Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Đông Á Xoay Vần

Gia Minh & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 150225

Việt Nam có thể lại lỡ cơ hội thoát Tầu
 
Cầu Liede dọc theo sông Pearl tại thành phố Quảng Châu

* Cầu Liede, bên phải là tháp Canton, cao nhất, và các tòa nhà chọc trời khác dọc theo sông Pearl tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 8 tháng 1 năm 2015. (Ảnh minh họa) chinatourguide.com* 
 
 

Bước vào một năm âm lịch mới, với nhiều quốc gia Đông Á vẫn còn sử dụng lịch pháp này và coi năm Ất Mùi là một vận hội mới, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vận hội đó.

Gia Minh: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chúng ta vừa bước vào một năm âm lịch mới, năm nay được gọi là Ất Mùi. Như thông lệ thì mở đầu cho một chu kỳ mới, ai cũng muốn dự đoán thời vận của năm mới, nhất là tại khu vực Đông Á là nơi mà nhiều quốc gia vẫn dùng âm lịch làm cơ sở tính toán thời vận. Trên diễn đàn này, ông nhiều lần cảnh báo thời kỳ thoái lui của kinh tế Trung Quốc sau mấy thập niên tăng trưởng rất ngoạn mục. Nếu Trung Quốc thoái lui như vậy thì các nước Đông Á sẽ ra sao? Và Việt Nam nên làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng ta sẽ trước tiên nhìn vào Trung Quốc vì đấy là một cường quốc kinh tế cấp vùng với sản lượng đã vượt qua Nhật Bản năm năm về trước để là nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới.

- Khi nhìn vào Trung Quốc thì ta không thể quên chuyện trường kỳ và vấn đề ngắn hạn. Trong ngắn hạn, kinh tế Trung Quốc bước vào thời suy giảm, với đà tăng trưởng thấp và rủi ro cao hơn. Xứ nào cũng có thể trải qua giai đoạn ấy khi áp dụng quy luật của thị trường để tăng trưởng và sau vài chục năm thành công thì cũng có lúc hụt hơi và bị khủng hoảng nếu tăng trưởng không có nền tảng lành mạnh. Nhưng nhìn trong trường kỳ - và đây là một đặc tính của lãnh đạo Trung Hoa thời xưa hay Trung Quốc thời nay – thì xứ này theo đuổi một chiến lược lâu dài là dùng kinh tế hơn quân sự như lợi thế giúp mình trở thành một siêu cường ngang tầm Hoa Kỳ rồi vài chục năm nữa thì sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành một trung tâm có ảnh hưởng của thế giới.

Gia Minh: Vâng thưa ông, nếu bây giờ ta nói về chuyện ngắn hạn thì những gì có thể xảy ra cho kinh tế Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo thuật "quỷ biển" quen thuộc của văn hoá chính trị Trung Hoa, với chữ biển như biển lận, là gây ra ấn tượng sai về chính mình để lừa gạt người khác, lãnh đạo Bắc Kinh thành công khi làm thế giới hiểu lầm. Rằng họ áp dụng quy luật thị trường để phát triển quốc gia và nhờ kinh tế tăng trưởng khả quan thì chính trị trên thượng tầng cũng thay đổi khiến Trung Quốc sẽ theo xu hướng dân chủ. Sự thật không được lạc quan như vậy vì Bắc Kinh chỉ áp dụng quy luật thị trường một cách hạn chế và tập trung tài nguyên vào khu vực kinh tế nhà nước với các tập đoàn quốc doanh được chế độ độc tài ưu tiên nâng đỡ và ngày nay vẫn cung cấp đến 40% Tổng sản lượng GDP.

- Tuy nhiên, sau một giai đoạn phát đạt với lực đẩy là đầu tư chiếm tới hơn 40% của GDP, thì kinh tế Trung Quốc hết đà tăng trưởng và ưu thế có nhân công rẻ với lương bổng thấp cũng không còn. Vì vậy, từ nhiều năm nay lãnh đạo xứ này phải chuyển hướng kinh tế là tìm lực đẩy nhờ tiêu thụ, với ưu tiên là khu vực dịch vụ thay vì khu vực chế biến hàng công nghiệp nhẹ.

Gia Minh: Thưa ông, từ Đại hội khóa 18 vào cuối năm 2012 thì Bắc Kinh đã nói đến việc cải cách kinh tế theo hướng đó và sẽ áp dụng quy luật thị trường một cách phổ biến hơn, với tầm quan trọng giảm thấp của các tập đoàn kinh tế và ngân hàng của nhà nước. Nhưng sau ba năm thì họ có làm được như vậy không? Hõi cách khác, họ có thực lòng cải cách như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng họ thật sự chẳng có cách nào khác vì khu vực kinh tế nhà nước đã trở thành những trung tâm thu vét tài nguyên mà chẳng đóng góp gì cho phát triển. Nhưng cũng chính các trung tâm ấy đang tìm cách cản trở nỗ lực chuyển hướng vì sợ mất quyền lợi. Vì thế chúng ta mới thấy cả một chiến dịch giải trừ tham nhũng và truy tố các đảng viên cao cấp để lãnh đạo có thể thâu tóm quyền lực về trung ương hầu lèo lái con thuyền kinh tế ra khỏi vùng giông bão. Thuần về kinh tế thì việc chuyển hướng đó không dễ mà phải cần thời gian trong khi tốc độ tăng trưởng sẽ giảm chứ không thể là trên 7% một năm như Bắc Kinh đề ra.

- Yếu tố thứ hai mà ta cần chú ý là trong ba chục năm đầu của thời cải cách do Đặng Tiểu Bình đề xướng thì các tỉnh duyên hải đã phát triển mạnh nhờ hội nhập và làm ăn với bên ngoài. Trong khi các tỉnh bị khóa trong lục địa thì vẫn nghèo nàn và lạc hậu khiến xã hội xứ này gần như bị chia đôi như trong quá khứ và gây lo sợ cho lãnh đạo. Vì vậy họ tập trung quyền lực về trung ương để có thể tái phân lợi tức và phát triển các tỉnh ở bên trong. Nỗ lực đó cũng chẳng dễ dàng và mau chóng hoàn tất, dù hậu quả xã hội của tình trạng phát triển thiếu cân bằng và chẳng công bình đó đang gây ra nguy cơ động loạn, là điều đã từng xảy ra trong lịch sử xứ này.

- Sau cùng, cũng cần nhìn thấy một yếu tố bất ổn thứ ba là su vụ Tổng suy trầm toàn cầu vào năm 2008, Bắc Kinh dùng tín dụng làm đòn bẩy kích thích kinh tế, với số vay nợ tăng gấp bốn và nay đã vượt gấp đôi Tổng sản lượng. Các doanh nghiệp Trung Quốc nay có mức nợ cao nhất thế giới và điều ấy cũng đe dọa hệ thống ngân hàng khiến khủng hoảng tài chính có thể bùng nổ như đã xảy ra cho mọi quốc gia đi trước, thí dụ như Nhật Bản hay Đại Hàn vào các năm 90, 97.

Gia Minh: Tổng kết lại về kinh tế Trung Quốc vào đầu năm Mùi, thì vận hội mới của họ là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh đang trước hết thâu tóm quyền lực và còn độc tài hơn trước để bố trí lại phương tiện cho các khu vực và thành phần kinh tế theo ưu tiên khác. Hậu quả là thêm nạn độc tài mà ít đà tăng trưởng. Họ bước vào năm mới trong tình trạng khó khăn ấy nên viện dẫn một động lực tâm lý khác là chủ nghĩa quốc gia dân tộc, cũng là một truyền thống khá quen thuộc mỗi khi quốc gia lâm nguy. Trong hoàn cảnh đó, các nước Đông Á tính sao?

Gia Minh: Quả thật như vậy, trong hoàn cảnh đó các nước lân bang tại Đông Á tính sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ rằng họ có những cơ hội mới về kinh tế mà cũng gặp hiểm tai lớn về an ninh.
- Trong quá khứ, xứ nào cũng áp dụng chiến lược thu hút tư bản để phát triển nhờ có nhân công nhiều và rẻ như Hoa Kỳ đã khởi đầu từ 130 năm về trước, hoặc Nhật Bản từ 60 năm trước. Trung Quốc cũng theo đường này và với dân số cao nhất địa cầu đã trở thành một "công xưởng của thế giới". Chuyện ấy ngày nay đã hết vì họ cũng bị nạn lão hóa dân số từ kế hoạch mỗi hộ một con được ban hành từ năm 1978 và vì nhân công khan hiếm hơn đã đòi mức lương cao hơn. Ngoài ra, vì tưởng rằng mình đã mạnh, lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng gây khó cho các doanh nghiệp ngoại quốc trong tinh thần cạnh tranh.

- Vì vậy, rất nhiều quốc gia trên thế giới có thể trám vào cái khoảng trống do kinh tế Trung Quốc để lại. Khoảng trống đó là các ngành sản xuất sản phẩm tiêu dùng như áo quần, giầy dép, đồ đạc và cả ngành ráp chế điện thoại cầm tay hay linh kiện điện tử. Các ngành này có ưu điểm là cần ít tư bản và có thể di chuyển cơ sở tương đối dễ dàng đến những nơi có nhân công nhiều và rẻ.

Gia Minh: Thưa ông, thế thì ai chuyển tư bản vào nhưng nơi đó? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chính là các doanh nghiệp đã từng góp phần cho đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

- Bây giờ, các tập đoàn quốc tế ấy sẽ phải tìm nơi khác làm công xưởng. Nơi đó có thể là Mexico hay Peru tại Trung Nam Mỹ, có thể là vài xứ Đông Phi chưa bị loạn vì nạn khủng bố Hồi giáo. Nhưng an toàn và nằm giữa một khu vực thịnh vượng thì có các nước Châu Á, như Bangladesh, Sri Lanka, và nhất là các nước Đông Nam Á như Miến Điện. Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Philippines hay Indonesia. Trong danh sách này có khi còn vài xứ khác chứ mình chưa thể biết hết được, nhưng ít ra cũng là những trị trường có trên một tỷ người chứ không ít đâu. Mà đã nói về nhân lực thì ta chẳng thể quên thành phần phụ nữ nay đã mạnh mẽ tham gia thị trường lao động, nhất là tại Đông Á.

- Nếu nghĩ đến các tiêu chuẩn quyết định cho việc thiên hạ chọn nơi đầu tư để thay thế thị trường Trung Quốc thì ta có thể kể ra là 1) dân số, 2) trình độ tay nghề nhờ giáo dục và đào tạo, 3) khả năng Anh ngữ và 4) nhất là sự lành mạnh của môi trường đầu tư với luật lệ minh bạch.

- Kể từ năm Mùi này, ta có thể nghĩ đến một kỷ nguyên tăng trưởng cho các nước tại Đông Á khi họ thay thế vai trò của Trung Quốc. Đây là một sự xoay vần mới, có thể kéo dài cả chục năm cho đến khi các nước đó cũng tiến lên một trình độ phát triển khác.

Gia Minh: Thưa ông, trong vành cung Đông Á kéo dài từ Ấn Độ dương qua Thái bình dương như ông vừa trình bày thì có cả Việt Nam. Liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi e là không vì dù Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh với các nước Đông Á kia nhờ nhân lực trẻ và có hiểu biết nhưng lại gặp giới hạn là môi trường đầu tư chưa thông thoáng, hành chính thiếu minh bạch và có quá nhiều tham nhũng. Và Việt Nam còn bị một giới hạn chết người hơn nữa là lãnh đạo Hà Nội lại coi xứ mình như sân sau của Trung Quốc nên ưu tiên tạo điều kiện dễ dãi cho giới đầu tư của Trung Quốc. Thành thử, Việt Nam có thể lỡ cơ hội thoát Tầu, đấy là chuyện rất đáng nói về năm Mùi.

Gia Minh: Hồi nãy ông có nói rằng các nước Đông Á có những cơ hội mới về kinh tế mà cũng gặp rủi ro lớn về an ninh. Thưa ông, rủi ro đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi lãnh đạo Trung Quốc phải chuyển hướng trong giai đoạn khó khăn, họ đề cao chủ nghĩa dân tộc và nói đến giấc mơ Trung Hoa là trở thành siêu cường ngang tầm Hoa Kỳ. Họ chưa có khả năng quân sự để thách đố sức mạnh của Hoa Kỳ mà vẫn có thể uy hiếp xứ khác, trước hết là các lân bang tại Đông Á. Trong số này không có các nước vững mạnh như Nhật Bản, Nam Hàn hay thậm chí Đài Loan mà chỉ có các nước trong vùng Đông Nam Á. Bị rủi ro nhất trong số này cũng chính là Việt Nam vì giáp giới với Trung Quốc, ngày nay đang bị bao vây ở bên ngoài mà bên trong thì bị Trung Quốc điểm vào xương sống sau khi đã thu phục giới lãnh đạo ở trên.

Gia Minh: Câu hỏi cuối về sự xoay vần sắp tới của Đông Á, thưa ông, các quốc gia trong khu vực này có thể làm gì để thêm sức mạnh về kinh tế mà giảm thiểu rủi ro về an ninh từ Bắc Kinh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng các quốc gia phú cường trên thế giới đều muốn có một khu vực Đông Á thịnh vượng và ổn định nên vì quyền lợi của mình, họ đều phải canh chừng động thái của Trung Quốc. Ta có thể kể đến hàng loạt quốc gia bán đảo hay quần đảo vây quanh Trung Quốc từ Ấn Độ dương qua Thái bình dương, là Ấn Độ, Úc, Nam Hàn, Nhật Bản và dĩ nhiên cả Hoa Kỳ. Không ai muốn công khai nói đến chuyện be bờ ngăn chặn Trung Quốc như đã từng làm chung quanh Liên bang Xô viết trong thời Chiến tranh lạnh, nhưng chính vì chủ trương bành trướng của Bắc Kinh, phản ứng ngăn chặn này đang tự nhiên thành hình và đấy cũng là một sự xoay vần của Đông Á.

Gia Minh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét