Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140912
Chiến Lược IS Là Chiếc Lược Obama
Dù mọi người mong muốn, không mấy ai tin rằng Tổng thống Barack Obama đã có thể đề ra một chiến lược tiêu diệt mối nguy của một lực lượng xưng danh Nhà nước Hồi giáo (IS, hay ISIS, hay ISIL). Quả nhiên là sau một tuần lưỡng lự và một ngày đánh trống chuẩn bị dư luận. Tổng thống Mỹ đã đưa ra một chiếc lược trong một bài diễn văm om xòm.
Chưa ai hiểu rằng ông sẽ tự chải chuốt thế nào trong hai năm tới.
Là một Tổng thống phản chiến, chưa làm gì đã lãnh giải Nobel Hòa bình, Obama hứa với quốc dân rằng sẽ triệt thoái khỏi chiến trường Iraq và chấm dứt một cuộc chiến ngu xuẩn. Khi tái tranh cử năm 2012, ông nhấn mạnh đến thành tich của chiến lược Obama: Tổ chức khủng bố al-Qaeda tàn lụi, lãnh tụ Osaba bin Laden bị hạ sát, các đơn vị tác chiến của Hoa Kỳ đã rời Iraq, với viễn ảnh là đến cuối năm 2014 thì cũng triệt thoái khỏi chiến trường Afghanistan.
Khi ấy, Chính quyền của ông cố tình bỏ qua và còn che giấu nhiều lầm lẫn tại Lybia với vụ thảm sát ở Benghazi đúng hai năm trước, khiến viên Đại sứ cùng ba nhân viên ngoại giao và an ninh bị hạ sát. Khi ấy, vào năm 2012, Chính quyền của ông cũng lưỡng lự về đối sách với cuộc nội chiến tại Syria và phe lờ một mối nguy xuất phát từ việc hấp tấp rút khỏi Iraq, là sự bành trướng của lực lượng khủng bố xưng danh Thánh chiến Jihad từ Syria tràn qua Iraq, sau này tự cải tên là Nhà nước Hồi giáo IS.
Bây giờ, mối nguy đó đánh vào não trạng dân Mỹ qua việc cắt đầu hai nhà báo Hoa Kỳ.
***
Dù đa số hết muốn chính quyền can thiệp vào chuyện thế giới, hành động khủng bố man rợ của lực lượng có tham vọng lập ra một Đế quốc Hồi giáo toàn cầu khiến dư luận Mỹ lại đồng ý với việc dụng binh tại Syria chứ không chỉ thụ động ngăn ngừa trên lãnh thổ Iraq. Obama khỏi cần thuyết phục ai về mối nguy IS nữa.
Nhưng sự xoay chuyển tâm lý này xảy ra khi Hoa Kỳ sắp có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Chẳng khác gì hoàn cảnh 2012, đấy mới là mối quan tâm ưu tiên của Obama: chính trị nội bộ. Ban tham mưu Obama muốn bảo vệ được đa số mong manh của đảng Dân Chủ tại Thượng viện hầu Tổng thống hoàn tất được việc cải tạo nước Mỹ. Chúng ta nên để ý tới sự kiện này.
Thông thường, khi đi bầu Quốc hội, dân Mỹ cân nhắc lá phiếu căn cứ đến các hồ sơ nội chính hơn là đối ngoại. Nhưng giữa những thất bại liên tục về nội chính, từ ObamaCare đến cả chục tai tiếng khác về sự gian manh của Hành pháp (dối trá về chuyện Benghazi, về cơ quan thuế vụ IRS, về khả năng của Bộ Tư pháp. về dịch vụ y tế cho thương phế binh hay nạn di dân thả con qua biên giới miền Nam, v.v...), mối nguy về IS khiến Tổng thống không thể không nói về an ninh và đối sách với quân khủng bố để lấy thêm tí điểm lẻ. Bèn làm: bài diễn văn tối Thứ Tư mùng 10 là cơ hội tuyên truyền cho sự sáng suốt của Obama và nhất là tranh thủ cử tri cho đảng Dân Chủ khi họ sẽ đi bầu vào ngày Thứ Ba mùng bốn Tháng 11 này.
Phải đọc ngược bài diễn văn từ dưới lên thì ta mới thấy ra hai mục tiêu đối nội và đối ngoại trong cùng một bài diễn văn của một Tổng thống đang mất hậu thuẫn của các thành phần dân chúng đã ủng hộ ông trong hai lần bỏ phiếu.
***
Bây giờ ta trở lại nội dung của Chiến lược IS, và vì sao đấy là chiếc lược cho một người ít tóc.
Về bối cảnh, sau thất bại thê thảm tại chiến trường Iraq khiến đảng Cộng Hoà tơi tả trong kỳ bầu cử 2006, Tổng thống George W. Bush liều lĩnh đi ngược trào lưu của quần chúng và quan điểm của ban tham mưu về an ninh và đối ngoại mà đề nghị chiến lược dồn quân đánh tới (surge).
Ông thay thế nhân sự lãnh đạo quân sự, đổ thêm quân vào Iraq để tìm thắng lợi quân sự hỗ trợ cho giải pháp chính trị, là huy động sự hợp tác của các lãnh tụ Sunni trong một chính quyền liên hiệp giữa ba xu hướng, Shia, Sunni và Kurd. Mục tiêu của việc dồn quân (chứ không phải đôn quân) là tạo điều kiện cho Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Iraq.
Ngược với dự đoán của đa số, chiến lược Bush lại có kết quả tốt đẹp, đến độ được Obama áp dụng cho chiến trường Afghanistan qua việc dồn thêm ba vạn binh lính vào tìm thế mạnh quân sự, làm cơ sở cho việc thương thuyết với lực lượng Taliban, để Hoa Kỳ tháo chạy trong danh dự.
Nhưng phong cách Obama khi triệt thoái gần như vô điều kiện khỏi Iraq, và tham vọng độc tài của Thủ tướng Nouri al-Maliki tại Baghdad, đã để lại hậu quả tai hại ngày nay là lực lượng IS.
Chính trường Iraq phần nào giải quyết được bài toán Maliki khi buộc ông ta phải từ chức để Thủ tướng Haider al-Abadi xây dựng được một chính quyền liên hiệp trong tinh thần ba phe đại đoàn kết để đối phó với một lực lượng có quá nhiều phương tiện tài chánh lẫn quân số. Phần còn lại là trách nhiệm của Hoa Kỳ, nội dung của Chiến lược IS của Obama.
Chúng ta hãy điểm lại nội dung ấy.
***
Trước hết, sau Thượng đỉnh của Minh ước NATO vào hai ngày mùng bốn và mùng năm vừa qua tại Âu Châu, Obama không thuyết phục được toàn khối NATO cùng tham gia giải quyết mối nguy IS. Trong 28 nước thành viên, chỉ có chín quốc gia đồng ý tham dự là Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Đan Mạch, Gia Nã Đại, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc Đại Lợi.
Một ngày trước khi Obama trình bày Chiến lược IS, Ngoại trưởng John Kerry nói tới sự kết hợp rộng lớn của hơn 40 nước có thể sát cánh với Mỹ. Khi Bush tung quân vào Iraq năm 2003, ông cũng nói đến "liên minh tự nguyện" gồm 43 quốc gia. Ngày nay, sự thể thật ra không khác. Trừ chi tiết là truyền thông cánh tả tại Hoa Kỳ cũng nằm trong liên minh tự nguyện đó, còn các chính khách cánh hữu thìObama khỏi lo, họ đều thúc giục Chính quyền phải cương quyết ra tay.
Đấy là một lợi thế đáng kể cho Tổng thống.
Vì Hoa Kỳ nằm bên này Đại Tây Dương nên khi nào ra quân, chính đáng hay không, Mỹ đều cần đồng minh để có tiền trạm, căn cứ quân sự, hệ thống tiếp vận và thông tin về tình báo, vv.... Do đó, việc chín thành viên NATO và hơn 40 nước sẵn sàng hỗ trợ "chiến dịch chống khủng bố" – counterterrorism campaign - của Tổng thống là một ưu thế, về chính nghĩa và chiến thuật.
Nhưng thực tế sẽ là một chuỗi mâu thuẫn của sự nhập nhằng có màu sắc Obama.
Đầu tiên, không hổ với danh xưng chủ hòa mà thực chất là phản chiến, Obama nói trước là ông sẽ không đổ quân vào trận địa. Sự nhập nhằng ở đây là định nghĩa về "đổ quân": Binh lính huấn luyện kỹ thuật tác chiến cho quân đội Iraq, mạng lưới quân báo thu thập tin tức cho chiến dịch không tập và các đơn vị biệt kích được thả vào chiến trường để truy lùng khủng bố, v.v... có được gọi là "quân" hay chăng?
Sự nhập nhằng ấy là cần thiết về chính trị trong một năm bầu cử, nhưng sẽ tạo cơ hội cho phe phản chiến bên cánh cực tả tấn công chủ trương của Obama.
Mâu thuẫn thứ nhì là vì từ chối tung quân vào trận, Obama muốn ôm quá nhiều thứ: vừa oanh tạc các mục tiêu quân sự của lực lượng IS tại Iraq và Syria, vừa trang bị võ khí cho các nhóm võ trang nổi dậy tại Syria chống chế độ Bashar al-Assad và chống lực lượng IS, vừa hợp tác với Iran tại Iraq, vừa vận động sự tiếp tay tại Syria từ một đối thủ của Iran là Saudi Arabia, v.v....
Chiến lược IS của Obama có trọng tâm thử nghiệm lại trên chiến trường Syria việc vận dụng cả ba phe Sunni, Shia và Kurd tại Iraq. Nhưng các nước Á Rập Hồi giáo lại quá thất vọng với Obama vì nhiều chuyện, như Egypt, Libya, Syria và chủ trương hòa giải với Iran. Họ có muốn sát cánh với Hoa Kỷ trong chiến dịch hợp tác đa phương này không?
Hoặc xứ Thổ Nhĩ Kỳ Turkey trong NATO lại muốn bắt cá hai ba tay, vừa ủng hộ chiến dịch chống khủng bố của Mỹ tại Iraq vừa yểm trợ lực lượng khủng bố Hamas trên Dải Gaza và gây hiềm khích với cả Israel và Ai Cập.... Turkey sẽ sát cánh với Mỹ tới cỡ nào, rồi bao giờ thì sẽ xoải cánh bay nghiêng?
Cho nên "Liên minh tự nguyện" – coalition of the willings – đã có mầm phân hóa mà chẳng xứ nào tin vào thực tâm hay khả năng của Tổng thống Mỹ.
Mâu thuẫn thứ ba là trò chơi vận dụng sức người tại Syria.
Obama vừa muốn chống chế độ al-Assad tại Damascus lại vừa đánh vào hậu phương của lực lượng IS bằng cách yểm trợ, trang bị võ khí, cho các nhóm dân quân nổi dậy được gọi là "ôn hòa". Trong các nhóm này, mạnh nhất chính là phe Salafist giương cờ Thánh chiến. Đấy là lực lượng Hồi giáo cực đoan muốn tranh hơi với Nhà nước Hồi giáo, tương tự như lực lượng IS đã muốn tranh hơi, và vượt qua mức độ hiếu sát, của al-Qaeda. Họ được gọi là ôn hoà vì cần võ khí của Mỹ - và vì chưa chống Mỹ.
Lấy vỏ dưa để đập vỏ dừa có khi sẽ lại trao duyên lầm tướng cướp, như tiền lệ đã thấy tại Libya: Mỹ lật đổ chế độ Muamar Ghaddafi tại Tripoli rồi bị tấn công tại Benghazi rồi tháo chạy khỏi Tripoli.
Những mâu thuẫn ấy mới dẫn đến bài toán thật:
Làm sao yểm trợ các lực lượng nổi dậy tại Syria để làm suy yếu Nhà nước Hồi giáo IS mà không gián tiếp củng cố chế độ độc tài al-Assad? Nếu mạnh tay biến xứ này thành vùng oanh kích tự do như tại Libya, sự hoang tàn của Syria là mảnh đất phì nhiêu cho quân khủng bố. Nhưng khi làm chế độ al-Assad bị lung lay tại Syria thì làm sao kêu gọi sự hợp tác của Iran, quốc gia đỡ đầu cho al-Assad và đang có ý đồ làm bom hạch tâm để lãnh đạo thế giới Hồi giáo theo kiểu khác?
***
Kết luận?
Vì mục tiêu chính trị nhất thời trong một năm bầu cử, Obama vẽ ra lộ trình chằng chịt của một mê cung. Hoa Kỳ sẽ loay hoay trong đó cho tới kỳ tổng tuyển cử 2016. Cho đến khi nước Mỹ có một tổng thống mới. Từ nay đến đó, hài kịch tại Mỹ có thể là bi kịch cho xứ khác.
As usual – như mọi khi....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét