Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

BÀN VỀ BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

NGUYỄN NGỌC TRÂN

Việc bổ nhiệm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) từ trước tới nay được xã hội xem là cao quý, phải là một công đoạn quan trọng đóng góp thiết thực cho nền giáo dục đại học của nước nhà. Tuy nhiên, cho đến nay GS, PGS là hàm, là chức danh hay chức vụ vẫn chưa rõ và còn nhiều ý kiến khác nhau ngay cả trong các cơ quan nhà nước có liên quan. Bài viết dưới đây của tác giả nêu lên một số ý kiến về vấn đề này.

Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 17.5.2001 của Chính phủ “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh GS và PGS” đã đặt ra 3 khái niệm: Bổ nhiệm chức danh, công nhận chức danh, và bổ nhiệm vào các ngạch. Theo Điều 2 của Nghị định, khái niệm bổ nhiệm chức danh đã bao gồm cả hai khái niệm còn lại. Nghị định không đề cập đến khái niệm chức vụ. Phải chăng Nghị định 20 đã dẫn đến thực tế hiện nay là chỉ có một số người có chức trong số những người có danh, và vì thế mà nhiều GS, PGS có danh (đã được công nhận) nhưng lương vẫn không có gì thay đổi, thậm chí không có chỗ ngồi làm việc, không biết mình đang ở đâu trong các bậc thang giảng viên, giảng viên chính hay giảng viên cao cấp?

Điều 8 của Nghị định 20: Công nhận các chức danh và bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS đã quy định về việc công nhận chức danh (khoản 1) và bổ nhiệm vào ngạch (khoản 2). Việc thứ nhất căn cứ vào tiêu chuẩn (theo lô-gíc, chuyên môn là cơ bản). Còn việc thứ hai tuỳ thuộc vào một số điều kiện được ghi rõ: Nhu cầu công việc, vị trí công tác, cơ cấu các chức danh công chức, và chỉ tiêu biên chế. Nhưng những điều kiện này cụ thể là gì? cơ cấu các chức danh công chức, và chỉ tiêu biên chế khi áp dụng vào một trường đại học vốn không phải là cơ quan hành chính thuần túy, các GS, PGS vốn không phải là những viên chức hành chính đơn thuần, liệu có phù hợp? Nếu không làm rõ những nội dung trên đây, e rằng chúng ta sẽ vẫn vướng mắc như trong những năm qua. Vì vậy, chúng ta cần phải có những quy định, cách làm với lộ trình và bước đi thích hợp thì mới nâng cao được chất lượng, số lượng đội ngũ GS, PGS trong thời gian tới, sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Từ cách làm của một số nước…

ở hầu hết các nước trên thế giới, một tiến sỹ giảng dạy ở bậc đại học một số năm có được công nhận là GS, PGS hay không tùy thuộc vào hai điều kiện: Một là số lượng, chất lượng các công trình nghiên cứu (được đăng trên các tạp chí có tiếng trong nước và quốc tế) và kết quả công tác đào tạo của cá nhân người đó; hai là tỷ lệ sinh viên theo học trong bộ môn, tỷ lệ nghiên cứu sinh đang làm luận án tại nơi người đó đang giảng dạy. Bởi lẽ, càng nhiều sinh viên theo học, càng nhiều nghiên cứu sinh làm luận án, bộ môn càng có nhiều chỉ tiêu GS, PGS. Tỷ lệ GS, PGS trên số sinh viên và nghiên cứu sinh được quy định chung, có dao động trong một biên độ nhất định tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường.

ở hầu hết các nước châu âu, khi được công nhận GS, PGS là đương nhiên được hưởng các quyền và nghĩa vụ của GS, PGS. Có nghĩa là họ không nằm ngoài hệ thống “giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp”. Quá trình nâng bậc tùy thuộc vào kết quả công tác và thời gian nâng bậc bình quân do ngành đại học quyết định. Việc xét nâng bậc hàng năm là do Hội đồng khoa học của trường đại học xét và đề nghị lên Bộ chủ quản. Hội đồng ở Bộ, gồm các GS của một số trường đại học được chọn, xem xét và đề xuất ý kiến lên Bộ trưởng, đảm bảo tính khách quan và các đề xuất là phù hợp với các quy định chung. Những trường hợp xuất sắc, hoặc không đạt yêu cầu được xem xét kỹ.

Trước đây, phổ biến tại các trường đại học, mỗi bộ môn chỉ có một GS chủ nhiệm bộ môn. Khi GS chủ nhiệm bộ môn khuyết thì mới bầu chọn người mới. Chỗ khuyết phải được đăng công báo của ngành giáo dục trong một khoảng thời gian xác định rồi mới tiến hành bầu. ứng cử viên không bó hẹp trong phạm vi trường đó. Hiện nay, ở hầu hết các nước, chủ nhiệm bộ môn được bầu theo nhiệm kỳ (tối đa là hai nhiệm kỳ). Lý do là vì khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, đảm đương công tác quản lý quá lâu sẽ bị lạc hậu và đó là điều mà hầu hết các nhà khoa học đều không muốn.

Để khuyến khích thay đổi vị trí công tác, di chuyển từ trường này đến trường khác (khi có yêu cầu), GS hoặc PGS chấp nhận di chuyển được tạo điều kiện thuận lợi, và có những ưu đãi để thực hiện giảng dạy và nghiên cứu tốt, thể hiện năng lực và khả năng thích nghi trong môi trường mới.

Bên cạnh mô hình trên, ở một số nước, như Hoa Kỳ chẳng hạn, nhất là tại các đại học tư, các GS và PGS không phải đã “vào ngạch” là xong, mà định kỳ đều phải xét lại. Một trong các tiêu chuẩn được đánh giá cao là số lượng hợp đồng mà người được xét đã ký được với bên ngoài trường, vì số lượng hợp đồng cho phép tuyển thêm nghiên cứu sinh, uy tín của trường, của bộ môn được nâng cao hơn, từ đó thu hút sinh viên theo học ngày càng đông.

Liên hệ đến thực tiễn Việt Nam và đề xuất

Theo chúng tôi, hai mô hình trên đều có mặt tích cực và hạn chế. Mô hình thứ nhất tạo được sự yên tâm nghiên cứu, giảng dạy nhưng hàm chứa tình trạng “công chức hóa” đội ngũ GS, PGS một khi đã được bổ nhiệm. Mô hình thứ hai “vắt kiệt” sức của các GS, PGS nhưng tạo được sự năng động, gắn kết nghiên cứu, giảng dạy với sản xuất và đời sống.

Từ hai mô hình trên, Việt Nam có thể tham khảo và nên suy nghĩ cách làm của mình từ thực tiễn của đất nước, của nền giáo dục và đội ngũ GS, PGS, tiến sỹ hiện có, những cái được và chưa được trong việc “công nhận chức danh”, “bổ nhiệm chức danh” và “bổ nhiệm vào ngạch” đã được áp dụng từ nhiều năm nay.

Thực tế ở nước ta hiện nay, việc công nhận chức danh, hay bổ nhiệm chức danh… cần được phân tích kỹ, hiểu rõ các khái niệm, từ đó có lộ trình và bước đi thích hợp để việc bổ nhiệm bảo đảm được cả về chất và lượng - một trong những điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của nước nhà sớm ngang bằng với các nước.

Hiện nay, đội ngũ GS, PGS ở nước ta tuổi bình quân khá cao. áp dụng tuổi về hưu như thế nào là hợp lý, nhất là tạo điều kiện để họ cống hiến cho nền giáo dục nước nhà (chứ không phải kéo dài chuỗi ngày làm việc như hiện nay) là một vấn đề cần được quan tâm. Đội ngũ giảng viên đại học là tiến sỹ hiện nay chưa nhiều so với số sinh viên, nhưng chất lượng nhìn chung mà nói chưa đạt được trình độ quốc tế. Bằng tiến sỹ “dởm” không ít do mua bằng tiền, bằng quan hệ hoặc bằng cả hai. Nhà nước nên có quy định rà soát lại những trường hợp này, tiến hành triệt để và chấn chỉnh ngay từ việc học đến bảo vệ luận án tiến sỹ để đảm bảo chất lượng.

Lãnh đạo trường, khoa, bộ môn là những nhiệm vụ quản lý. Không thể vì số lượng các nhiệm vụ quản lý mà quy định số lượng GS, PGS. Làm như vậy là kìm hãm, làm thui chột một đội ngũ là tinh hoa của nền giáo dục đại học. Xu hướng chung hiện nay trên thế giới là các vị lãnh đạo này cần được bầu chọn từ các GS, PGS không chỉ tại trường đó mà ở nhiều trường trong cả nước để chọn ra những người giỏi và thích hợp nhất.

Cơ sở nào để xác định số GS, PGS của một khoa, một trường, và ai quy định những tiêu chí đó?… Theo tôi, đó nên là tỷ lệ trên số sinh viên và số nghiên cứu sinh tại trường, thể hiện ở hai nhiệm vụ quan trọng của một trường đại học. Tỷ lệ này có thể được gia giảm trong một biên độ nhất định cho các trường, trong một số trường hợp đặc biệt, trong một thời gian nhất định và được công bố công khai để có sự giám sát trong và ngoài ngành.

Hiện nay đang “nở rộ” các trường đại học trong cả nước như một phong trào, đi kèm theo đó là nguy cơ “thương mại hóa” giáo dục đại học. Thêm nhiều trường đại học là tốt, nhưng với điều kiện phải bảo đảm những yêu cầu tối thiểu để không làm tổn thương đến chất lượng của nền đại học và đến xã hội. Vì vậy, theo chúng tôi, để việc bổ nhiệm GS, PGS đạt hiệu quả cần: Bảo đảm chất lượng của hội đồng ở cấp cơ sở đúng theo quy định chung cho cả nước; có những tiêu chí rõ ràng, công khai, và phải được áp dụng nghiêm túc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 9/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét