Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

CHUYỆN VỀ MÙ CANG CHẢI HÔM NAY

Diệm

Bến xe khách Mỹ Đình vào dịp cuối năm dường như đông đúc, tấp nập hơn ngày thường, dòng người như hối hả theo những vòng quay của bánh xe về với gia đình đón cái tết cổ truyền của dân tộc. Chuyến xe khách đưa Tôi xa Hà Nội, nơi tấp nập, huyên náo đến với Miền Tây Bắc xa xôi. Vậy là một hành trình khám phá Miền đất lạ nữa lại bắt đầu.

Mù Cang Chải, cái tên đã gợi cho người nghe cảm giác xa xăm, heo hút. Đã có một thời gian dài người ta sử dụng cụm từ Mù Cang chải như câu cửa miệng về vùng cao. Khác hẳn với những suy nghĩ lúc đầu của Tôi, đường lên Mù Cang Chải bây giờ không còn khó khăn, hiểm trở như thường nghe họ kể, trái lại cảnh vật nơi đây lại rất hùng vĩ và không kém phần nên thơ. Ngồi trên xe khách nhìn qua ô cửa sổ, hai bên đường là những cây đào rừng đang đua nhau khoe sắc đón mùa xuân về, bên dưới là những thửa ruộng bậc thang với màu xanh của mạ non, màu trắng của nước, xa xa là những cây hoa chuối rừng đỏ tươi ẩn nấp dưới những làn sương mù đang cuốn quanh, ôm trọn lấy những ngọn núi đá tai mèo. Nhìn cảnh vật nơi đây làm Tôi không khỏi nghĩ về những con người lao động nơi đây, họ thật cần cù, sáng tạo trong mọi công việc, đặc biệt là thuần phục tự nhiên, kiến tạo ra những thửa bậc thang bên những sườn núi để gieo những mầm xanh phục vụ cho cuộc sống. 


Như hiểu được những suy nghĩ đang vẩn vơ trong đầu Tôi, Ông cụ trạc tuổi 70 ngồi cùng hàng ghế bộc bạch. Chắc cậu là người từ nơi khác, lần đầu tiên đến đây? Nở một nụ cười hiền dịu, nhẹ nhàng Tôi đáp:

Vâng, cháu từ miền xuôi lên đây. Qua vài câu chuyện xã giao Tôi mới biết ông cụ là người dân tộc H’mông sống lâu đời ở đây, hôm qua xuống thành phố Yên Bái để kiếm thêm ít đồ nghề làm thêm mấy cây sáo Mông và chiếc khèn để biểu diễn trong dịp tết. Sau một hồi nói chuyện rôm rả, bỗng ông cụ trầm tư nói:

Vậy là Ông đã quá nửa cuộc đời gắn bó với mảnh đất nơi đây, chứng kiến sự đổi thay của quê hương từng ngày, từng giờ.

Ngày xưa đường lên Mù Cang Chải vất vả lắm, muốn đến được phải qua những con đường mòn dân sinh, ngày trời nắng khô ráo thì đi mất khoảng 2 ngày đường vượt qua đèo Khau Phạ mới xuống đến Mù Cang Chải, khi trời mưa thì vất vả hơn nhiều, muỗi, vắt, rắn, rết đua nhau bò ra tấn công người qua đường, đồng bào nơi đây muốn ra được thành phố (ngày xưa là thị xã Yên Bái) mua cân muối, hay ít dầu đèn phục vụ sinh hoạt cũng là một cuộc hành trình dài, gian nan và vất vả. Nhưng đó là những câu chuyện của ngày xưa, khi đất nước ta còn có chiến tranh và dưới ách thống trị của đế quốc thực dân mới vất vả như vậy thôi, chứ bây giờ thì đã khác xưa lắm rồi.

Cậu thấy đấy, con người nơi đây bây giờ cũng được đổi mới rồi, cảnh vật và núi rừng thì giường như vẫn còn nguyên sơ, Đèo Khau Phạ vẫn sừng sững hiên ngang đứng, như đang chứng kiến sự thay đổi của quê hương. 
Ảnh: Đèo Khau Phạ nhìn từ xa

Vẫn là những thửa ruộng bậc thang ấy, những ngày xưa dưới thời Pháp thuộc người dân nơi đây quanh năm đói, phải vào rừng kiếm thêm củ sắn, củ mài về ăn thay cơm, Nhưng từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước, quê hương ngày càng đổi mới, dân trí ngày càng được nâng cao, người dân biết áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng với sự cần cù, chăm chỉ vốn có của đồng bào nơi đây đã khiến cuộc sống của đồng bào được nâng cao trông thấy. Hay là những ánh đèn dầu hiu hắt dưới thời Pháp thuộc bây giờ cũng không còn, thay vào đó là những ánh sáng đèn điện quốc gia, con đường mòn dân sinh ngày nào bây giờ cũng đã được thay bằng con đường dải nhựa, mà ô tô, xe máy vẫn hàng ngày chạy bon bon trên đường mang theo những chuyến hàng từ miền xuôi lên. Chuyện nghèo đói, hay thiếu ăn bây giờ nghe như chuyện cổ tích.

Vừa nghe ông cụ kể Tôi vừa nghe văng vẳng bên tai đâu đó những tiếng đồng thanh A, B, C của các em học sinh phát ra từ những lớp học nào đó quanh đây.

Nhấp một ngụm nước cho đỡ khô họng ông cụ kể tiếp, cuộc sống đã được nâng cao, nhưng cũng cần phải thường xuyên quan tâm đến việc bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc cháu ạ. Ở vào độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông luôn mở các lớp giảng dạy những điệu múa khèn và những bài sáo mông, để góp phần bảo tồn vốn văn hóa vốn quý của dân tộc. 

Vỗ vai Tôi, Ông cụ nói: theo ông múa khèn có được nhịp nhàng hay không? Tiếng sáo có được vang vọng hay không? Là do cuộc sống hiện thực tác động. Chỉ có dưới sự lãnh đạo và quan tâm của Đảng cộng sản Việt Nam thì “ mùa Xuân mới thực sự về với bản Mông”

Vừa được nghe và được chứng kiến những gì đang diễn ra ở nơi đây mới thấy ông cụ nói đúng, quả thật là Mù Cang Chải nay đã khác xưa, cuộc sống của Nhân dân nơi đây đã được cải thiện rõ rệt. Ánh đèn điện chiếu rọi khắp các con đường, kể cả những căn nhà nhỏ bên những sườn núi, những căn nhà xây đang từng ngày được mọc lên, mái tranh, vách đất nay được thay thế bằng những tấm lợp Brô xi măng, ngói đỏ. Mù Cang Chải ngày càng được đổi mới, có lẽ Tôi phải thay đổi cách suy nghĩ của mình khi nhắc đến Mù Cang Chải, bởi nó không còn quá xa xăm, khó khăn như người ta thường nói đến, có thực sự đặt chân đến mới thấy cuộc sống nơi đây tuyệt vời và thú vị làm sao.
Ảnh: Mù Cang Chải ngày nay
Ngẫm lại mới thấy Đảng ta thật tài tình, chỉ có hơn 85 năm lãnh đạo đất nước mà đã lập được biết bao chiến công, đưa Nhân dân ta thoát đói, thoát nghèo, cuộc sống của Nhân dân dù ở thành thị hay Miền núi cũng đều được nâng cao.

Chia tay ông cụ, Tôi xuống trung tâm huyện Mù Cang Chải khi trời đã nhã nhem tối, thấy cảnh vật nơi đây rất thú vị, hai bên đường nhà nào nhà đấy đều treo cờ Đảng, Cờ Tổ Quốc trước cửa Nhà, hay trên những ngọn cây nêu, một hình ảnh có lẽ chỉ có ở Việt Nam, chắc hẳn trong tâm khảm mỗi người Việt nói chung và những người dân ở nơi đây nói riêng họ cũng có chung một quan niệm, một suy nghĩ là dù ở bất cứ nơi đâu Nhân dân vẫn vững tin một lòng tin và theo Đảng, theo Bác Hồ, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực sự đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Khoác Balô trên vai Tôi chọn một quán trọ ven đường làm nơi dừng chân chuẩn bị cho cuộc hành trình khám phá tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét