Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Phật Pháp và Chính Trị



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 071128
Đài Á Châu Tự Do


Bồ Tát và Ma Vương - Đức Đạt Lai Lạt Ma và Bắc Kinh


* Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một buổi thuyết pháp tại New York năm 2009 *



Trong tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý tới phản ứng giận dữ của Chính quyền Bắc Kinh sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma của dân tộc Tây Tạng nói tới một số đổi thay có thể thực hiện trong tương lai về thủ tục đề cử người lãnh đạo Tây Tạng. Để tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa và hậu quả lâu dài của việc này, ban Việt ngữ dài Á châu Tự do phỏng vấn nhà báo Nguyễn-Xuân Nghĩa, một người am hiểu vấn đề và đã trực tiếp nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma. Cuộc phỏng vấn ly kỳ này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây...


Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Từ khi đài Á châu Tự do được thành lập 10 năm trước, thính giả thường theo dõi tiết mục chuyên đề do ông phụ trách hàng tuần về kinh tế. Nhưng ngoài ra, ông cũng là một Phật tử và một nhà báo, có lẽ là người Việt đầu tiên đã trực tiếp gặp riêng đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng.

Trong chương trình đặc biệt hôm nay, chúng tôi muốn phỏng vấn ông về lời tuyên bố mới đây của đức Đạt Lai Lạt Ma về thể thức tuyển chọn người lãnh đạo Tây Tạng trong tương lai và ý kiến của ngài lập tức gặp phản ứng dữ dội của lãnh đạo Trung Quốc.

Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là ông đã gặp đức Đạt Lai Lạt Ma trong hoàn cảnh nào và có nghe thấy gì về những điều đang gây sôi nổi trong dư luận hay không?

NXN: - Thưa ông, ngoài việc nghiên cứu kinh tế, tôi cũng là một Phật tử. Hai điều ấy thực ra không có gì mâu thuẫn như nhiều người có thể lầm tưởng vì nghĩ rằng đạo Phật khuyên ta đừng chấp vào những giá trị vật chất của thế gian mà tìm con đường giải thoát ra khỏi kiếp luân hồi của chúng sinh để được thành Phật. Một trong các bậc cao tăng có xác nhận điều ấy chính là đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tôn giáo của Phật giáo Tây Tạng và cũng là lãnh đạo chính trị của dân tộc Tây Tạng, mà tôi có vinh hạnh được gặp.

- Lần đó, và nhân nói rất lâu về Việt Nam, Ngài có ngợi ca dân Việt Nam là anh hùng và có chí cầu tiến rất mạnh, việc cải thiện cuộc sống con người cho thịnh vượng hơn không là một điều xấu và cũng có thể giúp ích cho sự giác ngộ nếu nuôi dưỡng từ tâm và làm việc lành cho người khác.


Hỏi: Nhưng ông đã diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma trong hoàn cảnh nào?

NXN: - Là Chủ biên của tờ báo Xuân Việt Báo xuất bản tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, năm 2006,  chúng tôi chọn một chủ điểm cho số báo Xuân Đinh Hợi là Tây Tạng và đức Đạt Lai Lạt Ma. Lý do là vì Tây Tạng đã bị Trung Quốc thôn tính trọn vẹn vào mùa Xuân năm Kỷ Hợi 1959 và đức Đạt Lai Lạt Ma ngày nay đã ra đời vào năm Ất Hợi 1935. Một lý do khác, riêng tư hơn, là người Việt ta đều quan tâm đến sự bành trướng của Trung Quốc trong lịch sử và ngay trong hiện tại.

- Qua những tiếp xúc với các tăng ni Tây Tạng tại California, và người bạn là một giáo sư Tây Tạng đã từng trực tiếp tử thủ tại kinh đô Lhasa năm 1959, chúng tôi có cơ hội trực tiếp phỏng vấn đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng Chín năm 2006 khi Ngài thăm viếng và thuyết pháp tại California.

- Cuộc phỏng vấn dự trù chừng 10 phút đã kéo dài thành một cuộc mạn đàm gần 40 phút và kết quả được tường trình trong số báo Xuân năm ngoái. Qua tháng Ba, tôi được mời qua Dharamsala tại miền Bắc Ấn Độ, là nơi thiết lập Văn phòng của Chính quyền Tây Tạng lưu vong, và có vinh hạnh diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma cùng nhiều vị cao tăng Tây Tạng đang tu tập và quảng bá Phật pháp tại đây. Đây cũng là lúc Ngài hoan hỉ đón nhận số Xuân Việt Báo có phần chủ đề về Tây Tạng và có lời chúc Tết mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi tới Phật tử và người Việt Nam nói chung.

- Theo đúng phép "thành thật khai báo" của người làm báo, tôi xin nói ngay rằng tôi là Phật tử và mỗi tuần đều tham dự khoá thuyết giảng về Phật pháp trong một tu viện Tây Tạng tại California...


Hỏi: Như vậy, có lẽ ông là người am hiểu nhiều khía cạnh phức tạp và phải nói là kỳ bí của Mật tông Tây Tạng và những khúc mắc ngoại giao chính trị trong mối quan hệ giữa Tây Tạng và Trung Quốc.

NXN: - Về Phật pháp, tôi chỉ là người sơ cơ còn đang học rất nhiều. Về chính trị và văn hoá thì tôi chịu khó tìm hiểu vì liên tưởng tới kinh nghiệm Việt Nam sau ngàn năm Bắc thuộc và ngàn năm tự Hán hoá của chúng ta sau khi đã giành lại độc lập. Nói cho dễ hiểu, chúng ta đã quên hoặc không còn biết nhiều về Phật giáo tại Việt Nam vào thời nguyên thủy và ngày nay vẫn tu tập theo những gì tiếp nhận lại từ Phật giáo Trung Quốc. Dân Tây Tạng có khi cũng đang bị như vậy, và lại bị đô hộ bởi một chế độ vô thần.


Hỏi: Chúng ta trở lại chủ điểm của vấn đề là lời tuyên bố của đức Đạt Lai Lạt Ma và phản ứng của Bắc Kinh về lời tuyên bố ấy, liên quan tới thể thức đề cử hay tuyển chọn người lãnh đạo. Ông có theo dõi chuyện này thì giải thích ra sao?

NXN: - Tôi thiển nghĩ rằng ta có thể phân biệt hai khía cạnh bị lồng trong cùng một vấn đề và trong bối cảnh Tây Tạng không có chủ quyền.

- Khía cạnh thứ nhất là lãnh đạo tôn giáo, qua một tập quán đã có từ mấy trăm năm nay là các vị đại sư hay Lạt Ma là hóa thân của một vị cao tăng đã viên tịch để hoàn tất sở nguyện của mình là giúp cho toàn thể chúng sinh đều thành Phật. Thủ tục xác nhận vị hoá thân - hay tulku - là một trong những điều kỳ bí đầy hấp dẫn của Phật giáo Tây Tạng.

Khía cạnh thứ hai là việc đề cử người lãnh đạo chính trị của Tây Tạng, tức là vị Quốc trưởng của một quốc gia. Ngay từ khi phải lưu vong ra ngoài, từ Tháng Ba năm 1959, đức Đạt Lai Lạt Ma đã muốn thay đổi hệ thống chính trị đó và có nói đến chuyện này từ năm 1969. Chiều hướng của Ngài là phải canh tân xứ sở theo nguyên tắc dân chủ hơn và cũng đã đề xướng việc lập ra cơ chế dân chủ để bầu ra một Quốc hội, với nhiệm vụ giám sát hoạt động của Nội các.

- Khi nói đến việc thỉnh cầu ý kiến của tín đồ Phật giáo Tây Tạng, ở những nơi mà họ có quyền tự do, tức là tại các nước tiếp giáp với Tây Tạng, và cả cộng đồng Tây Tạng lưu vong trên thế giới, để tu chỉnh thể thức tuyển chọn lãnh đạo, đức Đạt Lai Lạt Ma thực ra chỉ khai triển một ý kiến Ngài đã nêu ra từ lâu. Tuy nhiên ý kiến đó cũng là một đề xuất cách mạng vì thay đổi một thể thức đã có từ 650 năm nay, từ năm 1357, hay ít ra từ năm 1578.


Hỏi: Thế thì vì sao mà Bắc Kinh lại có phản ứng dữ dội với lời đề nghị này, theo đó, và tôi xin trích dẫn lời người phát ngôn của bộ Ngoại giao Trung Quốc, rằng “đức Đạt Lai Lạt Ma đã vi phạm phật pháp và giáo lý của Phật giáo Tây Tạng đã có trong lịch sử"?

NXN: - Phản ứng đó là một sự khôi hài vì chế độ vô thần lại đả kích một vị lãnh đạo tôn giáo là xúc phạm giáo lý nhà Phật sau khi chế độ đã chiếm đóng, tàn sát và cầm tù nhiều tăng ni Tây Tạng. 

- Tây Tạng hiện bị Trung Quốc cai trị và vào cuối tháng Bảy vừa qua đã ra quyết định là bắt đầu từ ngày một tháng Chín năm 2007, mọi vị Lạt Ma muốn tái sinh để tiếp tục hoằng pháp thì phải xin phép chính quyền Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh chứ không phải Giáo hội Công giáo mới có quyết định tấn phong các linh mục. Đây là một quyết định rõ ràng là can thiệp vào quy ước tôn giáo và xúc phạm tín ngưỡng của thiên hạ.

- Nói cho dễ hiểu thì một chế độ vô thần và đàn áp tôn giáo lại quyết định rằng mỗi khi các vị đại sư Phật giáo muốn chuyển hộ khẩu từ kiếp này qua kiếp sau là phải xin phép chính quyền trung ương! Khi ấy, lãnh đạo Bắc Kinh đã coi Phật pháp hay các quy ước truyền thống của Phật giáo Tây Tạng là chiếc dép rách. Bây giờ, họ lại nhân danh đạo pháp và truyền thống Tây Tạng đả kích một đề nghị của đức Đạt Lai Lạt Ma.


Hỏi: Nói như vậy thì mọi chuyện vẫn chỉ là chính trị, vì Bắc Kinh không muốn việc đề cử lãnh đạo Tây Tạng sẽ vuột khỏi tầm kiểm soát của mình?

NXN: - Không hơn không kém, thưa ông.

- Trong hệ thống chính trị Tây Tạng - và tôi xin nhắc lại là chính trị, chứ không phải tôn giáo - thì ngoài đức Đạt Lai Lạt Ma còn có đức Ban Thiền Lạt Ma. Vị cao tăng này đã bị Bắc Kinh khống chế từ lâu - từ khi xâm lấn Trung Quốc năm 1950, một năm sau khi Mao Trạch Đông giải phóng Hoa Lục, và hoàn toàn chiếm đóng Tây Tạng năm 1959.

- Năm 1989 thì đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10 viên tịch tại Tây Tạng, chư tăng của Phật giáo Tây Tạng đã kín đáo liên lạc với đức Đạt Lai Lạt Ma để theo đúng thủ tục Tây Tạng xác định vị hoá thân của đức Ban Thiền. Thủ tục ấy gồm có sự tìm kiếm và tuyển cử của chư tăng lãnh đạo bốn dòng tu chính của Phật giáo Tây Tạng với sự phê chuẩn sau cùng của đức Đạt Lai Lạt Ma.

- Năm 1995, từ bên ngoài, đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận chú bé Gedhun Choekyi Nyima do chư tăng tìm ra tại Tây Tạng là hoá thân và là đức Ban Thiền đời thứ 11. Lập tức, vị cao tăng đã tiến hành việc tìm kiếm bị bắt giam. Đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11 bị bắt cóc và mất tung tích cho tới ngày nay, dù được Bắc Kinh thông báo là vẫn còn sống.

- Thay vào đó, Bắc Kinh đã cho chọn một người khác để khoác áo Ban Thiền Lạt Ma.

- Nói cho rõ ràng thì Bắc Kinh can thiệp vào việc tuyển chọn các vị Lạt ma nhằm xoá dần ảnh hưởng chính trị của Phật giáo Tây Tạng và bây giờ lại giãy nảy phản đối khi đức Đạt Lai Lạt Ma đề nghị là Phật giáo đồ của Phật giáo Tây Tạng tại các nước độc lập như Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Mông Cổ, Nga và trên các quốc gia khác hãy cùng suy nghĩ về một thể thức tuyển chọn người lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng.


Hỏi: Tuy nhiên, vì người lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng cũng mặc nhiên lãnh đạo dân tộc Tây Tạng, nên đề nghị của đức Đạt Lai Lạt Ma cũng hàm nghĩa là có thể bãi bỏ quy chế Đạt Lai Lạt Ma, tức là một quyết định rất cách mạng vì chế độ này đã ra đời từ năm 1357, như ông vừa nói. Có phải như vậy không? 

NXN: - Thật ra, chúng ta có thể hiểu điều ấy rõ ràng hơn nếu mình tách rời hai vấn đề là các vị cao tăng lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng và nhân vật lãnh đạo dân tộc hay xứ sở Tây Tạng. Xưa kia, Tây Tạng có các vị vua cai trị bên cạnh các vị Lạt ma hay các bậc "quốc sư", xin tạm gọi như vậy cho dễ hiểu. Và những tranh đoạt chính trị lẫn tranh chấp tôn giáo thực tế có xảy ra trong lịch sử xứ này như trong nhiều xứ khác.

- Khi Đế quốc Mông Cổ bị thu hẹp ảnh hưởng và nhà Nguyên bị đẩy lui khỏi Trung Quốc, một Đại Hãn Mông Cổ là Altan Khan, mà Trung Hoa gọi là Yêm Đáp Hãn, đã đón nhận vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ ba như một Quốc sư của Mông Cổ và thực tế đặt ra tước vị Đạt Lai Lạt Ma, được truy xưng lên đời thứ nhất, và cho đến nay là đời thứ 14. Việc đó xảy ra năm 1578, cách đây 430 năm. Nghĩa Mông Cổ của chữ Đạt Lai Lạt Ma là trí huệ như biển cả. Và đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ tư của Tây Tạng chính là chắt nội của vị Đại Hãn Mông Cổ này, tên là Yonten Gyatso, hay Vinh Đan Gia Mục Thố, nếu ta phiên âm ra Hán-Việt.

- Trong các triều đại về sau, do ảnh hưởng của Mông Cổ, các Hoàng đế Mãn Thanh cũng tôn sùng Phật giáo Tây Tạng và kính trọng các vị Đạt Lai Lạt Ma như Quốc sư hay Thánh tăng của họ. Không thiếu Hoàng đế Trung Hoa từ Khang Hy trở đi đã tôn kính các vị Lạt Ma Tây Tạng như thầy, gọi họ là "Kim cương Đại sĩ", "Pháp vương", thậm chí còn tôn là "Tây thiên Đại thiện Tự tại Phật" như dưới thời Từ Hy Thái hậu nhà Thanh.

- Nếu tìm hiểu lịch sử Tây Tạng và mối quan hệ với các lân bang thì mình thấy rằng nhiều vị Đạt Lai Lạt Ma không là người Tây Tạng mà có thể là "ngoại quốc" như ta gọi ngày nay. Và chế độ cai trị của các vị Đạt Lai Lạt Ma không phát sinh từ khi Phật giáo du nhập và bành trướng tại Tây Tạng từ thế kỷ thứ tám, mà cũng không liên tục từ đó đến nay. Ngoài ra, nếu ta liên tưởng tới Giáo hội Công giáo La Mã trong bối cảnh lịch sử chính trị của Âu Châu, mình thấy không thiếu gì trường hợp các Hoàng đế hay Vua chúa Âu châu cũng khuynh đảo tòa Thánh hoặc bị Toà thánh Vatican chi phối, kể cả việc tuyển chọn đức Giáo hoàng.


Hỏi: Bây giờ, đức Đạt Lai Lạt Ma đang lưu vong bên ngoài mới đề nghị Phật giáo đồ cùng cứu xét lại những thủ tục này để xem có nên duy trì hay thay đổi. Chúng ta có thể hiểu như vậy nên cũng hiểu vì sao Bắc Kinh mới giật mình vì bị giảm mất ảnh hưởng.

Nhưng thuần về giáo lý của Phật giáo Tây Tạng, việc đức Đạt Lai Lạt Ma nêu ra ý kiến này cũng là điều đáng chú ý chứ? Là một Phật tử đang học hỏi Phật giáo Tây Tạng, ông nghĩ sao và giải thích thế nào với các thính giả?

NXN: - Tôi mới chỉ là kẻ sơ cơ nên không thể có câu giải đáp chính thức, tuy nhiên mình có thể thấy ra vài điều sau đây:

- Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay đã 72 tuổi và thường nói đến ý nguyện của mình là được làm một vị sư, và rằng Tây Tạng phải có một hệ thống lãnh đạo chính trị thích hợp với thời đại mới. Tình trạng sức khoẻ rất tốt đẹp của Ngài khiến người ta dự đoán Ngài sẽ thọ hơn chín chục, tức là còn hơn hai chục năm nữa. Ngài cũng từng phát biểu nhiều lần là nếu tái sinh thì sẽ tái sinh ở ngoài lãnh thổ Tây Tạng, để hoàn tất những sở nguyện của kiếp này cho dân tộc Tây Tạng và để tiếp tục quảng bá Phật pháp trên thế giới.

- Nhưng từ nay đến đó, dân tộc Tây Tạng vẫn còn đó và phải giải quyết hai mục tiêu là có được quyền tự trị dưới chế độ cai trị của Trung Quốc và có được quyền tự do để bảo vệ văn hoá Tây Tạng và phát huy Phật giáo Tây Tạng. Tôi thiển nghĩ rằng việc đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi giáo dân và tăng chúng trên toàn cầu cùng suy nghĩ và chuẩn bị cho loại vấn đề ấy là một điều bình thường. Hãy tưởng tượng ra bài toán về đạo và đời trong hoàn cảnh bị ngoại xâm của các vị vua Việt Nam đồng thời là những bậc cao tăng như Trần Thái Tông hay Trần Nhân Tông thì mình rõ. 

- Thuần về giáo lý, Phật giáo Tây Tạng tin rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là một hoá thân của Quán Tự Tại Bồ Tát, tức là đức Quán Thế Âm, còn đức Ban Thiền Lạt Ma là một hoá thân của Phật A Di Đà. Khi ứng hoá thân của đức A Di Đà bị giam giữ và thay vào đó là một người do Bắc Kinh chỉ định và thực sự sai khiến, thì mình có thể nghĩ rộng ra là hóa thân của đức Quán Thế Âm phải xử trí ra sao trong những năm Ngài còn tại thế? 

Có khi chúng ta đang chứng kiến một cuộc đấu trí giữa Bồ tát và Ma vương, hoặc nói theo ngôn ngữ của con người, giữa cái Thiện và cái Ác. Kết luận ra sao thì tùy theo đức tin của từng người.

______________

Tìm ra và đăng lại một bài phỏng vấn năm xưa của đài Á Châu Tự do, ngày 28 Tháng 11 năm 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét