Nguyễn-Xuân Nghĩa Người Việt ngày 150106
Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài
Tả, Hữu và Trung Dung Trên Chính Trường Mỹ
* Các dân biểu nghị sĩ tân cử của Quốc hội khóa 114 *
Hôm nay, Thứ Ba mùng sáu Tháng Giêng năm 2015, Quốc hội khóa 114 của Hoa Kỳ, bầu lên từ ngày bốn Tháng 11 năm ngoái, khởi sự phiên họp thứ nhất và sẽ là cơ chế Lập pháp của Mỹ cho đến ngày ba Tháng Giêng năm 2017. Từ nay đến đó, Hoa Kỳ có Hành pháp Dân chủ và Lập pháp Cộng Hoà khi Tổng thống Barack Obama còn lãnh đạo cho đến cuộc tổng tuyển cử vào Tháng 11 năm 2016 trong khi đảng Cộng Hoà chiếm đa số tại cả lưỡng viện Quốc hội.
Khi hai đảng lại kiểm soát hai cơ chế đối trọng này, mọi người đều có thể nói đến tình trạng "ách tắc chính trị" của nước Mỹ, nếu đôi bên không chịu tương nhượng.
Khi các đại diện dân cử vào nhận trách nhiệm cao nhất về lập pháp thì thị trường chứng khoán Mỹ lại tuột giá mạnh. Giá dầu thô tuột đến mức 50 đồng một thùng, đồng Euro sụt tới mức thấp nhất từ chín năm nay do viễn ảnh Hy Lạp có thể ra khỏi khối Euro. Các tổ chức khủng bố Hồi giáo vẫn tung hoành, Nga chưa ra khỏi khủng hoảng tài chánh mà vẫn là mối đe dọa cho Ukraine và gây phân vân cho các nước trong Liên hiệp Âu châu. Các quốc gia đang phát triển thì lo sợ nhìn Mỹ kim lên giá vù vù, cao nhất kể từ 11 năm nay. Còn dân Mỹ thì trông chờ vào tín hiệu lạc quan cho kinh tế, trước hết là thống kê về nhân dụng sẽ công bố hôm Thứ Sáu mùng chín này.
Xin chào mừng nước Mỹ có hai đầu, giữa thế giới bất trắc và nền kinh tế đa đoan của toàn cầu.
***
Nhìn từ bên ngoài, chúng ta nghĩ sao về chính trường Mỹ?
Hiến pháp được soạn thảo trong mục tiêu giới hạn quyền hành của nhà nước. Cơ chế đại biểu có tính chất gần dân nhất vì hai năm được bầu lại một lần là Hạ viện, với quyền hạn rất lớn về ngân sách và nội chính. Đại diện cho quyền lực của các tiểu bang là 100 Nghị sĩ tại Thượng viện thì được bầu lại sáu năm một lần nên có thận trọng hơn về chánh sách. Ở giữa, lãnh đạo Hành pháp, là Tổng thống thì cứ bốn năm lại được đề cử với quyền lực bị thu hẹp trước Quốc hội và Tối cao Pháp viện, chưa kể Ngân hàng Trung ương ra đời từ 100 năm về trước, là cơ chế độc lập và có thẩm quyền rất lớn về kinh tế.
Cái nhịp độ tuyển cử là mỗi hai năm, bốn năm hay sáu năm khiến cho hiện tượng Hành pháp gặp thế đối lập của Lập pháp như hiện nay không là sự lạ. Mà lần này thì cũng chẳng phải vì những thất bại của Tổng thống Barack Obama sau sáu năm cầm đầu Hành pháp. Sau Thế chiến II, vị Tổng thống rất được lòng dân là Tướng Dwight Eisenhower, một bậc anh hùng thời chiến, mà cũng phải sống chung với Lập pháp của phe Dân Chủ đối lập.
Các nhà lập quốc Hoa Kỳ muốn chia bớt quyền hạn của giới lãnh đạo nên mới cho dân cơ hội tạo ra hiện tượng đối lập bên trong. Bị chia thì... bớt trị!
Có cơ hội đề cử lãnh đạo một cách dân chủ, người dân Mỹ lại có nhiều ý kiến khác nhau về đường lối. Trong lịch sử cận đại thì xã hội Hoa Kỳ có sự phân cực khá đồng đều trên lằn ranh ta gọi là tả hữu, cấp tiến và bảo thủ, Dân Chủ và Cộng Hoà. Mỗi bên có khoảng 40% dân số ủng hộ. Ở giữa là 20% những người hoặc thờ ơ (10%), hoặc vô tư bất định và tùy vấn đề mà bỏ phiếu theo nhịp độ 2, 4, 6 năm.
Một hiện tượng dễ gây sai lầm về nhận thức là đa số truyền thông Hoa Kỳ, từ 80 đến 86% lại ngả theo đảng Dân Chủ nên có sự thiên lệch: nhồi vào trong việc tường thuật sự phán xét của mình. Cũng vì vậy mà truyền thông thường dự báo khác với quyết định của người dân!
Nếu muốn lãnh đạo để thi hành chánh sách và chủ trương của mình, chính khách nào cũng phải tuần tự đi hai bước: 1) bảo vệ thành lũy 40% của mình, rồi 2) tranh thủ được ít ra phân nửa của thành phần trung dung. Đấy là chiến lược bất di bất dịch để đạt được trên 50%, đa số, của cử tri....
Trong hai phe tả hữu, ta còn thấy một thành phần thiểu số triệt để nhất với chủ trương của họ. Triệt để đến mức đấu tranh và vận động ráo riết, gần như trường thực và rất sớm trước bầu cử. Bên Dân Chủ là thiểu số cực tả với chủ trương bành trướng sự can thiệp của nhà nước cho mục tiêu công bằng xã hội và quyền tự do riêng tư về đạo đức. Bên Cộng Hoà là thiểu số cực hữu với chủ trương bảo vệ kỷ cương xã hội, giá trị của tôn giáo và thu hẹp vai trò của nhà nước đến tối thiểu. Tỷ trọng của thành phần triệt để hay cực đoan này có thể là 10%.
Ai muốn lên lãnh đạo đều phải bước qua hàng rào 10% của thiểu số triệt để trong thành lũy 40% của mình thì mới thắng ở vòng sơ bộ, sau đó là nhoài mình vận động giới trung dung đung đưa ở giữa. Người nào đạt được tỷ lệ hậu thuẫn 60% thì được coi là lãnh đạo có tài vì sau khi bảo vệ thành trì của mình còn tranh thủ được cả khối trung dung.
Do tính chất ước lượng của cách thăm dò ý kiến, người ta thường chấp nhận một mức "dung sai", sự sai biệt có thể dung thứ được, là trên hay dưới 3%. Nói về thế phân cực 40% thì đấy là hiện tượng 40+3 hay 40-3, là 43% hay 37%.
Một Tổng thống mà có tỷ lệ ủng hộ là 37% trong một giai đoạn khá lâu, thì coi như nguy khốn vì thành lũy bấp bênh và không tranh thủ nổi 10% lửng lơ ở giữa. Nhiều Tổng thống Mỹ từng gặp cảnh đó, người cuối cùng sau Tổng thống George W. Bush là ông Obama. Sự hài lòng của cử tri về Obama đã tuột đến điểm 37 nguy kịch trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào Tháng 11 năm ngoái. Bây giờ dù đã lên lại mức 43% thì tình hình vẫn khá bấp bênh trong hai năm sau cùng của sự nghiệp Tổng thống.
Nhưng ông không hoàn toàn bất lực vì vẫn còn quyền phủ quyết mà đối lập Cộng Hoà chỉ có thể vượt qua với đa số là hai phần ba lá phiếu tại cả hai viện, nôm na là 67%. Dù còn thế mạnh như vậy, ông cũng chẳng thể quên rằng cấp số trong thành lũy của mình chỉ có 40% thôi. Nhiều người đã vì cố tranh thủ số phiếu ở giữa bằng sự tương nhượng mà mất thành phần nòng cốt, cái thiểu số tích cực 10% đó.
Hãy nói về thiếu số tích cực mà triệt để và cực đoan này.
Đảng Cộng Hoà bị nhược điểm lớn là có quá nhiều thiểu số ở cánh hữu, cực đoan về kinh tế, hay xã hội, hay an ninh. Các nhóm thiểu số này cực đoan đến độ "thà thất cử chứ không thỏa hiệp về tư tưởng". Họ ráo riết tấn công từ bên trong những ai muốn thỏa hiệp về kỷ luật ngân sách, nạn di dân lậu, về quyền phá thai, hôn nhân đồng tính, hay về trận đánh để thu hồi đạo luật ObamaCare.
Nhược điểm ấy là một cản trở khi Quốc hội Cộng Hoà muốn tìm ra thế đồng thuận với Hành pháp Dân Chủ trong hai năm cuối của Obama.
Nhưng các trận đánh hay thủ thuật trong nội bộ Cộng Hoà chẳng làm ta quên được là bên đảng Dân Chủ cũng có một thiểu số cực đoan đòi nắm quyền phủ quyết, đã từng đi ngược chủ trương của Tổng thống về ngân sách. Một nhân vật nổi tiếng mà không duy nhất của nhóm cực đoan này là Nghị sĩ Elizabeth Warren của tiểu bang Massachusetts.
Trong sáu năm sau vụ khủng hoảng tài chánh 2008, Chính quyền đã ban hành nhiều luật lệ để mở rộng tầm kiểm soát của nhà nước và cũng gây ra hiện tượng "liều thuốc đổ bệnh". Bây giờ, với nạn ách tắc chính trị giữa Lập pháp Cộng Hoà và Hành pháp Dân Chủ, ta có thể tin rằng Quốc hội sẽ ra ít luật hơn. Và nếu khéo thì Quốc hội còn thu hồi nhiều đạo luật cũ và giới hạn quyền can thiệp của Tổng thống bằng sắc lệnh của hành pháp.
Đấy là chuyện hấp dẫn trong năm, với những chuẩn bị còn hấp dẫn hơn nữa cho cuộc tranh cử Tống thống 2016. Cả hai phe đều phải lách khỏi quyền phủ quyết của thiểu số bên trong rồi nhích dần vào giữa để có đa số trong đảng trước khi được đề cử để tranh thủ thành phần trung dung. Nhích sớm quá là trượt chân như Nghị sĩ Hillary Clinton đã bị trước một đối thủ tay mơ mà còn thiên tả hơn mình, là Nghị sĩ Barack Obama.
_________________________
Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ
Sinh năm 1949, Nghị sĩ Elizabeth Warren là người tích cực từ khi còn trẻ, thường bỏ phiếu theo phe Cộng Hoà cho đến 1995 thì nhảy qua bên kia. Ý thức được thân phận thiểu số - phụ nữ - bà tích cực đến độ tự xưng là gia đình có huyết thống Cherokee thuộc sắc tộc bản địa. Nhờ vậy mà được Đại học Harvard chọn vào ban giảng huấn như một giáo sư thuộc sắc tộc thiểu số. Nay bà là một lãnh tụ thiểu số đầy hùng biện có thể đẩy Hillary Clinton về cánh tả, và thất cử Tổng thống vì mất cơ hội tranh thủ thành phần trung dung. Đàn bà dễ có mấy tay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét