Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150730
Cường quốc già nua đi xuống lại gặp một siêu cường đi lên
* Kính lão đắc thọ - nhưng con cháu đừng ngọ nguậy lung tung chứ! *
Căn cứ trên kinh nghiệm trăm năm về Đệ nhất Thế chiến 1914-1918, người ta thường cho rằng khi một tân cường quốc xuất hiện trước đà suy yếu của một cường quốc đã từng giữ vai bá chủ thì đại chiến dễ xảy ra vì sự thay đổi trong tương quan lực lượng. Cũng từ bài học đó, nhiều học giả hay sử gia luận bàn rằng siêu cường Hoa Kỳ đang suy yếu, với dấu mốc là vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, và rằng Trung Quốc đang vươn lên thành nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới, với dấu mốc là việc sản lượng đã vượt Nhật Bản năm 2010 và nay mai có thể bắt kịp Hoa Kỳ.
Từ đó, người ta suy đoán rằng một vụ xung đột Mỹ-Hoa là điều có thể xảy ra - hoặc nên tránh.
Nhưng dường như sự thật lại rắc rối hơn vậy - vì bốn lẽ.
***
Trước hết, tại khu vực Đông Á, cường quốc tân hưng là Trung Quốc lại tái ngộ một cường quốc từng là cừu thù trong quá khứ. Đấy là Nhật Bản, đang có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và mâu thuẫn về phạm vi định vị phòng không ADIZ chồng chéo lên nhau. Chưa nói đến một vụ xung đột Mỹ-Hoa thì ta đã thấy ra chuyện đối đầu Hoa-Nhật. Bài viết trên cột báo này vào tuần trước có đề cập tới bối cảnh của nguy cơ “Nhật-Hoa Tái Ngộ”.
Thứ hai, và ngược với nhận thức của nhiều người, Trung Quốc chỉ là cường quốc chưa lên mà đã xuống, chưa giàu mà đã già, chưa hùng mà đã hung. Chuyện “tân hưng” hay “quật khởi” chỉ là giấc mơ ngắn ngủi có ba chục năm thôi. Chúng ta sẽ còn phải tìm hiểu hiện tượng này.
Thứ ba, rất ý thức được tình trạng suy yếu đã bắt đầu, lãnh đạo Trung Quốc đang cố tiến hành chiến lược “tiên hạ thủ”, là tích cực phòng vệ, như Bạch thư về Quốc phòng đã đề ra và được công bố ngày 26 Tháng Năm vừa qua. Chiến lược ấy nhắm vào việc ngăn ngừa Hoa Kỳ can thiệp khi Bắc Kinh mở chiến dịch kiểm soát và khuynh đảo các nước lân bang như “một sự đã rồi” trước khi chính mình đi vào thời suy yếu trong vài chục năm tới.
Và vì vậy, chính Hoa Kỳ mới đang bị thách đố, và đây là bài toán của lãnh đạo Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử năm tới. Khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng năm 2017, Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ sẽ phải nhìn vào thách đố ấy.
Bài này sẽ lần lượt trình bày những khúc mắc nói trên. Như một khởi đầu...
***
Đầu tiên, ngược với nhận thức của nhiều người, ba chục năm tăng trưởng liên tục của Trung Quốc, từ khi Đặng Tiểu Bình khởi sự cải cách năm 1979 cho đến cột mốc 2009, không là một sự kỳ diệu kinh tế. Bọn trẻ ranh của Hà Nội chưa hiểu và còn học nhiều thì mới biết được.
Chúng chưa hiểu rằng nhiều quốc gia Đông Á đã có mấy chục năm tăng trưởng ngoạn mục khi chuyển hướng kinh tế theo quy luật thị trường. Sau giai đoạn khởi phát, cất cánh rất mạnh và nhanh, các nền kinh tế này đều thấy đà tăng trưởng giảm dần đến tốc độ “bình thường” của các nền kinh tế công nghiệp hóa Tây phương. Đấy là trường hợp của Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan trong các thập niên khởi phát 1950-1980 và sẽ là trường hợp của Ấn Độ sau này.
Trung Quốc chỉ học chiến lược của các nước Đông Á đi trước và có ưu thế là dân số cao, nhân công đông và rẻ. Đấy là chuyện bình thường, không là phép lạ.
Trung Quốc chỉ học chiến lược của các nước Đông Á đi trước và có ưu thế là dân số cao, nhân công đông và rẻ. Đấy là chuyện bình thường, không là phép lạ.
Cho nên, cũng giống như các nước Đông Á đi trước, Trung Quốc đã có đà tăng trưởng ở khoảng 9-10% một năm trong ba chục năm liền kể từ 1980. Đà tăng trưởng ấy đang chậm lại, chỉ còn là 7,8% vào năm 2012, hay 7% vào năm nay, rồi sẽ còn giảm nữa, chỉ ở khoảng 3-4% một năm trong thập niên tới.
Nhưng khác với trường hợp Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan là các nước đã áp dụng quy luật tự do về kinh tế và dân chủ về chính trị nên tiến vào hàng ngũ công nghiệp hóa với lợi tức rất cao của người dân, Trung Quốc áp dụng chiến lược Đông Á với một chế độ chính trị độc tài và vai trò chủ đạo của nhà nước. Vì vậy, đà tăng trưởng trong mấy chục năm khởi phát lại có nhược điểm là thiếu phẩm chất, gây bất công, ô nhiễm và lãng phí. Từ những năm 2007-2008, lãnh đạo Bắc Kinh thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã nói đến chuyện “bốn không” của kinh tế: không cân xứng, không phối hợp, không công bằng và không bền vững.
Giới lãnh đạo kinh tế xứ này công nhận mối nguy đã được các định chế tài chánh quốc tế đề ra là “rơi vào cái bẫy xập của lợi tức trung bình”. Và cứ nằm dưới đó như hầu hết mọi quốc gia đã từng theo kinh tế thị trường để phát triển thành một nước... đang lên. "Emerging economies" là chữ lịch sự cho các nền kinh tế vẫn còn chậm tiến.
Vì vậy, việc kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Hoa Kỳ chỉ là giả thuyết cho vui.
Hãy nói cho rõ: Lợi tức một đầu người của Trung Quốc, là một tiêu chuẩn khác về năng suất, cho thấy một người Nhật kiếm ra 36.000 đô la một năm, người Đại Hàn 28 ngàn, Đài Loan 22 ngàn trong khi dân Tầu mới được 7.700, so với dân Mỹ là hơn 54 ngàn bạc, chỉ bằng 14%. May lắm thì 15 năm nữa sẽ bằng 33% và đến 2060 thì bằng phân nửa. Nếu như nước Tầu chưa có loạn!
Không, tình hình lại còn nguy ngập hơn vậy, vì Trung Quốc đang mất dần ưu thế dân đông và nhân công rẻ vì dân số lại sớm bị lão hóa do chính sách “mỗi hộ một con” đã áp dụng từ năm 1979.
Vài con số cụ thể sau đây có thể cho thấy sự chuyển động chậm rãi mà rất mạnh của tình trạng dân số Trung Quốc: thành phần trẻ tuổi từ 20 đến 24 của xứ này là 116 triệu vào năm 2012 sẽ chỉ còn 94 triệu vào năm 2020 và 67 triệu vào năm 2030. Trong 20 năm tới, tỷ số những người ở tuổi lao động so với người về hưu sẽ sụt từ 5/1 xuống 2/1, tức là hai người sẽ phải nuôi một.
Hậu quả chung cuộc là dân số Trung Quốc sẽ giảm dần, chưa tới một tỷ dân vào năm 2060 so với một tỷ 350 triệu ngày nay. Dân số co cụm và bị lão hóa như vậy tất nhiên ảnh hưởng đến sức nặng kinh tế và sức mạnh quân sự trong những thập niên sắp tới.
Và nếu so sánh thì Hoa Kỳ vẫn có dân số trẻ hơn trên một lãnh thổ vuông vức phì nhiêu, trong một xã hội có quyền tự do nên có sức sáng tạo rất cao. Dù Barack Obama có gắng sức cải tạo đến mấy thì siêu cường Hoa Kỳ vẫn không lụn bại như người ta thường nghĩ. Mà cường quốc vừa quật khởi được 30 năm là Trung Quốc thì đã thấy con dốc trước mặt. Đấy mới là nỗi lo sợ của lãnh đạo Bắc Kinh, khi mà nguy cơ khủng hoảng tài chánh vẫn gia tăng vì núi nợ quá lớn, quá nặng.
Cho nên, ngoài Nhật Bản ở đầu ngõ và khủng hoảng ở bên trong, Trung Quốc không thể quên được siêu cường vẫn còn khả năng can thiệp toàn cầu trong nhiều thập niên tới, là Hoa Kỳ.
***
Chính là vì ý thức được những khó khăn đã bắt đầu và sẽ kéo dài trong vài chục năm tới, lãnh đạo Bắc Kinh mới có những ưu tiên khác. Như ráo riết giải quyết hồ sơ Đài Loan; hoặc dẹp tan mầm động loạn vì mâu thuẫn xã hội và sắc tộc ở bên trong; hay khống chế tối đa khu vực cận duyên đang có tranh chấp về chủ quyền với các lân bang; và ngăn ngừa Hoa Kỳ can thiệp vào các cuộc tranh chấp này. Họ phải cấp bách hoàn thành những mục tiêu ấy trong vài chục năm tới, như một sự đã rồi, trước khi cán cân lực lượng nghiêng dần về nước Mỹ vì sự lụn bại khó tránh của Trung Quốc.
Trong phạm vi an ninh, mà an ninh cũng là kinh tế, lãnh đạo Trung Quốc đang lấy rất nhiều rủi ro. Hoa Kỳ rất khó can gián Bắc Kinh nếu không tự chuẩn bị cho kịch bản đáng ngại nhất, là trực tiếp đụng độ với Trung Quốc trên vùng biển Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Kết luận là nhiều phần thì Trung Quốc sẽ có đụng độ. Nghĩa là Hoa Kỳ sẽ lại tham chiến, nhưng khác hẳn hình thái trận địa chiến ngày xưa. Mà lần này Mỹ lại có một chuỗi đồng minh bán đảo hay hải đảo, như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi hay một số quốc gia Đông Nam Á.
Đấy mới là những hồ sơ đang chờ đợi Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ vào năm 2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét