặt trời mọc, từ châu Âu và cả châu Mỹ xa xôi cho họ phơi bụng đã chứng tỏ bản lĩnh thiện chiến của “nhược tiểu” Việt Nam.
Nó được gói gọn trong hai câu ca dao tuyệt vời hào khí dưới đây:
Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu nát dè đâu xe kềnh

Nếu chúng ta có một truyền thống “chống” number – one, chúng ta chưa có đủ điều kiện và thời gian để tự tạo cho mình một truyền thống “xây” cân xứng.
Hay nói như các nhà khoa học nhân văn, Việt Nam có một truyền thống tự vệ hàng đầu nhưng còn thiếu truyền thống “phát triển”. Nói thế không có nghĩa là ta không có khả năng phát triển mà chỉ có nghĩa rằng đó là một sở đoản, cần phải nỗ lực học tập, rèn luyện trường kì để biến nó thành sở trường.

2. Đã có một thời nhận xét sau đây rất được truyền tụng:
“Ta đã thắng đế quốc Mỹ thì khó khăn nào ta cũng thắng được”.
Nhận xét này không hoàn toàn sai, nhưng không đủ, và hơi vội. Đánh Mỹ oanh liệt trong chiến tranh giải phóng dân tộc và phát triển bền vững đất nước thành một quốc gia công nghiệp tiền tiến là hai việc khác nhau, đòi hỏi những kinh nghiệm khác nhau.


Xây dựng một nước Việt Nam to đẹp, đàng
hoàng phát triển cả về mặt GDP lẫn nhân phẩm.

Trong những điều kiện đã thay đổi, những ưu điểm của thời trước có thể trở thành nhược điểm thậm chí, trở ngại của thời kì sau.
Trong chiến tranh du kích, một đặc tính tối cần thiết là sự đối phó mau lẹ, một khả năng “tháo vát”, “giật gấu vá vai”, “hoạt trí” hơn là những suy tính dài hơi, có tính hệ thống. Đó là nguyên nhân chính (ở đây tôi không đề cập đến tệ tham nhũng) của những kế hoạch kinh tế vội vàng, “chụp giật” làm tốn kém tài sản nhiều khi tới mức kếch xù của nhân dân.
Một kế hoạch tốt không đòi hỏi một sự ứng phó nhanh mà đòi hỏi một suy tính bình tĩnh, bao quát, xây dựng trên những thông tin đầy đủ và những luận chứng xác đáng. Xuất phát từ một trình độ tri thức của những chuyên viên tinh thông. Vì thiếu cái khả năng này nên chúng ta thường đưa ra những kế hoạch vội vàng, “ăn đong”, phải liên tục sửa chữa, càng sửa chữa càng rối, càng nát.

3. Những tính cách của một dân tộc có thể coi là vốn xã hội của dân tộc đó, mà đã nói đến vốn, thì phải nói đến việc sử dụng vốn đó một cách tối ưu. Muốn đạt được sự tối ưu đó, cần phải xây dựng một lớp người quản lí xã hội có tri thức, nghĩa là hiểu biết dựa trên một hệ thống thông tin minh bạch và trung thực.
Không ít người thường lẫn lộn một thông tin khoa học với một thông tin quảng cáo. Ở ta, có một thói quen rất không tốt là coi những người nói về những khuyết điểm của cộng đồng là kém yêu nước hơn những người nói về ưu điểm. Người ta sẵn sàng chấp nhận những ưu điểm “ảo” và dị ứng những khuyết điểm “thật”. Trong một xã hội trung thực nói những ưu điểm “ảo”, hoang đường sai lệch nhằm những mục đích vụ lợi cần phải được phê phán nghiêm khắc như một hành động vu cáo.
Quảng cáo cần thông tin đẹp để quyến rũ, khoa học cần thông tin xác thực để hiểu biết và thức tỉnh.
Đó là hai chuyên ngành khác nhau.

4. Ai cũng biết nông dân Việt Nam nổi tiếng là cần cù, hay lam hay làm.
Chính những người nông dân cần cù này đã một thời trở thành những kẻ chây lười, tắc trách do tác động một số chính sách nông nghiệp sai lầm của chúng ta về hợp tác hóa.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc nổi tiếng có truyền thống hiếu học.
Chúng ta đã sử dụng vốn đó thế nào khiến nạn chạy bằng, chạy điểm, chạy lớp lan tràn khắp nước, đến mức người phụ trách cao nhất của ngành Giáo dục phải lớn tiếng kêu gọi: “Nói không với tiêu cực trong học đường”. Trong ngôn ngữ thông dụng của hoạt động kinh tế thị trường, người ta gọi đó là “buôn thua bán lỗ”, là ăn vào vốn.
Đã có một thời người ta ca ngợi tính cách “phép vua thua lệ làng”, quan hệ làng xóm “tối lửa tắt đèn”, “chín bỏ làm mười” của người Việt như một ưu điểm trong việc xây dựng một nền dân chủ của xã hội.
Phải biết rằng trong quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền, đó là một điều tối kị, nó dẫn đến tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, ảnh hưởng rất xấu đến sự thực thi của pháp luật. Một xã hội văn minh phải là một xã hội có kỉ cương thông suốt từ trên xuống dưới.
Việc chấp hành kỉ luật một cách thoải mái, thân thiện với một cộng đồng làng xã có thể rất dễ chịu nhưng nó tiềm ẩn một nguy cơ rất lớn khi ta xây dựng một xã hội công nghiệp kỹ thuật cao, chẳng hạn công nghệ nguyên tử.
Một nhà báo đã nói đùa: Đứng về mặt giao thông đô thị thì Việt Nam là nước tự do nhất thế giới.
Chúng ta thường tự hào đất nước có hàng nghìn cây số bờ biển nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một nền văn minh biển. Không xây dựng được một nền văn minh biển thì làm sao ra biển lớn được? Các nhà sử học đều biết rằng, biển đóng một vai trò lớn như thế nào trong việc xây dựng một nền văn minh năng động và hiện đại.
Một nhà văn hài hước đã bình luận câu hát rất phổ biến “Biển một bên và em một bên” như sau: Đó là tấn bi kịch của anh nằm giữa, quay sang Đông thì bên Tây hứ, quay sang Tây thì bên Đông hừ. Bao giờ thì chúng ta thực sự ra biển?
Mong ước đau đáu suốt đời và sau đời của Chủ Tịch Hồ Chí Minh là xây dựng một nước Việt Nam to đẹp, đàng hoàng phát  triển cả về mặt GDP lẫn nhân phẩm.
Khi nghiên cứu những tính cách của dân tộc, chúng ta nhất thiết không được đãng trí mục tiêu trên.
Cần phải thẳng thắn nhận thức rằng, muốn xây dựng một quốc gia tiên tiến chỉ có sự thông minh, tháo vát, nhiệt tình thôi không đủ. Mà cần, rất cần một cái nhìn bao quát, có hệ thống và tầm xa của tri thức.
Việc nâng cao dân trí cũng như quan trí đã trở thành một đòi hỏi sống còn, bức bách đối với sự phát triển của đất nước Việt Nam.
-----------------

Lê Đạt

SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét