Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Có nên bình phẩm về “rào chắn sống” của Thanh niên tình nguyện

Mr.Toạc

Trong những ngày cao điểm của kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, việc những bạn Thanh niên tình nguyện xếp thành hàng dài, cầm chung 1 sợi dây thừng đứng giữa đường làm “dải phân cách sống” để phân làn giao thông tại các điểm thi tại thủ đô Hà Nội có lẽ là những hình ảnh đẹp nhất, mang tính nhân văn nhất của những con người đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta. Mặc cho sự khắc nghiệt của thời tiết, vì đã có những lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, họ vẫn giữ một nụ cười, một niềm tâm huyết với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Không chỉ với cá nhân tôi, mà chắc hẳn với rất nhiều người đó là những “việc tử tế”, đó là những hành động thể hiện nét đẹp, truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Nhưng có một vấn đề mà tôi muốn đặt ra ở đây là đằng sau hình ảnh “Rào chắn sống” giữa nắng nóng 40 độ của thanh niên tình nguyện và những câu chuyện về văn hóa giao thông Việt Nam – sự lệch chuẩn của một bộ phận cư dân mạng khi có những bình luận phản cảm, thậm trí vô văn hóa về việc làm này. Vì vậy, hãy cùng tôi bàn luận đôi chút về những vấn đề trên để có một cái nhìn khách quan về việc làm của các bạn sinh viên tình nguyện.

Câu chuyện thứ nhất, văn hóa giao thông Việt Nam

Việt Nam, một đất nước với hơn 80% dân số làm nông nghiệp. Tư duy, đời sống nông nghiệp lúa nước đã ăn sâu vào trong tiềm thức, trong những thói quen, việc làm hàng ngày của con người. Trong văn hóa Việt Nam truyền thống, hoạt động đi lại của người dân chủ yếu là thuyền bè vì đất nước chúng ta có một mạng lưới sông ngòi dày đặc. Có thể nói, trước đây, giao thông đường bộ ở Việt Nam chúng ta không phát triển, Người Việt không có nhu cầu đi xa (điều này do văn hóa làng xã quy định). Vì không có nhu cầu đi xa nên ông cha ta trước đây chủ yếu là đi bộ, đi bộ trong làng, đi bộ lên huyện, đi bộ ra đồng, đi bộ lên nương… Không gian đồng ruộng rộng rãi cũng tạo ra cho con người ta cái tính phóng khoáng, tự do tự đại. Tức là đường là của ta, ta thích đi thế nào cũng được, có thể thoải mái tạt ngang, tạt ngửa, thoải mái, tùy tiện rẽ sang đường bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu miễn là ta cần. Và khi những hoạt động giao thông này được lặp đi lặp lại qua từng thế hệ nó tạo nên thói quen mà nhiều người vẫn thường nói là thói quen xấu trong văn hóa giao thông của người Việt. Vì, thực sự tôi dám chắc là tất cả chúng ta ai ai cũng sẽ có chung một cảm nhận rằng giao thông ở Việt Nam chúng ta là một cơn ác mộng với những người đi đường.

Quay trở lại câu chuyện “dải phân cách sống” của sinh viên tình nguyện, cũng là câu chuyện thứ hai tôi muốn chia sẻ.

Đã có rất nhiều comment rằng những chàng trai, cô gái áo xanh này thay vì đứng giữa đường dưới cái nắng hơn 40 độ C thì nên làm cái này, nên làm cái kia. Và rất nhiều trong số đó là những anh hùng bàn phím, những kẻ tỏ ra nguy hiểm và tất nhiên có cả những kẻ khiếm nhã, chê bai, bài bác việc làm của người khác, nói họ phải biết dùng cái đầu trong khi chính mình có đầu cũng như không (vì có sử dụng nó vào mục đích gì đâu).

Thực sự thất vọng vì thay vì chung tay ủng hộ những con người biết hi sinh vì cộng đồng vì người khác, một số bạn trẻ lại chỉ trích việc làm dũng cảm này của họ, nói họ là thế này thế kia. Thiết nghĩ, những comment của các bạn là những điều phi lý và nực cười nhất mà tôi từng được đọc.
Luận điệu của những "anh hùng núp"
Bên cạnh đó cũng không ít “nhà tri thọc” mỉa mai hành động xếp hàng giữa trời nắng nóng, nhưng thực sự họ cũng không biết đâu là giải pháp để tránh ùn tắc giao thông một cách cục bộ khi những thí sinh trong phòng thi sẽ ra về. Làm cách nào đây để thay cho những “rào chắn sống” kia, vì ai trong chúng ta cũng biết ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam chúng ta “dễ chịu” như thế nào. Lập những dải phân cách cứng bằng bê tông ư? Chắc không ổn vì sẽ có nhiều người thay vì đến chỗ sang đường họ sẽ chọn cách đi ngược chiều, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và người khác. Không ổn! Hay là căng dây? Cũng không xong vì tôi tin sẽ có người vén dây lên, đè dây xuống chứ không muốn nói là sẽ cắt dây để băng qua đường. Cũng không xong! Vậy thì “em phải làm sao”, xin các “nhà hiền triết” đưa ra giải pháp khắc phục. Làm được không bạn hay lại co vòi lặn mất? Đừng tỏ ra nguy hiểm nữ không lại làm trò cười cho thiên hạ.

Tôi tin chắc một điều rằng cho đi yêu thương sẽ được nhận lại, những việc làm thấm đẫm tính nhân văn của các bạn Thanh niên tình nguyện trong những ngày hè nắng bức sẽ nhận được sự cảm phục sẻ chia của đại bộ phận người dân Việt Nam. Có thể các bạn không cần được vinh danh, nhưng trong lòng nhiều người các bạn thực sự là những anh hùng[1]. Có thể bạn không cần tạo dáng, nhưng những nụ cười của các bạn sẽ là những nụ cười đẹp nhất trong mùa hè này[2]. Thân ái gửi những chàng trai, cô gái mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ!

[1] http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/sv-lam-tinh-nguyen-khong-cho-duoc-vinh-danh-1095236.htm 
[2] http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nang-gat-mua-thi-an-tuong-nu-cuoi-tinh-nguyen-1094736.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét