Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007

CỔ PHIẾU THƯỞNG: BẢN CHẤT VÀ PHƯƠNG PHÁP HẠNH TÓAN

Phan Long, CPA
Monash University, Australia

Tại thời điểm đầu năm 2007 này, thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang phát triển “nóng”. Giá thị trường của cổ phiếu tăng cao cùng với sự kỳ vọng lớn lao của nhà đầu tư trước những thông tin công bố chia cổ tức của các doanh nghiệp niêm yết theo quy định của Uỷ ban chứng khoán (trước ngày 20/1). Trong đó, giá thị trường của cổ phiếu của những công ty có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vọt do nhà đầu tư hi vọng sẽ được sở hữu những cổ phiếu giá rẻ nếu nắm giữ cổ phần của các công ty này. Bài viết này nhằm cho độc giả thấy rõ bản chất của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và đưa ra hướng xử lý kế toán đối với các bên liên quan.

Bản chất của cổ phiếu thưởng
Cổ phiếu được chia theo cổ tức thường được gọi là cổ phiếu thưởng. Cổ phiếu thưởng không được coi là cổ tức thực sự bởi vì cổ tức này không được thanh toán bằng tiền. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ làm tăng đến số lượng cổ phiếu lưu hành mà các cổ đông nắm giữ. Chính vì thế, về bản chất, nó làm giảm giá trị của mỗi cổ phiếu sau khi chia.
Thông thường cổ phiếu thưởng được chia theo một tỷ lệ nhất định. Ví dụ: Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Tân Tạo nhất trí chia toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 5:1 (vnexpress.net, 2007). Điều đó có nghĩa là cổ đông nắm giữ 05 cổ phiếu cũ sẽ được “thưởng” 01 cổ phiếu mới phát hành, và tổng số cổ phiếu lưu hành sẽ tăng lên 20%. Khi đó chúng ta có thể thấy kết quả của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể dẫn đến giá trị của mỗi cổ phiếu giảm 20% do tổng giá trị vốn chủ sở hữu không thay đổi.
Xử lý kế toán
Cổ phiếu thưởng làm tăng số lượng cố phiếu lưu hành và làm giảm giá trị của mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, xử lý kế toán lại không giống nhau trong mọi trường hợp, và phụ thuộc vào yếu tố giá trị của cổ phiếu thưởng, có nghĩa là tỷ lệ chia. Theo thông lệ, khi tỷ lệ cổ phiếu thưởng nhỏ vào khoảng 20% - 25% được gọi là phát hành cổ phiếu thưởng nhỏ. Xử lý kế toán trong trường hợp này sẽ được minh hoạ bởi ví dụ dưới đây. Những trường hợp tỷ lệ cổ phiếu thưởng lớn hơn 25% được gọi là phát hành cổ phiếu thưởng lớn, và trường hợp này ít xảy ra. Một ví dụ điển hình của phát hành cổ phiếu thưởng lớn là vào năm 1973, hãng Walt Diney công bố tỷ lệ cổ phiếu thưởng 100%, có nghĩa là cứ 01 cổ phiếu nắm giữ sẽ được nhận thêm 01 cổ phiếu mới và như thế số lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên gấp đôi. Điều đó dẫn đến giá trị cổ phiếu bị “loãng”, làm cho giá thị trường của cổ phiếu bị sụt giảm.
Ví dụ minh hoạ trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng nhỏ:
Công ty ABC có 100.000 cổ phiếu lưu hành với mệnh giá $1,00 và với giá thị trường là 6,60$. Như vậy tổng giá trị thị trường của ABC là 100.000 x $6,60 = $660.000.
Báo cáo tài chính ngày 31/12/XX của ABC có số liệu như sau:
- Vốn cổ phần thường lưu hành (100.000 cổ phiếu) $100.000
- Lợi nhuận chưa phân phối $200.000
Tổng vốn chủ sở hữu $300.000
Đại hội đồng cổ đông của ABC quyết định chia toàn bộ lợi nhuận bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1. Có nghĩa là sẽ ban hành 10.000 cổ phiếu mới. Sau khi chia, ABC sẽ có tổng cộng 110.000 cổ phiếu lưu hành.
Giá trị cổ phiếu mới phát hành là: $200.000 : 10.000 = $20
Giá trị cổ phiếu mới phát hành theo mệnh giá là: $1,00 x 10.000 = $10.000
Chênh lệch giữa giá trị cổ phiếu theo giá phát hành và theo mệnh giá = $200.000 - $10.000 = $190.000
Sau khi chia cổ phiếu thưởng Báo cáo tài chính của ABC có số liệu như sau:
- Vốn cổ phần thường lưu hành (110.000 cổ phiếu) $100.000 + $10.000 = $110.000
- Thặng dư vốn $190.000
Tổng vốn chủ sở hữu $300.000
Theo như ví dụ trên thì giá trị cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ sau khi được chia sẽ không thay đổi so với trước khi được chia (đều bằng $300.000). Trường hợp này đã ngoại trừ các yếu tố tác động đến giá trị của cổ phiếu trên thị trường như cung - cầu, kỳ vọng của nhà đầu tư,… mà chỉ tập trung đến tác động của việc chia cổ phiếu thưởng.
Xử lý kế toán đối với trường hợp chia cổ phiếu thưởng lớn sẽ đề cập trong bài khác do việc “làm loãng” cổ phiếu quá lớn tác động đến giá trị cổ phiếu.
Tác động đến giá trị thị trường của cổ phiếu
Theo suy luận logic thông thường, cổ phiếu thưởng có thế:
(1) không làm ảnh hưởng đến giá trị của công ty
(2) làm tăng giá trị của công ty
(3) làm giảm giá trị của công ty
Quan niệm chuẩn về cổ phiếu thưởng là nó không làm thay đổi giá trị tài sản của nhà đầu tư cũng như của doanh nghiệp. Theo ví dụ trên, giá trị thị trường của ABC là $660.000. Sau khi chia cổ phiếu thưởng, số cổ phiếu lưu hành là 110.000 cổ phiếu, và mỗi cổ phiếu có thế có giá trị là $660.000 : 110.000 = $6,00.
Trường hợp một cổ đông năm giữ 1000 cổ phiếu trước khi chia, có giá $6.600. Sau khi chia cổ phiếu thưởng, cổ đông đó có 1.100 cổ phiếu và tổng giá trị của nó có thể sẽ là 1.100 x $6,00 = $6.600. Như vậy, cổ phiếu thưởng, thực chất, không có ảnh hưởng về mặt kinh tế. Và trên lý thuyết, việc xác định tỷ lệ chia càng cao thì giá trị cổ phiếu càng giảm và sẽ ảnh hưởng đến giá trị thị trường của số cổ phiếu ban đầu mà cổ đông nắm giữ.
Tuy nhiên, thực tế thị trường lại có khác biệt rất lớn. Việc chia cổ phiếu thưởng sẽ tác động đến tâm lý được mua “rẻ” của số đông nhà đầu tư, dẫn đến các nhà đầu tư tìm cách mua cổ phiếu trước khi chia cổ phiếu thưởng đã làm cho cầu về cổ phiếu tăng cao. Hơn nữa, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu được các nhà đầu tư Việt Nam "diễn giải" là doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận đạt được để tái đầu tư, cũng khiến cho kỳ vọng của nhà đầu tư về sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Các yếu tố này góp phần đẩy giá của cổ phiếu lên cao. Điều này đặc biệt đúng trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nơi các nhà đầu tư đầu tư theo phong trào và “mách nước” nhiều hơn là có sự phân tích kỹ càng nhiều yếu tố, và đặc biệt đúng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài việc phát hành cổ phiếu thưởng tràn lan có thể dẫn tới làm giảm giá thị trường của cổ phiếu.

Tài liệu tham khảo:
- Black, F. (2004). Why firms pay dividends. fundamentals of corporate finance. M. Tully, McGraw-Hill. 3e: 657-659.
- vnexpress.net.(2007)."Cổ tức kích cổ phiếu tăng giá".[Internet].
Link: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2007/01/3B9F2519/
- Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 - Doanh thu và thu nhập khác

-------------------------------------
Bản quyền www.kiemtoan.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét