Thứ Hai, 10 tháng 12, 2007

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TÍNH NĂNG ĐỘNG , SÁNG TẠO, ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ CỦA HỌC VIÊN

 

TS. TRẦN NGUYỄN NGỌC ANH THƯ

TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ THÁNG 8/2005

Trên hết, là cách làm việc rất nghiêm túc và hết sức nhiệt tình của các giảng viên và trợ giảng. Họ luôn khuyến khích học viên tìm tòi và nghiên cứu, cũng luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho học viên khi cần thiết. Các giảng viên cũng không ngần ngại cho thấy họ đang không ngừng học tập và nghiên cứu, là tấm gương điển hình cho các học viên.

Trở về từ chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) và chương trình đào tạo MBA của Đại học Houston Le Clerk (Texas, USA), điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là phương pháp giảng dạy năng động và tích cực. 

Kinh nghiệm nước ngoài 

Trước hết, ở tất cả các môn học, học viên đều được phát đề cương và giáo trình ngay từ ngày đầu tiên của môn học. Trong đề cương ghi rõ chương trình giảng dạy của môn học theo từng tuần, cũng dặn dò những bài đọc mà học viên cần chuẩn bị đọc trước và soạn tóm tắt. Những bài đọc này có thể ở trong giáo trình, cũng có thể là trong các sách báo tham khảo mà học viên có thể tìm thấy trong thư viện. Bài đọc có thể là một chương trong giáo trình, hoặc các bài viết theo chuyên đề, hoặc các bài báo của các học giả. Vì có đề cương nên học viên có thể chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Ở mỗi bài giảng, học viên thường phải đọc trước tài liệu rất nhiều. Các giảng viên dùng biện pháp kiểm tra đột xuất để kiểm tra việc chuẩn bị bài của các học viên. Mỗi bài kiểm tra chiếm 2% điểm trong tổng số điểm của môn học. Mỗi môn học có thể có từ 3 đến 5 bài kiểm tra. Tùy theo các nhóm giảng viên. 

Trên lớp, ở mỗi môn học, các học viên sẽ được làm quen với nhóm giảng viên, gồm nhiều giảng viên, đến từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Nhóm giảng viên sẽ giúp các học viên tìm hiểu nội dung bài giảng bằng những phương pháp tiên tiến. Nội dung bài giảng được chuẩn bị sẵn trên phần mềm Power Point và chiếu trên lớp. Để có thể giảng theo phương pháp này, ngoài việc học viên phải chuẩn bị bài trước, nội dung bài giảng cũng được photo và phát cho học viên. Do có nội dung bài giảng và đã đọc trước tài liệu nên trên giảng đường, học viên không phải ghi chép nhiều, mà tập trung vào việc nghe giảng và trao đổi, thảo luận, làm rõ nội dung bài giảng. Nếu trong giờ học chính thức học viên vẫn chưa hiểu hết nội dung bài giảng, học viên có thể tìm đến giờ trực văn phòng của các nhóm giảng viên. Giờ trực văn phòng của các nhóm giảng viên được sắp xếp hợp lý, xen kẽ lẫn nhau để các học viên có thể làm việc.  

Để học viên có thể nắm vững nội dung môn học. Sau mỗi chương ở mỗi môn học đều có bài tập. Bài tập không chỉ được soạn theo phương pháp thông thường, mà còn là những bài tập tình huống được soạn từ những tình huống thực tế. Học viên phải hoàn tất tất cả các bài tập được giao, và trình bày trên máy vi tính, không được viết tay. Các bài tập thường chiếm 25% - 30% tổng số điểm của môn học. Với một bài tập không hoàn thành, học viên sẽ bị nhận điểm 0 cho bài tập đó. Với những bài tập tình huống, học viên sẽ được tổ chức thảo luận và làm việc theo nhóm. Học viên được các nhóm giảng viên giúp đỡ trong việc học cách trình bày đề tài theo nhóm. Từ cách trình bày trên phim đèn chiếu, máy vi tính đến cách trình bày trên Power Point, sử dụng Power Point, máy chiếu ... để trình bày ý tưởng của nhóm. Các thành viên trong nhóm sẽ có cơ hội trình bày và trả lời chất vấn của nhóm giảng viên và các nhóm khác. Các chương trình đào tạo này luôn khuyến khích các học viên làm việc theo nhóm (team work). Việc sử dụng các phương tiện hiện đại trong việc dạy và học được xem là điều kiện bắt buộc để theo kịp chương trình. Trong thời gian đầu, khoảng một đến hai tuần, các nhóm giảng viên đã phải mất rất nhiều công sức để tổ chức và hướng dẫn cho các học viên làm quen, sử dụng các loại máy móc thiết bị phục vụ cho việc dạy và học . 

Ngoài ra, để phục vụ cho việc học tập trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng toàn cầu hoá, các học viên còn được hướng dẫn sử dụng Internet. Một số bài tập cũng đòi hỏi học viên phải truy cập thông tin từ các website của WB, IMF, hoặc của các hiệp hội doanh nhân thế giới v.v... Có rất nhiều bài tập mở, cho phép các học viên tự suy nghĩ và quyết định chủ đề, nội dung trình bày cũng như cách trình bày để hoàn thành bài tập. Những bài tập như vậy đã góp phần hình thành và phát triển tính năng động, sáng tạo, độc lập, tự chủ của học viên.  

Một điều đặc biệt là tất cả các bài tập đều có hạn nộp rất rõ ràng. Học viên nào nộp bài tập trễ hạn đều phải chịu trừ điểm, tùy theo mức độ trễ mà có thể bị trừ từ 10% đến 90% điểm số của bài tập đó. Quy định này vừa tạo nên sự công bằng giữa các học viên, đồng thời, tập tính kỷ luật, chủ động kiểm soát thời gian của các học viên, để thực hiện đúng hạn (on time). Không chỉ vậy, quy định này còn giúp cho học viên nhận thức được ý nghĩa của cụm từ “nguồn lực luôn luôn có giới hạn”. 

Cách tính điểm cũng rất phong phú, thường do mỗi nhóm giảng viên tự quyết định ở môn học của mình, nhưng rất rõ ràng và được thông báo từ buổi học đầu tiên của môn học. Thông thường, điểm số của môn học là tổng điểm của các bài tập cá nhân, các bài tập nhóm, bài kiểm tra giữa kỳ và bài kiểm tra cuối kỳ, tính theo hệ số. Cách tính điểm này có hai ưu điểm: thứ nhất, điểm phản ảnh toàn bộ quá trình học tập của học viên, chứ không dồn vào một kỳ thi cuối kỳ, nên giảm thiểu rủi ro cho học viên; thứ hai, khuyến khích học viên học tập tích cực trong suốt chương trình học, chứ không thể học theo cách đối phó, tức đợi đến khi thi mới học. 

Trên hết, là cách làm việc rất nghiêm túc và hết sức nhiệt tình của các giảng viên và trợ giảng. Họ luôn khuyến khích học viên tìm tòi và nghiên cứu, cũng luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho học viên khi cần thiết. Các giảng viên cũng không ngần ngại cho thấy họ đang không ngừng học tập và nghiên cứu, là tấm gương điển hình cho các học viên. 

Áp dụng vào VN 

Vấn đề mà tác giả vẫn luôn day dứt sau khi tham gia khoá học của FETP và Houston Le Clerk là: Có thể áp dụng được phương pháp giảng dạy này vào chương trình giảng dạy ở các trường đại học của Việt Nam hay không? Tác giả tin là có thể. Và tác giả đã cố gắng thử nghiệm trong quá trình giảng dạy ở trường, đặc biệt với khối sinh viên chuyên ngành và sau đại học. Qua thử nghiệm, tác giả có một số kinh nghiệm xin được đơn cử sau đây: 

Trước hết, để chuẩn bị tài liệu tham khảo cho học viên chuyên ngành và sau đại học, tác giả đã vào thư viện của trường. Thư viện của trường đã được nâng cấp, rất khang trang, và được trang bị khá hiện đại. Đó là kết quả của sự nỗ lực của Ban giám hiệu, cũng như toàn thể anh chị em công tác ở bộ phận thư viện. Nhưng, có thể nói rằng, nguồn tài liệu ở đây vẫn rất hiếm về cả số lượng và chất lượng cho học viên tham khảo, đặc biệt là giáo trình chuyên khảo. Có một số giáo trình bằng tiếng Anh, nhưng đã xuất bản quá lâu, thường là quà tặng của các chương trình dự án. Các giáo trình này học viên có thể tham khảo nhưng không cập nhật, và ít học viên sử dụng được. Các giáo trình biên soạn bằng tiếng Việt, hoặc dịch ra tiếng Việt thì quá ít về số lượng, có bản dịch lại kém về chất lượng (có thể do người dịch không chuyên). Vì thế, để bổ sung nguồn tài liệu tham khảo cho học viên, tác giả phải soạn đề cương bài giảng trên Word để phát cho học viên, trên Power Point để giảng, đồng thời photo trích đoạn các giáo trình chọn lọc theo từng chuyên đề nghiên cứu cho học viên (phải photo trích đoạn vì sợ vi phạm bản quyền). Nhưng với bối cảnh toàn cầu hoá thông tin như hiện nay, phải nhìn nhận rằng tác giả đã mất rất nhiều công sức cho việc này, vì phải soạn bài giảng liên tục và thường xuyên để cập nhật thông tin mới cho học viên. 

Bên cạnh việc chuẩn bị tài liệu tham khảo, tác giả phải lên mạng truy cập, tìm trước một số địa chỉ trang web có uy tín liên quan đến nội dung nghiên cứu của môn học để giới thiệu cho học viên, hướng dẫn họ cách sử dụng. Đồng thời, khuyến khích họ tìm tòi thêm và cung cấp cho cả lớp. Qua đó, tác giả kiểm tra nội dung các trang web này và bổ sung cho danh mục địa chỉ trang web tham khảo chuyên ngành của mình . Đây là biện pháp rất tốt để thầy và trò học lẫn nhau. 

Khi đã chuẩn bị được một phần nguồn tài liệu tham khảo và đề cương môn học, tác giả lại chuẩn bị những bài tập cho từng chuyên đề. Vì để kiểm tra học viên có nắm vững kiến thức của mỗi chuyên đề hay không, học viên cần được làm bài tập cá nhân sau bài tập nhóm. Cho học viên làm bài tập, cũng có nghĩa là tác giả phải chấm bài, và phải chấm nhanh, chính xác. Vì tất cả những bài tập này đều được trả lại cho học viên, kèm với bài giải (hay đáp án) sau khi đã nhập điểm. Hơn thế, khi trả điểm, tác giả luôn khuyến khích học viên cho ý kiến nếu học viên không bằng lòng với cách chấm, để làm sáng tỏ vấn đề. Làm việc như vậy, tất nhiên, giảng viên mất rất nhiều thời gian cho việc giảng dạy. Nhưng, chỉ như vậy, học viên mới học một cách năng động, tích cực.  

Với mỗi lớp, tác giả đều thảo luận về phương pháp học của môn học và cách tính điểm một cách công khai ngay từ buổi học đầu tiên. Vì điểm số công bằng và công khai mới có thể khuyến khích học viên nỗ lực học tập. Hơn nữa, theo tác giả, đó cũng là cách để học viên được thể hiện quyền dân chủ. Học viên được thảo luận và quyết định về những việc có liên quan đến quyền lợi của mình thì ý thức làm chủ được nâng cao, và họ sẽ cố gắng hơn, trong nghiên cứu, học tập khi đi học và trong công tác khi đã tốt nghiệp. 

Trên đây chỉ là một vài ý kiến nhỏ của tác giả về việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học.  

Qua một thời gian áp dụng phương pháp giảng dạy này, tác giả có thể nói rằng, các học viên đều cảm thấy thích thú với môn học, mặc dù, lúc đầu, có những học viên rất ngại, thậm chí phản đối vì phải đọc sách, lên mạng, thu thập thông tin và làm bài tập nhiều . Nhưng, hầu hết học viên đều công nhận rằng với cách học này họ đã học được nhiều, và nhớ lâu hơn, vì kiến thức họ có chủ yếu là do tự nghiên cứu mà có, chứ không chỉ học thuộc lòng những điều được nghe giảng. 

Một số đề xuất 

Tuy nhiên, để có thể đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập một cách có hiệu quả, tác giả cũng xin được đề xuất một vài biện pháp sau đây: 

Thứ nhất, cần có sự hỗ trợ về tài chính. Việc soạn trước đề cương, thông báo tài liệu tham khảo, chuẩn bị bài giảng trên Power Point và cả bài giảng sẽ phát cho sinh viên, học viên, chuẩn bị các bài tập và bài tập tình huống, . . . tác giả tin là các giảng viên Việt Nam đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để các giảng viên có thể làm tất cả các công việc đó, phải có kinh phí, hay nói cách khác, cần có sự quan tâm đãi ngộ về tài chính.  

Thứ hai, tiến tới áp dụng chính sách có trợ giảng khi giảng cho các lớp chuyên ngành và cao học. Trợ giảng là các giảng viên trẻ, mới ra trường, đang tiếp tục nghiên cứu ở bậc cao học hay nghiên cứu sinh. Trợ giảng sẽ giúp giảng viên trong việc chuẩn bị tài liệu tham khảo, giảng dạy, soạn đề bài tập, chấm bài để giảng cho các lớp chuyên ngành và các lớp cao học. Có như vậy, giảng viên ở giai đoạn chuyên ngành và bậc cao học mới có đủ thời gian để nghiên cứu thêm. Áp dụng trợ giảng, nhà trường có thể tốn thêm khoảng 1,5 triệu cho mỗi môn học. Nhưng bù lại, vừa tạo điều kiện cho các giảng viên mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy ở giai đoạn chuyên ngành và sau đại học; vừa giúp các giảng viên trẻ có điều kiện nghiên cứu, học tập, đồng thời có thêm thu nhập . 

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất. Để đổi mới phương pháp giảng dạy, các giảng đường phải được trang bị đầy đủ máy vi tính và máy chiếu. Hiện nay, do trường còn phải thuê một số cơ sở để dùng trong việc giảng dạy, nên việc trang bị máy móc vẫn rất khó khăn. Hơn nữa, máy chiếu ở các cơ sở vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.  

Còn về phía người học, để giúp sinh viên, học viên đổi mới phương pháp học tập, có thể chuẩn bị bài, làm và làm tốt các bài tập cá nhân, các bài tập tình huống thì cần phải có phòng Lab, với rất nhiều máy tính tốc độ cao, đủ để cho sinh viên, học viên có điều kiện hoàn thành bài vở của mình.  

Bên cạnh đó, nguồn tài liệu tham khảo ở thư viện phải phong phú, cập nhật hơn nữa. Các khoa có thể gởi danh mục sách chuyên khảo yêu cầu về thư viện trường để thư viện trường cập nhật nguồn sách .  

Hơn nữa, thư viện phải được mở cửa ít nhất đến 18 hoặc 19 giờ mỗi ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật mới có thể đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên . Nếu thiếu người trực, có thể tuyển các sinh viên thích nghiên cứu, trung thực làm thêm giờ ở các thư viện, phụ giúp các nhân viên quản thư. 

Thứ tư, để đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, cần có sự thay đổi về cách tính điểm. Điểm của mỗi môn học không thể chỉ được quyết định bởi bài thi cuối khoá, mà phải phản ảnh kết quả tổng hợp của quá trình học tập của sinh viên, học viên. Cách tính điểm phải minh bạch, rõ ràng. Muốn thế, Ban giám hiệu phải đồng ý thay đổi cách tính điểm mỗi môn học, và tất nhiên, phải đãi ngộ xứng đáng công sức chấm bài của các giảng viên. 

Thứ năm, quy mô lớp phải nhỏ. Với phương pháp học tập mới, học viên làm chủ, là trung tâm của lớp học, không thể áp dụng quy mô lớp lớn, mà phải chia nhỏ lớp. Quy mô lớp chuyên ngành cũng như cao học chỉ nên tối đa là 50 học viên. Lớp càng đông thì việc thảo luận nhóm, thảo luận trước lớp càng kém hiệu quả.  

Để thực hiện tất cả những điều này, khó khăn lớn nhất là giảng đường và kinh phí. 

Giảng đường có thể thuê ngoài, hoặc khi đưa dãy nhà mới ở cơ sở B vào sử dụng thì sẽ không thiếu nhiều.  

Như vậy, vấn đề là kinh phí. Để giải quyết vấn đề này, cần phải tiết kiệm tối đa các chi phí ở bộ phận quản lý; đồng thời có thể đề xuất tăng học phí ở giai đoạn chuyên ngành. Hơn nữa, không nhất thiết phải chia nhỏ quy mô lớp ở mọi môn học, mà cần căn cứ vào đặc điểm của từng môn học. Tăng học phí ở giai đoạn chuyên ngành cũng là cách mà hầu hết các trường đại học ở nước ngoài áp dụng. Ap dụng cách này thì học phí ở giai đoạn chuyên ngành sẽ cao hơn khoảng 30 – 40% so với giai đoạn đại cương. Hoặc tăng học phí cho toàn chương trình đại học.  

Như vậy, để đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện.  

Đất nước đang trong quá trình hội nhập. Hơn bao giờ hết, áp lực cạnh tranh của quá trình toàn cầu hoá đòi hỏi ngành giáo dục phải đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập để Việt Nam có thể sánh vai với các nước khác. Trên đây chỉ là những suy nghĩ của tác giả trước vấn đề bức xúc đặt ra cho ngành giáo dục đại học của đất nước ª 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét