Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Siêu Cường Văn Hóa Trung Quốc



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150708

Quyền Lực Mềm Oặt – Mà Đắt Đỏ – Của Bắc Kinh


 * Dễ sợ! *



Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc hiện nay đang tập trung những mâu thuẫn vĩ đại.

Đây là nước cộng sản độc tài đã áp dụng một phần – một phần thôi - của quy luật thị trường để đạt mức tăng trưởng rất cao trong 30 năm cải cách kinh tế và vươn lên thành nền kinh tế có sản lượng đứng hàng thứ nhì của thế giới, sau Hoa Kỳ, và trước Nhật Bản, Đức. Từ sự hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông cho tới thành tựu vừa qua, Trung Quốc phải làm thế giới chú ý.

Nhưng, Trung Quốc cũng có cái thói “trọng thương” của Âu Châu vào thế kỷ 19, lý tài và riết róng trục lợi đến độ lưu manh khi làm ăn với các nước khác. Các quốc gia hay doanh nghiệp đã phải thương thuyết với Trung Quốc đều nhớ tới những chặng đường khổ ải này và kín đáo truyền cho nhau kinh nghiệm đối phó với một nhà nước có dự trữ ngoại tệ khổng lồ là gần bốn ngàn tỷ đô la.

Một mâu thuẫn khác là trong khi chiếm đóng vùng biển Đông Nam Á và biểu dương sức mạnh quân sự, Trung Quốc vẫn nói đến việc hợp tác kinh tế với các nước Á châu Thái bình dương để xây dựng một vùng thịnh vượng chung bao trùm lên các lục địa Âu-Á-Phi và Nam Mỹ. Trong năm 2014, hai nhân vật cao cấp nhất là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thăm viếng hơn 50 quốc gia với rất nhiều hợp đồng hay hiệp định được ký kết trong mỗi chặng công du.

Thí dụ kia là lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đưa ra hình tượng Khổng Tử với hàm ý xiển dương tinh thần vương đạo và truyền thống nhân trị của đức Thánh Khổng. Nhưng họ bỏ tù những người bất đồng chính kiến và thẳng tay kiểm soát tư tưởng, báo chí bên trong, Với bên ngoài thì họ còn muốn tạo ra những ấn tượng sai về bản chất gian ác của chế độ. Tức là họ muốn đánh lừa dư luận. Nghệ thuật đánh lừa ấy được gọi là “Quyền Lực Mềm”.

Hồ Sơ Người Việt xin tìm hiểu chuyện này.


Sự Xuất Hiện Của Một Siêu Cường Văn Hóa


Thế giới bên ngoài thường chú ý đến hai khía cạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc để có nhận định tổng hợp về “chính trị của Bắc Kinh”.

Chúng ta không nên quên một vế thứ ba, là văn hóa.

Một năm trước khi lên lãnh đạo Trung Quốc (từ Đại hội 18 vào Tháng 11 năm 2012) thì Phó Chủ tịch Tập Cận Bình thời ấy đã chủ trì một hội nghị của Ban chấp hành Trung ương để chỉ đạo về một mục đích yêu cầu của đảng là “xây dựng xứ sở thành một siêu cường văn hóa”. Hai năm sau khi lên làm Tổng bí thư và Chủ tịch Nhà nước, từ năm ngoái, cũng Tập Cận Bình đã chỉ thị việc khai triển “quyền lực mềm” để có diễn giải tốt hơn về Trung Quốc trong dư luận quốc tế.

Thành thử, cùng hàng loạt sáng kiến có vẻ kinh tế như Con Đường Tơ Lụa, Tân Khai triển Ngân hàng (Ngân hàng Phát triển BRICS), Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu (AIIB), Vùng Tự do Thương mại Á châu Thái bình dương (FTAAP), Tập Cận Bình cũng quảng bá những khái niệm về tư tưởng như Trung Quốc Mộng hay “một quan hệ của các cường quốc lớn với nhau” (khi họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ tại Camp David).

Nếu lại nhớ đến các chiến dịch đầu tư và viện trợ nhằm tranh thủ nhiều quốc gia Á, Phi, Trung Đông và Nam Mỹ, người ta thấy ra một mặt trận toàn diện để trình bày với thế giới cái chân dung tử tế và có lợi của một siêu cường văn hóa, một siêu cường có văn hóa. Việc thành lập các “Viện Khổng Tử” chỉ là một diện của mặt trận đó mà thôi.


Dàn Quân Chi Viện


Tổng số nợ hiện nay của Trung Quốc được ước lượng là lên tới con số tương đương với 28 ngàn tỷ (trillion) Mỹ kim khiến xứ này thuộc vào loại mắc nợ nhiều nhất thế giới. Cao gấp bẩy lượng dự trữ ngoại tệ gần bốn ngàn tỷ đô la. Số nợ thật là bao nhiêu thì chẳng ai có thể biết một cách chính xác, kể cả lãnh đạo, và vẫn được nhà nước coi là bí mật quốc gia.

Nhưng qua hàng loạt sáng kiến trình bày ở trên, Bắc Kinh thường nói đến hàng chục tỷ đô la:

Nào 41 tỷ trong số vốn trăm tỷ cho ngân hàng BRICS; 100 tỷ cho Ngân hàng AIIB, hoặc 46 tỷ cho dự án hạ tầng nối liền Trung Quốc với Pakistan, 244 tỷ trong mấy năm tới cho Con Đường Tơ Lụa, hoặc một ngàn 250 tỷ cho các dự án đầu tư trên toàn cầu cho 10 năm tới….

Nghĩa là Bắc Kinh vừa lập kế hoạch tranh thủ thế giới trị giá một ngàn 500 tỷ cho mươi năm tới, tính trung bình thì mỗi năm 150 tỷ. Trong thời Chiến tranh lạnh 1948-1991, hai siêu cường đối nghịch là Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết cũng chẳng thể tung tiền viện trợ, đầu tư hay vận động tới mức lớn lao như vậy. Nếu có tính theo hiện giá – giá trị ngày nay – thì Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ cho Âu Châu chỉ có khoảng hơn trăm tỷ. Trung Quốc chi viện gấp 15 lần Hoa Kỳ!

Trong nền văn hóa chính trị của Trung Quốc hiện đại, khái niệm “tuyên truyền” không mang nội dung tiêu cực mà rất gần với tinh thần “binh bất yếm trá” trong văn hóa chính trị cổ đại. Với một chính quyền độc tài và đầy quyền năng thì mọi khía cạnh của thông tin, văn học nghệ thuật hay giáo dục và cả thể thao, v.v… đều phải có mục đích tuyên truyền.

Đội bóng nữ của Hoa Kỳ trong Giải Túc Cầu FIFA là một tổ chức tư nhân, tự phát và thi đấu rồi được dân Mỹ cổ võ thì cũng trong tinh thần hồn nhiên và tự động, không do một quyết định nào đó của Chính quyền tại Thủ đô Washington. Đội bóng nữ của Trung Quốc thì khác, đấy là niềm kiêu hãnh dân tộc hình thành với sự yểm trợ và chỉ đạo của đảng và nhà nước. Nhân sự cho nỗ lực thể thao này được nhà nước yểm trợ và chi phối.

Người ta khó biết nhà nước Trung Quốc dành bao nhiêu tiền cho nỗ lực tuyên truyền hải ngoại đó, nhưng giới nghiên cứu quốc tế về Trung Quốc ước lượng là khoảng 10 tỷ một năm. Còn ngân sách năm ngoái cho công tác quảng bá của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ có 666 triệu bạc!

Cơ quan điều hướng và phối hợp toàn bộ nỗ lực tuyên truyền này của Bắc Kinh là Cục Thông tin trong Quốc vụ viện (Hội đồng Chính phủ), có trụ sở nguy nga nằm giữa thủ đô Bắc Kinh, dưới một cái tên rất hiền lành vô hại “Quốc vụ viện Tân văn Biện công thất”. Chỉ là Tân Văn thôi!

Hàng năm, Tân văn của Quốc vụ viện tổ chức hội nghị vào tháng 12 để rà soát phương hướng và nhiệm vụ năm tới. Nào tổ chức Liên hoan Phim ảnh Trung Hoa tại xứ này, yểm trợ sinh hoạt chào mừng “Năm Trung Quốc” tại xứ kia, thực hiện triển lãm, hay tài liệu, sách báo, hình ảnh, cho đến cả khái niệm tuyên truyền “văn hóa ẩm thực” của Trung Hoa, v.v… Tất cả đều được chuẩn bị tỉ mỉ có trọng tâm hướng vào từng khu vực địa dư hay ngành nghề quan trọng, thậm chí cho cả du khách ngoại quốc đến thăm Hoa Lục…. Mọi hội nghị quốc tế có sự tham dự của Trung Quốc, hay do Bắc Kinh tổ chức, đều nhận được sự nhắc nhở của Tân văn. Kiều vận, địch vận hay trí vận là những chiến dịch hay công tác quen thuộc trong nền văn hóa chính trị của xứ này.

Dĩ nhiên là cơ quan chiến lược ấy cũng có nhiệm vụ kiểm soát mạng lưới Internet và huấn luyện một dàn dư luận viên có khả năng lập tức phản bác – bằng ngoại ngữ - mọi thông tin lý luận bất lợi cho Trung Quốc. Và có thể cấm lưu hành những tờ báo hay tin tức họ cho là “có ác ý với Trung Quốc”. Cầm đầu cơ quan này phải một Trung ương Ủy viên.


Tiếng và Miếng


Như vậy, Trung Quốc là nơi mà tuyên truyền được nâng thành quốc sách, với phương tiện nhân sự tài chánh dồi dào, và có sự chỉ đạo thống nhất của đảng và nhà nước. Thế rồi kết quả ra sao?

Năm 2014, hệ thống BBC của Anh có làm một cuộc khảo sát ý kiến và thấy rằng từ năm 2005, trong 10 năm qua, số người có quan điểm tích cực với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc lại giảm 14 điểm bách phân. Tức là Bắc Kinh mất cảm tình viên sau khi dồn tiền truyên truyền hải ngoại. Một cuộc khảo sát khác của Pew Research Center (Global Attitutes Project) còn cho thấy một kết quả ngạc nhiên hơn: quyền lực mềm của Trung Quốc lại giảm sút tại Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh, nơi Bắc Kinh đã tốn rất nhiều tiền đầu tư, viện trợ và truyên truyền lung lạc.

Lãnh đạo Trung Quốc không thể không biết được chuyện ấy và ra sức châm thêm tiền. Phải thêm miếng để được tiếng.

Trung Quốc là nơi có khả năng biểu dương với loại xe lửa cao tốc hay cao ốc nguy nga thực hiện trong có ba tháng. Trung Quốc cũng là nơi mỗi tháng lại xây dựng được nhà cửa cho một thị trấn 10 vạn dân. Với kết quả là thương xá ế ẩm và thành phố ma, mà vẫn được bút toán là góp phần tăng trưởng kinh tế.

Quyền lực mềm của Bắc Kinh cũng là loại công trình tốn kém tương tự, với kết quả tương tự: đắt đỏ mà mềm oặt. Lý do giải thích nghịch lý này? Bắc Kinh lại mắc bệnh duy ý chí, cứ tưởng rằng trồng tiền thì sẽ hái hoa. Sâu xa hơn vậy, người ta còn phải nhìn thấy một lý do văn hóa.

Khái niệm “quyền lực mềm” được Tây phương quảng bá trước tiên xuất phát từ một xã hội quan đa nguyên. Đây là ảnh hưởng gián tiếp và mạnh mẽ của xã hội, của công dân, không phải của chế độ. Ảnh hưởng ấy là những giá trị tinh thần của văn hóa, của con người bình thường, không phải là của cán bộ nhà nước. Cho nên dàn hợp xướng quốc doanh của Bắc Kinh, với đầy đủ kèn trống và ống kính, chỉ làm khán giả thêm khó chịu chói mắt vì nhịp điệu đồng dạng.

Thiên hạ thấy ra sự giả trá.

___

Kết luận ở đây là gì?

Muốn được người yêu mình thì trước hết mình phải yêu người - với chân tình.

Với gian ý, Bắc Kinh càng tuyên truyền thì thiên hạ càng nghi ngờ Trung Quốc!

Nếu người dân được quyền tự do, chính họ sẽ tự nhiên quảng bá văn hóa của nước nhà.

Và chẳng ai muốn làm con vẹt cho một chế độ gian ác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét