Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

VỐN XÃ HỘI VÀ PHÁT TRIỂN

LUẬT SƯ NGUYỄN NGỌC BÍCH

Trong bài này chúng tôi sẽ tóm lược các điểm chính của vốn xã hội như được trình bày theo một số nhà nghiên cứu trên thế giới. Sau đó đề cập đến sự nghiên cứu của ông Fukuyama và liên hệ một số điểm chính yếu của ông với thực tế của nước ta để tìm xem vốn xã hội của chúng ta cao hay thấp. Thực tế được chọn lựa là sáu vấn đề nằm trong cơ cấu tổ chức xã hội và công việc xây dựng con người ở ta.

I. Khái niệm về vốn xã hội
Vốn xã hội là những sự ràng buộc lẫn nhau do người ta đặt ra hay tuân giữ khi giao dịch hay khi chung sức làm một việc gì đó; nó còn được gọi là những ràng buộc xã hội (social bonds) hay các hành vi mẫu mực (norms) hoặc quy tắc (rules) xã hội và chúng là những yếu tố quan trọng cho sự bền vững của cuộc sống.
Những giá trị này được nhà xã hội học Jane Jacobs nêu lên năm 1961, Bourdieu năm 1986, sau đó được Coleman đặt cho một khuôn khổ lý thuyết rõ ràng năm 1989; rồi được Putnam phổ biến trên công luận năm 1993.  Coleman mô tả vốn xã hội là một cấu trúc, một khuôn khổ, cho sự giao dịch giữa những người hành động (actors) và trong họ với nhau; thúc đẩy các hoạt động sản xuất và trở thành những thứ gì có sẵn (tài nguyên) để cho một cá nhân sử dụng hầu thực hiện những lợi ích riêng tư của họ. Khi ấy người ta có thể sống với nhau mỗi ngày mà không phải mất công dàn xếp đi, dàn xếp lại vừa mất thì giờ vừa tốn kém. Tiêu biểu cho cái vốn kia là hàng xóm đồng ý với nhau nếu nhà nào đi vắng cả thì nhà bên cạnh thỉnh thoảng ngó mắt giùm; những người mua bán kim cương sẽ tự mình chọn lựa kỹ để khi giao không phải thử từng viên xem có bị trầy hay không; hội những người giúp nhau chữa bệnh ung thư qua trang web... Đó là sự hoạt động của vốn xã hội hay vốn xã hội trong hành động (social capital in action). Vốn xã hội tạo điều kiện cho các cá nhân hợp tác với nhau vì nó làm giảm khó khăn khi cùng làm một việc chung. Người này bỏ sức ra vì biết người khác cũng làm như thế; và họ sẽ không muốn làm chung với ai thích làm theo hứng.

Vốn xã hội được kết tinh sau một quá trình gồm có: (1) sự tin cẩn lẫn nhau (trust) hay niềm tin; (2) sự có đi có lại, hay sự hỗ tương; (3) những quy tắc hay hành vi mẫu mực chung và sự chế tài; (4) sự kết hợp lại với nhau thành một mạng lưới. Thí dụ như việc chơi hụi (họ) ở nước ta. Bạn, tôi và vài người quen rủ nhau chơi hụi, chúng ta là một cộng đồng địa phương (bước 4); chúng ta tin nhau là ai cũng đàng hoàng (bước 1); bạn hốt hụi kỳ đầu, tôi kỳ sau (bước 2); muốn hốt hụi phải bỏ giá, ai cao nhất sẽ hốt; hốt xong thì từ đó trở đi phải đóng đủ, ai giật là sẽ bị đòi (bước 3). Vậy chơi hụi là một định chế xã hội, nó có tính địa phương (local institution), giúp cho người cần tiền vay mượn tiền của người khác mà không phải thế chấp tài sản và góp phần vào hoạt động kinh tế. Đó là một sự đóng góp hữu hiệu và hiệu quả cho nền kinh tế.
Lý giải từng bước, ta thấy dễ chịu khi làm ăn với ai mà mình tin, không mất công, chẳng mất giờ, vốn là của cải có sẵn (tài nguyên) và không nên phí phạm. Khi mình tin người khác họ cũng sẽ tin mình và như thế niềm tin tạo nên một nghĩa vụ. Nếu đứng trong vị trí của từng cá nhân một, ta có sự tin cẩn nhau; lúc nhìn cả hai người một lần thì đó là niềm tin hay sự tin tưởng. Có hai loại tin tưởng: một là tin vào những người mà mình biết rõ; hai là tin vào những người mình chưa biết rõ nhưng vì họ đứng trong một cơ cấu, một tổ chức mà mình tin tưởng nên mình cũng tin họ luôn. Xây dựng niềm tin thì mất nhiều thời gian và công sức nhưng để mất nó thì rất dễ. Một xã hội đầy rẫy sự bất tín thì khó có sự hợp tác (Baland and Platteau, 1998).
Về sự có đi có lại, hay sự tương tác, thì khi diễn ra chúng sẽ làm gia tăng niềm tin. Có hai loại tương tác (Coleman, Putnam): (i) nhận ngay tức khắc (specific reciprocity) là hai bên cùng trao đổi tức thời hai thứ có giá trị ngang nhau, và (ii) sẽ nhận sau này (diffuse reciprocity) là một bên cứ làm lâu dài và liên tục; không trông đợi sự đáp lại, nhưng qua thời gian thì sẽ được trả lại hay bù đắp tương xứng. Sự tương tác cũng tạo ra nghĩa vụ lâu dài giữa các bên.
Quy tắc (rules) là những sự bó buộc mà mỗi người phải theo khi làm một việc gì đó. Quy tắc chính thức là luật pháp do nhà cầm quyền ban hành. Luật lệ luôn đi kèm với sự trừng phạt tinh thần hay vật chất. Quy tắc không chính thức là những điều mà các cá nhân áp dụng để đóng khuôn hành vi hàng ngày của họ.

Hành vi mẫu mực (norms), trái lại, là một việc làm theo một cung cách nào đó phù hợp với sự mong mỏi, sự ưa thích. Về mặt ngữ nghĩa, "norm" là hành vi mẫu mực hay các tiêu chuẩn được xã hội, hoặc các nhóm chấp nhận (tự nguyện hay không) và dựa trên đó, xã hội đánh giá một người hay một việc. Khi dịch từ “norm” sang tiếng Việt là "chuẩn mực" thì nó chỉ còn có nghĩa là một cái gì được chọn để làm căn cứ đối chiếu. Quy tắc và hành vi mẫu mực là những điều được đồng thuận hay được đưa từ trên xuống để làm lợi ích của tập thể được đặt cao hơn lợi ích cá nhân. Chúng giúp cho cá nhân tin tưởng và bỏ sức tham gia việc chung hay hoạt động của nhóm, vì biết rằng những người khác cũng sẽ làm như thế.
Những điều trên cũng còn được gọi là luật chơi hay là luân lý nội tại của một hệ thống xã hội (Coleman, 1990), ximăng của xã hội (Elster, 1989) hay những giá trị căn bản tạo nên lòng tin (Collins và Chippendale, 1991). Chúng phản ánh mức độ của một cá nhân bằng lòng hòa giải với người khác hay kiểm soát hành vi của mình. Khi nói vốn xã hội cao thì có nghĩa là trong xã hội đó có một nền luân lý nội tại cao, với các cá nhân biết cân bằng giữa lợi ích cá nhân của mình và trách nhiệm với tập thể.
Cuối cùng là sự liên kết, mạng lưới hay nhóm. Đó là thành tố quan trọng của vốn xã hội. Có nhiều loại liên kết khác nhau giữa các nhóm (mua bán hàng hóa, trao đổi thông tin, giúp đỡ lẫn nhau, cho vay, cử hành các nghi lễ chung, đọc kinh, đám cưới, đám ma...) Chúng có thể diễn ra theo nhiều hướng, chiều ngang, chiều dọc hay đứng một mình.

Do các hình thức liên kết này, giáo sư Robert Putnam (2000) phân biệt ra hai loại vốn xã hội: loại co cụm vào nhau (bonding social capital) và loại vươn ra bên ngoài (bridging social capital). Loại trước tạo nên các nhóm như Mafia ở Ý; loại sau tạo nên các ban hợp xướng, dàn nhạc, các tổ chức phi chính phủ hay các hội từ thiện. Khi trong nước có nhiều đoàn thể thành lập do sự tự nguyện để bảo vệ lợi ích cục bộ của mình và tìm cách tác động vào luật pháp thì những việc ấy sẽ tạo nên một xã hội dân sự. Xã hội này là một xã hội trong đó các nhóm, các đoàn thể góp tay với chính quyền chăm lo mọi mặt của đời sống xã hội mà một mình chính quyền không làm xuể.
Tùy hình thức của vốn, cái co cụm không đem lại lợi ích cho xã hội, chỉ có những tổ chức hay mạng lưới phát triển theo chiều ngang do các cá nhân kết hợp với nhau một cách tự nguyện tạo nên mới làm gia tăng năng suất của xã hội và tạo ra sự gắn bó trong đó. Trong những xã hội mà sự tin cẩn nhau không cao, sự tương tác hàng ngang bị thay thế bởi chính trị với những hệ cấp của nó đi theo hàng dọc thì không có vốn xã hội và cũng chẳng có bao nhiêu hoạt động dân sự (Putnam, 1998).

II. Vốn xã hội và sự phát triển kinh tế
Trong quyển "Trust: The Social Virtues and the Creation of Prosperity" xuất bản năm 1995, giáo sư Fukuyama đã nghiên cứu niềm tin trong việc tạo nên vốn xã hội, và chú trọng đặc biệt đến sự phát triển kinh tế. Dùng niềm tin như là tiêu chí chính yếu để so sánh cơ cấu kinh tế và xã hội của các nước, ông cho rằng vốn con người và vốn xã hội ảnh hưởng lẫn nhau. Vốn con người có thể làm tăng vốn xã hội. Thí dụ, người có học sẽ ý thức hơn tầm quan trọng của việc săn sóc con cái, và con cái sẽ cố gắng học hành, trau dồi vốn con người của mình để đáp lại cha mẹ.

Niềm tin có thể được hiểu như sự chấp nhận đặt lợi ích của mình vào tay của người khác. Ông nói thẳng: "Chất lượng cuộc sống cũng như khả năng cạnh tranh của một quốc gia tùy thuộc vào một đặc tính văn hóa độc đáo lan tỏa trong quốc gia ấy, đó là mức độ tin cẩn nhau trong xã hội.”  Để minh chứng, ông cho rằng Trung Quốc, Pháp, Ý vì có mức tin cẩn lẫn nhau thấp nên đã mất thế cạnh tranh với Mỹ, Nhật và Đức là những nước có mức tin cẩn nhau cao. Trong một xã hội mà mức tin cẩn nhau thấp thì kinh doanh thường hạn chế trong phạm vi gia đình, không có nhiều đại công ty (nếu không được nhà nước tổ chức hoặc giúp đỡ). Xí nghiệp sẽ dễ bành trướng trong một xã hội mà mức tin cẩn nhau cao.
5 năm sau khi viết như thế, trong một bài tham luận trình bày tại Quỹ Tiền tệ quốc tế, ông định nghĩa: "Vốn xã hội là hành vi mẫu mực không chính thức (informal) phát sinh ngay lập tức và nó thúc đẩy sự hợp tác giữa hai người hay nhiều người (nhường chỗ ngồi cho người già). Các hành vi mẫu mực tạo nên vốn xã hội có thể bắt đầu từ một sự tương tác tự nhiên giữa hai người bạn lên cao cho đến tận các học thuyết phức tạp và tinh vi như Cơ đốc giáo và Phật giáo. Hành vi mẫu mực phải bung ra ngay lập tức (tức thời) trong các mối quan hệ cá nhân cụ thể. Hành vi mẫu mực có đi có lại nằm ẩn trong mọi giao dịch của tôi đối với mọi người, và chỉ trở thành cụ thể trong sự giao dịch của tôi đối với những bạn của tôi." 
Không phải mọi hành vi mẫu mực phát sinh tức thời đều sẽ tạo nên vốn xã hội. Trái lại chỉ có những cái nào giúp cho các nhóm trong xã hội hợp tác với nhau, hay tạo nên sự hợp tác, thì đó mới là hành vi mẫu mực. Đa phần chúng lại là các đức tính truyền thống như lòng trung thực, sự giữ lời hứa, việc thi hành bổn phận một cách đáng tin cậy, sự tương tác và tinh thần trách nhiệm.
Vốn xã hội sẽ làm giảm chi phí khi thực hiện các công việc phát sinh từ các hành vi trang trọng như hợp đồng, mối tương quan giữa các cấp, hay từ quy định của các cơ quan... Thí dụ, hợp đồng bảo rằng phải làm thế này, thế nọ; nhưng nếu hai bên tin nhau thì có thể cắt giảm chúng. Tương tự, trong các nơi không sử dụng kỹ thuật cao, vốn xã hội sẽ tạo ra một hiệu quả cao hơn khi so sánh nó với các kỹ thuật chính thức hiện dùng để phối hợp công việc. Điển hình là phương pháp sản xuất theo dây chuyền của Taylor. Nó được lập tại các xưởng, rất tập trung, lắm giấy tờ, và không hữu hiệu lắm vì các quyết định đưa ra bị đình trệ, hay thông tin bị bóp méo khi đi qua các cấp chỉ huy. Ngày nay, trong nhiều doanh nghiệp, phương pháp Taylor đã bị thay thế bằng một cơ cấu quản trị đơn giản, chú trọng việc chuyển giao trách nhiệm xuống cho các tổ trưởng ở dưới cùng. Các công nhân hiểu biết tình trạng nơi mình làm việc được phép tự quyết định thay vì trình lên trên. Cách này làm cho công việc được thực hiện nhanh chóng hơn, ít tốn kém hơn so với cách làm cũ và nó hoàn toàn tùy thuộc vào vốn xã hội của lực lượng lao động.
Theo ông, vốn xã hội xuất phát từ ba nguồn. Thứ nhất, như các nhà kinh tế đã nêu, là từ sự giao tiếp với nhau liên tục; hai người giao dịch với nhau lâu sẽ thấy cần phải chứng tỏ mình là người trung thực và giữ lời hứa. Thứ hai, là từ các tôn giáo hay hệ thống luân lý. Đó là nguồn gốc của một quyền uy, nó ấn định các hành vi mẫu mực và trông đợi sự tuân thủ không cần suy nghĩ. Những mẫu mực đó không chỉ diễn ra trong các cuộc thương thảo riêng lẻ mà còn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua các qui trình đã được xã hội hóa sử dụng tập quán và thói quen nhiều hơn là lý lẽ. Thứ ba, sự chia sẻ các kinh nghiệm lịch sử cũng tạo nên những hành vi mẫu mực một cách không chính thức và do đó cũng tạo nên vốn xã hội. Thí dụ, cả Đức và Nhật đều đã trải qua các cuộc đình công của thợ thuyền, rồi xung đột chủ thợ với chính quyền trong những năm 1920, 30. Hai chính quyền ấy đã phải trấn áp các nghiệp đoàn lao động độc lập và thay thế họ bằng công đoàn "vàng". Sau khi hai nước bại trận, họ có cách tiếp cận mềm dẻo hơn đối với việc quản lý các quan hệ lao động; kết quả là ở Đức đã có chính sách kinh tế thị trường xã hội (Sozialmarktwirtschaft) còn ở Nhật là chế độ làm việc suốt đời. Dẫu cũng còn những bất cập, hai định chế này đã đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của hai nước kia và tạo nên một loại vốn xã hội.  Thu gọn lại những điều trên, ta thấy vốn xã hội xuất phát từ các đức tính của mỗi cá nhân (trung thực, trách nhiệm, hợp tác...) khi họ tự nguyện kết hợp lại với nhau để làm một công việc chung nào đó. Xin  gọi chúng là các yếu tố tinh thần. Mối tương quan giữa các công trình trong xã hội với vốn xã hội và các yếu tố tinh thần có thể thấy qua một thí dụ là công tác đắp đê chống lụt. Công tác này chính là một công trình của xã hội - mọi người chung sức làm, kẻ cuốc, người đào, ai cũng chăm chỉ (đó là vốn xã hội) - sở dĩ họ làm được như thế vì mỗi người tham gia ý thức được mối lo chung và bổn phận của mình (đó là các yếu tố tinh thần). Xã hội sẽ hoạt động tốt đẹp nhất khi mọi công dân chung lưng đấu cật để thực hiện một mục tiêu chung và do đó chia sẻ một văn hóa của công dân (civic culture). Khi sự tin cẩn lẫn nhau được tích tụ lại nhờ các sinh hoạt tự nguyện, thì đó là vốn xã hội, và nó tạo ra những tài sản chung. Vốn đó làm cho các cố gắng của chính quyền trở nên hữu hiệu.

Khi sự tin cẩn lẫn nhau được tích tụ lại nhờ các sinh hoạt tự nguyện, thì đó là vốn xã hội, và nó tạo ra những tài sản chung. Vốn đó làm cho các cố gắng của chính quyền trở nên hữu hiệu.

III. Vốn xã hội ở ta
Trên cơ sở của các mối tương quan nêu trên, ta sẽ tìm xem vốn xã hội của chúng ta có cao không, bằng cách xem xét các yếu tố tinh thần tạo nên niềm tin. Đó là sự trung thực, sự tương tác, tinh thần trách nhiệm và sự hợp tác. Chúng ta sẽ tìm xem cơ cấu xã hội và việc xây dựng con người của chúng ta có giúp làm nảy sinh, duy trì, phát triển những đức tính tốt kia không; chúng có hiện diện trong hai lĩnh vực mà ta xem xét hay không, nếu có thì nhiều hay ít.
Cơ cấu xã hội
Cơ cấu xã hội là điều kiện bên ngoài, là môi trường, giúp tạo nên, nuôi dưỡng những đức tính tốt của một cá nhân. Ở đây chúng tôi chọn hai khía cạnh nằm trong cơ cấu xã hội để xem xét là: việc đoàn ngũ hóa các thành phần dân chúng và cấu trúc Đảng – chính quyền.
Việc đoàn ngũ hóa.
Ở ta, dân chúng được thúc đẩy gia nhập các tổ chức quần chúng do Đảng lập ra và lãnh đạo (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn, Hội nông dân...). Đó là các tổ chức xã hội chính trị truyền thống. Ngoài ra, còn có các tổ chức xã hội nghề nghiệp do các cơ quan chính quyền hay tư nhân lập.  Cuối cùng là các nhóm tự phát của quần chúng (hội đồng hương, hội ái hữu, cựu học sinh...) Sự hiện hữu của các hội đoàn này có đóng góp vào việc tạo ra các đức tính giúp gây dựng vốn xã hội không?
Đối với các tổ chức truyền thống thì tính chất của chúng cũng giống như các hội đoàn của giáo hội Công giáo tại các nhà thờ. Sự khác biệt chỉ là người Công giáo khi sinh hoạt trong các đoàn thể kia thì họ có giáo lý trong lòng mình cùng nội quy của hội; trong khi các hội viên của các đoàn thể của Nhà nước chỉ có nội quy. Giống như các hội đoàn của đạo Công giáo, sự hoạt động của các đoàn thể truyền thống không tạo nên vốn xã hội góp vào việc phát triển kinh tế. Có vài lý do. Thứ nhất, mục đích của các hội này là chính trị, mà chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng, trong khi kinh tế là hạ tầng. Thứ hai, người lãnh đạo các đoàn thể không do đoàn viên bầu mà do Đảng cử vào; nên lo cho hội viên thì ít mà cho mình thì nhiều; thành thử các tổ chức đó đã bị hành chính hóa và nhà nước hóa. Cuối cùng trong các đoàn viên có những người không hẳn là tự nguyện. Hiệu quả của các hội đoàn này có thể thấy qua sự thất bại của công đoàn trong các cuộc đình công gần đây, hay vai trò của Hội Nông dân trong việc hướng dẫn nông dân trồng trọt. Do mục đích của chúng, các đoàn thể này không giao tiếp với nhau theo chiều ngang mà chỉ theo chiều dọc, từ trên đi xuống; do đó hiệu quả của các hoạt động của chúng không tác động gì đến vốn xã hội. 

 

Về các tổ chức xã hội nghề nghiệp, trừ các hội do tư nhân lập ra thì hoạt động của họ có hiệu quả nhất định đối với ngành nghề của họ, còn các hội do các cơ quan chính quyền là chủ quản thì hiệu quả hoạt động của chúng không cao. Điều đó cũng có những nguyên nhân nhất định. Thứ nhất các hội viên có những lợi ích khác nhau khi tham gia. Thứ hai, lãnh đạo của các hội đoàn đó do cơ quan chủ quản cử; họ không cần sự ủng hộ của hội viên nên không quan tâm đến lợi ích của hội viên. Chỉ trong những trường hợp do áp lực từ bên ngoài vào, như các vụ bán phá giá; họ mới hoạt động hiệu quả trong tư thế tự vệ nhiều hơn là phát triển ngành nghề của mình.
Riêng các hội ái hữu, đồng hương thì hoạt động của chúng có tính tương tế, hiếu hỷ nên không đóng góp vào vốn xã hội. So với trước năm 1975, những người trong bang Triều Châu ở Sài Gòn đã lập ra bệnh viện với hàng trăm giường thì hiệu quả hoạt động của các hội trên không có gì để so sánh.
Gần đây trong các cuộc thảo luận về “Luật về Hội” đã có nhận xét về các hội đoàn ở ta thì tính chất tự nguyện, tự quản của chúng hầu như không có. Ý nghĩa và vai trò của chúng đã bị nhà nước hóa nên sự thu hút của hội đối với quần chúng chẳng là bao. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng cần xác định các đoàn thể quần chúng là một định chế nằm trong xã hội dân sự, bên cạnh những định chế khác như nhà trường, giáo hội, truyền thông báo chí. Những sự kiện này chứng tỏ sự đóng góp của các hội đoàn ở ta cho vốn xã hội đang còn là điều ao ước.
Cấu trúc Đảng- chính quyền.
Trong một xã hội mà dân trí chưa cao, nền kinh tế còn đang ở giai đoạn phát triển thì quan niệm “quan chi phụ mẫu” vẫn còn nặng trong dân chúng. Hơn nữa, một vị lãnh đạo chính quyền có thể lên hệ thống truyền thông khuyên bảo dân chúng như một phần trong nhiệm vụ của họ. Vì thế dân chúng vẫn nhìn vào lời nói, việc làm của những quan chức kia như là tấm gương; mà những quan chức ấy lại xuất phát từ cấu trúc Đảng-chính quyền nên ta xem cấu trúc này. 
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, do vậy Đảng lãnh đạo chính quyền một cách toàn diện và triệt để. Nhân sự do Đảng cử, chính quyền nhận và sử dụng. Trong chiến tranh, cơ chế này rất hữu hiệu vì thua thắng rõ ràng nên trách nhiệm dễ được phân định. Thế nhưng, khi điều hành nền kinh tế trong thời bình thì sự đúng sai của các biện pháp kinh tế đã áp dụng khó biết ngay nên việc ấn định trách nhiệm rất khó. Hơn nữa trong cơ chế Đảng-chính quyền thì người quyết định không làm, còn người làm thì không được quyết định rồi cấp thừa hành của người làm không do người này chọn nên việc quy trách nhiệm lại càng khó hơn. Hậu quả là cái cấu trúc hợp lý trong lý thuyết thì trong thực tế đã tạo ra sự lẫn lộn về trách nhiệm. Các sai phạm của viên chức chính quyền ít bị trừng phạt. Nếu có thì họ chỉ chịu kỷ luật dành cho đảng viên, một thứ hình phạt được ấn định theo sự nhận thức của người sai phạm, chứ không phải bị áp đặt luật như ở tòa án.
Việc xây dựng con người
Việc xây dựng con người ở đây không được nhìn theo giáo dục hay văn hóa mà theo khía cạnh là: (1) trang bị cho con người những đức tính tốt - (2) để họ có khả năng ngồi lại với nhau - (3) hầu làm được

những công việc nhất định nào đó. Đảo ngược ba vế kia để nói về điều chúng ta đang quan tâm thì: để cho kinh tế phát triển phải có việc (3) - việc đó thành hiện thực nhờ (2), đó là vốn xã hội - và muốn có cái vốn đó thì phải có (1). Xây dựng con người ở đây nhắm vào vế (1). Và ta sẽ xem xét ba vấn đề: tinh thần tập thể; việc tạo lập các đức tính tốt và cách thực hiện óc tư lợi.
Tinh thần tập thể
Có một thời tập thể là nền tảng của xã hội ta. Cá nhân phải đứng dưới tập thể. Đại đa số cá nhân được đưa vào đội ngũ một cách này hay cách khác, mà không có sự chọn lựa, theo nguyên tắc “tất nhiên phải thế” vì đó là khuôn mẫu của chế độ chính trị. Ngày nay việc đoàn ngũ hóa giảm nên tinh thần tập thể cũng bị ảnh hưởng; tuy nhiên, não trạng tập thể với những lợi ích tinh thần mà nó đã từng đem lại cho con người sẽ không bao giờ mất; bởi vì người ta chỉ bỏ những gì bất lợi, còn giữ mãi những gì có lợi cho mình dù hoàn cảnh có đổi thay. Ta có thể nêu vài thứ.
Bản ngã bị mất đi
Là một nhân vị, một bản ngã, mỗi cá nhân phải được tự do quyết định, chịu trách nhiệm và được khen ngợi hay tôn vinh. Thế nhưng, khi tham gia vào một tập thể - vì cơ cấu xã hội không cho phép làm khác – thì cá nhân bị mất bản ngã. Họ không thể tách biệt, sống khác với tập thể. Họ không còn tự do, phải làm theo quyết định của tập thể; nếu còn thì chỉ được ghi nhận theo quyền bảo lưu và quyền này không bao giờ biến thành hiện thực. Khi họ phải làm theo người khác thì không thể bắt họ chịu trách nhiệm cá nhân được. Khi người khác đã nghĩ cho mình thì họ trở nên ỷ lại. Vậy là họ mất đi cái bản ngã của mình, luôn cả tinh thần trách nhiệm cá nhân! Dù có vậy, thì nhu cầu được tôn vinh của họ không hề mất; kẻo họ không còn cảm thấy mình là người nữa; nhu cầu ấy đã biến thể thành chủ nghĩa thành tích mà ta sẽ đề cập sau này.
Lợi ích nằm dưới chiêu bài tập thể
Khi sinh hoạt theo tập thể, cá nhân có những mối lợi nhất định cho riêng mình nhân danh tập thể. Họ có một chiêu bài tốt của người khác để mình có thể làm xấu. Ví dụ sau đây sẽ làm rõ điều này.
Bạn chơi chung với một nhóm người – đó là một tập thể - nếu lúc nãy bạn để cái bút cho anh em dùng mà nay cần nó, bạn hỏi: “Có bạn nào thấy nó không?” thì có thể không ai trả lời. Thậm chí một người tên A đang cầm nó thì anh ta cũng không cảm thấy phải trả lời; vì bạn không hỏi thẳng anh ta. Điều này cho thấy trong tập thể thì không thể đặt ra trách nhiệm cá nhân.Và anh A kia đã che chắn trách nhiệm cá nhân mình dưới danh nghĩa tập thể. Thế nhưng khi không nghe ai trả lời mà bạn có buột miệng nói: “Tập thể gì mà xấu thế!” thì ngay lập tức có thể anh A kia sẽ đứng ra sừng sộ với bạn: “Mày dám bảo tập thể xấu”; hay có giọng nói: “Này nói thế động chạm lắm nghe!” Có thể người sừng sộ với bạn không thích bạn; nhưng anh ta làm không phải vì không thích bạn, mà vì bạn xúc phạm đến tập thể đấy!
Với đủ loại che chắn dành cho cá nhân như thế, tính tập thể làm cho ý thức phạm tội của cá nhân mất đi và do đó cũng làm mất đi sự xấu hổ trong họ. Điều này có thể thấy qua hình phạt tập thể. Một người trong tập thể làm điều gì sai trái, hình phạt sẽ được áp dụng cho tập thể với ý nghĩa “phạt vì không biết bảo nhau”. Do tính lây lan của tình cảm con người nên khi tất cả bị phạt thì không ai còn cảm thấy bị phạt. Đứa bên cạnh cũng bị như mình, ôi có gì đâu mà phải xấu hổ!
Tạo lập các đức tính tốt của con người
Con người ai cũng có vật chất và tinh thần. Tinh thần thúc đẩy, ngăn cản và hướng dẫn hành động của con người. Tạo lập các đức tính tốt cho con người là ngay từ lúc nhỏ. Ở trong gia đình và nhà trường, người ta dạy cho con người các đức tính phổ biến là: sự tự chế, lòng thương người, trách nhiệm, tình bạn bè, sự làm việc, can đảm, kiên nhẫn, thật thà, trung thành và niềm tin tôn giáo. Vậy ta có thể hỏi việc tạo lập các đức tính tốt cho con người trong xã hội của ta được làm như thế nào? Chúng ta có một tập hợp (một bộ) các đức tính tốt để cho một người cư xử với người khác, những người không phải là thân thích với mình, không?
Câu trả lời là đối với những người nắm chức vụ công quyền thì có. Thí dụ cho công chức là “cần kiệm liêm chính chí công vô tư”; cho công an có 6 điều, cho phụ nữ có 8 chữ... Những đức tính này được trang bị cho những người có chức vụ xã hội nhất định chứ không phải cho mọi người bình thường trong xã  hội; chúng là đạo đức nghề nghiệp nên không giúp nhiều vào việc tạo nên vốn xã hội giúp kinh tế phát triển.
Đối với những người bình thường và chiếm đa số trong dân chúng thì trong một thời gian rất dài trên các phương tiện truyền thông và giáo dục chúng ta ít nghe đến giáo dục gia đình, đến việc cha mẹ dạy dỗ con cái trong nhà, đến phép lịch sự của một cá nhân bình thường; mà nghe nhiều đến sinh hoạt của các tổ chức chính trị truyền thống trong đó hội viên được khuyến khích, giúp đỡ để coi trọng quyền lợi chính trị. Ý thức về quyền lợi chính trị là biết cách giữ, biết cách đòi để không làm mất quyền lợi của mình, để hơn người; chứ không phải để cư xử ra sao với người hàng xóm. 
Về cách thức phải đối xử với người hàng xóm thì những đức tính tốt dạy cho con người cũng ít. Ngoài năm điều Bác Hồ dạy cho trẻ em trong đó những đức tính có thể dùng một cách phổ quát là “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” thì chỉ có một khẩu hiệu đạo đức tổng quát “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Thế nhưng đoàn kết tốt là phải làm gì? Mình vì mọi người thì phải làm sao? Tất cả không được triển khai, không có gương soi chung. Trong các đoàn thể có các nội quy, nhưng chúng là những gì từ bên ngoài áp đặt vào con người. Nội quy là một loại luật pháp, nó đòi hỏi phải có người khác canh chừng; chứ không phải là những gì nằm sẵn bên trong con người, được hun đúc lên, hay được thấm nhuần vào trong họ để rồi họ tự mình kiểm soát mình. Trong các tổ chức nêu trên chắc chắn không có những đức tính tốt nằm trong đạo đức cổ truyền mà đã bị phá hủy qua các phong trào “bài phong đả thực”.

Do cách giáo dục áp đặt từ bên ngoài vào và nặng về việc đòi ăn trên ngồi trốc (quyền lợi chính trị) nên một số không nhỏ những người ở xã hội ta, bắt đầu từ giới có chức có quyền sau lan rộng ra dân chúng, khi đánh giá theo khía cạnh đạo đức, thì họ cũng giống như một cột xi măng không có cốt sắt bên trong. Sự tự chế của họ, sự kiểm soát chính mình, để ngăn họ không làm điều xấu hầu như không có. Nhiều người trong giới cầm quyền đã đầu hàng tiền bạc. Họ không làm điều xấu vì thấy có người khác biết hoặc sợ bị phê bình; chứ không phải từ ý thức của họ rằng việc ấy xấu. Những câu chuyện “quá xá” của các con dòng cháu giống nêu trên báo cho thấy sự thiếu tiết chế này. Khi một người không tự ngăn chặn mình làm xấu thì chuyện họ ngồi chung với người khác rất khó; vì họ không thích, hay người khác không thích họ. Trong thời kỳ chiến tranh, hội viên của các tổ chức chính trị truyền thống hoạt động rất tốt, rất thành công; dẫu cũng chịu những gì áp đặt từ bên ngoài vào, lý do là vì hồi đó có mục tiêu rõ ràng và nó đứng ngay trước mặt (giải phóng vùng địch chiếm). Trong sự phát triển kinh tế ngày nay, mục tiêu không rõ ràng nên rất khó huy động hội viên bằng áp lực bên ngoài. Họ không làm nhưng nói rất hay, rất hợp thời.
Cách thực hiện óc tư lợi
Lợi ích mà mỗi người chúng ta theo đuổi là lợi ích vật chất hay tinh thần. Đi tìm nó thì ai cũng làm nhưng cách làm khác nhau tùy theo đức tính của mỗi người. Vậy vấn đề là làm như thế nào để có nó? Có ba cách làm chính: đòi theo lợi thế chính trị, theo sự công bằng và theo đạo đức. Ở xã hội ta, cách đầu khá phổ biến, nó bắt nguồn từ giới nắm quyền lực sau đó lan rộng ra theo tâm lý “sở dĩ tôi làm cho anh như thế vì người ta đã đối xử với tôi như vậy.” Ta xem xét cách thực hiện óc tư lợi qua hai kiểu phổ biến ở ta.
Đòi theo lợi thế chính trị
Đòi theo cách này là dựa vào quyền hạn của mình để đòi hỏi hạch sách. Thí dụ cấp giấy phép. Cách đòi này không tạo ra sự hợp tác, vì người bị đòi chỉ có bỏ ra mà không lấy về. Cái mà họ lấy về là nhiệm vụ mà người cấp phép phải làm.
Ở ta sự đòi hỏi theo lợi thế chính trị rất thịnh hành, đến mức người ta đòi trước rồi làm sau. Nạn tham nhũng là do nguồn gốc này. Nguyên do là từ cách đào tạo đoàn viên thanh niên, lực lượng dự bị của Đảng – những người sẽ cầm quyền sau này. Ngay từ khi học ở trung học, chỉ có ai vào Đoàn mới được làm lớp trưởng. Điều này đúng về mặt chính trị, chọn người mình tin tưởng: là đoàn viên - mới được giao; nhưng sai lầm về mặt đạo đức vì trong suy nghĩ của em được chọn nó trở thành: là đoàn viên thì sẽ có. Và em phấn đấu vào Đoàn để nhắm một lợi ích cho mình, chứ không phải dùng Đoàn để phục vụ người khác. Đối với em, Đoàn là bữa tiệc, là một mục tiêu tự thân. Và sau này khi anh ta vào Đảng, lên nắm quyền, cách suy nghĩ kia đã ăn sâu vào lòng. Đây là một thí dụ đơn giản để làm rõ vấn đề. Trên thực tế sự tính toán của các người có quyền lực phức tạp hơn nhiều. Ngày xưa đoàn viên Hướng đạo tham gia tổ chức này là để phục vụ người khác; vì tổ chức đó không có quyền lực chính trị. Tổ chức Đoàn gắn với chính trị nên nó cho đoàn viên một lợi thế chính trị và vào đó là được hưởng ngay. Vì quyền lợi bày trước mắt nên trước khi làm bao giờ họ cũng hỏi: “Làm việc ấy ta sẽ được gì ?”. Họ không còn tự nguyện chịu thiệt thòi để mà có thể hợp tác với người khác. 
Chủ nghĩa thành tích
Ta biết cá nhân bị xóa nhòa trong tập thể. Không còn tự do thì chẳng có trách nhiệm; thế nhưng họ không thể bỏ được nhu cầu muốn được tôn vinh; mà muốn được thế thì phải có thành tích. Đây là nguồn gốc thứ nhất của chủ nghĩa thành tích. Trong tập thể, khi một cá nhân phạm lỗi thì họ biết, dẫu không bị quy trách; nhưng ít nhiều họ xấu hổ, và để khỏa lấp sự xấu hổ kia họ phải đi tìm thành tích. Đây là nguồn gốc thứ hai. Trong lĩnh vực cá nhân, muốn kiếm thành tích thì cách an nhàn nhất là nhận vơ, làm lẫn lộn thành tích của người khác với mình, thay đổi quan điểm theo kẻ thắng, hoặc bảo là người khác xấu để chứng minh mình tốt.
Về mặt tập thể, khi cá nhân không được tôn vinh thì mọi người trong tập thể đều muốn tập thể của mình được tôn vinh. Ước mong cá nhân trở thành đòi hỏi của tập thể. Đây là lý do thứ ba. Vậy tập thể được tặng huy chương phải là chủ trương của người lãnh đạo. Tập thể ở đây là một đơn vị chính trị, vậy thành tích của nó phải là vật chất, cái gì thấy ngay, chụp ảnh được. Người lãnh đạo tập thể không đi tìm lợi ích tinh thần vì nó không giúp họ tranh cử trong nhiệm kỳ sau. Vì vậy, lấy ngành giáo dục làm thí dụ, họ quan tâm đến số học sinh tốt nghiệp mỗi kỳ thi; chứ không phải chuyện các em có giỏi hay không. Khi tập thể cao nhất, to nhất (cấp tỉnh) lấy số học sinh tốt nghiệp làm thành tích, thì họ sẽ chỉ thị cho các tập thể trung gian (quận) phải đạt được thành tích ấy; các quận bèn chỉ thị cụ thể cho mỗi trường (một tập thể) tỷ lệ học sinh phải đỗ. Các giáo viên, ngoài thành tích cho cá nhân mình, còn bị áp lực thành tích từ trên ấn xuống; do vậy họ không ngại ngần hay cảm thấy sai khi cho học sinh thuộc bài mẫu trước khi thi, hay cứ cho điểm cao dẫu học sinh kém. Các tỉnh vùng sâu, vùng xa mà điểm thi tốt nghiệp của học sinh ở đó cao hơn thành phố lớn là vì vậy. 
Chủ nghĩa thành tích phá hủy tương lai, vì thành quả của hiện tại mà nó đề cao không thật. Khi cá nhân theo đuổi chủ nghĩa này họ phải loại trừ người khác, phải đứng trên người khác, nếu không  họ sẽ bị lu mờ. Cách thức người ta dùng để thực hiện óc tư lợi không tạo nên sự hợp tác để làm việc chung, để có sự tự nguyện.
Kết luận
Cho câu hỏi vốn xã hội ở ta có cao không, chúng ta vừa xem qua các yếu tố giúp tạo nên vốn đó, chú trọng vào một vài đức tính, xem nó có thể nảy sinh từ cơ cấu xã hội và trong việc xây dựng con người. Khi xem xét như thế chúng ta đã có câu trả lời.

Như đã đề cập, bài này nhằm gợi lên một số đề tài liên quan đến vốn xã hội tại Việt Nam để rồi rút ra một số vấn đề sẽ thảo luận sau này; vì thế những gì nêu ở trên, trả lời ở đó, chưa chắc đã đúng. Do đó, chúng sẽ là những đề tài để thảo luận một cách rộng rãi. Có thể độc giả sẽ bác bỏ, sẽ đặt ra những vấn đề khác với những kết luận khác. Điều đó sẽ rất hữu ích cho tất cả chúng ta, những người quan tâm đến tiền đồ của đất nước, tương lai của dân tộc.   

SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét