Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150715
Và Gây Bối Rối Cho Đồng Minh
* Hai Nghị sĩ Dân Chủ còn nghi ngờ Hiệp ước với Iran: Dick Durbin và Chuck Schumer *
Sau hai đời Tổng thống, từ George W. Bush đến Barack Obama, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Hồi giáo Iran sắp bước qua một giai đoạn mới với “Hiệp định Hạch tâm Iran”. Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, tương quan gay gắt giữa hai nước đang có hướng cải thiện, nhưng gây nhiều vấn đề khác trong quan hệ của Hoa Kỳ với các nước Hồi giáo tại Trung Đông, và trước mắt thì gây tranh luận trong nội tình nước Mỹ.
Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu về biến cố này. Phần đầu là về dầu khí!
Bối Cảnh Hòa Giải
Kể từ sau vụ khủng bố 9-11 vào năm 2001, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran có thay đổi lớn.
Nước Mỹ bị tổ chức khủng bố al-Qaeda theo hệ phái Sunni tấn công ngay trong lãnh thổ và lập tức mở cuộc phản công trên toàn cầu và mạnh nhất là ở hai chiến trường Afghanistan cuối năm 2001 và Iraq đầu năm 2003. Tại Afghanistan, Hoa Kỳ mặc nhiên hợp tác với chế độ Tehran của dân Ba Tư theo hệ phái đối nghịch với Sunni là hệ phái Shia. Ngược lại, tại chiến trường Iraq, một xứ cừu thù lâu đời của Iran, Hoa Kỳ có lập trường khó hiểu hơn. Đó là vừa muốn Iran theo hệ phái Shia cùng với mình lật đổ chế độ Saddam Hussein và đảng Baath của dân Á Rập theo hệ phái Sunni, nhưng cũng ngại là Iran sẽ kết hợp với hệ phái Shia, nạn nhân của Saddam nhưng chiếm đa số, để khuynh đảo xứ Iraq.
Bối cảnh thứ hai là trong khi Hoa Kỳ lúng túng xoay trở với nạn khủng bố Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni thì Iran lặng lẽ bành trướng ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông, qua các lực lượng dân quân do Tehran yểm trợ như Hezbollah (tại Lebanon), Hamas (trong khu vực Palestine của Israel), hay các nhóm võ trang Shia tại Iraq và qua Chính quyền Syria thuộc chi Allawite… Nghĩa là trong khi nước Mỹ đối phó với khủng bố Hồi giáo từ hệ phái Sunni, Iran yểm trợ các lực lượng võ trang cũng áp dụng phương pháp khủng bố tương tự, nhưng đối nghịch với al-Qaeda và hệ phái Sunni.
Phức tạp hơn vậy, cùng lúc đó Iran cũng lặng lẽ tiến hành kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm (nuclear) để trang bị các loại hỏa tiễn tầm trung và tầm xa đã được khai triển. Với tham vọng bành trướng ảnh hưởng và chủ trương tiêu diệt Israel, nếu Iran có loại võ khí này, các nước lân bang đều có thể bị đe dọa và phải chuẩn bị ứng phó.
Qua ba đời Tổng thống là Mohammad Khatami (từ 1997 đến 2005) Mahmoud Ahmadinejad (từ 2005 đến 2013) và Hassan Rouhani (từ Tháng Tám 2013), hai Tổng thống Bush và Obama đều có chủ trương “vừa đánh vừa đàm”, vừa dọa vừa dụ, vừa ngăn chặn vừa giao kết, mà không quên là đằng sau các Tổng thống do dân bầu lên, lãnh tụ tối cao của Iran là Đại giáo chủ Ali Khamenei lên cầm quyền từ năm 1989. Và đằng sau Khamenei là một lực lượng quân chính, quân sự và chính trị có tên là Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (Islamic Revolutionary Guard Corps - IRG). Lực lượng này là một quân đội riêng, ngoài quân đội chính quy, có những thẩm quyền kinh tế và chính trị trong một quốc gia được cai trị bởi Hồi giáo theo hệ phái Shia.
Iran lần lượt bị Hoa Kỳ phong tỏa kinh tế từ năm 1995, và vì kế hoạch hạch tâm, bị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ra lệnh cấm vận từ năm 2006 và Liên Âu từ năm 2012. Vì kinh tế sa sút, Iran muốn giải tỏa lệnh cấm vận này và bắt đầu chấp nhận đàm phán với tập thể sáu nước là năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Tầu) và nước Đức. Đấy là khuôn khổ đàm phán gọi là P5+1 - hay Ẻ-3 nếu nhìn từ giác độ Âu Châu.
Nhờ chủ trương triệt để hòa giải của Tổng thống Obama và qua vai trò chủ động của Hoa Kỳ trong nhóm P5+1, việc đàm phán tạm có kết quả ban đầu vào ngày 15 vừa qua, là Hiệp ước Hạch tâm Iran.
Ấn Tượng, Nhận Thức và Thực Tế
Tóm tắt thì sau đúng bảy năm, sáu tháng và 23 ngày, Iran tạm thỏa thuận với sáu cường quốc việc đình hoãn – khác với đình chỉ hay hủy bỏ - kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm và ngược lại thì thoát nạn phong tỏa kinh tế để tìm lại vị trí của một nước xuất cảng dầu thô sáng giá tại Trung Đông.
Tin tức thời sự hàng ngày cứ chú ý đến các hạn kỳ thỏa thuận do P5+1 đã bị đẩy lui nhiều lần cho tới ngày 15 vừa qua. Khi có tin là đã có thỏa thuận thì các thị trường tài chánh đều dao động với viễn ảnh tái xuất hiện của một đại gia dầu khí là Iran, cụ thể là giá dầu thô liền sụt tới cỡ 51 đồng một thùng vì người ta suy luận là số cung sẽ tăng. Với hậu quả là Liên bang Nga càng khốn đốn vì ngân sách sẽ thêm hao hụt nếu giá dầu nằm dưới mức 90 đô la một thùng.
Song song, phản ứng chính trị tại Hoa Kỳ và nhiều nước Trung Đông cũng đáng chú ý không kém.
Chính trường Mỹ có nhiều quan điểm nghi ngờ thiện chí hòa giải của Iran và cho rằng Obama giải vây quá sớm, lấy nhiều rủi ro và gây ra một cuộc thi đua võ trang trong vùng. Trưa 15, Tổng thống Obama phải tổ chức một cuộc họp báo cấp bách đến hơn một tiếng đồng hồ tại tòa Bạch Cung để giải thích chuyện này “như một biểu hiện của tư thế lãnh đạo của Hoa Kỳ” và để ngăn ngừa làn sóng chống đối bên trong vì Hiệp ước cần được Quốc hội phê chuẩn. Tại nhiều quốc gia Trung Đông, thỏa thuận tạm của nhóm P5+1 với Iran cũng gây phản ứng, từ Israel và các nước Hồi giáo kình địch với Iran, như Saudi Arabia hay Turkey.
Đấy là ấn tượng và nhận thức, còn sự thật thì sao? Hãy nói về kinh tế chính trị trước.
Quan Trọng Là Tấm Lịch
Đầu tiên, chúng ta không thể quên Hiệp định Paris Vãn hồi Hòa bình tại Việt Nam năm 1973.
Như trong mọi hiệp ước, nhất là một hiệp ước đã qua bảy năm đàm phán, nội dung của lộ trình hòa giải với Iran phải đủ mơ hồ thì mới được các phe trong cuộc đồng ý, và suy diễn rồi giải thích với dư luận ở nhà. Cách giải thích mỗi nơi lại mỗi khác, và cách thực thi cũng vậy.
Phần mở đầu Hiệp ước Iran là câu: “hiệp ước này mở ra việc giải tỏa toàn bộ các quyết định cấm vận của Hội đồng Bảo an, của các tổ chức đa quốc và quốc gia”… Then chốt là chữ “giải tỏa toàn bộ”, comprehensive lifting. Nó cho phép Chính quyền Rouhani tại Tehran trình bày vói thượng cấp và các thế lực bảo thủ ở nhà rằng Iran sẽ thoát khỏi lệnh cấm vận.
Nhưng sự thật lại chẳng đơn giản như vậy.
Theo thủ tục và lịch trình, Quốc hội Hoa Kỳ có 60 ngày cứu xét Hiệp ước và nếu bác bỏ thì Tổng thống có quyền phủ quyết như Obama đã nói trước. Theo quan điểm của ông ta, thành tích hòa giải với Cuba, Việt Nam Cộng sản và Iran sẽ là ba di sản lớn của sự nghiệp lãnh đạo sau hai nhiệm kỳ. Nếu Quốc hội không hội đủ đa số quá hai phần ba để vượt quyền phủ quyết, cụ thể là 67 phiếu tại Thượng viện, thì Hiệp ước vẫn có giá trị. Trong hai tháng tới thời sự sẽ theo dõi cuộc tranh luận này trong đảng Cộng Hòa (đa số nghi ngờ) và đảng Dân Chủ (đa số ủng hộ).
Song song, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cũng sẽ ra một Nghị quyết về Hiệp ước để thu hồi Nghị quyết cấm vận năm 2006. Thủ tục này có thể mất 90 ngày. Sau đó Hiệp ước mới thành hình. Nhưng trước đấy, và hạn chót là ngày 15 Tháng 12 tới đây, cơ quan Nguyên tử lực cuộc của Liên hiệp quốc (International Atomic Energy Agency – IAEA) phải đệ nạp một phúc trình minh chứng rằng Iran đã bạch hóa những nghi vấn liên quan đến kế hoạch hạch tâm và kiểm chứng rằng Iran đang thi hành các biện pháp quy định trong Hiệp ước.
Nếu mọi chuyện tiến triển như dự tính – chữ NẾU then chốt – Iran có tám năm thực thi việc tháo gỡ những cơ sở góp phần chế tạo võ khí hạch tâm, và thực thi dưới sự giám sát của Nguyên tự lực cuộc IAEA. Nghĩa là từ nay đến đó, người ta còn chờ Nghị quyết của Liên hiệp quốc, chờ sự biểu quyết của Quốc hội Hoa Kỳ, và nếu Quốc hội bác bỏ thì người còn dự trù việc Tổng thống Obama sẽ dùng Sắc lệnh Hành pháp để tháo gỡ một phần của các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ. Các nước Liên Âu cũng theo đó mà phê chuẩn và nếu được thì nhảy vào lãnh vực dầu khí của Iran, một lãnh vực then chốt đang cần tư bản và kỹ thuật hiện đại sau cà chục năm lụn bại và tụt hậu.
Nghĩa là người ta có thể phải đợi đến tám năm và sự xác nhận của Nguyên tự lực cuộc IAEA, rằng kế hoạch hạch tâm của Iran có mục tiêu dân sự, (hòa bình chứ không phải là quân sự, chế bom), thì Lập pháp Hoa Kỳ mới chính thức chấm dứt việc phong tỏa Iran về kinh tế và võ khí. Quốc hội Hoa Kỳ vẫn còn có tiếng nói, và tiếng nói ấy sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc tranh cử Tổng thống vào năm tới, là khi một phần của Hiệp ước sẽ được áp dụng.
Một chi tiết khác ít được ai chú ý là trong 20 năm Hoa Kỳ cấm vận Iran, các doanh nghiệp Mỹ đã thực tế đứng ngoài trong khi doanh nghiệp Âu Châu và cả Á Châu (Trung Quốc) vẫn ngấp nghé làm ăn với Iran và sẽ lao vào trước tiên, ngay từ đầu năm tới. Yếu tố đó cũng giải thích việc doanh giới Mỹ sẽ vận động ủng hộ Hiệp ước này, đi ngược với quan điểm của đảng Cộng Hòa và những nhân vật Dân Chủ muốn bảo vệ Israel.
Khi ấy, và đây là một chuyện khác, doanh nghiệp ngoại quốc sẽ phải đàm phán với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo IRG, lực lượng thực tế muốn tiến hành kế hoạch hạch tâm! Cuộc tranh luận này cũng gây nhiều sóng gió trong nội bộ lực lượng cực đoan nhất của Iran – nhưng dư luận bên ngoài không biết.
___
Kết luận ở đây là gì?
Phải đợi đến năm 2016 thì mới thấy triển vọng Iran tung thêm vào thị trường dầu thô một sản lượng là 300 thùng một ngày như các thị trường tài chánh và năng lượng đã dự đoán quá sớm.
Trong khi đó, thế giới sẽ đánh giá lại tính chất khả tín của Hoa Kỳ, với thói quen bắt tay kẻ thù và bắt chẹt đồng minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét