Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Giật Mình, Đầu Nọ Ngó Đầu Kia



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống 150203
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Cốt tủy của độc tài nằm đầu nào?  

* Đức Thánh Khổng và con ngựa chiến thành Troy - Hý họa của Sống *



Sau khi nã đạn vào văn hóa Khổng Nho – chưa kể nhiều bài nhận định về kinh tế chính trị Trung Quốc đã xuất hiện từ cả chục năm nay ở nơi khác - người viết (được) mang tiếng là chống Tầu. Nói như một bà già trầu miền Nam thân yêu: "Oan ơi ông Địa!" Mà như tên gọi, ông Địa này cũng là một sản phẩm nhập cảng từ Trung Quốc.

Xin được giải oan, hay giải ảo tùy lối nhìn. Bằng cách... đọc sách dùm độc giả.


***


"Các học thuyết danh tiếng nhất trong đời là Nho và Mặc. Đạt tới mức cao nhất của Nho là Khổng Khâu, của Mặc là Mặc Địch.

"Sau khi Khổng tử mất, có phái Nho của Tử Trương, phái Nho của Tử Tư [hai môn đệ của Khổng tử], các phái Nho của họ Nhan, họ Mạnh, họ Tất Điêu, họ Trọng Lương, họ Tôn[có lẽ là Công tôn Khanh, tức Tuân Khanh, là Tuân tử], họ Nhạc Chính [một học trò khác của Khổng tử]. Sau khi Mặc tử mất, có các phái Mặc của họ Tương Lý, Tương Phu, họ Đằng Lăng.

"Như vậy là sau Khổng tử và Mặc tử, Nho chia làm tám phái, Mặc tách làm ba phái, chủ trương trái nhau, khác nhau, mà đều tự cho là chân truyền của Khổng, Mặc. Khổng tử và Mặc tử đã không thể sống lại thì ai là người quyết định được học phái nào là chân chính cho đời sau?"

Ba đoạn trên đây là phần luận sử của một nhân vật có thật là Hàn Phi trong bộ sách "Hàn Phi Tử" do cụ Nguyễn Hiến Lê phiên dịch và chú giải rất kỹ lưỡng. Vị học giả có công và đáng kính của chúng ta chỉ có một nhược điểm là từng bị chủ nghĩa Mác mê hoặc. Nhưng đã tỉnh ngộ nhờ đụng vào "thực tế cách mạng" sau 1975.

Là môn đệ của Tuân Khanh, Hàn Phi sinh năm nào thì chưa ai rõ, có thể là 280 trước Tây lịch, và mất năm -234, cách nay 2250 năm tròn. Ông là nhà tư tưởng cự phách của phái Pháp gia với lý luận chính trị có ảnh hưởng nhất của Trung Hoa. Trong hơn hai ngàn năm, các thế hệ lãnh đạo xứ này đều dùng thuật cai trị lạnh lùng của ông để bảo vệ chế độ. Nhưng khéo tráng bên ngoài cái vỏ nhân trị đạo đức của Khổng tử.

Đấy là thuật "trong bá ngoài vương" hoặc "nội  pháp ngoại nho" của văn hóa chính trị Trung Hoa. Hiện đại vô cùng khi ta nhớ đến một trung tâm kiều vận, địch vận và tình báo của Bắc Kinh là Viện Khổng Tử.

Theo cách giải của ông Hàn Phi tử thì mới chỉ 250 năm sau khi Khổng tử tạ thế, Nho đã có tám phái cãi nhau chí choé, phái nào cũng cho là mình chính thống chân truyền của Thánh Khổng. Đời sau, đời nay, nếu muốn công kích hay oanh kích Khổng Nho thì ta nã đạn vào đầu nào?

Khách có kẻ - lạ lắm, mỗi khi người viết này nạp đạn lại có khách ghé thăm! – đăm chiêu ngó vào kho đạn. Và hỏi lung tung: "Cứ như vậy mà đời nay cũng có cả chục trường phái tự xưng là "Mác xít". Mác xít nào mới đúng là của Marx?"

Huống hồ, người viết không nhấc tay mà trả lời cho cuộc đời thêm rắc rối: Huống hồ, trước khi chết Marx lại tuyên bố, rằng tôi không phải là người Mác xít! Hãy tạm để cái ông rậm râu ở đó....

Lãnh đạo Hà Nội chỉ học Bắc Kinh và bày đặt làm dáng khi nói đến "Tư tưởng Hồ Chí Minh" rồi còn nhấn mạnh rằng ông Hồ có phong cách của một nhà nho chân chính! Hà Nội cũng dùng Khổng Nho làm công cụ áp chế tư tưởng, vừa an toàn vì biện minh cho ách độc tài ngụy danh đạo đức xã hội, vửa phải đạo vì phù hợp với quan điểm hiện tại của Trung Quốc.

Bọn lãnh tụ độc tài thường có thói lợi dụng các tư tưởng phổ biến để biện minh cho quyền lực của họ. Hồ Chí Minh cũng học thói đó khi làm ra vẻ một ông đồ nho, một kẻ tiên phong đạo cốt, đôi khi bịp được dư luận Tây phương và một số trí thức Việt Nam khờ khạo. Bây giờ, cả Bắc Kinh và Hà Nội đều khai thác tư tưởng Khổng Nho và trình bày như một giá trị tinh thần của Á châu - mà thực chất vẫn chỉ là một Á châu lạc hậu.

Nhìn từ thế kỷ 21 này, ta thấy tư tưởng Khổng Nho như đã được độc quyền quảng bá tại nước ta từ thế kỷ 15 đến giờ thì có lẽ không còn thích hợp. Nhân danh trật tự xã hội, nó biện minh cho tinh thần trọng nam khinh nữ, ngu dân và bảo vệ ách độc tài. Nó không cho phép phát huy khả năng phê phán, óc hoài nghi, nó làm thui chột sự sáng tạo và không giúp cho xã hội tiến hoá.

Khách ngồi bên ra vẻ trầm ngâm, rồi mắt sáng lên: - May quá, dân ta còn có tinh thần "tam giáo đồng nguyên"!


***


Nghe vậy, người viết ca bài ngao ngán. Bố khỉ, chuyện "tam giáo" ấy cũng lại nhập cảng từ bên Tầu!

Những ai tin là dân ta có tinh thần "tam giáo đồng nguyên" thật ra vẫn đánh giá thấp khả năng lừa phỉnh cao độ của trí thức Khổng Nho. Đấy là một huyền thoại tai hại vì phả khói hồng lên tình trạng độc tôn văn hoá của Khổng Nho. Bảo rằng dân ta có khả năng tổng hợp cả ba tôn giáo này là cách tự ru ngủ rất tệ và trong hiện tại, nó chỉ có lợi cho chế độ cộng sản mà thôi.

Thấy khách hoài nghi, người viết thở hắt: Cụ ơi, chuyện "tam giáo" cũng như "chính phủ ba thành phần" năm xưa vậy, với thành phần cộng sản nắm giữ phần chính chứ chẳng có đa nguyên hay liên hiệp gì hết.

Thấy khách ngẩn người ôm lấy chai rượu để tự an ủi, người viết ân cần giải thích tiếp.


***


Chuyện này hơi dài vì thực tế ban đầu của thời độc lập, người dân Nam có tin vào ba hệ thống tín ngưỡng Phật, Lão và Nho lồng lên trên các khái niệm tâm linh mình đã có từ trước.

Dân ta có theo Phật giáo, tiếp nhận trực tiếp từ Ấn Độ và khởi đầu còn nhiều ảnh hưởng Mật tông. Dân ta cũng theo Lão giáo, nhưng là hình thái bình dân gọi là Đạo giáo. Còn tầng lớp ưu tú thì nghiên cứu phép trường sinh hay thuật phong thủy. Quan trọng nhất, dân ta vẫn tiếp nhận hai tôn giáo ấy như triết lý sống. Thành phần có chức có quyền thì thiên dần về Khổng giáo vì đặc tính chính trị của nó: những chỉ dạy của đạo Khổng về kỷ cương xã hội có lợi cho kẻ có học hay có quyền. Và còn được bổng lộc để lo tròn chữ hiếu theo lời dạy của Mạnh tử!

Về lịch sử thì quả là đời Lý, thời vua Lý Cao Tông có mở khoa thi tam giáo đầu tiên vào năm 1195. Việc thi cử ấy nối tiếp qua đời Trần nhưng đến đời Lê thì tam giáo gì cũng quy vào một là Khổng giáo. Thi tam giáo là nhằm tuyển chọn những người thông hiểu cả đạo Nho, đạo Lão và đạo Phật để giúp vua trị nước. Nhưng rồi đạo Khổng lấn át hai tôn giáo kia để thành hệ thống tư tưởng độc tôn trong hơn năm thế kỷ. Phật giáo thì bị đánh văng khỏi triều đình và thu mình trong làng xã để giúp chúng sinh.

Phép "xuất" và "xử" của người xưa cứ chỉ lòng vòng trong hệ thống Khổng nho.

"Xuất" là khi đem cái học từ Lục kinh Lục nghệ để phò vua. "Xử" là khi lui về dạy học, mà dạy thì chỉ toàn dạy sách Thánh hiền của Khổng Nho. Khi về già, một số người đó có thể ưa thích tư tưởng Phật giáo hay Lão Trang để giải thoát hay hưởng nhàn chứ cũng không coi đó là tôn giáo.

Trong thế kỷ 21 mà còn được học về tam giáo như nền tảng văn hoá của mình thì có lẽ ta hiểu sai, hay gặp thầy cô thiếu hiểu biết. Hoặc cố tình nói nhảm!

Thấy khách ngồi im như tự xoa lấy vết thương lòng, mình bèn tiếp tục đọc sách dùm bạn....


***


Người viết thành thật khai báo mình có hai thần tượng về tư tưởng chiến lược và văn tài thi ca, Nguyễn Trãi vào thời Lê Lợi và Ngô Thời Nhiệm thời Nguyễn Huệ. Còn lại, về trình độ tư tưởng nói chung, ta thấy sự tự mãn nông cạn của Nho thần. 

Thân phụ của Ngô Thời Nhiệm (hay Ngô Thì Nhậm) là Ngô Thời Sĩ, một sử gia rất tiến bộ vào thời đại của ông ở cuối thế kỷ 18. Trong bộ Đại Việt Sử Ký Tiền Biên của ông, do chính Ngô Thời Nhiệm hiệu đính và cho ra mắt năm 1800, Ngô Thời Sĩ viết như sau về tôn giáo, thi cử và về tư tưởng ưu việt của đạo Khổng:

"Người thi tam giáo tức là phải thông hiểu ba giáo Nho, Đạo, Thích, ai đỗ thì cho xuất thân. Kể ra các bậc chân Nho xưa, cũng có người xét rộng đến trăm nhà, nghiên cứu về Lão Thích, cuối cùng họ cũng biết được Lão và Thích thì mờ mịt mông muội không thể nắm được, mới quay lại tìm ở Lục kinh. Lục kinh tức là truyền đạo của Khổng tử, có đạo nghĩa về vua tôi, cha con, có lời dạy về quy tắc của vạn vật và luân thường của nhân dân, bản lĩnh tôn chỉ của nó chỉ ở đâu "duy tính duy nhất" mà thôi, khiến cho người đã theo Nho lại thông cả Đạo và Thích".

Cả ba cái đầu đều quy vào một mối! Hai đầu kia là "mờ mịt mông muội"....

Đấy là một lý luận về xã hội và chính trị hơn là văn hóa hay tôn giáo và cho thấy sự độc tôn của Khổng Nho. Còn Lão giáo hay Phật giáo chỉ là vật trang trí cho cái ưu thế bất khả tư nghị - chẳng thể luận bàn - của Khổng Nho.

Ngẫm lại, chuyện "tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức" là một chuỗi dây chặt chẽ để cột đàn bà vào việc phục tòng đàn ông, dù là con trai do mình đẻ ra. Và để cột đàn ông vào việc phục tòng nhà vua mà họ coi là con của Trời, là Thiên tử. Đấy là sự áp chế con người mà chính Khổng tử cũng chẳng nghĩ ra khi còn sống, rồi được hệ thống hoá từ thời Hán Vũ Đế về sau.

Vì tinh thần ấy mà Khổng Nho triệt để bài xích Phật giáo, Lão giáo và cả Công giáo sau này vì các dòng tư tưởng ấy đe dọa sự độc tôn của họ. Nôm na là Chân Lý phải xuất phát từ Thiên tử, qua cách suy diễn của các Nho thần.

Thiên tử ngày nay là Đảng. Nho thần là bọn lý luận bảo vệ sự chính thống của đảng, cũng với thuật trong bá ngoài vương, ngoài thì nói chuyện vương đạo và dân chủ, trong dùng trò lưu manh bá đạo. Trung Quốc và Việt Nam đang áp dụng thuật đó và muốn lừa Tây phương.

Tai hại hơn Khổng Nho ngày xưa, bọn Khổng Nho đỏ còn nhồi vào đầu thiên hạ ba chuyện: Quá khứ ra sao, cách lý giải theo sử quan của đảng mới là đúng. Tương lai thế nào thì đảng đã nói trước - và không thể sai: từ xã hội chủ nghĩa tất yếu tiến lên cộng sản chủ nghĩa.

Còn Hiện tại thì đảng nắm chắc trong tay, cả két bạc và tờ báo, cái còng và khẩu súng. 

Đốn mạt!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét