Thứ Hai, 10 tháng 12, 2007

CẢI TIẾN PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC

Thạc sĩ ĐINH TIÊN MINH

TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ THÁNG 8/2005

Một khi sinh viên bị chất đầy những kiến thức, những khái niệm và công thức… được nhồi nhét từ đống sách giáo khoa thì “cái đầu” của sinh viên sẽ trở nên bệnh hoạn, thậm chí lú lẫn, nghĩ sai nhiều thứ…

I. Đặt vấn đề 

Từ lâu nay ít có thầy giáo chú tâm dạy cho sinh viên về cách học, nhất là cách tự học. Người học đến lớp cốt để học khoa học, thay vì học cách làm khoa học. Một thông tin trên mạng Internet (tháng 3 năm 2001) cho hay: Thực trạng non yếu về độ nhạy bén của năng lực nhận thức nơi sinh viên đang đe dọa nhiều trường học, kể cả những trường danh tiếng. Tại đó, người ta đua nhau nhồi nhét kiến thức mà không làm sắc sảo kiến thức, đua nhau đi học mà không màng đến tự học, đua nhau học mọi thứ khoa học mà không học cách làm khoa học, đua nhau dạy chữ nghĩa và con số mà không dạy cách tự học và sáng tạo. 

Thông tin đó còn nhấn mạnh: Một khi sinh viên bị chất đầy những kiến thức, những khái niệm và công thức… được nhồi nhét từ đống sách giáo khoa thì “cái đầu” của sinh viên sẽ trở nên bệnh hoạn, thậm chí lú lẫn, nghĩ sai nhiều thứ… Bên cạnh đó, sinh viên còn có thói quen học và tiếp thu bài trên lớp rất thụ động. Có rất ít hoặc gần như không bao giờ xảy ra việc một sinh viên đứng lên hỏi bài hoặc thắc mắc về bài đang học ở lớp. Hiện tại, chúng ta có thể nhận ra một sự thật đáng buồn là bản thân sinh viên hiện nay, dù ở hệ đào tạo nào, luôn có những lỗ hổng về kiến thức căn bản, yếu kém về chính tả, và không tự biết diễn giải một vấn đề như thế nào. 

 Riêng đối với bản thân các thầy giáo, cải tiến trong phương pháp giảng dạy là rất quan trọng. Xã hội ngày càng phát triển, nền kinh tế tri thức đang phát triển và được kích thích để phát triển. Chúng ta có thể sơ lược qua một số phương pháp dạy mà thời gian qua chúng ta đã và cũng đang áp dụng. Mỗi một phương pháp đều đòi hỏi ở giáo viên một trình độ và khả năng (kỹ năng) nhất định. Chúng ta có thể nói rằng tất cả mọi biện pháp đều có các ưu và nhược điểm của nó và đặc biệt hơn nữa là không phải tất cả các môn học giảng dạy ở bậc đại học đều có thể áp dụng phương pháp giảng dạy tiến tiến được. 

Phương pháp giảng dạy độc thoại (one way conversation) đòi hỏi giáo viên phải có: 

- Kiến thức về môn giảng. 

- Kỹ năng trình bày và nói chuyện trước công chúng tốt. 

- Uyên bác nhiều vấn đề liên quan đến môn học của mình. 

 Phương pháp giảng dạy bằng phim (transparency) có các ưu và nhược điểm như sau: 

° Ưu điểm: 

- Không mất thời gian đọc hay chép bảng. 

- Có khả năng minh họa bằng hình ảnh rất tốt. 

- Trực quan, sinh động, hiện đại. 

- Đòi hỏi giáo viên phải biết vi tính và các chương trình bổ trợ. 

° Nhược điểm: 

- Phải xách cùng một lúc nhiều phim (slides), nặng nề trong quá trình di chuyển đến lớp. 

- Máy đèn chiếu (Overhead) bẩn, cũ, không được duy tu bảo trì thường xuyên nên làm cho hình ảnh, chữ nghĩa không rõ ràng. 

Phương pháp giảng dạy bằng máy tính (P/C, Laptop) có các ưu và nhược điểm như sau: 

° Ưu điểm: 

- Có thể thể hiện được màu sắc nên làm bài giảng được rõ ràng, sinh động. 

- Có thể thực hiện hình ảnh động nên làm bài giảng thêm phong phú và lôi cuốn. 

- Hành trang đi giảng dạy gọn nhẹ, có thể chỉ là một máy tính xách tay hoặc một đĩa mềm. 

° Nhược điểm: 

- Đầu tư chi phí cao nếu giáo viên muốn tự trang bị máy tính cho mình. 

- Máy đèn chiếu (projector) không đủ cho giáo viên. 

- Phải biết sử dụng thành thạo chương trình vi tính, đặc biệt Power Point. 

 Như vậy, để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên cũng như sự phát triển của một xã hội hiện đại thì chúng ta phải làm gì với tư cách giáo viên như là một chủ thể và sinh viên là một đối tượng ? 

II. Thực trạng chương trình dạy và học hiện nay 

- Chúng ta có thể nói rằng các môn học tự bản thân nó không có tội nhưng chính cách dạy làm sinh viên ngao ngán và chán nản. Giáo viên lên lớp chỉ đọc cho sinh viên chép hoặc ngồi trên ghế để giảng từ đầu đến cuối buổi học. 

- Giờ học cho các môn chuyên ngành ít, trong khi giờ cho các môn ngoại ngữ, tin học lại quá nhiều. 

- Thời gian học không hợp lý, dồn dập, đặc biệt là các lớp buổi tối. Từ đó dẫn đến tình trạng là sinh viên đi học không đều. 

- Sinh viên hiện nay không tự tin trong khi học và khi đi làm, không có phương pháp học cụ thể, khoa học. Phần lớn họ chỉ xem lại bài học khi đến gần ngày kiểm tra. 

III. Một số ý kiến phản hồi trong giáo viên 

- Giáo dục là một ngành dịch vụ nên cần cải tiến về chất lượng. Chúng ta có thể thu học phí cao để có được chất lượng giảng dạy tốt. 

- Chất lượng giảng dạy của giáo viên phải được đánh giá trên hai mặt: động lực giảng dạy và kỷ luật giảng dạy. Đảm bảo cuộc sống cơ bản cho giáo viên với chính sức lao động bằng con đường giảng dạy của mình. 

- Giáo viên là người tạo ra sản phẩm cho xã hội. Do vậy, phương pháp làm việc và dạy học, nội dung chuyển tải trong khi giảng của giáo viên là rất quan trọng. Chúng ta cần tiến đến chuẩn mực hoá các tài liệu học cho sinh viên, cần tiến đến chuẩn mực hoá trong cách ra đề thi và chấm thi. 

- Vì thời gian phân bổ cho môn học không nhiều nên giáo viên đôi lúc phải bắt buộc sàng lọc nội dung trình bày trên lớp để có thể đưa vào các bài tập mang tính ứng dụng cho sinh viên. 

- Tạo điều kiện cho giáo viên được tôn trọng, ưu ái, môi trường làm việc tốt. Tinh thần giáo viên trong giảng dạy phải được chú trọng. Các đồ dụng dạy học phải tốt, được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ để tránh tình trạng đến lớp phải mất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị hoặc thậm tệ hơn là phải vệ sinh các máy đèn chiếu trước khi bắt đầu giảng. 

- Đến một lúc nào đó thì chúng ta cũng phải công nhận rằng giáo viên như là một ca sĩ, và nhà trường như là một ông bầu. Nếu ông bầu dở thì tự khắc giáo viên sẽ ra đi. 

- Sáng tạo trong phương pháp giảng dạy vô hình chung có thể làm chúng ta vi phạm qui chế nhà trường. Điểm thi hết môn vẫn là điểm cuối cùng. Muốn hợp thức hoá các phương pháp giảng dạy hiện đại đòi hỏi trường, khoa, bộ môn phải thay đổi qui chế. 

- Nhà trường phải tin tưởng vào giáo viên và giao cho giáo viên quyền quản lý sinh viên nhất định trong giảng dạy nghiên cứu.  

IV. Một số biện pháp cần được áp dụng đối với giáo viên 

- Thầy giáo ngày nay đòi hỏi phải có đủ kiến thức và trình độ. 

- Giáo viên có thể sử dụng trợ giảng để chuyển tải những vấn đề thực tế. 

- Chủ động tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học như viết sách mang tính chuẩn mực cao về nội dung, bền vững, không thay đổi thường xuyên và có trách nhiệm lẫn nhau nếu có cùng nhiều tác giả. 

- Động viên các giáo viên cùng tham gia viết các giáo trình tài liệu tham khảo. 

- Lao động hay học tập là bắt buộc. Nếu chính bản thân giáo viên không trao cho sinh viên được kiến thức thì trao cho sinh viên sự bắt buộc lao động bằng cách làm bài tập, điểm danh hằng ngày, kiểm tra, thi. Nếu không tự làm được thì giáo viên lại vô tình tiếp tay cho những sinh viên sau này có bằng cấp thật nhưng kiến thức dỏm. 

- Giáo viên phải tự làm việc liên tục và tự bồi bổ kiến thức liên tục. 

- Dạy cho sinh viên phương pháp học là chính. Giới thiệu nhiều tài liệu mang tính chất tham khảo đối với môn học của mình. 

- Giáo viên cần phải yêu nghề, đặc biệt là các giáo viên trẻ. Chấp nhận những khó khăn và thách thức ban đầu. 

- Giáo viên cũng nên phải có một chút tính nghệ sĩ như tính nhạy cảm. Họ sẽ cảm thấy tự chán vì cách dạy của chính bản thân họ không được thay đổi, vì cách học của sinh viên quá thụ động và ỷ lại. Họ cũng phải có tính nhạy bén với thời cuộc như chịu khó tìm tòi cái mới và đáp ứng đúng nhu cầu của sinh viên. 

- Giáo viên phải có trách nhiệm trong giảng dạy với lớp, cho dù đó là lớp 5 hay 100 sinh viên thì cũng đều phải giảng như nhau. 

- Không bao giờ có tình trạng đọc chép cho sinh viên. 

- Giáo viên đôi lúc phải chấp nhận đầu tư và tạo động lực cho sinh viên tiếp thu bằng các phần mềm thực tế. 

- Thuyết giảng bằng tình cảm cũng như đe dọa cho sinh viên biết và thấy bằng các gương điển hình. 

- Thực hiện thường xuyên các chuyên đề báo cáo khoa học từ các giáo viên trẻ. 

- Tổ chức học thường xuyên chương trình Power Point cho giáo viên. 

- Mời các báo cáo viên của các công ty bên ngoài. 

- Đi tham quan thực tế. 

- Lập các tiểu ban như nghiên cứu sinh, hợp tác quốc tế và báo cáo chuyên đề trong nội bộ khoa để kích thích việc phát triển và đam mê khoa học trong giáo viên và sinh viên. 

V. Một số biện pháp cần được áp dụng đối với sinh viên 

1. Phương pháp tự học trong quá trình đào tạo:

 Tự học là xương sống của quá trình đạo tạo vì nó định hình cho một phong cách học tập mà tại đó người học: 

- Biết nỗ lực tự thân, nỗ lực vượt khó, lấy sức mình làm trụ cột để thúc đẩy mọi tìm tòi trong học hỏi. 

- Không ỷ lại vào nguồn đào tạo, nhưng biết triệt để khai thác những thuận lợi tích cực từ phía đào tạo. 

- Biến kỹ năng tự học thành môt thói quen “tự động hoá” trong mọi qui trình đào tạo và mọi tiến trình nhận thức. 

- Biết rõ rằng nếu không có thói quen tự học mà chỉ chờ chực “thức ăn dọn sẵn” là thất bại. 

- “Ai không tôn kính Thầy, đó là người không có trái tim. Nhưng nếu tôn kính Thầy mà cứ phải lẽo đẽo theo Thầy, đó lại là người thiếu hẳn cái đầu – một cái đầu biết làm việc” – LEONARD DE VINCI. 

- “Thói quen tự học sẽ gíup mỗi người trở thành chính mình, không là bản sao hay bóng mờ của người khác. Đó cũng là một thành phần chủ yếu của bản lĩnh cá nhân, thể hiện tinh hoa và bản chất của cá nhân đó” – GS. TẠ QUANG BỬU. 

- “Khi để những ý tưởng khoa học của người khác liên tục tràn vào đầu óc ta, chúng sẽ hạn chế và áp chế những ý tưởng của chính ta, và cuối cùng làm tê liệt năng lực tư duy của ta” – SCHOPENHAUER. 

Tự học là con đường có thể tự hoàn thiện: 

- Tự học là cách tự cứu mình trước khi được người khác giúp đỡ. 

- “Yêu cầu thực hành cơ bản nhất của học tập chính là sự tự học. Khi đó người ta biết tự đi tìm kiến thức, tự rèn luyện kỹ năng, thay vì chờ kiến thức tới từ sự dạy dỗ.” – QUÁCH MẠC NHƯỢC” 

- “Chỉ với ý thức tự học, tồn tại thường xuyên ở ai đó cũng đủ cho ta thấy sự vươn lên của người đó. Đấy là mầm mống của sự trưởng thành và sự thắng”- THOMAS EDI. 

2. Tự học theo phương pháp POWER:

 Từ POWER ở đây vừa có nghĩa là “sức mạnh”, “năng lực”, vừa là tên gọi của một phương pháp học tập ở bậc đại học do GS. Robert Feldman (Đại học Massachusetts) đề xướng nhằm hướng dẫn sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm một, cách học tập có hiệu quả nhất. Phương pháp POWER có 5 yếu tố cơ bản (POWER là viết tắt của năm từ chỉ năm yếu tố cơ bản này): 

° Chuẩn bị, sửa soạn - PREPARE: Quá trình học tập ở đại học không phải chỉ bắt đầu từ giảng đường khi sinh viên nghe thầy giáo giảng bài hoặc trao đổi, tranh luận với các bạn đồng học. Quá trình này chỉ thật sự bắt đầu khi sinh viên chuẩn bị một cách tích cực các điều kiện cần thiết để tiếp cận môn học như đọc trước giáo trình, tìm tài liệu có liên quan. Sự chuẩn bị tư liệu này càng có hiệu quả hơn khi đi liền với nó là sự chuẩn bị về mặt tâm thế để có thể tiếp nhận kiến thức một cách chủ động và sáng tạo. Với sự chuẩn bị tâm thế này, sinh viên có thể chủ động tự đặt trước cho mình một số câu hỏi liên quan đến nội dung sẽ được học trên lớp, thậm chí có thể tự tạo cho mình một cái khung “tri thức” để trên cơ sở đó có thể tiếp nhận bài học một cách có hệ thống. Tóm lại: “Học là quá trình hợp tác giữa người dạy và người học”. 

° Tổ chức - ORGANIZE: Sự chuẩn bị phía trên sẽ được nâng cao hơn nữa khi sinh viên bước vào giai đoạn hai. Giai đoạn người sinh viên biết tự tổ chức, sắp xếp quá trình học tập của mình một cách có tổ chức và hệ thống. 

° Làm việc - WORK: Một trong những sai lầm của phương pháp học tập cũ là tách rời việc học tập ra khỏi lao động trong khi lao động chính là một quá trình học tập có hiệu quả nhất. Trong giai đoạn này sinh viên phải biết cách làm việc một cách có ý thức và có phương pháp ở trong lớp cũng như ở phòng thí nghiệm, thực hành. Các hình thức lao động trong môi trường đại học rất đa dạng và phong phú: lắng nghe và ghi chép bài giảng, thuyết trình hoặc thảo luận… 

° Tự đánh giá - ESTIMATION: Sinh viên phải biết tự đánh giá chính bản thân mình ngoài hệ thống đánh giá của nhà trường. Chỉ có qua đánh giá một cách trung thực sinh viên mới biết mình đang đứng ở vị trí, thứ bậc nào và cần phải làm thế nào để có thể cải thiện vị trí, thứ bậc đó. Tự đánh giá cũng là một hình thức để nâng cao trình độ và ý thức học tập. 

° Suy nghĩ lại - RETHINK: Khả năng suy nghĩ lại này luôn giúp cho sinh viên biết cách cải thiện điều kiện, phương pháp và kết quả học tập của mình. Về bản chất, tư duy đại học không phải là tư duy đơn tuyến, một chiều mà đó là thứ tư duy đa tuyến, phức hợp đòi hỏi người học cũng như người dạy, nghiên cứu phải có tính sáng tạo cao, luôn luôn biết cách lật ngược vấn đề theo một cách khác, soi sáng vấn đề từ những khía cạnh chưa ai đề cập tới. Khả năng suy nghĩ lại này cũng gắn liền với khả năng làm lại (REDO) và tái tạo quá trình học tập trên căn bản nhận thức mới đối với vấn đề và kết quả đặt ra. Cuối cùng chữ R của giai đoạn thứ 5 này cũng có nghĩa là RECREATE (giải lao, giải trí, tiêu khiển), một hoạt động cũng quan trọng không kém so với các hoạt động học tập của sinh viên. 

VI. Kết luận 

 Nói tóm lại, để cải thiện cho việc dạy và học ngày càng hiệu quả và bổ ích hơn, cũng như bắt kịp phương pháp dạy và học của các nước tiên tiến trên thế giới đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều. Nó không chỉ là vấn đề đầu tư về tiền của, công sức mà còn là vấn đề cải tổ, cải cách trong phương pháp dạy và học từ các cấp bậc 2 và 3. Chúng ta không thể trông chờ mọi việc sẽ được cải tiến ở bậc đại học khi mà việc truyền đạt kiến thức nơi giáo viên và tiếp nhận kiến thức nơi sinh viên còn quá lạc hậu và thụ động ª 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét