Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ

Toiyeuvietnam87

Chưa có ai định nghĩa Thương binh, Liệt sĩ bằng những nội dung nặng tình ân nghĩa như Hồ Chí Minh: Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ.

Ghi nhận hy sinh vô giá, công lao to lớn của thương binh liệt sĩ với đất nước, nhân dân, Người nêu rõ máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa Độc lập, kết trái Tự do. Đồng thời, hết sức cảm thông với những thiệt thòi của thương binh, liệt sĩ và gia đình họ trong cuộc sống hoà bình, đã kêu gọi đồng bào chia sẻ với những tâm tư, mất mát lớn của thương binh, liệt sĩ. Người nói: Cách mấy ngày trước, họ là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ, oanh liệt. Trải qua những ngày ăn gió nằm sương, những trận mưa bom, bão đạn, họ bị tay què, chân cụt, họ hoá ra thương binh. Khi cách mạng, kháng chiến thành công, họ không tránh khỏi phân vân. Cách mấy ngày trước, bố mẹ họ nhận được tin tức, đang mong cho đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, họ sẽ trở lại quê hương, một nhà đoàn tụ. Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà hoá. Con dại trở nên bồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Họ đã hy sinh cho ai?

Cho nên nhân dân ta cần thấm thía rằng trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết, có thể lại làm ra. Thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh. Cụt chân gãy tay, chân tay không thể mọc lại. Người chết không thể sống lại. "Đó là một sự hy sinh tuyệt đối". Đồng bào biết rằng: Các chiến sĩ trong bộ đội ai cũng có cha mẹ anh em, ai cũng có gia đình thân thích. Nhưng họ đã hy sinh tiểu gia đình của họ, họ đã không ngần ngại rời cha mẹ, bỏ quê hương, ra xông pha bom đạn, để phụng sự đại gia đình dân tộc gồm cả gia đình của mỗi đồng bào. Do đó, nhân dân ta cần phải biết ơn, yêu mến và giúp đỡ anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ.

Tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm " Ngày thương binh" để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước. Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, Khối và Tỉnh đã họp ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm "Ngày thương binh liệt sĩ" đầu tiên trong cả nước. Từ đó, ngày 27-7 hàng năm thành "Ngày thương binh liệt sĩ". Vào các dịp 27-7 hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra Lời kêu gọi toàn dân, hoặc gửi thư tới Bộ trưởng Bộ thương binh, cựu binh, hoặc các bệnh viện, các thương binh, gia đình liệt sĩ. Người yêu cầu Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm túc chính sách thương binh liệt sĩ. Đảm bảo cho họ được "Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần". Nhắc nhở nhân dân tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái với thương binh và gia đình liệt sĩ, người có công với nước. Động viên anh chị em thương binh phấn đấu để trở thành những người "tàn nhưng không phế", hăng hái, lạc quan đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta.

Sinh thời, Hồ Chí Minh có nhiều sáng kiến phát động các phong trào nhân dân giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Tháng 2 năm 1948, Người gửi thư cho các cháu nhi đồng phát động phong trào công tác Trần Quốc Toản nhằm giúp đỡ các gia đình bộ đội, gia đình thương binh, liệt sĩ. Tháng 7 năm 1951, phát động phong trào "Đón thương binh về làng", để Đảng, Chính quyền, Đoàn thể và nhân dân các làng, xã sản xuất giúp đỡ thương binh, giúp thương binh làm những công việc nhẹ, phù hợp để có thể tự sinh sống, hoà nhập với cộng đồng, v,v,.Thường xuyên viết thư, báo kịp thời biểu dương, cổ vũ những cá nhân, tập thể có thành tích trong giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ.

Bản thân Chủ tịch gương mẫu thực hiện việc giúp đỡ thương binh, liệt sĩ. Như ngày 17-7-1947, Người báo cho Ban thường trực của Ban tổ chức "Ngày thương binh toàn quốc" : Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng(1.127đ.00)1. Sau này, Người còn nhiều lần gửi tiền tiết kiệm, nhuận bút của mình ủng hộ thương binh, gia đình lịêt sĩ.

Người nhiều lần viết thư cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết, kịp thời biểu dương công lao, khuyến khích họ lạc quan, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng cuộc sống mới. Giữ vững truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của quân đội cách mạng. Giữ vững kỷ luật, thật sự đoàn kết thương yêu lẫn nhau giữa anh em thương binh, bệnh binh với nhau, giữa thương binh, bệnh binh với các cán bộ, nhân viên y tế chăm sóc họ, và với đồng bào địa phương. Khuyên họ không nên công thần, ỷ lại, kém tin tưởng, hoặc yêu cầu nhân dân quá đáng, không tích cực công tác.

Tất cả các lời kêu gọi, thư từ, bài viết, nói chuyện với các tầng lớp nhân dân ta và hành động thực tế của Người đều toát lên một tinh thần thấu hiểu anh chị em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Mong muốn, cổ vũ đồng bào các địa phương sẵn sàng trợ giúp thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, người có công với nước trong việc sản xuất làm ăn, nghỉ ngơi, giải trí. Và yêu cầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Với một tấm lòng ưu ái, một tâm hồn và trái tim vĩ đại, trước lúc đi xa, trong Di chúc cho Đảng cho Dân, Người thiết tha nhắn lại với đời: "Đầu tiên là công việc với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dân "tự lực cánh sinh". Các thế hệ hôm nay và mai sau không thể quên bổn phận thực hiện di huấn của Người.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét