Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 150717
Sẽ lên giá, nhưng chưa lập tức
* Bán dầu, mua xăng, nhưng vẫn hung hăng chơi bạo - và lừa được Obama *
Cách đây đúng bốn tháng, trên cột báo này, người viết đã có một bài bình luận về việc Chính quyền Barack Obama cố đạt một thỏa thuận tượng trưng về kế hoạch hạch tâm của Iran (Obama Múa Rốn Với Ba Tư - Hài kịch đàm phán với Iran về võ khí hạch tâm) với câu kết luận hơi lạ: “Sau cùng, kinh nghiệm của Việt Nam với Hiệp định Paris 1973 và kết quả 1975 khiến ta có thể… mua cổ phiếu của Iran. Nhờ Mỹ, xứ này sẽ có tương lai, còn ai chết oan thì ráng chịu.”
Thỏa thuận ấy đã thành hình vào ngày 14 vừa qua, ta bắt đầu nghĩ đến việc mua cổ phiếu của Iran để kiếm lời. Nhưng ai ơi, xin chớ vội!
***
Cộng hòa Hồi giáo Iran của sắc tộc Ba Tư là một nước sản xuất và xuất cảng dầu thô đáng kể tại Trung Đông và trước khi bị Liên hiệp quốc cùng các nước Tây phương cấm vận vào năm 2012 thì đã xuất cảng một nhật lượng (mỗi ngày) khoảng hơn hai triệu 600 ngàn thùng (con số ước lượng của năm 2011). Khách hàng mua dầu của Iran khi ấy là các nước Liên Âu (590 ngàn), Trung Quốc (550 ngàn), Ấn Độ (320 ngàn), Nhật Bản (315 ngàn), Nam Hàn (250 ngàn) và Turkey (180 ngàn).
Sau khi bị quốc tế cấm vận vì không từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm (nuclear), số dầu xuất cảng của các Giáo chủ Ba Tư sụt gần phân nửa: mất hết khách Liên Âu mà chỉ còn Trung Quốc (549 ngàn thùng một ngày vào năm 2014), Ấn Độ (gần 277 ngàn), Nhật (gần 170 ngàn), Turkey (185 ngàn) và Nam Hàn (123 ngàn). Hậu quả ấy khiến kinh tế Iran sa sút và tuần qua đành chấp nhận tạm hoãn kế hoạch hạch tâm trong vòng tám năm.
Khi tin vừa loan rằng Iran và sáu cường quốc cùng Liên Âu vừa đạt thỏa thuận tạm về kế hoạch hạch tâm vào ngày 14, giá dầu liền giảm: trên thị trường NYMEX cho kỳ hạn Tháng Tám 2015 giá thùng dầu chạm 51 đồng. Chính quyền Tehran đã từng khoe rằng mình đang có từ 40 đến 50 triệu thùng dầu tồn kho và có thể tăng nhật lượng từ nửa triệu đến 600 ngàn thùng nội một tháng sau khi hết bị cấm vận để trong ba tháng sẽ đạt mức xuất cảng là hai triệu rưởi thùng một ngày. Theo đà này thì qua năm tới, một đại gia dầu khí sẽ tái xuất hiện. Giá dầu sẽ hạ và việc mua cổ phiếu Iran chẳng có gì là mơ hồ.
Tuy nhiên xin hãy điềm điềm!
***
Nếu các nước Liên Âu (Anh, Pháp, Đức) và Trung Quốc cùng Liên bang Nga có thể mau mắn thông qua hiệp ước, có hai nước mà thỏa thuận này sẽ gặp trở ngại.
Tại Hoa Kỳ, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày duyệt xét tạm ước với Iran, chứ Tổng thống Obama không dễ gì tháo gỡ lệnh cấm vận. Hôm 14 Tháng Tư, 10 Nghị sĩ Cộng Hòa đã tương nhượng với chín Nghị sĩ Dân Chủ để đạt tỷ lệ thống nhất là 19-0 về một dự luật theo đó Hành pháp phải giải trình cho Lập pháp nội dung đàm phán với Iran để Quốc hội thẩm xét và biểu quyết qua một số thể thức và kỳ hạn. Khi ấy Chính quyền Obama còn hăm dọa phủ quyết mọi đạo luật của Quốc hội liên quan đến hồ sơ Iran. Nhưng khi thấy các dân biểu nghị sĩ Dân Chủ cũng muốn có tiếng nói trong việc thẩm xét và biểu quyết những thỏa thuận với Iran nên Quốc hội có đủ phiếu gạt quyền phủ quyết của Tồng thống vào rổ rác thì Obama đành chấp nhận. Bây giờ, ông sẽ cố vận động dư luận và giới dân cử trong đảng Dân Chủ ủng hộ tạm ước này để phe chống đối tại Thượng và Hạ viện không hội đủ túc số hai phần ba để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống.
Trận đánh Mỹ-Mỹ về tạm ước với Iran đã mở màn và kéo dài hai tháng. Phe chống đối có khá nhiều lý do, từ an ninh trong khu vực Trung Đông cho đến đạo đức khi Iran yểm trợ các tổ chức khủng bố Hồi giáo và gây thiệt hại nhân mạng cho chiến binh Mỹ tại Iraq. Chỉ sau hai tháng tranh luận và bỏ phiếu, Hành pháp mới có thể ra sắc lệnh đặc miễn một số điều khoản của luật cấm vận năm 2012.
Chi tiết lý thú là trong khi Hoa Kỳ còn cãi cọ thì các khách hàng cố hữu của Iran như Liên Âu, Nhật Bản hay Nam Hàn, Turkey đã có thể mau mắn bãi bỏ lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Còn Trung Quốc thì xưa nay chưa hề ngại ngùng mà vẫn đầu tư và mua bán với Iran. Nhìn từ thị trường thì doanh giới Hoa Kỳ thấy mình bị thiệt hại vì hàng loạt biện pháp hạn chế rồi phong tỏa kinh tế mà Hoa Kỳ đã đặt ra từ cả chục năm trước. Họ không chạy kịp các doanh nghiệp Âu Á vào phiên chợ Ba Tư.
Hiển nhiên là Obama cũng trông cậy vào sức vận động của các tập đoàn dầu khí đáng ghét này!
Phía bên kia, về nguyên tắc, Quốc hội Iran cũng nêu điều kiện tiên quyết, rằng chỉ phê chuẩn tạm ước khi các nước bãi bỏ hết mọi biện pháp cấm vận. Về thực tế, lãnh đạo tối cao của xứ này là Đại giáo chủ Ali Khamenei mới là người có thể can thiệp để Quốc hội, Hội đồng An ninh và nhất là lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (Islamic Revolutionary Guard Corps - IRG) ủng hộ tạm ước do Chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani vừa thỏa thuận với liệt cường. Người ta phải tin rằng Khamenei đã theo dõi và chỉ đạo Ngoại trưởng Javad Zarif trong từng bước đàm phán từ mấy năm nay, nếu không, Chính quyền Iran đã chẳng tiến được tới mức đó.
Vì vậy, trở ngại về phía Iran chỉ có vẻ hình thức, để ra chiều là quốc gia này cũng có hiến pháp và dân chủ. Vả lại, tổ chức Vệ binh Cách mạng IRG cũng là một lực lượng chính trị và quân sự, một đám ưu binh tôn giáo có ảnh hưởng trong hệ thống kinh tế. Doanh nghiệp ngoại quốc nào mà muốn đầu tư hay buôn bán với Iran phải có sự dàn xếp hay chia chác với IRG, chẳng khác gì các tổ hợp quốc tế mà liên doanh với Trung Quốc thì phải có sự thỏa thuận và đổi chác với đảng Cộng sản.
Thành thử, miếng mồi kinh tế cũng là động lực khiến IRG sau cùng sẽ chấp nhận tạm ước, vì quyền lợi kinh tế của mình.
Tuy nhiên, trở ngại chính đến từ Iran không nằm trong chính trường, hay quan điểm tôn giáo của Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei. Nó đến từ tình trạng xuống cấp của hệ thống năng lượng Iran.
Xứ này đã phải cho đông lạnh nhiều giếng dầu bị ế vì nạn cấm vận. Về mặt kỹ thuật, các giếng dầu và bộ máy khai thác đều bị tụt hậu vì thiếu đầu tư và kỹ thuật tiên tiến của Tây phương sau khi các giáo chủ cướp chính quyền, trục xuất doanh nghiệp ngoại quốc để xây dựng chế độ thần quyền từ năm 1979. Sự hợp tác của doanh nghiệp Trung Quốc sau này chỉ giải quyết được một phần của bài toán kỹ thuật mà thôi.
Vì thế, trong giả thuyết lạc quan nhất là tạm ước được ngần ấy tổ chức quốc tế và các nước thông qua, Iran sẽ chỉ có thể nâng số cung về dầu thô từ giữa năm tới trở đi. Nhiều phần phải qua năm 2017. Lúc đó, các nước bán dầu như Venezuela hay Liên bang Nga mới thật sự điêu đứng khi giá dầu còn hạ thấp hơn nữa.
Kết luận ở đây là dân Iran sẽ dễ thở hơn. Nhưng cổ phiếu Iran hay đà khởi sắc kinh tế vẫn chưa cò gì hấp dẫn. Thị trường đã quá hấp tấp khi chào mừng các giáo chủ bán dầu Iran.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét