Theo Bộ Y tế, đến năm 2020, tỷ lệ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ tăng và tiếp tục nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong khi các nguyên nhân khác đều có xu hướng ổn định hoặc giảm dần. Ở Việt Nam, ước tính sẽ có khoảng 6 đến 8 triệu bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc hen phế quản, với chi phí điều trị tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng, là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Trước thực trạng trên, Chính phủ đã đưa nội dung phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2012-2015.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiện là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 thế giới. Đây là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở những người hút thuốc lá, thuốc lào, tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi nghề nghiệp, tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với khói bếp than, bị nhiễm khuẩn hô hấp khi còn nhỏ. TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “ Tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chung ở Việt Nam là 4,2% ở người trên 40 tuổi, trong đó tỷ lệ mắc ở nam giới là 7,1%, cao hơn ở nữ giới (1,9%). Song song với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là hen phế quản, hen gặp ở tất cả các lứa tuổi, bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày khi tình trạng bệnh không được kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường và đô thị hóa. Chi phí cho điều trị bệnh hen phế quản bằng cả hai căn bệnh là lao và HIV/AIDS cộng lại”.
Trước sự nguy hiểm của căn bệnh này Chương trình mục tiêu quốc gia đã đưa nội dung phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản vào chương trình hoạt động với mong muốn nâng cao nhận thức đúng của người dân về các yếu tố nguy cơ của bệnh, đồng thời nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản ở các tuyến y tế. Xây dựng hệ thống chính sách, mạng lưới quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trên toàn quốc. Trong năm 2015, dự án tiếp tục duy trì hoạt động tại các tỉnh đã triển khai và dự kiến sẽ mở rộng hoạt động thêm 15 tỉnh, thành phố trong cả nước; duy trì khám sàng lọc ở Trung ương và địa phương; tăng cường truyền thông, đào tạo và hoàn thiện hoạt động của phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản…
Để hạn chế mắc phải bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, theo các chuyên gia khi có dấu hiệu mắc bệnh: ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng hãy lập tức đến gặp bác sĩ. Cần đo chức năng hô hấp để xác định xem liệu bạn có mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ và khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh. Bỏ hút thuốc lá, thuốc, tránh xa nơi có nhiều người hút thuốc và những vật dụng liên tưởng đến thuốc lá. Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng, tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than. Luyện tập, giữ cho thân thể khỏe mạnh. Tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Nếu bạn bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mức độ nặng, hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần.
- - Website Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến - - Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến - - Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét