Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Sức Mạnh Của Nghệ Thuật

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống 150210
"Vùng Oanh Kích Tự Do" 

Phép biến hóa của hư thực....



















 


* Ảnh minh diễn của báo Sống * 


Trong một bài tất niên, người viết xin tránh nói về dê và ngựa - để khỏi xúc phạm mấy chàng dê cụ và các nàng ngựa vía. Cũng chẳng nhắc tới lời sấm "Mã đề Dương cước" vì cứ 12 năm lại thấy có người kể với kết luận sai bét: đã bao lần Thân Dậu niên lai mà chửa kiến thái bình! 

Xin nói về nghệ thuật hay tôn giáo, loại đề tài không tuổi.

Xin vào đầu như thế này: Những ai yêu văn chương và phiêu lưu có thể rất mến mộ hai tác giả, một Tây, một Tầu.

***


André Malraux (1901-1976) của Pháp là một trí thức tự học và một nhà văn có "đi vào thực tế", nói theo kiểu Vê Xê.

Ham đọc sách và quảng giao với giới nghệ sĩ từ khi còn trẻ, năm 1923 chưa đậu Tú tài (một) Malraux đã phiêu lưu qua Đông Dương. Rồi vì đi ăn cắp tượng cổ trong đền Đế Thiên Đế Thích bên Miên mà vào tù tại Sàigon năm 1924. Nhờ đó mà gặp nhiều nhân vật bị thực dân Pháp tống giam vì tội "quốc sự" – mưu cầu độc lập.

Được giới trí thức nổi tiếng của Pháp lên tiếng can thiệp từ Paris, ông ra khỏi nhà tù Sàigòn, và ở lại tranh đấu cho Đông Dương độc lập.

Malraux làm báo với Nguyễn Phan Long cùng các trí thức lẫy lừng của Nam kỳ từ năm 1925. Ông bắt đầu viết truyện từ những kinh nghiệm Sàigòn về cuộc cách mạng ở Hoa lục, vùng đất mình chưa hề đặt chân tới, trừ một chuyến đi ngắn vào Hong Kong để tìm võ khí cho cách mạng và đem về được... một khẩu súng lục cho anh em.

Vào thời đó, ba tác phẩm nổi tiếng của ông - Les Conquérants (1928), La Vie Royale (1930) và La Condition Humaine (1933) – trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ về chuyện dấn thân. Nhiều nhân vật tiểu thuyết của Malraux về cách mạng tại của Trung Hoa, thật ra ông đã gặp tại Sàigòn. Có khi là một Hoa kiều trong một phòng hút thuốc phiện ở Chợ Lớn.

Malraux thành danh cách mạng đến độ một tay chuyên nghiệp là Leo Trotsky đã tìm tới ông để luận đàm sau khi bị Stalin loại bỏ - và trước khi bị ám sát. Vào Xuân, quý độc giả đọc lại đoạn trên thì cảm được mãnh lực của nghệ thuật. 


Malraux viết như thật về những điều mình chưa biết.

Rồi rong chơi khắp cõi Á Châu và Âu Mỹ, ông trở thành học giả về mỹ thuật, về văn minh Ấn Độ, mà tiếp tục tham gia mọi cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít độc tài tại Âu Châu.

Malraux chỉ biết về cách mạng thật vào năm 1936 khi phiêu lưu qua Tây Ban Nha đấu tranh cho phe dân chủ trong cuộc nội chiến chống phe phát xít quân phiệt của Tướng Franco. Không có tài thiện xạ mà cũng chẳng biết lái máy bay, Malraux làm các chiến hữu khâm phục về sự quả cảm liều lĩnh và giữ vai... Đại tá Không quân trong đạo quân dân chủ! Khi Pháp bị Đức quốc xã tấn công, Malraux nhà văn lại dấn thân nữa và tham gia kháng chiến chống Đức với bí danh là Đại tá Berger.

Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến của Tướng Charles de Gaulle, Malraux chỉ biết một người hùng là de Gaulle. Trở thành Bộ trưởng Thông tin rồi Tổng trưởng Văn hóa của de Gaulle khi nền Đệ ngũ Cộng hoà Pháp được thành lập vào năm 1958.

Trải mấy chục năm, Malraux có kinh nghiệm cộng sản từ khi thăm Liên bang Xô viết dưới thời Stalin. Kinh nghiệm đáng nhớ hơn cả, mà nhiều người Pháp đã quên – và người mình không biết – là lập trường của Maurice Thorez, Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp thời Đệ nhị Thế chiến.

Năm 1939, khi khai mở trận chiến vào Tây Âu, Đức Quốc xã của Hitler đã ký hòa ước với Liên Xô của Stalin. Vì vậy, dù Tổ quốc Pháp lâm nguy và lãnh thổ bị quân Đức chiếm đóng, Tổng bí thư Thorez và đảng Cộng sản Pháp không tham gia Kháng chiến chống Đức. Chẳng những vậy, Thorez còn mắc tội đào ngũ vì chạy qua Moscow sinh sống! Mãi đến năm 1941, khi Tổ quốc thật của họ là Liên Xô bị Đức tấn công, Thorez mới trở về và đảng Cộng sản Pháp bèn ké vai kháng chiến!

Cứ như chuyện Ba Đình ngày nay vậy!

Vì thế mà Cộng sản Pháp không thể trả lời câu hỏi dõng dạc trước đó của Malraux. "Hỡi người cộng sản, khi nội chiến bùng nổ tại Tây Ban Nha, mấy người ở đâu?" Họ lẫy lừng vắng mặt như cũng vắng mặt khi nước Pháp lâm nguy từ 1939 đến 1941.

Một nhà văn khác thì nói gọn hơn. Albert Camus: "chủ nghĩa cộng sản là cứt". Le communisme, c'est de la merde! Còn Jean-Paul Sartre thì đến cuối đời vẫn chưa hiểu gì cả! Những người ở Sàigòn mà dịch Sartre để loè sinh viên thành thị càng chẳng hiểu gì hơn. Hèn chi, nhà văn Vũ Khắc Khoan của chúng ta mới có câu rất dễ mích lòng: "Người mặc cảm thường hay xuất hư chiêu"! Sự nghiệp của Sartre là một hư chiêu vĩ đại.

Còn sự nghiệp của Malraux không dừng tại Âu Châu.

Ông từng qua Trung Quốc nhiều lần và hội kiến với Mao Trạch Đông. Lại một tay cách mạng thứ thiệt với một trí thức dấn thân! Malraux để lại một giai thoại lý thú. Họ Mao gật gù tự mãn với nhận xét của Malraux: Mao Chủ tịch, ngài có biết rằng mình là một Hoàng đế không?

Chỉ có anh hùng mới biết mặt gian hùng!

Malraux am hiểu về Trung Quốc đến độ Tổng thống Richard Nixon mời ông qua tham khảo ý kiến trước khi thăm Bắc Kinh vào năm 1972. Chuyện ấy đã trở thành lịch sử. Cũng như chuyện tro cốt của Malraux ngày nay đang nằm tại điện Panthéon bên các anh hùng của dân tộc Pháp.

Ngẫm cho cùng, một nhà văn lớn có thể là một nghệ sĩ ba xạo. Từ cái hư mà biến thành cái thực. Malraux là cao thủ trong nghệ thuật đó khi man khai lý lịch và thành tích của mình. Nhiều lắm.

Malraux khởi nghiệp là thanh niên ăn cắp tượng cổ, tái xuất hiện là tay đấu tranh cho Đông Dương độc lập, rồi vừa làm, vừa chơi, vừa học, vừa viết, ông là nhà văn dấn thân có nhiều tác phẩm để đời. Ông tham gia mọi cuộc cách mạng chống độc tài như đã viết trước đó, và trở thành học giả, chính khách được quý trọng, với câu danh ngôn khét lẹt: "Tôi xạo hết, mà dần dần thế giới lại giống với những gì tôi mô tả!" Kỳ diệu thật, cũng là một cách làm thay đổi bộ mặt thế giới vậy!

Mấy ai có được một cuộc đời ly kỳ về phép xuất xử như thế?



***


Quý độc giả có thể ngạc nhiên là vì sao lần này người viết không có khách đứng bên để vặn hỏi lung tung? Dễ lắm, mình đã thỉnh người đi mua pháo! Nhân cơ hội ta mới pháo vào nơi có nhiều nhang khói....

Các độc giả từng say mê truyện võ hiệp của Kim Dung đều nhớ đến hai chuyện hơi nghịch chiều.

Đệ tử của Lưu Linh ham rượu thì chẳng thể quên nhân vật Tổ Thiên Thu dơ dáy như một gã ăn mày và tuyệt chiêu lúc ông lên thuyền luận về nghệ thuật uống rượu với Lệnh Hồ Xung trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ. Rượu gì, uống với ly, chén hay tô như thế nào, ở tại đâu thì mới là người duyệt.... 

Tổ Thiên Thu nói như thánh sống. Truyện Kim Dung làm ta cứ xoay xoay ly rượu là lại ngước nhìn lên xem có tấm phướn màu lam tỏa ánh xanh như khi đang nhắm rượu Thiệu Hưng vậy!

Đặc tính thứ hai của truyện Kim Dung là chất Phật giáo, nổi bật nhất là trong pho Thiên Long Bát Bộ.... Ông là nhà báo, nhà văn và ngoài đời còn là học giả được các Đại học quốc tế quý trọng. Nhưng ngoài đời, ông không là tay sành rượu và hiển nhiên biết là trong ngũ giới của đạo Phật có lời khuyên giới tửu, tránh rượu. Có lẽ ông biết về rượu là nhờ đọc sách! Hư thế.

Nhưng sau khi hoàn thành 17 tác phẩm võ hiệp, Kim Dung mới gặp Phật giáo thật vào Tháng 10 năm 1976.

Đó là khi trưởng nam của ông là Tra Truyền Hiệp bỗng tự tử tại Đại học Columbia ở New York. Malraux đau lòng, cũng muốn tự sát và trở về câu hỏi đầu nguồn "tại sao"? Lúc bấy giờ Kim Dung mới tìm câu trả lời trong kinh sách nhà Phật. Thuộc loại trí thức tam giáo cửu lưucái gì cũng đọc, Kim Dung dành cả năm đọc lại kinh Phật – và thất vọng.

Vì kinh Phật viết bằng tiếng Hán!

Thế rồi sau khi đặt mua tại London toàn bộ Phật kinh Nguyên thủy bằng Anh ngữ của Hội văn học Pali (tiếng Phạn Nam, khác với Sanskrit là tiếng Phạn Bắc) thì Kim Dung lờ mờ đoán ra.

Với nét văn hóa riêng, tự xem là rất cao, người Trung Hoa dịch kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, lại muốn làm đẹp những lời tương truyền là do Phật dạy. Kim Dung thấy là họ xa dần nguyên bản, viết theo lối khoa trương thần kỳ hàm chứa nhiều điều mê tín - chữ của Kim Dung.

Ông hiểu đạo Phật hơn sau khi đọc kinh Phật bằng tiếng Anh, dịch thẳng từ tiếng Phạn mà chẳng vẽ thêm hoa lá cành.

Kim Dung cho là lời Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni, thật ra chất phác, chân thực và rất gần gũi với đời sống, Ông theo đó mà tìm hiểu và tiếp nhận được câu trả lời, nên hai năm sau thì quy y trong niềm vui sướng. Pho kinh cho phép ông so sánh hư thực không phải là Cửu Âm Chân Kinh trong truyện mà chính là kinh Pháp Hoa, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh hay Lotus Sutra.

Với độc giả phàm tục là chúng ta, Kim Dung có thể là bậc đại trí khi viết truyện võ hiệp đầy chất uyên bác. Nhưng ông chỉ trở thành đại ngộ sau khi tìm tới cái gốc sâu xa của lời Phật dạy.


***

Malraux vẽ thêm hoa lá cành về cách mạng làm nhiều người bật dậy đi làm cách mạng rồi bản thân ông cũng làm những điều đã nói từ trước. Ông biến hư thành thực. Ngược lại, nhiều người biến thực thành hư! Có khi còn thành hư đốn....

Ngoài kia, khách đã về với bánh pháo to đùng và một chai XO. Rồi ngạc nhiên khi thấy người viết này đang đánh vật với hai bộ kinh Pháp Hoa, tiếng Ta và tiếng Anh. Cho nên, vào Xuân có khách ngồi uống rượu một mình, với cái ly pha lê trong vắt, cũng bày đặt hơ hơ lên ngọn nến - để tưởng nhớ mùi hương....

Kết luận cuối năm là gì, xin độc giả tìm lấy. Nóng lạnh tự biết chứ làm sao người viết có thể giải thích rượu ngon là gì. Và thế nào mới là sự thật!

Chúc mừng năm mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét