Lam Giang
Chuyện người ta tranh luận về bức thư ngỏ của 61 đảng viên lão thành gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên trong ĐCSVN đến nay cũng chưa đến lúc hạ màn. Khi mà không ít tác giả đưa bài phản đối kịch liệt, kẻ tán thưởng vỗ tay kiểu "té nước theo mưa" trong khi đầu óc chả hiểu gì về chính trị, thậm chí có tay làm rối bời cả cái cơ sự vốn đã tùm lum không biết cơ man nào mà lần trên các trang blog của một số học sĩ "xịn" hiện nay ở nước ta. Bức thư được đăng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII của 61 Đảng viên lão thành, phần nào thể hiện sự "quan tâm" đến của các bậc Đảng viên kỳ cựu đến vận mệnh của Đảng, tương lai thể chế chính trị của nước nhà song lại bộc lộ sự mờ hồ và lệch lạc về mặt nhận thức và sự " tự chuyển hóa" sâu sắc về chính trị, khi lòng trung thành với Đảng và sự tin tưởng đối với chế độ XHCN giờ đây chỉ là câu chuyện buồn cho một thế hệ Đảng viên từng được Đảng ta tin cậy dìu dắt.
Trước nhất, tác giả chưa bàn luận điều gì về nội dung của bức thư ngỏ của nhóm 61, tôi chỉ gọi là nhóm 61- một nhóm người nào đó tự tụ họp và tự tan rã trong bất cứ xã hội và chính thể nhà nước nào. Đảng chính trị nào cũng đều phải được hình thành trên cơ sở giai cấp và nền tảng tư tưởng của giai cấp đó. Bởi vậy những người đảng viên khi đã là người của Đảng phái chính trị nào cũng vậy, điều tiên quyết trước khi vào Đảng chính là việc giác ngộ về mặt chính trị tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động theo điều lệ, quy định của Đảng phái đó. Nhóm 61 con người đó đã vào Đảng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của ĐCS, được trang bị hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, thế giới quan và phương pháp luận của một Đảng macxit chân chính. Vậy mà giờ đây có những ngôn ngữ đi ngược lại với quan điểm, đường lối của đảng, hoang mang và mờ hồ về lý tưởng Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta xác định trong suốt hàng chục năm qua. 61 vị này liệu còn xứng với cương vị là " Đảng viên" Đảng cộng sản? Cho rằng "Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo sai lầm về mặt đường lối..."
Năm 1930, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt nam đánh dấu sự chấm dứt thời kì khủng hoảng về mặt đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kì mới trong lịch sử dân tộc. Từ những thắng lợi khởi đầu trong việc lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân lao động, làm nên mùa thu lịch sử năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước công nông đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á; đến thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kì trước hai thế lực thực dân, đế quốc hùng mạnh sừng sỏ của thế giới giai đoạn từ 1946 đến 1975; và công cuộc xây dựng và đi lên CNXH trong cả nước với đỉnh cao là công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Trong mọi thời kì, bài học kinh nghiệm lịch sử xương máu mà chúng ta nhận thức sâu sắc chính là việc giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Viêt Nam. Như vậy, nếu sai lầm về mặt đường lối ở mọi thời kỳ thì liệu có một Việt Nam đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, đi lên từ đống đổ nát hoang tàn của hàng chục năm chiến tranh đế quốc gây ra?
Nhóm 61 nhấn mạnh đến sự "sai lầm" trong đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta. Cho hay rằng, đổi mới là sự thay đổi để phù hợp với xu thế vận động của lịch sử phát triển của nhân loại chứ không phải là một sự xóa bỏ, sự phủ nhận sạch trơn mọi thứ. Đảng ta đã có bước đi sáng tạo và trí tuệ hơn bao giờ hết khi lựa chọn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Bất cứ một nhà nước vô sản nào cũng đều phải do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, không chia quyền lãnh đạo cho một đảng phái nào khác. Bởi vậy, Đảng cộng sản là Đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, phát huy mạnh mẽ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một quy luật tất yếu. Hơn bao giờ hết, sự vận hành của kinh tế thị trường, vốn thuộc hình thái tư bản chủ nghĩa, trong điều kiện nhà nước XHCN và quan hệ sản xuất XHCN cần phải có sự định hướng của Đảng về mặt đường lối vận hành. Chệch định hướng XHCN, vận hành hướng lái theo quỹ đạo TBCN,xa rời sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước XHCN chính là mầm mống cho sự sụp đổ của CNXH và là cơ hội của các thế lực bên ngoài lợi dụng. Vận hành nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện đất nước đi lên từ xuất phát điểm của một quốc gia nông nghiệp như nước ta, tất yếu gặp phải nhiều bất cập, thiếu sót về cả lý luận và thực tiễn. Đảng không phải không nhận thức được hoặc tránh né vấn đề đó , sự lãnh đạo của Đảng trong suốt chặng đường hơn 80 năm qua cho thấy Đảng ta vừa lãnh đạo nhân dân vừa tự sửa đổi, tự chỉnh đốn và đổi mới và sàng lọc những cá nhân Đảng viên yếu kém. Điều đó 61 vị hẳn chưa rõ? Tệ tham nhũng, quan liêu thì bất kì xã hội nào, thể chế nào cũng đều tồn tại và hiện nay công tác phòng chống tham nhũng đã và đang được đảng, nhà nước ta tập trung chỉ đạo, tiến hành một cách nghiêm túc, có tham nhũng ở một vài nơi chứ không phải toàn bộ Đảng.
Nhóm 61 đưa ra kiến nghị: Đảng và Nhà nước ta phải từ bỏ Cương lĩnh, đường lối, từ bỏ mục tiêu sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển sang đường lối dân tộc dân chủ. Xin thưa rằng, quan điểm trên là hoàn toàn sai lầm. Thực tế cho thấy trên chặng đường đầu của thời kì quá độ lên CNXH Đảng ta đã xác định hoàn toàn đúng đắn từng bước đi và đường lối một cách phù hợp với thực tế đất nước. Lịch sử trước năm 1930, đã minh chứng rằng con đường cách mạng theo hướng dân chủ tư sản theo xu hướng cải lương, cải cách hoặc xu hướng bạo động cũng đều đã tỏ ra bất lực trước đòi hỏi của cuộc cách mạng, bế tắc về mặt đường lối và không có một hệ tư tưởng phù hợp trong điều kiện Việt Nam. Bởi vậy, chỉ có có đường cách mạng vô sản, đi lên CNXH là con đường duy nhất đúng đắn là Đảng ta đã lựa chọn cho nhân dân, cho dân tộc. Trong mọi điều kiện hoàn cảnh, Đảng ta luôn giữ vững vai trò lãnh đạo duy nhất đối với nhà nước và xã hôi, đơn cử đợt sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gần đây, các thể lực thù địch ráo riết đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng làm cho nước ta đi chệch định hướng XHCN, tạo ra sự đảo lộn lớn về mặt chính trị, tuy nhiên Đảng và nhân dân ta vẫn kiên định với mục tiêu, lý tưởng đã chọn.
Tôi chỉ bàn về một khía cạnh nào đó rất nhỏ trong chuỗi những sai lầm về mặt nhận thức và quan niệm của số ít những người có tư tưởng chống Đảng, đã và đang dần lún sâu vào âm mưu " tự chuyển hóa" của các thế lực thù địch. Mọi kẻ thù hiện hữu đều không nguy hiểm bằng kẻ thù hình thành từ trong tư tưởng. Phá hoại trên mặt trận tư tưởng là một trong những âm mưu và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khó nhận biết nhưng hậu quả mà nó gây ra đối với con người ở mọi quốc gia, mọi chế độ vô cùng to lớn. Bài học về việc đánh mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu ngày ấy hẳn vẫn còn vô cùng quý giá đối với chúng ta. Bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, khi cái mới và cái cũ còn hiện hữu đầy mâu thuẫn, quá trình đấu tranh đầy quyết liệt giữa những cái tiến bộ và cái lạc hậu, bảo thủ, giữa tư tưởng tiến bộ khoa học và tư tưởng cá nhân ích kỉ hẹp hòi, khi ý thức xã hội phần nào đó còn chưa đáp ứng được sự vận động biến đổi từng ngày của tồn tại xã hôi; tiềm lực kinh tế còn chưa đủ mạnh, khó khăn và những tiêu cực trong xã hội còn hiện hữu; khi một quốc gia XHCN nhỏ bé luôn phải đương đầu với các cường quốc, các ông chủ tư bản hùng mạnh trên khắp thế giới và dã tâm thôn tính của họ .... Tuy nhiên, không phải vì những khó khăn trên mà chúng ta phủ nhận đi vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước, dân tộc và toàn xã hội. Đảng ta đang cố gắng tự đổi mới về mọi mặt từng ngày, trăn trở tìm mọi biện pháp và bước đi phù hợp để vượt qua những khó khăn đó, thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, khuyết điểm trước toàn thể nhân dân để từ đó tăng cường hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong quá trình lãnh đạo.
Mỗi một người dân đều có cách yêu nước của chính mình, việc nhân dân tham gia vào đời sống chính trị, trăn trở với sinh mệnh đất nước là một việc làm đáng quý. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, yêu nước gắn với xây dựng và bảo vệ đất nước, đừng biến tình cảm thiêng liêng đó là cơ hội cho việc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bóp méo sự thật, tạo sư mơ hồ, lệch lạc về mặt tư tưởng, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và sự hoang mang dao động trong nhân dân. Nhóm 61 con người lão thành nhưng không hề trung thành này, với bức thư đầy "tâm huyết" thực sự là một câu chuyện buồn cho một thế hệ đã bao năm gắn với Đảng, với dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét